Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất ngoại, Zalo “kiếm” được 2 triệu người dùng
Hữu Tuấn - 05/11/2016 09:41
 
Chỉ sau 4 tháng thâm nhập thị trường Myanmar, ứng dụng Zalo của Công ty VNG đã thu hút được 2 triệu người dùng tại nước này, mở rộng cánh cửa ra thế giới của công nghệ thông tin Việt Nam.

Tháng 6/2016, ứng dụng Zalo của Công ty VNG bắt đầu tiếp cận thị trường Myanmar, khi đã đạt 50 triệu người dùng ở Việt Nam. Lúc đó, các thành viên của dự án phải bắt đầu từ khâu nghiên cứu thị trường đến việc đưa ra chiến lược tiếp thị, phân phối sản phẩm.

Trong một nỗ lực để từng bước hiện thực hóa “giấc mơ lãng mạn mới” của mình, giấc mơ mang được Zalo ra thị trường nước ngoài, đội ngũ kỹ sư của Zalo đã liên tục sang nước sở tại để tìm hiểu về hành vi người dùng và đầu tư xây dựng hạ tầng tại đây.

.
.

Thời điểm đó, Myanmar - thị trường đầu tiên của Zalo ở sân chơi quốc tế, là mảnh đất tiềm năng với 52 triệu dân và đang ở giai đoạn mở cửa. Công nghệ phát triển, nhưng hạ tầng lại chưa thay đổi kịp để đáp ứng nhu cầu, kết nối Internet còn khá yếu và điện thoại smartphone phổ biến là các dòng máy giá rẻ. Về những điểm này, Myanmar khá giống với Việt Nam lúc Zalo ra mắt vào cuối năm 2012. Tương tự, Zalo đã thiết lập máy chủ riêng cho thị trường Myanmar và từng bước tối ưu sản phẩm có thể chạy tốt trên các thiết bị phổ biến.

Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết bài toán này ở Việt Nam, nhưng các kỹ sư của Zalo vẫn rất thận trọng, bởi đây là lần đầu tiên họ bước ra thế giới. Bất cứ một sự thay đổi nào của sản phẩm cũng được cân nhắc kỹ càng, dựa trên những phân tích số liệu phức tạp và các cuộc thảo luận kéo dài.

Đến thời điểm hiện tại, nỗ lực của Zalo tại sân chơi toàn cầu đã bước đầu được ghi nhận với cột mốc 2 triệu người dùng đầu tiên. Một số nghệ sĩ lớn của Myanmar như Nay Toe, Tun Tun, Thun Set cũng là thành viên tích cực của OTT này.

Theo đánh giá của giới công nghệ Myanmar, sở dĩ ứng dụng Việt được ưa thích là nhờ khả năng kết nối nhanh, ổn định, bên cạnh các điểm cộng khác như ứng dụng duy nhất hỗ trợ ngôn ngữ và nội dung địa phương tính đến thời điểm hiện tại.

Nói về khả năng thành công lớn hơn trong tương lai, ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc VNG, người sáng lập Zalo chia sẻ thẳng thắn rằng, chính Zalo cũng không hoàn toàn tự tin. Việc thâm nhập một thị trường mới phức tạp và khó khăn hơn nhiều lần so với đáp ứng nhu cầu người dùng Việt, nhưng Zalo sẽ cố gắng hết sức có thể.

“Cột mốc 2 triệu người dùng ở Myanmar còn khiêm tốn, nhưng là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục theo đuổi khát vọng của mình”, ông Khải nói.

Zalo ra mắt thị trường vào tháng 12/2012 và được biết đến như một ứng dụng liên lạc trên đi động. Hiện tại, sản phẩm này đã mở rộng phạm vi dịch vụ, hướng đến các nhu cầu đời sống thiết yếu như việc làm, đi lại, ăn uống, sức khỏe, điện nước…

Tính đến tháng 9/2016, Zalo đã cán mốc 60 triệu người dùng. Trong số này, có khoảng 32 triệu người sử dụng Zalo thường xuyên. Zalo đang được giới tài chính định giá ở mức 900 triệu USD.

Ông Vương Quang Khải chia sẻ 4 niềm tin quan trọng mà theo ông, đây sẽ là 4 yếu tố cần thiết để Zalo tồn tại và phát triển trong thế giới công nghệ.

Thứ nhất, thế mạnh của Zalo chính là nhân lực.

Thứ hai, người Việt hoàn toàn có thể đạt đến đẳng cấp thế giới.

Thứ ba, Internet là lĩnh vực thay đổi không ngừng, nên những kinh nghiệm có thể chính là những rào cản cho việc tiếp cận cái mới. Do đó, người Zalo group cần phải luôn cởi mở với những ý tưởng mới, sẵn sàng học hỏi và tiếp cận vấn đề theo góc nhìn khác.

Thứ tư, trong lĩnh vực Internet, những người càng trẻ càng có nhiều lợi thế. Ở Zalo, họ sẽ được tạo cơ hội để học hỏi và phát triển.

"Bẫy" khách bằng Zalo để cưỡng đoạt tài sản
Không phải thu hút khách đến quán cà phê, trà chanh bằng đồ uống ngon, chất lượng hay giá cả cạnh tranh, các đối tượng từ chủ quán đến nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư