Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Pháp và Đức có chấp nhận thỏa hiệp với Mỹ để tránh "đòn" thương mại?
Việt Nga - 09/04/2018 09:21
 
Liệu Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chấp nhận tham gia “liên minh thương mại tự nguyện” với Mỹ để đổi lấy việc không bị đánh thuế khi xuất khẩu thép và nhôm vào nước này?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) sẽ sang Mỹ trong những ngày tới để thương thuyết với nước này về việc tránh đánh thuế đối với thép và nhôm, bởi thời hạn chót xem xét vấn đề này đang đến gần (ngày 1/5).

Nhiều nhà phân tích cho rằng, đổi lấy việc được miễn thuế nhập khẩu thép và nhôm vào Mỹ, thì Đức và Pháp phải tham gia “liên minh thương mại tự nguyện” với Mỹ để phản đối thực tiễn thương mại không cân bằng của Trung Quốc - điều mà Mỹ đang buộc tội.

Thực tế, EU chỉ là một mặt trận trong nỗ lực viết lại quy tắc thương mại quốc tế của Mỹ. Ngày 5/4, Tổng thống Donald Trump đã dọa đánh thế bổ sung 100 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, ngay sau khi Trung Quốc và Mỹ đưa ra mức thuế trị giá 50 tỷ USD đánh vào hàng xuất khẩu của nhau.

Với EU, việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm - sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5 nếu hai bên không đạt được thỏa thuận để miễn thuế - sẽ gây thiệt hại cho thương mại xuyên Đại Tây Dương tới 720 tỷ USD/năm.

“Châu Âu chuẩn bị phải đưa ra một quyết định rất nặng nề, mà theo đó, họ phải tham gia cuộc chơi. Đó là lời nguyền rủa đối với niềm tin của Merkel và Macron”, ông Edward Alden, học giả cao cấp tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ có trụ sở tại Washington nhận định.

Bà Angela Merkel - Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 và ông Emmanuel Macron - Tổng thống trẻ của nước Pháp đều đang chịu áp lực phải chấp nhận đưa ra cái gì đó trong đàm phán với Donald Trump để đổi lấy việc miễn thuế nhập khẩu thép và nhôm vào Mỹ.

Trong khi đó, ở trong nước, vụ tấn công khủng bố tại thành phố Muenster Đức ngày 7/4 được xem như lời cảnh báo bà Merkel rằng, an ninh trong nước đang là vấn đề ưu tiên trong liên minh lãnh đạo của bà.  Còn tại Pháp, ông Macron đang vật lộn với hàng loạt cải cách kinh tế và lao động.

Thực tế, Đức và Pháp đang ngày càng thận trọng hơn với Trung Quốc. Trên mặt trận thương mại, ngày 5/4, EU đã đưa ra hành động cụ thể là đề nghị tham gia giải quyết tranh chấp Mỹ - Trung tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc có chính sách không công bằng về công nghệ.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Der Spiegel (Đức), ông Peter Altmaier, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức cho biết, ông sẵn sàng tham gia hành động chung với Mỹ chống lại việc sản xuất thép quá dư thừa và tìm kiếm quan điểm chung chống lại việc ăn cắp sở hữu trí tuệ.

Liên quan vấn đề này, ông Daniel Rosario, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết, EU đã tổ chức các cuộc gặp cấp cao với Mỹ, trong đó có thảo luận về vấn đề sản xuất thép quá dư thừa.

Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng cho biết, vấn đề đánh thuế hàng Trung Quốc có thể được thực hiện một phần bằng việc thuyết phục các nền kinh tế chủ chốt đương đầu với thực tế thương mại không công bằng của nước châu Á này. “Mọi nước trên thế giới biết rằng, đã nhiều năm, Trung Quốc không chơi theo luật”, ông Larry Kudlow nói.

Với bối cảnh hiện nay, theo các nhà phân tích, châu Âu vẫn kiên định với các quy tắc của WTO, song khó có thể đả phá mạnh mẽ các quyết định đơn phương liên quan đến thương mại quốc tế của Tổng thống Trump.

Theo ông Edward Alden, lãnh đạo hai nước lớn nhất EU (Đức và Pháp) sẽ hướng mục tiêu ép Mỹ quay trở lại quỹ đạo của hệ thống thương mại toàn cầu, ngay cả khi Tổng thống Donald Trump tìm kiếm sự thỏa hiệp như là một phần của chiến lược “chia sẻ và chiến thắng” cùng châu Âu. Nhưng cuối cùng, Angela Merkel và Emmanuel Macron “có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm theo điều kiện của ông Donald Trump”, ông Alden phán đoán.

Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí 1.200 tỷ USD trái phiếu Mỹ trong cuộc chiến thương mại
Trung Quốc hiện nắm 1.170 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, Trung Quốc có thể giảm nắm giữ khoản nợ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư