Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đề xuất nâng cảng Sóc Trăng thành cảng biển cửa ngõ quốc tế
Anh Minh - 30/03/2018 08:49
 
Cảng biển Sóc Trăng được đề xuất nâng quy hoạch thành cảng biển đặc biệt (loại IA) với vai trò cảng cửa ngõ quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cảng Trần Đề - Sóc Trăng hiện hữu
Cảng Trần Đề - Sóc Trăng hiện hữu

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Sóc Trăng, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh quy hoạch cảng biển Sóc Trăng trong hệ thống cảng biển quốc gia là cảng biển đặc biệt (loại IA).

Nếu được chấp thuận, cảng Sóc Trăng sẽ có vai trò là cảng biển cửa ngõ quốc tế với bến cảng chính là bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề, đáp ứng cho tàu trọng tải 50.000 - 100.000 DWT và trên 100.000 DWT, phục vụ làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cảng biển Sóc Trăng hiện đang được quy hoạch là cảng biển tổng hợp địa phương, cảng biển loại II với khu bến cảng chính tại Đại Ngãi, tiếp nhận tàu trọng tải 10.000 - 20.000 tấn

Cần phải nói thêm rằng, theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được duyệt bao gồm hai cảng cửa ngõ quốc tế loại IA là cảng biển Hải Phòng (khu bến chính tại Lạch Huyện) và cảng biển Vũng Tàu (khu bến chính tại Cái Mép); các cảng tiềm năng loại IA là cảng biển Đà Nẵng (khu bến chính tại Liên Chiểu) và cảng biển Khánh Hòa (khu bến chính tại Vân Phong). Các cảng biển loại IA nay được gọi là cảng biển đặc biệt, là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế.

Theo báo cáo của tỉnh Sóc Trăng, vị trí xây dựng bến cảng nước sâu phục vụ khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên đặt cách cửa biển Trần Đề khoảng 20 km là phù hợp do ở đây ít bị bồi lấp, không phải nạo vét nhiều.

Việc xây dựng tuyến đê chắn sóng kết hợp bến đậu tàu sẽ giảm được ảnh hưởng của sóng, gió và tiết kiệm được đáng kể chi phí đầu tư xây dựng cảng. Với vị trí nằm ở trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, bến cảng nước sâu xây dựng tại đây sẽ thu hút được hàng hóa đi và đến các nơi trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thuận lợi.

Thông tin từ UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay có nhà đầu tư đề xuất dự án “Khu phức hợp cảng biển nước sâu Mekong ILDC” (trong đó đầu tư xây dựng cụm cảng biển tại Sóc Trăng) với quy mô lớn, giá trị khoảng 6 tỷ USD. Do vậy, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị điều chỉnh quy hoạch cảng biển Sóc Trăng trong hệ thống cảng biển quốc gia là cảng biển đặc biệt (loại IA), có vai trò là cảng biển cửa ngõ quốc tế với bến cảng chính là bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề, đáp ứng cho tàu trọng tải 50.000 - 100.000 DWT và trên 100.000 DWT, phục vụ làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện hệ thống cảng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu nằm trong sông, luồng vào cảng còn hạn chế, kể cả khi hoàn thành Dự án Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố cũng mới chỉ đáp ứng cho tàu trọng tải đến 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải ra vào làm hàng; rất ít cảng công ten nơ chuyên dùng nên hơn 70% hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải tiếp chuyển đến các cảng khu vực miền Đông Nam Bộ bằng đường bộ và đường thủy nội địa, vận tải ven biển.

Mặc dù điều kiện luồng, cảng còn nhiều khó khăn, theo nghiên cứu tại Hội thảo phát triển logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2017, dự báo lượng hàng qua các cảng thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến 2020 sẽ vào khoảng 25 - 28 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, công ten nơ từ 11,5 - 14,0 triệu tấn/năm); đến năm 2030 là từ 66,5 đến 71,5 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, công ten nơ từ 21,7 - 26,2 triệu tấn/năm). Số liệu này cho thấy vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng để phát triển một cảng biển có tính chất cửa ngõ phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu của vùng.

Ngoài ra, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện được quy hoạch 05 trung tâm nhiệt điện than gồm: Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Long An và Tân Phước, trong đó trừ trung tâm nhiệt điện Tân Phước, các nguồn nhiệt điện than còn lại đã vận hành hoặc đang trong quá trình thực hiện chuẩn bị đầu tư/xây dựng theo quy hoạch với tổng nhu cầu than nhập khẩu khoảng 35-37 triệu tấn/năm cho giai đoạn đến năm 2025.

Để thực hiện vai trò cảng cửa ngõ phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long, việc hình thành và phát triển bến cảng Trần Đề cho tàu tổng hợp trọng tải 100.000 tấn, tàu chuyên dùng (hàng than, hàng rời, hàng lỏng…) lớn hơn 100.000 tấn sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề than nhập phục vụ các trung tâm nhiệt điện vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đang rất khó khăn.

Nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Phụng Hiệp - Sóc Trăng
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Phụng Hiệp - Sóc Trăng sử dụng nguồn vốn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư