Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Doanh nhân Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch Công ty cổ phần VP9 Việt Nam: Không muốn chậm nhịp với thế giới
Thu Phương - 25/02/2018 10:00
 
Gặp nhiều thuận lợi trong giai đoạn đầu đời, Nguyễn Đình Nam gặp thất bại đột ngột do không tập trung vào mục tiêu. Nhưng thất bại không thể ngăn cản anh thành lập hai công ty tiếp theo để ứng dụng công nghệ vào cuộc sống.

Duyên với lập trình

Chào đời năm 1981, Nguyễn Đình Nam lớn lên trong một gia đình trí thức. Cả cha và mẹ đều là giảng viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Cha anh là giảng viên công nghệ thông tin, từng sang Hà Lan vào năm 1985 để học về khoa học máy tính, nên Nam có điều kiện tiếp xúc máy tính từ khi còn rất nhỏ. Thậm chí, cậu bé Nam đã biết dùng giáo trình của cha mình để tạo ra game để tự chơi trên máy tính ở nhà.

doanh nhân Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch Công ty cổ phần VP9 Việt Nam.
Doanh nhân Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch Công ty cổ phần VP9 Việt Nam.

Bởi vậy, việc Nam chọn khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học tự nhiên (nay là Đại học Công nghệ) khi vào đại học là sự đương nhiên, là cơ duyên định sẵn. Rồi cả việc Nam sớm thành công với công việc được đào tạo, trở thành người làm việc tự do qua mạng cho các công ty ở nước ngoài, hay đoạt giải khuyến khích Cuộc thi Trí tuệ Việt Nam cho phần mềm Routeskeeper vào năm 2005, được FPT đầu tư cho phần mềm này vào tháng 2/2006 như là việc sẽ phải đến.

Nhưng có lẽ việc được FPT đầu tư cho Routeskeeper vẫn là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp sau này của Nguyễn Đình Nam. Nhờ nguồn vốn từ FPT, Nam tập trung “cứng hóa” phần mềm để tối ưu về mặt thương mại, hấp thu được một phần kỹ năng quản trị của FPT và quyết định dấn thân vào lĩnh vực điện tử từ đó.

Kể lại chuyện kinh doanh đầu đời, Nam vẫn tiếc nuối nhiều. “Tôi không có thầy chỉ bảo chặt chẽ, nên điều hành sai loạn xạ, tổ chức rối tung. Khi sản phẩm chính chưa xong, tôi đã phân tán nguồn lực ra mở thêm bộ phận làm phần mềm nguồn mở. Tôi còn bỏ công sức hỗ trợ phong trào nguồn mở, một hoạt động đáng ra chỉ nên làm khi sự nghiệp đã rất ổn định”, Nguyễn Đình Nam tâm sự.

Bài học về sự tập trung cao độ trong công việc đến giờ vẫn là điều Nam vẫn tự nhắc nhở trên con đường sự nghiệp.

Chuyện của Routeskeeper...

Đến năm 2007, trước ngưỡng cửa cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, FPT cắt nhiều dự án chưa đem lại hiệu quả, bao gồm FPT Routeskeeper.

Tôi tự hào là công ty đang cố gắng làm tốt, làm việc rất nghiêm túc. Khách hàng nhiều khi vì trân trọng điều đó, mà bỏ qua những gì còn khiếm khuyết.

Đối với Nam, đó là 1 lần phá sản. Nhờ sự động viên của ông Nguyễn Thành Nam, khi đó là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phần mềm FPT (FSOFT), hiện nay là Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software), Nam chuyển sang làm bán thời gian 2 năm tại FPT Software, ở vị trí trưởng phòng phát triển công nghệ.

Nhưng Nam không muốn bỏ Routeskeeper dang dở. Vừa làm ở FPT Software, Nam lập Công ty VNComputing vào năm 2008 để thương mại hóa Routeskeeper. Mọi việc rất khó khăn, Công ty chỉ đủ tiền thuê 1 phòng nhỏ trong ngách phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), chỉ đủ quỹ lương để trả cho một nhân viên là Hồ Ngọc Quang - cử nhân vừa tốt nghiệp Đại học Vinh. Đây là người đồng hành cùng Nguyễn Đình Nam đến tận giờ.

Ban đầu, chỉ mình Nam rót vốn và điều hành Công ty, sau đó có thêm 14 người tin, cùng góp khoản tiền khoảng một tỷ đồng cho Công ty, nhưng không ai trong số đó tham gia điều hành. Hiện nay, 3/4 cổ đông vẫn giữ cổ phiếu của Công ty.

“Những người đã bán cổ phiếu của Công ty đều thu lợi nhuận gấp mười mấy lần so với số vốn ban đầu”, Nam vui vẻ nhớ lại.

Không muốn chậm một nhịp nào

VP9 là công ty thứ hai mà Nam thành lập vào năm 2013 để sản xuất camera giám sát của người Việt. Nhờ sử dụng công nghệ nén hình ảnh độc quyền của VP9, các sản phẩm của công ty khắc phục những nhược điểm của các camera có xuất xứ Trung Quốc, cho chất lượng hình ảnh qua Internet/3G đạt chuẩn  HD 720p, thậm chí HD 1080p.

Nhưng đó là việc sau này, còn VP9 cũng bắt đầu với quỹ lương eo hẹp, không thể tuyển những người giỏi nhất. Thậm chí, việc giữ chân những người “giỏi vừa” cũng là việc khó khăn. Khoảng 75% nhân sự mà VP9 có được là nhờ sự giới thiệu của người quen.

May mắn thay, một người giỏi cả chuyên môn kỹ thuật lẫn kỹ năng mềm đã tìm đến với Nam. Người này đang làm giám đốc một công ty của Mỹ tại Việt Nam, nhưng vì cảm thấy chán nên muốn làm với Nam để phát triển chuyên môn kỹ thuật.

“Tôi chẳng mất công tìm mà lại có người rất giỏi và không đòi lương cao”, Nguyễn Đình Nam kể lại, mọi việc đúng như có duyên với nhau.

Giờ đây, tổng số nhân sự của VP9 đã lên tới 140. Khi quy mô nhân sự tăng, quản lý nhân viên và giữ niềm tin của họ trở nên phức tạp hơn. Nguyễn Đình Nam phải tìm hiểu, học hỏi thêm từ những công ty nổi tiếng trên mạng như Microsoft, Apple. Hóa ra, sự thành công của các công ty có người lãnh đạo biết kỹ thuật là nhờ khó tính và biết cách tạo sức ép để mọi người làm thật tốt.

“Điểm quan trọng nhất ở công ty công nghệ cao là làm thật, thậm chí không cần phải giỏi lắm về kinh doanh. Nhiều khách hàng đến VP9 dù chúng tôi chưa bao giờ tiến hành hoạt động quảng cáo có chủ đích. Người dùng rồi giới thiệu cho người khác. Tôi tự hào là công ty đang cố gắng làm tốt, làm việc rất nghiêm túc. Khách hàng nhiều khi vì trân trọng điều đó mà bỏ qua những gì còn khiếm khuyết”, Nam lập luận.

Mối quan hệ hợp tác với Viettel vào năm 2017 giúp VP9 tăng trưởng nhanh hơn hẳn so với những năm trước.

CEO sinh năm 1981 nhận định may mắn đóng vai trò khá lớn trên hành trình của Công ty. Chẳng hạn, Nam quyết định chuyển hướng sang sản xuất camera giám sát vì thấy nhiều người nói về nó, chứ bản thân chưa từng tìm hiểu thị trường camera giám sát.

Rồi một người quen ở Việt Nam sang Nhật Bản công tác nên muốn lắp camera giám sát để quản lý các văn phòng. Thấy chất lượng sản phẩm tốt, người này giới thiệu khắp nơi, mang lại những mối quan hệ chất lượng cho VP9. Nam cho rằng, đây cũng là cái duyên.

Khách hàng lớn nhất của VP9 tới thời điểm hiện tại là UBND quận Đống Đa, Hà Nội. Sắp tới, Công ty sẽ lắp camera giám sát cho 3 quận nữa ở thủ đô.

Nam nói, hiện không có công ty nào có năng lực để triển khai hệ thống lớn do phần mềm chất lượng họ kém, không nén được dữ liệu lớn nên việc truyền về trung tâm khó khăn, chi phí cao. VP9 làm chủ công nghệ nên giá thấp, chất lượng lớn hơn.

“Hiện nay, chưa bên nào có thể gom hàng nghìn camera tập trung như VP9. Xác suất ứng dụng ở Hà Nội và Sài Gòn rất là cao. Thậm chí, những dòng camera của VP9 có thể phân tích khách quen, khách lạ, họ ở lại bao lâu, bao nhiêu lượt khách mỗi ngày”, Nam tự giới thiệu.

Việc này thực hiện được nhờ VP9 ứng dụng trí tuệ nhân tạo để camera “hiểu” được như người. Năm 2018, công nghệ nhận dạng với độ chính xác cao sẽ bùng nổ, VP9 không chậm một nhịp nào so với thế giới trong việc ứng dụng công nghệ nhận dạng vào trong cuộc sống, tăng hiệu quả làm việc của doanh nghiệp, tăng chất lượng phục vụ khiến doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, hiểu được khách hàng... Lúc này, Nam đang đang nghĩ đến smart city – bước tiếp theo của phổ biến hệ thống camera thông minh, ứng dụng AI.

Khó mà biết được Nguyễn Đình Nam sẽ đi tiếp thế nào, nhưng với một người không muốn chậm một nhịp nào so với thế giới trong ứng dụng công nghệ thông tin, con đường là vô hạn...

Chìa khóa vạn năng mang tên công nghệ
Doanh nghiệp nào sở hữu nền tảng tốt về công nghệ sẽ có sức mạnh và lợi thế cạnh tranh hơn đối thủ. Tuy nhiên, chìa khóa nằm ở việc nắm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư