Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Bức tranh 1 triệu doanh nghiệp Việt hiệu quả
Khánh An - 11/10/2016 08:07
 
Trong khi hàng loạt kế hoạch hành động từ Trung ương đến địa phương để hiện thực hóa mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả vào năm 2020 được các bộ, ngành, địa phương công bố, thì giới doanh nhân Việt đang tụ họp để nói về tiêu chuẩn toàn cầu. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, giới doanh nhân đang muốn nâng cấp mình để không chỉ đáp ứng đỏi hỏi của nền kinh tế Việt Nam, mà còn theo kịp xu thế của thế giới.

Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam phủ sóng toàn cầu sẽ không còn là giấc mơ khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã và đang có hiệu lực xóa nhòa các rào cản thuế khóa trước đó. Doanh nhân Việt chắc cũng sẽ nhanh chân tìm chỗ đứng cho mình, thưa ông?

Tôi đang nghĩ khác. Có lẽ thời gian tới sẽ thay đổi nhiều lắm, thay đổi căn bản và chưa lường được trong cả quản trị nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp.

Cho đến giờ, chúng ta vẫn cho rằng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ mở ra thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam. Dệt may, giày dép, điện tử... đang được kỳ vọng sẽ là các ngành hưởng lợi sớm nhất.

Thậm chí, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, đã có người nói ít ra trong 10-15 năm nữa, Việt Nam vẫn là công xưởng của dệt may, giày dép và là cứu cánh cho nguồn nhân lực dôi ra từ cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Doanh nghiệp Việt đang nhanh chân tìm cách vào chuỗi giá trị này. Nhiều doanh nhân tự hào vì lọt qua cánh cửa hẹp của những tập đoàn toàn cầu khó tính.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Nhưng, các doanh nhân, tập đoàn lớn của thế giới đã  bắt đầu nói về cuộc cách mạng công nghệ số, đã lên kế hoạch cho sự thay đổi lớn cả về phương thức và tư duy sản xuất. Người ta đã nói tới sự đảo chiều của dòng chảy thương mại và đầu tư. Nhiều tập đoàn lớn đã quay về chính quốc để đầu tư sau nhiều năm đổ vốn ra nước ngoài. Chiến lược về gần với thị trường tiêu thụ, sử dụng công nghệ, tự động hóa để giảm chi phí lao động trong những ngành thâm dụng lao động… đã không còn là kế hoạch.

Tôi vừa làm việc với Tập đoàn Foxconn (Đài Loan), họ nói đã lắp đặt 6 vạn tay máy thay cho công nhân trong các nhà máy tại Trung Quốc.

Với ngành dệt may, nhiều nhà đầu tư đã đến Việt Nam nghiên cứu, nhưng rồi chuyển quyết định đầu tư vào Myanmar, Campuchia vì giá lao động ở đó rẻ hơn.

Việt Nam còn tự tin với  giấc mơ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nữa không trong dòng chảy thương mại và đầu tư mới này. Cộng đồng doanh nhân Việt Nam cũng sẽ ở đâu trong dòng chảy mới này.

Đây là điều chúng tôi đang phải nói đến vào lúc này, khi bàn về chuẩn mực toàn cầu của doanh nhân Việt.

Made in Vietnam có còn là chuyện thần kỳ?

Còn nhớ 2 năm trước, cũng trong dịp trao đổi về Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Vũ Tiến Lộc đã nhắc tới giấc mơ made in Vietnam với nhiều kế hoạch và tham vọng. Phủ sóng hàng sản xuất tại Việt Nam đang được giới doanh nhân Việt Nam xác định là một chuẩn mực của hội nhập toàn cầu.

Thời điểm đó, báo chí Mỹ đang nhắc tới sự việc Tổng thống Mỹ Obama chi 154,85 USD cho ba chiếc áo tặng vợ Michelle và hai cô con gái Malia và Sasha. Nhưng với doanh nhân Việt, điều hứng khởi là những chiếc áo được lựa chọn là “made in Vietnam”.

Rồi sự bứt phá ngoạn mục của điện thoại made in Vietnam trong rổ hàng hóa xuất khẩu cũng khiến giới kinh doanh nức lòng. Ngay lúc này, báo chí đang đăng tin Việt Nam xuất khẩu điện thoại ra khắp thế giới…

Thưa ông, nhưng dù sao không thể phủ nhận, sự lớn lên của nền kinh tế Việt Nam có vai trò rất lớn của khu vực doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, dù đó là dệt may, da giày hay điện tử?

Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng các doanh nghiệp của người Việt, các doanh nhân người Việt ở đâu trong khu vực này là điều cần phải nhấn mạnh. Khi chúng ta nói đến mục tiêu ít nhất có được 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả vào năm 2020, phải là 1 triệu doanh nghiệp của người Việt.

Hiện giờ, giấc mơ made in Vietnam đang nằm trong tay doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các doanh nhân Việt Nam đang loay hoay xung quanh giấc mơ này.

Nhìn vào rổ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chúng ta tự hào vì không chỉ có da giày, dệt may, nông sản mà còn có điện tử, điện thoại… Nhưng phải chăng đó là sự hoành tráng bề ngoài, khi mà những công đoạn của ngành điện tử tại Việt Nam phần nhiều là  thấp nhất của chuỗi sản xuất, sử dụng lao động đơn giản. Xét về góc độ này, thì ngành điện tử hay dệt may cũng không khác nhau mấy. Mở rộng ra cả ngành công nghiệp, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở công đoạn là khai thác tài nguyên và lắp ráp.

Vấn đề đáng nói là, trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư này, khi các tập đoàn dịch chuyển, phần công đoạn thấp nhất sẽ bị ảnh hưởng ngay. ILO đã khảo sát 25 nền kinh tế và cảnh báo, đến năm 2020, khoảng 1,6 tỷ người thất nghiệp, trong đó có bao nhiêu là người Việt Nam nếu chúng ta không kịp dịch chuyển? Sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam hụt hơi khi bị rơi khỏi chuỗi giá trị sản xuất này?

Con đường đến 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam có vẻ sẽ không thuận như nhiều người đang tính nếu không có động lực để thay đổi.

Bức tranh 1 triệu doanh nghiệp Việt

Ngày 11/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn doanh nhân Việt Nam năm 2016. Chủ đề được chọn là “Vươn tới chuẩn mực toàn cầu”. Có nhiều nội dung dự kiến bàn tới tưởng như khá sơ khai, như kỹ năng trong nền kinh tế thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam… Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước thềm Diễn đàn, ông Lộc cho rằng, vai trò và trách nhiệm của giới doanh nhân Việt Nam đang được định vị mới, rất khác so với quan niệm truyền thống… Bức tranh 1 triệu doanh nghiệp Việt hiệu quả đang được giới doanh nhân tìm hướng lắp ráp.

Có thể nói đang có nhiều cơ hội để doanh nhân Việt Nam bứt phá?

Cuộc cách mạng công nghệ sẽ tiếp sức, mở ra cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp thế giới, trong đó có Việt Nam. Quan điểm truyền thống chiến thắng thuộc về kẻ mạnh sẽ thay đổi, nhường vào đó là lợi thế cho những con người sáng tạo, người nắm trong tay công nghệ, tài nguyên số.

Đây chính là cơ hội để doanh nhân Việt Nam bứt phá.

Doanh nhân Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp hàng top 10 thế giới. Tinh thần khởi nghiệp không chỉ còn là mong muốn mà đang đối mặt với sức ép hội nhập, sức ép phải thay đổi khi các lợi thế truyền thống của nền kinh tế như, lao động giá rẻ, phát triển dựa vào thâm dụng nguyên liệu, thâm dụng vốn…, dần mất đi.

Trong khi đó, thế giới đang đánh giá Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế ngôi sao đang lên của nền kinh tế số của thế giới với sức sáng tạo mạnh mẽ của giới trẻ.

Hai yếu tố này là những tố chất tạo nên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Vậy doanh nhân Việt đang nghĩ gì, thưa ông?

Doanh nhân là người năng động và nhạy cảm với các tín hiệu thị trường. Các doanh nhân Việt Nam cũng đang bàn về kỷ nguyên số, về sự đảo chiều của dòng thương mại, đầu tư đang tác động đến các lợi thế so sánh của Việt Nam.

Họ đang nói nhiều đến Internet vạn vật. Nhiều doanh nhân đang chuyển hướng vào nông nghiệp, du lịch.

Gần đây, nhiều thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học cũng đã về quê lập nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ để trồng rau, trồng nấm sạch… thay vì tụ lại ở những “đại công trường” dệt may, da giày hay các thành phố lớn.

Đó là cách thích ứng của một nền kinh tế sáng tạo, của giới doanh nhân sáng tạo với xu hướng mới.

Phải thẳng thắn, doanh nhân luôn có cách tính để phù hợp với thời cuộc. Vấn đề là môi trường kinh doanh, thể chế như thế nào để họ lựa theo, thưa ông?

Đây cũng là điều mà giới doanh nhân muốn nói. Họ cần một hệ sinh thái phù hợp để chuyển dịch theo kịp sự đổi chiều của thương mại, đầu tư đang tới; cần an toàn để sáng tạo và lớn lên.

Vì tới thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn lo “chết vì cơ chế” chứ không phải lo chết vì cạnh tranh. Họ vẫn nói là kinh doanh ở Việt Nam khó như... đi xe máy trên đường vào giờ tan tầm. Trong môi trường này, doanh nhân không thể toàn tâm toàn ý sáng tạo kinh doanh.

Chính phủ đã xác định tới năm 2020 sẽ đứng vào Top 3 của ASEAN về môi trường kinh doanh. Doanh nhân Việt Nam cũng đang nâng cấp mình theo những chuẩn mực mới của toàn cầu. Tôi tin là doanh nghiệp có năng lực làm điều này vì đó là sự sống còn của sự nghiệp kinh doanh của họ.

Nhưng họ cần thêm trách nhiệm của Chính phủ trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thực sự thuận cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Hiện tại, Chính phủ đã phát đi thông điệp rất tích cực về tạo dựng một Chính phủ liêm chính. Ông cũng đã nói rằng, đây là cơ sở quan trọng để có cộng đồng doanh nhân liêm chính, các doanh nhân làm thật thay vì dựa vào các mối quan hệ thân hữu…

Tôi muốn nhắc lại lời nói của một doanh nhân, từ ngày bước chân vào kinh doanh, họ toàn phải đi xin: xin thủ tục, xin cơ chế, cái gì cũng xin.

Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cách đây mấy năm cũng đã hỏi là sao doanh nghiệp đi nộp thuế cho nhà nước mà cũng vất vả thế.

Thực tế, doanh nhân là người hiểu hơn ai hết về thị trường, về xu hướng thế giới, về tác động công nghệ, làn sóng hội nhập… Để phát triển, để làm thực, họ không cần nhà nước cầm tay chỉ việc mà cần sự an toàn và thuận lợi để thực hiện các kế hoạch kinh doanh.

Hiện tại, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị lãnh đạo đầu ngành đã cam kết sẽ hành động vì sự thuận lợi này. Nhưng, vẫn còn những rào cản trong tư duy của nhiều công chức làm việc trực tiếp.

Niềm tin chỉ trở thành hành động khi doanh nhân cảm nhận được sự trách nhiệm, đồng hành của các cấp thực thi này.

Có lẽ chuẩn mực toàn cầu không phải là mục tiêu của giới doanh nhân Việt Nam mà còn là giới công chức Việt Nam.

Dệt may xây cứ điểm đón sóng TPP
Gạt đi những tín hiệu không thuận về xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực hoàn thành và triển khai các dự án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư