Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Khai thông điểm nghẽn trong xuất khẩu
Thế Hải - 25/04/2018 10:51
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các bộ, ngành nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn để mở đường cho xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa, đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh những căng thẳng hiện nay có thể dẫn đến chiến tranh thương mại.

Những tồn tại trong hoạt động xuất khẩu 

Tăng trưởng xuất khẩu đạt cao, nhưng còn không ít vấn đề được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu do Bộ Công thương tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đó là những tồn tại lớn trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa, tiềm ẩn yếu tố chưa bền vững, dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài khi thị trường có biến động, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại có nguy cơ tăng cao.

.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng… cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc để khai thông hoạt động xuất khẩu

Xuất khẩu đã chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang nhóm hàng điện tử (chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu), nhưng nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, thì tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn chỉ ra rằng, năm 2017, ngành nông nghiệp tuy xuất khẩu hơn 36 tỷ USD, nhưng mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản - thủy sản chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm tới 52,7%). Đặc biệt, mặt hàng sắn, cao su, thanh long còn phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu duy nhất. 

Một thực tế là dù quy mô xuất khẩu nhiều ngành hàng đã tăng lên đáng kể, nhưng sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu.

Là mặt hàng đóng góp hơn 1,1 tỷ USD của ngành nông nghiệp, hồ tiêu Việt Nam trong năm qua phải đối mặt với sụt giảm giá xuất khẩu. Năm 2017, lượng hồ tiêu xuất khẩu đạt 215.000 tấn với kim ngạch 1,12 tỷ USD, tuy tăng mạnh 20,9% về lượng, nhưng lại giảm 21,8% về kim ngạch so với năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu là giá xuất khẩu bình quân giảm tới 35,3% so với năm trước đó, giảm còn 5.202 USD/tấn - mức thấp nhất trong vòng 5 năm. 

Ông Đỗ Hà Nam, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho hay, doanh nghiệp hồ tiêu cần có thông tin về thị trường nhập khẩu đầy đủ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương để điều chỉnh sản xuất - kinh doanh. Từ trước tới nay, dự báo về thị trường hàng hóa vẫn được các bộ đưa ra, nhưng chưa thống nhất và đầy đủ. 

“Chúng tôi toàn phải cập nhật thông tin thị trường từ Hiệp hội Các nước nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam, nhưng về lâu dài, đại diện Bộ Công thương, tham tán thương mại phải hỗ trợ thông tin cho các hiệp hội ngành hàng nhiều hơn”, ông Đỗ Hà Nam bày tỏ.

Khai thông điểm nghẽn 

Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng… cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc để khai thông hoạt động xuất khẩu. 

“Độ mở nền kinh tế ngày càng lớn, nên càng phải giải quyết nhanh những vấn đề còn tồn tại, nếu không xuất khẩu giảm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế. Cũng phải lưu ý đến cuộc chiến thương mại toàn cầu, phải lường trước, xu hướng bảo hộ trỗi dậy, các nước nâng tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu thủy sản, rau quả… để có ứng biến phù hợp”, Thủ tướng nói. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, phải xuất khẩu sản phẩm đa dạng, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, tiếp cận các thị trường khó tính, giảm rủi ro khi quá phụ thuộc vào một vài thị trường. Để làm được điều đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu; cấp C/O cần nhanh hơn, hiện đại hơn; quy trình phải rõ ràng, thuận lợi; cải cách thủ tục cần mạnh mẽ hơn. 

“Để thúc đẩy xuất khẩu lâu dài thì phải tính toán tổng thể trên cơ sở thị trường, có chiến lược, dựa trên sản phẩm chủ lực của từng địa phương, có thể hình thành nên các vùng sản xuất tập trung, quy mô để xuất khẩu. Các địa phương có thể bắt tay nhau, như Tuyên Quang liên kết với Hà Giang lập nhà máy chế biến cam và các nông sản địa phương để tăng thu từ xuất khẩu và thị trường nội địa”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Vicostone lộ diện nhiều hơn ở thị trường nội địa
Nhận thấy nhu cầu thị trường trong nước đối với những dòng sản phẩm cao cấp ngày một tăng, Vicostone lên kế hoạch quay trở về chinh phục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư