Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Điều gì khiến In tài chính chưa chịu lên sàn
Chí Tín - 08/12/2017 09:43
 
Chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) từ cuối năm 2015, nhưng đến nay, Công ty cổ phần In tài chính (FPC) vẫn không chịu đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán và thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin.
.
In tài chính cần áp dụng các quy định dành cho công ty đại chúng về công bố thông tin, quản trị công ty

In tài chính đã thực hiện IPO từ tháng 10/2015, với việc chào bán hơn 9,4 triệu cổ phần tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tương đương 47,2% vốn điều lệ sau cổ phần hóa.

Theo quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phát hành phải đăng ký giao dịch chứng khoán trên thị trường UPCoM. Ngoài ra, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện niêm yết phải nộp hồ sơ niêm yết ngay sau khi kết thúc đợt chào bán.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, In tài chính vẫn chưa chịu đưa cổ phiếu lên sàn. Cùng với đó, các thông tin tài chính của Công ty cũng được công bố khá sơ sài. Hiện tại, các cổ đông của Công ty không biết được tình hình kinh doanh quý III/2017 và 9 tháng đầu năm ra sao.

Với vốn điều lệ 200 tỷ đồng sau IPO, In tài chính có 89 cổ đông. Theo quy định tại Điều 25c, Luật Chứng khoán thì công ty đại chúng là “công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên”. Nếu áp theo điều lệ này, In tài chính chưa đủ 100 nhà đầu tư và một số quan điểm cho rằng, Công ty chưa đủ điều kiện để trở thành công ty đại chúng.

Tuy nhiên, Điều 25a, Luật Chứng khoán cũng có quy định rằng, công ty đại chúng là công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng. Hiểu theo nội dung này, thì tất cả doanh nghiệp nhà nước sau khi hoàn tất cổ phần hóa đều mặc nhiên là công ty đại chúng, vì tất cả đều phải trải qua khâu IPO (bất kể có bao nhiêu cổ đông).

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của In tài chính diễn ra mới đây, các cổ đông cũng lật lại câu chuyện này, khi cho rằng, In tài chính cần áp dụng các quy định dành cho công ty đại chúng về công bố thông tin, quản trị công ty… Bà Trương Thị Dinh, Chủ tịch HĐQT cho biết, lãnh đạo Công ty tiếp thu các ý kiến và hứa sẽ nghiên cứu các quy định pháp luật để sớm triển khai các thủ tục đưa công ty lên sàn UPCoM.

Về nghĩa vụ công bố báo cáo tài chính, nếu In tài chính là công ty đại chúng bình thường (chưa niêm yết) thì không có nghĩa vụ công bố báo cáo giữa kỳ. Bởi Điều 101, Luật Chứng khoán quy định: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có báo cáo tài chính năm được kiểm toán, công ty đại chúng phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tài chính năm”.

Tuy vậy, Thông tư 155/2015-YY-BTC lại có thêm khái niệm rằng, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty có quy mô vốn từ 120 tỷ đồng trở lên và các công ty này phải công bố báo cáo tài chính bán niên, báo cáo tài chính hàng quý. Như vậy, nếu áp dụng quy định này, In tài chính vẫn thuộc diện phải công bố báo cáo tài chính quý.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vừa qua, In tài chính đã thông qua phương án thành lập Nhà máy in trên cơ sở sáp nhập phân xưởng in, phân xưởng sách và phòng kỹ thuật. Địa chỉ xây dựng Nhà máy thuộc lô đất 38 Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội). Tổng diện tích đất 12.088,36 m2, diện tích xây dựng chiếm 60%.
IPO thành công 9,4 triệu cổ phần In Tài chính, thu về gần 95,4 tỷ đồng
Ngày 26/10, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên In Tài chính (Bộ Tài chính) đã bán đấu giá hơn 9,4 triệu cổ phần ra công chúng tại Sở Giao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư