Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Subway Việt Nam ráo riết tìm đối tác nhượng quyền
Anh Hoa - 15/02/2017 13:26
 
Sau 6 năm thâm nhập thị trường Việt Nam, Subway - thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất thế giới - đang ráo riết tìm đối tác nhượng quyền thương hiệu để đạt được tham vọng mở 50 nhà hàng tại thị trường này.
.
Subway là thương hiệu có mạng lưới nhượng quyền lớn nhất thế giới

Ngày hôm nay (15/2), Subway đã tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư tại TP.HCM để chia sẻ cơ hội nhượng quyền. Hiện trong ngành công nghiệp fastfood, Subway được coi là thương hiệu có mạng lưới nhượng quyền lớn nhất thế giới. Ở mỗi thị trường, Subway đều có tham vọng trở thành thương hiệu bán đồ ăn nhanh số 1 và thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ.

Tốc độ “nhân giống” không như kỳ vọng

Nối gót các thương hiệu như KFC, Lotteria, Jollibee, thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất thế giới Subway (thuộc Tập đoàn Doctor’s Associated - Mỹ) kinh doanh sản phẩm bánh mì sandwich, salad chính thức đặt chân đến Việt Nam vào tháng 2/2011, sau khi lỡ hẹn gần một năm. Subway đã bắt tay với hãng nước giải khát PepsiCo mở nhà hàng đầu tiên tại “khu phố Tây” trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (TP.HCM). Tại đây, Subway cung cấp các sản phẩm bánh mì kẹp thịt, còn PepsiCo thì lo về thức uống.

Khi mới đến Việt Nam, Subway đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ mở 50 nhà hàng tại thị trường này, có thể dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Subway mới có được 6 cửa hàng tại TP.HCM. Tại sao một thương hiệu đánh bật vị trí số 1 của McDonald’s như Subway lại có sự chậm trễ khi mở rộng chuỗi cửa hàng tại Việt Nam?

“Giống như các cửa hàng thức ăn nhanh khác, Subway vào thị trường Việt Nam khá muộn. Chúng tôi đã có sự điều chỉnh chiến lược liên quan tới những khác biệt về văn hoá, cũng như những xu hướng bán hàng trong thời gian đầu. Việc này cũng phải mất một thời gian cho tới khi chúng tôi thực sự thích nghi được với thị trường tiêu dùng Việt Nam để vươn tới vị thế mong muốn tại đây”, ông Mark Mason Mcgrath, Giám đốc Subway Việt Nam lý giải.

Subway được biết đến trên thế giới với vị thế là nhà cung cấp đồ ăn có lợi cho sức khỏe.

Được biết, vào năm 1985, 20 năm sau khi thành lập, Subway có 590 cửa hàng, 10 năm sau đó (năm 1995) có 11.420 cửa hàng ở Mỹ và hiện có 45.000 cửa hàng ở trên 100 quốc gia. Riêng tại Đông Nam Á, Subway rất thành công khi có tới 200 cửa hàng tại Singapore, hơn 100 cửa hàng tại Thái Lan và Philippines đã tăng gấp đôi số cửa hàng trong hơn 2 năm qua, tới 40 cửa hàng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Subway lại không đạt mục tiêu như kỳ vọng, dù ông Mark Mason Mcgrath khá hài lòng với vị trí hiện tại, khi Subway là một trong những lựa chọn thích hợp của mọi người. 

Subway được biết đến trên thế giới với vị thế là nhà cung cấp đồ ăn có lợi cho sức khỏe. Do đó, Subway thâm nhập được cả những phân khúc thị trường mà các đại gia khác trong làng fastfood như McDonald’s, Buger King… chỉ có thể bất lực đứng nhìn. Trong khi đó, ở Việt Nam, yếu tố này lại không được người tiêu dùng biết đến.

Tìm nhà đầu tư đơn lẻ

Việc thâm nhập các thị trường mới là điều tất yếu. Subway đã rất thành công ở Mỹ, nhưng ngành thức ăn nhanh ở thị trường này đang ở mức bão hòa. Hơn nữa, tiềm năng trên thị trường quốc tế là rất lớn, nên việc mở rộng thị trường mới để kiếm lợi là điều Subway muốn hướng tới.

Tuy nhiên, thách thức đầu tiên mà Subway phải đối mặt khi thâm nhập thị trường mới, đó là việc xây dựng nhận thức về thương hiệu và tìm hiểu sở thích về khách hàng tiềm năng. Dù sản phẩm của Subway đã mang một sự khác biệt lớn trong tâm lý thay đổi về thói quen ăn đồ ăn nhanh, giúp giảm béo phì, khiến các nước phương Tây đón nhận rất nồng nhiệt, nhưng đối với các nước châu Á - Thái Bình Dương, lại không được như vậy.

.
Ông Mark Mason Mcgrath, Giám đốc Subway Việt Nam

Với tỷ lệ béo phì còn thấp, những thông tin về tác hại xấu của các loại thức ăn thông thường không gây ra những ảnh hưởng quá lớn đến nhận thức cũng như tiêu thụ ở các thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, KFC, McDonald’s đã kinh doanh từ lâu và tạo được một thói quen tiêu dùng mạnh mẽ trong tâm lý người tiêu dùng ở khu vực này. Đây là lý do khiến tăng trưởng của Subway ở châu Á - Thái Bình Dương còn rất chậm, dù đây là một thị trường tiềm năng lớn.

Để khắc phục điều đó, Subway đang bắt đầu xây dựng tại để trở thành thương hiệu lớn nhất trong ngành công nghiệp nhượng quyền thức ăn nhanh trên thế giới. Trong đó, Subway tập trung nâng cao trải nghiệm cho khách hàng… Riêng tại thị trường Việt Nam, Subway có nhiều động thái tìm đối tác nhượng quyền. Trong năm 2017, Subway sẽ mở rộng khu vực ngoài TP.HCM, cùng với sự phối hợp các thương hiệu nhượng quyền khác. Nha Trang sẽ là điểm đến tiếp theo của Subway trong thời gian tới. Ngoài ra, Subway cũng đang xem xét một số tỉnh, thành phố có tiềm năng khác.

Nhận thức thực phẩm thức ăn nhanh là loại thực phẩm không tốt cho sức khoẻ của người tiêu dùng Việt Nam chưa được rõ ràng và xu hướng này ngày càng tăng. Đây là một trong những mối lo lắng tiềm tàng với chúng tôi, nên khó có thể nào xác định hay dự đoán được tốc độ tăng trưởng.

Tuy nhiên, thương hiệu này lại có cách tiếp cận thận trọng khi mở rộng mạng lưới. “Chúng tôi không muốn phối hợp với những thương hiệu nhượng quyền quá lớn giống như một số thương hiệu lớn đã từng làm khi thâm nhập và mở rộng ở thị trường Việt Nam. Cách tốt nhất để chúng tôi phát triển mạng lưới của mình là kết hợp với các nhà đầu tư cá nhân, những người mong muốn hợp tác lâu dài với Subway”, ông Mark Mason Mcgrath nói và cho biết thêm, Subway mang cơ hội đầu tư, kinh doanh đến với những ai muốn làm chủ doanh nghiệp.

Theo ông Mark Mason Mcgrath, việc mở một cửa hàng mới sẽ tạo tiền đề cho những người bán bánh mỳ sanwich ngày hôm nay có thể trở thành ông chủ cửa hàng trong tương lai. Subway cố gắng duy trì tiêu chuẩn quốc tế, cho phép họ được mua nhiều sản phẩm ngay tại Việt Nam.

Những lợi thế vượt trội

So với các đối thủ trong ngành thức ăn nhanh khác, nhà đầu tư phải trả tới hàng triệu USD để được nhận nhượng quyền một cửa hàng như McDonald’s (1 - 2 triệu USD), KFC (1,3 - 2,5 triệu USD), thì với Subway, họ chỉ mất vài trăm nghìn USD. Tổng chi phí đầu tư ở Việt Nam được ước tính từ 124.000 đến 300.000 USD. Tuy nhiên, tùy vào mỗi vị trí khác nhau và đầu tư ban đầu khác nhau hay tùy vào kích thước của cửa hàng mà mức phí sẽ khác nhau.

Phí nhượng quyền thương mại cho cửa hàng Subway đầu tiên khoảng 10.000 USD, từ nhà hàng thứ hai sẽ chỉ còn 5.000 USD. Tổng mức chi phí để mở và duy trì một nhà hàng nhượng quyền của các chuỗi fastfood vẫn thấp và đây được xem như một thuận lợi, cơ hội lớn đối với các đối tác muốn nhận quyền. Theo ông Mark Mason Mcgrath, chi phí đầu tư nhiều hay ít không phải là rào cản để các nhà đầu tư đến với Subway mà việc nhận thức của họ về những giá trị của Subway thấp.

So với các đối thủ trong ngành thức ăn nhanh khác, Subway có điểm khác biệt là ngoài việc phát triển tại các không gian truyền thống, thì luôn tìm cách phát triển nhiều nhà hàng tại các địa điểm phi truyền thống trên toàn thế giới như các trường đại học, sân bay, bệnh viện, cửa hàng tiện lợi, rạp chiếu phim, khách sạn, vườn thú, sòng bạc, các bảo tàng, công viên vui chơi giải trí và trung tâm thi đấu thể thao, thậm chí cả các nhà thờ.

Subway đã xây dựng các mô hình cửa hàng có khả năng vừa với mọi không gian dù là nhỏ hẹp mà đối thủ cạnh tranh không thể làm được. Điều này cho phép các nhà hàng của Subway phủ rộng khắp thế giới, trải vào hầu hết mọi ngóc ngách, gia tăng lượng cửa hàng đáng kể. Ngoài ra, Subway còn chủ động hợp tác với các thương hiệu thức ăn nhanh nhỏ khác tại các chuỗi siêu thị. Theo đó, hai bên thương hiệu sẽ chia sẻ không gian, lao động, quản lý, nhưng duy trì sự nhận biết thương hiệu, với đồng phục, bày trí, menu và những nguyên tắc phối màu riêng biệt.

Đối với những người nhận nhượng quyền, Subway luôn có những ưu đãi. Việc liên kết với các công ty tài chính tại nước sở tại để hỗ trợ vay vốn mở cửa hàng là một trong những lý do khiến nhiều người muốn mở cửa hàng Subway. “Với những yếu tố khác biệt so với các đối thủ, chúng tôi mong các nhà đầu tư có thể nhận thấy cơ hội lớn đầu tư, kinh doanh lớn với Subway tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Mark Mason Mcgrath kỳ vọng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: "Kinh doanh fastfood như làm dâu trăm họ"
Ông trùm hàng hiệu dự tính đầu tư 100 triệu USD cho lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh và sẵn sàng chịu nhiều sức ép.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư