Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Yếu tố then chốt trong thương vụ vay tín chấp nước ngoài “khủng” nhất trên TTCK
Anh Hoa - 03/08/2021 09:13
 
Với lợi thế quy mô tài sản lớn nhất thị trường, khả năng quản trị rủi ro cao, SSI được khá ưu đãi trong các thương vụ vay tín chấp, nhưng không thể thiếu cầu nối của Dịch vụ IB.

Việc sở hữu đội ngũ Dịch vụ Ngân hàng đầu tư (Investment Banking – IB) chuyên nghiệp chính là cầu nối thu xếp quyết định để SSI thành công trong thương vụ vay vốn tín chấp giá trị “khủng” nhất thị trường, lên tới 100 triệu USD.

Khoản vay tạo tiếng vang trên thị trường chứng khoán

CTCP Chứng khoán SSI vừa thông báo tiếp tục gọi thành công khoản vay tín chấp nước ngoài với hạn mức lên tới 100 triệu USD, tương đương 2.300 tỷ đồng từ nhóm các ngân hàng hàng đầu Đài Loan. Đứng đầu thu xếp và đầu mối khoản vay lần này là Ngân hàng Union Bank of Taiwan (UBOT) và Taipei Fubon Commercial Bank Co., Ltd (Fubon).

Khoản vay có kỳ hạn không quá 12 tháng với mức lãi suất ngắn hạn theo thị trường tiền tệ quốc tế, dự kiến được giải ngân thành 2 đợt.

Trước đó, SSI cũng có khoản vay tín chấp 85 triệu USD (tương đương gần 2.000 tỷ đồng)  từ nhóm 9 Ngân hàng nước ngoài. Trong đó, đứng đầu khoản vay cũng là nhà băng lớn nhất Đài Loan - Union Bank of Taiwan (UBOT).

Năm 2019, SSI cũng đã gọi vốn tín chấp thành công 55 triệu USD (tương đương 1.270 tỷ đồng) từ Ngân hàng Sinopac (Đài Loan).

Đây cũng là thương vụ vay tín chấp đầu tiên trong nhóm các công ty chứng khoán trên thị trường. Mở ra một hình thức vay vốn nước ngoài, tuy phổ biến trên thế giới, nhưng còn khá lạ lẫm tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Sở hữu nhiều lợi thế, vay tín chấp nước ngoài dần được các CTCK coi là một cách bổ sung nguồn vốn hiệu quả.

Năm 2020, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa nhận được khoản vay tín chấp trị giá 40 triệu USD từ nhóm các định chế tài chính nước ngoài, đứng đầu là Ngân hàng Sinopac.

Đầu năm 2021, Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) đã ký Hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 44 triệu USD với nhóm 7 định chế tài chính Đài Loan - đứng đầu là First Commercial Bank (FCB).

Trong tháng 3 và 4/2021, VietinBank Securities cũng huy động được 90 triệu USD từ các ngân hàng Đài Loan và Hàn Quốc. Hay Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng vay thêm 459 tỷ đồng (khoảng 20 triệu USD) từ Taishin International Bank Co. Ltd.

Dù nhiều công ty chứng khoán đã thành công trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, nhưng những thương vụ của SSI vẫn luôn thuộc hàng “kinh điển” vì giá trị “khủng” của nó.

Khoản vay 100 triệu USD lần này cũng không ngoại lệ và hiện đang là khoản vay tín chấp nước ngoài lớn nhất mà các CTCK có được, cho thấy mức độ uy tín ngày càng tăng qua từng năm của Công ty chứng khoán này trên thị trường tài chính quốc tế.

Cũng như các khoản vay trước, đại diện SSI cho biết, công ty sẽ sử dụng nguồn vốn để phân bổ vào các hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận cao và rủi ro thấp. Trong đó có mảng dịch vụ hỗ trợ tài chính cho khách hàng, đặc biệt là hoạt động cho vay margin.

Thành công nhờ “cầu nối” IB

So với việc huy động vốn trong nước, các khoản vay vốn nước ngoài thường đem lại hiệu quả cao cho các CTCK, nhờ chi phí vốn thấp hơn và quy mô huy động cũng lớn hơn. Nếu thành công, các CTCK sẽ dễ dàng tiếp cận khoản vay sau đó.

Mặc dù uy tín của công ty trên thị trường luôn là điều đầu tiên để các định chế tài chính nước ngoài cân nhắc đến khoản vay.

Song, yếu tố then chốt để làm nên giá trị và hiệu quả các thương vụ vay tín chấp của SSI lại đến từ vai trò tư vấn của khối Dịch vụ Ngân hàng đầu tư công ty.

Về nghiệp vụ, Ngân hàng Đầu tư – hay IB sẽ là người kết nối với các bên cho vay, tham gia vào quá trình đàm phán và hỗ trợ các thủ tục giao dịch được nhanh chóng nhất.

Vay tín chấp nước ngoài đã khó, vay từ định chế tài chính hàng đầu chắc chắn sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu khó tính hơn.

Tuy nhiên khoản vay giá trị lớn này được biết chỉ thu xếp vỏn vẹn chỉ trong vòng 3 tháng, ngay trong bối cảnh dịch bệnh.

Đây là một kết quả rất đáng nể, nhưng cũng là điều tất yếu khi Khối Dịch vụ Ngân hàng đầu tư SSI đã có một nền tảng hoạt động vững chắc trong nhiều năm và sự chuyên nghiệp được bồi đắp, chuẩn bị lâu dài.

Bà Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Khối IB của SSI cho hay, việc phát triển mạng lưới nhà đầu tư, đặc biệt là các ngân hàng nước ngoài đã được IB SSI đẩy mạnh từ các năm trước, không chỉ riêng cho việc huy động vốn cho SSI mà còn cho các khách hàng của IB. Do đó, IB có mối quan hệ chặt chẽ với các ngân hàng này.

Với chiến lược dần chuyển dịch sang các khoản vay nước ngoài, tối ưu hóa các kênh huy động vốn, mỗi năm, SSI sẽ tiếp tục nâng tổng quy mô tổng huy động vốn ngoại và cũng không nhất định bó buộc vào một vài hợp đồng.

Ngược lại, với những thương vụ này, SSI còn giúp bên cho vay có thêm cơ hội giải ngân khoản vay hiệu quả, an toàn vào tổ chức có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực chứng khoán ở thị trường Việt Nam.

Các định chế nước ngoài khi rót vốn cũng đều mong muốn tìm kiếm, mở rộng và lan tỏa các hoạt động kinh doanh khác của họ tại Việt Nam.

Thành công của thương vụ vay tín chấp lần này cũng thể hiện sự hiệu quả trong việc trở thành kênh dẫn vốn cho nền kinh tế của SSI, cụ thể hơn là Khối Dịch vụ Ngân hàng đầu tư.

Đây cũng là quan điểm quản trị để hướng tới sự phát triển bền vững mà công ty luôn theo đuổi: Thị trường chứng khoán có tồn tại phát triển tốt thì công ty chứng khoán mới “sống khỏe”.

Do đó, SSI luôn nỗ lực để trở thành mắt xích quan trọng, cùng lớn và song hành lợi ích cùng thị trường. 

Vị thế uy tín của công ty chứng khoán ngày càng tăng sẽ kéo theo sự nâng hạng của thị trường chứng khoán, tặng định mức tín nhiệm quốc gia thì dòng vốn ngoại sẽ chảy vào nhiều hơn.

Trong đó, sẽ có dòng vốn với giá rẻ, tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty trong cuộc đua cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Vốn rẻ dồi dào, SSI cấp thêm hơn 4.500 tỷ đồng margin trong quý IV
Giữa tháng 12/2020, SSI hoàn tất ký kết hợp đồng vay hợp vốn tín chấp 85 triệu USD với các ngân hàng nước ngoài, mở ra nguồn vốn rẻ dồi dào tài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư