Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Tiếp cận tín dụng: Mừng mà chưa vui
Hà Tâm - 23/04/2018 11:26
 
Mức xếp hạng thứ 29 (ngang với Singapore) và nằm trong top 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới về chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam theo đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) là điều đáng mừng, bởi hiếm có chỉ số nào của Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế thế giới. Song không thể phủ nhận thực tế rằng, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp siêu nhỏ cũng như người dân ở khu vực nông thôn… còn khó tiếp cận nguồn vốn này.

So với năm 2017, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã cải thiện 3 bậc. Điều này cho thấy, mức độ tiếp cận vốn ở Việt Nam đã “dễ thở” hơn trước. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng rất tích cực trong cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn. Riêng năm 2017, ngành ngân hàng đã tổ chức hơn 370 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. 

.
Dư địa cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng ở Việt Nam còn rất lớn

Tuy vậy, vẫn còn không ít trăn trở trong người dân và cộng đồng doanh nghiệp xung quanh câu chuyện tín dụng.

Trước hết, cho đến nay, nhiều vấn đề về tài sản thế chấp - trở ngại lớn nhất giữa doanh nghiệp và ngân hàng - vẫn chưa có lời giải. Nhìn một cách tổng thể, có thể thấy, nhiều doanh nghiệp khát khao được vay vốn tín chấp nhiều hơn, nhưng ngân hàng muốn nắm chắc phần chuôi. Rất nhiều doanh nghiệp, dù có phương án kinh doanh khả thi, nhưng vẫn bị ngân hàng ngậm ngùi từ chối do không có tài sản thế chấp. 

Sau nữa, hơn 97% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có đến 85-90% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Trong chiến lược của các nền kinh tế APEC, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được xác định là động lực của nền kinh tế. Hai lĩnh vực động lực khác là nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những lĩnh vực được coi là “động lực” này lại gặp khó khăn nhất trong tiếp cận vốn.

Nguyên nhân của tình trạng trên rất dễ hiểu. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, phải lo đảm bảo an toàn vốn của chính mình. Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn trong tình trạng vừa nhỏ, vừa thiếu kinh nghiệm quản lý, vừa không có tài sản thế chấp lại thiếu minh bạch.

Hiện có không ít doanh nghiệp đang sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán, không muốn niêm yết, chưa muốn kiểm toán, gây khó khăn cho ngân hàng trong xác minh thông tin. Do không có cơ sở để đặt lòng tin, nên ngân hàng phải yêu cầu tài sản thế chấp và kiểm tra chặt tài sản thế chấp là điều dễ hiểu.

Rõ ràng, với những tồn tại trên từ hai phía, dư địa cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng ở Việt Nam còn rất lớn và trên thực tế, so với khu vực ASEAN, Việt Nam còn đứng sau về chỉ số này.

Để cải thiện tình hình, các ngân hàng cần tiếp tục cải tiến, đổi mới hơn nữa quy trình cho vay theo hướng giảm thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho khách hàng. Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các ban, ngành tháo gỡ vướng mắc về tài sản thế chấp trên đất; các ngân hàng thương mại cũng phải đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ để phù hợp với nhu cầu của người vay, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp.  

Với doanh nghiệp, vấn đề quan trọng có thể giúp họ tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính là minh bạch thông tin, có phương án kinh doanh tốt và minh bạch dòng tiền. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể tìm thêm vốn trên thị trường chứng khoán, từ đó giảm bớt phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Tín dụng 3 tháng, những con số biết nói
Số liệu của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố cho biết, tín dụng tính đến hết quý I/2018 tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư