Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Yếu tố nào giúp thương hiệu bán lẻ Uniqlo, Aeon Mall, MUJI thành công tại Việt Nam?
Nguyên Đức - 14/07/2021 08:06
 
Các thương hiệu Nhật Bản vẫn tưng bừng mở rộng thị trường tại Việt Nam, bất chấp Covid-19. Họ cũng là những nhà bán lẻ ngoại kinh doanh rất thành công tại Việt Nam.
Cửa hàng của MUJI luôn đông nghẹt khách. Ảnh: Đ.T

Thương hiệu bán lẻ Nhật đổ bộ

Sau 2 năm tìm kiếm địa điểm, cuối cùng, thương hiệu MUJI (Nhật Bản) cách đây hơn 1 tuần đã chính thức khai trương cửa hàng ở Vincom Metropolis Hà Nội.

Khai trương vào đúng dịp cuối tuần, lại cũng đúng thời điểm Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách xã hội, nên rất đông khách xếp hàng vào tham quan và mua hàng. Hình ảnh ấy đủ cho thấy mối quan tâm đặc biệt của khách hàng đối với thương hiệu MUJI.

Cách đó không xa, cũng trong tòa nhà Vincom Metropolis, các quầy hàng của một thương hiệu Nhật Bản khác - Uniqlo - cũng rất đông khách tới mua hàng, bất chấp Covid-19. Kể từ khi chính thức mở cửa vào cuối tháng 9/2020, cửa hàng Uniqlo ở đây chưa bao giờ vắng khách. 

Nhưng đông hơn cả có lẽ là AEON MALL Hà Đông. Ngay cả trong những ngày cao điểm dịch bệnh ở Hà Nội, ở AEON MALL Hà Đông, khách hàng lúc nào cũng đông nghẹt.

“Mở cửa vào thời điểm dịch bệnh này, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cố gắng mở cửa hàng sớm nhất, mang lại sự thoải mái cho khách hàng”, ông Tetsuya Nagaiwa, Tổng giám đốc MUJI Việt Nam chia sẻ.

Như vậy, sau khi mở cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM vào cuối tháng 11/2020, khi Covid-19 đang được kiểm soát tốt ở Việt Nam, MUJI đã “đánh quân” ra thị trường phía Bắc. “Chiến lược của chúng tôi là sẽ áp đảo tại hai thành phố lớn trước, nhằm cải thiện và nâng cao độ nhận diện thương hiệu. Tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế, dân số và các yếu tố khác, MUJI sẽ cân nhắc mở thêm cửa hàng ở các thành phố khác”, ông Tetsuya Nagaiwa cho biết.

Thực tế, khi mở cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM, MUJI đã không giấu giếm tham vọng sẽ có 8-10 cửa hàng tại các thành phố lớn ở Việt Nam. “Thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất trên thế giới hiện nay. Việt Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư khi kinh tế liên tục tăng trưởng, dân số trẻ có thu nhập trung bình không ngừng gia tăng”, ông Tetsuya Nagaiwa lý giải việc chọn Việt Nam là điểm đến.

Có lẽ, đó cũng là lý do thời gian qua, các thương hiệu bán lẻ nước ngoài chen chân vào Việt Nam, đặc biệt là các thương hiệu Nhật Bản. Bất chấp Covid-19, bất chấp thị trường bán lẻ vẫn đang hoạt động cầm chừng, thì MUJI vẫn mở cửa hàng mới tại Việt Nam. Còn Uniqlo vào cuối quý I/2021 đã mở cửa hàng thứ 4 tại TP.HCM, nâng tổng số cửa hàng của Uniqlo tại Việt Nam lên 7 điểm, sau hơn 1 năm đặt chân vào thị trường.

Trong khi đó, AEON Việt Nam kể từ sau khi mở trung tâm mua sắm đầu tiên ở AEON Tân Phú Celadon vào năm 2014, đã mở rộng hệ thống kinh doanh ra 6 tỉnh, thành phố trong cả nước. AEON Việt Nam đã phát triển và đang vận hành 3 trung tâm mua sắm, 3 trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị, 29 cửa hàng chuyên doanh....

Trung tuần tháng 6/2021, AEON đã bổ nhiệm ông Furusawa Yasuyuki làm Tổng giám đốc mới của Công ty TNHH AEON Việt Nam, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống của mình tại Việt Nam.

Vì sao nhà đầu tư nhật bản chiến thắng?

Thị trường bán lẻ Việt đã từng hội tụ không ít thương hiệu ngoại đình đám, như Metro Cash&Carry, Auchan, Bourbon, Lotte Mart, Familymart, Emart… Có người đến kẻ đi, có nơi chỉ duy trì hoạt động cầm chừng, trong khi các thương hiệu bán lẻ Nhật Bản ngày càng thành công tại thị trường này.

“Sau khi mở cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM, phản hồi của khách hàng, nhất là khách hàng trẻ rất tốt, đặc biệt với các mặt hàng chăm sóc sức khỏe, văn phòng phẩm”, ông Tetsuya Nagaiwa cho biết. Theo ông Tetsuya Nagaiwa, bí quyết thành công của MUJI đến từ triết lý “giá rẻ hơn là có lý do”.

Sau 2 năm tìm kiếm địa điểm, cuối cùng, thương hiệu MUJI (Nhật Bản) đã chính thức khai trương cửa hàng ở Vincom Metropolis Hà Nội.

Các sản phẩm của MUJI cũng có mức giá hợp lý, nhờ kiên định theo đuổi 3 nguyên tắc cốt lõi là lựa chọn nguyên liệu thô phù hợp nhất, tối ưu hóa quy trình sản xuất và đơn giản hóa bao bì.

Không chia sẻ cụ thể về các nhà máy tại Việt Nam, song Tổng giám đốc MUJI Việt Nam cho biết, việc kinh doanh của MUJI tại Việt Nam thuận lợi còn là nhờ có nguồn hàng từ các nhà máy tại Việt Nam.

Tương tự, Uniqlo cũng có các nhà máy tại Việt Nam, do đó, họ có nhiều thuận lợi trong việc giao - nhận hàng hóa và giá cả cũng hợp lý. Hệ sinh thái sản phẩm của cả MUJI và Uniqlo phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam và đó là lý do vì sao, bất chấp Covid-19, các cửa hàng của họ luôn đông khách.

Thông tin chính thức không được Uniqlo công bố, song có nguồn tin biết, tốc độ tăng trưởng của các cửa hàng Uniqlo tại Việt Nam đã vượt cả mong đợi của Tập đoàn. Vì thế, tốc độ mở cửa hàng mới cũng nhanh hơn so với kế hoạch ban đầu.

Trong khi đó, các trung tâm thương mại AEON luôn là điểm dừng chân yêu thích của người tiêu dùng Việt. Dù Covid-19 có làm chậm bước chân của tập đoàn bán lẻ này tại Việt Nam, song họ vẫn đạt kết quả kinh doanh tích cực.

Thông tin cho biết, trong giai đoạn 2014 - 2019, AEON Việt Nam ghi nhận tăng trưởng số lượng khách hàng trung bình 11,5%/năm, tăng trưởng doanh thu trung bình 15%/ năm.

Mô hình “một điểm đến” của các AEON MALL đã mang lại các trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng Việt. Trong khi đó, các trung tâm thương mại và siêu thị của AEON Việt Nam cung cấp đầy đủ cho khách hàng mọi nhu cầu thiết yếu.

Chỉ riêng “chất lượng Nhật”, “thương hiệu Nhật” - vốn lâu nay luôn giành thiện cảm của người tiêu dùng Việt Nam - đã là một ưu thế cực lớn giúp các nhà bán lẻ Nhật giành chiến thắng tại thị trường này.

Masan, Fujimart, Uniqlo, Aeon, Takasimaya... thay đổi cấu trúc kinh doanh bán lẻ
Thời cơ của ngành bán lẻ trong thời gian tới chủ yếu là thay đổi cấu trúc kinh doanh, trong đó có đầu tư mạnh mẽ cho kênh thương mại điện tử,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư