Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Nghi án sản xuất phân bón giả tại Công ty Thuận Phong
Công ty Thuận Phong gửi “Đơn giải trình và nhận khuyết điểm” tới Thủ tướng
Hữu Tuấn - 26/07/2017 07:32
 
Sau một thời gian dài, dưới áp lực của công luận và các cơ quan bảo vệ pháp luật, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Thuận Phong (Công ty Thuận Phong) vừa có đơn “Giải trình và nhận khuyết điểm” trong vụ án xảy ra từ tháng 5/2015.

Sẽ xem xét cán bộ thừa hành trong vụ Thuận Phong nếu có sai phạm

Ngày 17/7/2017, Công ty Thuận Phong đã gửi “Đơn giải trình và nhận khuyết điểm” tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, Trưởng ban Ban chỉ đạo 389 quốc gia. Đơn giải trình trên cũng đã được Công ty Thuận Phong gửi tới Báo Đầu tư.

Cần phải nhắc lại rằng, trước đó, Báo Đầu tư đã đăng tải 10 bài về nghi án sản xuất phân bón giả tại Công ty Thuận Phong. Loạt bài này phản ánh về những dấu hiệu sản xuất phân bón giả, với phương pháp xử lý, các chứng cứ, lập luận, ý kiến của các bộ, ban, ngành chức năng xung quanh vụ việc.

Lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra toàn bộ sản phẩm tại kho hàng của Công ty Thuận Phong
Lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra toàn bộ sản phẩm tại kho hàng của Công ty Thuận Phong

Tháng 10/2015, phía Công ty Thuận Phong cũng đã gửi văn bản và một số tài liệu tới Báo Đầu tư cung cấp thêm thông tin và có một số phản hồi về vụ việc khẳng định rằng, “Thuận Phong không sản xuất hàng giả”.

Đặc biệt, ngày 6/5/2016, Công ty Thuận Phong có Văn bản số 21/VP-TP đề nghị Báo Đầu tư gỡ bỏ loạt bài viết này vì “thông tin đã đăng tải gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp”. Đề nghị “gỡ bài” trên được Công ty Thuận Phong căn cứ vào Quyết định không khởi tố vụ án hình sự tại Công ty Thuận Phong được Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Đồng Nai) ban hành ngày 15/4/2016.

Trong 2 năm qua, kể từ ngày 24/4/2015, thời điểm Thuận Phong bị kiểm tra và Ban chỉ đạo 389 xác định Thuận Phong sản xuất phân bón giả tới nay, doanh nghiệp này luôn khẳng định không sản xuất phân bón giả, việc xử lý vụ án rơi vào bế tắc vì những xung đột trong ý kiến của các cơ quan liên quan.

Trong khi Bộ Công an cho rằng, không đủ căn cứ khởi tố về tội sản xuất phân bón giả, thì Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng lại khẳng định, Thuận Phong sản xuất hàng giả, nên phải khởi tố hình sự.

Nội dung vụ việc như sau: tháng 4/2015, sau khi kiểm tra tại nơi sản xuất của Thuận Phong và lấy 29 mẫu phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất và đang lưu giữ tại kho, khu vực sản xuất của Công ty để trưng cầu giám định chất lượng, qua giám định, 19/29 mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu so với công bố, hàm lượng chất chính thấp hơn 70% so với tiêu chuẩn chất lượng ghi trên nhãn; một số mẫu còn lại ở mức kém chất lượng, chỉ đạt hơn 10% hàm lượng. Với kết quả này, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, phân bón của Thuận Phong là hàng giả về nội dung. Sau đó, vụ việc được chuyển cho cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai thụ lý.

Ngày 27/8/2015, sau 4 tháng điều tra, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã công bố kết quả điều tra vụ việc. Công an tỉnh Đồng Nai và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai kết luận: Vi phạm của Công ty Thuận Phong là vi phạm áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không đủ yếu tố cấu thành tội hình sự. Do đó, hai cơ quan này đề nghị chuyển vụ việc sang Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ngày 15/4/2016, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định đình chỉ vụ án và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đồng thuận với quyết định này.

Ngày 31/5/2017, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản yêu cầu hủy quyết định không khởi tố để tiếp tục điều tra làm rõ. Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Thuận Phong.

Chỉ nhận vi phạm hành chính

Trong “Đơn giải trình và nhận khuyết điểm”, Công ty Thuận Phong tiếp tục khẳng định họ chỉ vi phạm hành chính, với các nội dung: vi phạm về hợp quy, về đăng ký kinh doanh, về chỉ dẫn sở hữu công nghiệp, thiếu thông tin bắt buộc về nơi sang chiết đóng chai phân bón tại Việt Nam và sản xuất phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép so với mức công bố quy định tại khoản 2, Điều 4 và khoản 1, Điều 20, Nghị định 163/2013/NĐ -CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoá chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp.

Đối với 19/175 chất bị thiếu trong 29 sản phẩm của Thuận Phong sản xuất, doanh nghiệp này khẳng định: “19 chất này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, không ảnh hưởng đến chất lượng chung của sản phẩm”. Nguyên nhân thiếu hụt (hoặc dư thừa), theo Thuận Phong, “là do quá trình phối trộn” và đó chỉ là “những hạn chế, thiếu sót về mặt kỹ thuật”.

Đối với các sản phẩm phân bón nhập khẩu của Bio Huma Netisc (BHN - Hoa Kỳ), Thuận Phong khẳng định, BHN đã cho phép Thuận Phong sử dụng tem, seal, logo của BHN trong việc đóng chai sản phẩm phân bón dạng nước để phân phối tại thị trường Việt Nam. 

Thuận Phong cho rằng, doanh nghiệp này chỉ đáng bị xử phạt hành chính với hành vi “không ghi nội dung thông tin bắt buộc nơi sang chiết, đóng chai tại Công ty Thuận Phong” theo quy định tại điểm a, khoản 1 và điểm g, khoản 2, Điều 26, Nghị định 80/2013/NĐ - CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Lập luận này dựa trên Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1419/QĐ - XPVPHC ngày 16/5/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai đối với Công ty Thuận Phong.

Vụ án chưa thể khép lại

Có thể thấy rằng, ngay từ đầu, “Đơn giải trình và nhận khuyết điểm” đã căn cứ vào nội dung của Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1419/QĐ-XPVPHC ngày 16/5/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai đối với Công ty Thuận Phong để “giải trình” và “nhận khuyết điểm”. Nội dung đơn vẫn thể hiện rõ 2 việc: một là, Thuận Phong chỉ vi phạm hành chính; hai là, Thuận Phong không sản xuất hàng giả.

Dường như Quyết định xử phạt hành chính này được Thuận Phong cho là “phao cứu mạng”, nhưng thực tế chưa phải là dấu chấm hết cho vụ việc.

Như đã nói ở trên, vụ án Thuận Phong đã được phục hồi điều tra. Hàng loạt vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm và cần câu trả lời là: Có khách quan hay không nếu giao Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục điều tra? Tại sao không giao Cơ quan điều tra của Bộ Công an hoặc Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành?

Nếu đủ căn cứ, chứng cứ để định tội Thuận Phong, thì UBND tỉnh Đồng Nai, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Đồng Nai sẽ có trách nhiệm như thế nào trong định hướng xử lý vụ việc? Việc Thuận Phong cũng đã gửi văn bản tới các cơ quan báo chí khiếu nại, đề nghị gỡ bỏ bài viết, vi phạm các quy định của Luật Báo chí sẽ bị xử lý như thế nào?...

Báo Đầu tư sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến vụ việc.

“Nghi án” sản xuất phân bón giả tại Công ty Thuận Phong: Sự thật có bị bao che?
Trong cuộc họp mới đây do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, nhiều ý kiến của các đại diện bộ, ngành Trung ương đã gợi mở cho việc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư