Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tôn Hoa Sen: Nhà đầu tư tài ba hay “kẻ phiêu lưu” vĩ đại?
Hà Nguyễn - 12/09/2016 08:09
 
Chưa nói tới hàng loạt vấn đề khiến dư luận xôn xao khi Dự án Khu liên hợp Luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná tại Ninh Thuận được công bố, chỉ riêng việc Tập đoàn Hoa Sen lấy đâu tiền để đổ vào siêu dự án này cũng đã khiến người ta đặt câu hỏi: Hoa Sen thực sự là một nhà đầu tư tài ba hay chỉ là một “kẻ phiêu lưu” vĩ đại?
TIN LIÊN QUAN

Siêu dự án gây tranh cãi

Tập đoàn Hoa Sen vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để lấy ý kiến cổ đông về Dự án Khu liên hợp Luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná (Ninh Thuận). Kết quả không khiến mấy người bất ngờ, đó là có tới 97,26% cổ đông thông qua kế hoạch này, không có ai bác bỏ, số còn lại là “bỏ phiếu trắng”, cho dù tại đại hội, cũng rất nhiều câu hỏi được các cổ đông đặt ra. Từ chuyện sử dụng công nghệ gì, thiết bị của nước nào, đến dùng nguồn nước ở đâu để phục vụ cho việc sản xuất - kinh doanh, kể cả là lấy tiền đâu để đầu tư

Siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná được chính thức công bố tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh Ninh Thuận, tổ chức hôm 27/8/2016. Với vốn đầu tư 10,6 tỷ USD, quy mô 16 triệu tấn/năm, Dự án ngay lập tức nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Sử dụng công nghệ gì chỉ là một trong vô số vấn đề mà Tôn Hoa  Sen phải xem xét khi đầu tư Dự án Hoa Sen - Cà Ná.
Sử dụng công nghệ gì chỉ là một trong vô số vấn đề mà Tôn Hoa Sen phải xem xét khi đầu tư Dự án Hoa Sen - Cà Ná.

Sẽ không có gì đáng nói, thậm chí sẽ là một sự hồ hởi rất lớn khi mà một tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam có thể đứng ra đầu tư một siêu dự án như vậy. Nhưng dự án này - đáng tiếc và có lẽ cũng là đáng mừng - khi lại được tiết lộ vào đúng thời điểm sự cố ở Khu liên hợp Thép Formosa vẫn đang ở “tâm bão” của dư luận và Chính phủ thì đã nhất quán quan điểm không vì lợi ích kinh tế ngắn hạn mà hy sinh môi trường.

Trong khi đó, siêu dự án Hoa Sen - Cà Ná lại quá giống Formosa, giống từ quy mô vốn đầu tư, đến giống địa điểm đầu tư - cũng ở ven biển… Bởi thế, nỗi lo lặp lại một “Formosa thứ hai” đã khiến Dự án bị “soi”.

Nhưng kể cả chưa nói tới hàng loạt vấn đề khiến dư luận xôn xao, đặc biệt là về chuyện bảo vệ môi trường, thì chỉ riêng việc Tập đoàn Hoa Sen lấy tiền đâu đổ tiền vào siêu dự án này cũng đã là một vấn đề vô cùng lớn. Nghi ngờ cũng phải, bởi số liệu cho thấy, Hoa Sen hiện có tổng nguồn vốn hơn 9.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm gần 40%. Trong khi đó, Hoa Sen - Cà Ná có tổng vốn đầu tư hơn 230.000 tỷ đồng.

Tất nhiên, Dự án Hoa Sen - Cà Ná, theo như báo cáo của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, sẽ được đầu tư thành 5 giai đoạn, trong đó phần kỳ I.1 của Dự án có vốn đầu tư 500 triệu USD, tương đương khoảng 11.150 tỷ đồng.

Theo kế hoạch về cơ cấu vốn đầu tư thực hiện phân kỳ I.1 này, ngoài 2.500 tỷ đồng vốn tự có, thì Hoa Sen sẽ phải đi vay trung hạn 8.920 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phải vay thêm 270 tỷ đồng vốn lưu động. Một con số không hề nhỏ!

Tuy nhiên, phương án phát hành thêm cổ phần đã không được tính đến, bởi Hoa Sen không muốn làm loãng sở hữu nhà đầu tư. Ngược lại, ông Vũ đã rất tự tin khi cho cổ đông biết, sẽ nuôi dự án bằng chính sách gối đầu. “Làm xong giai đoạn I, có lời, thì lấy tiền đó đầu tư tiếp”, ông Vũ nói như vậy và cho biết, hiện có nhiều ngân hàng cam kết tài trợ vốn để Hoa Sen thực hiện Dự án.

Nhà đầu tư tài ba hay “kẻ phiêu lưu” vĩ đại?

Một cách lạc quan, khi xây dựng dự án, Hoa Sen đã “vạch” ra các con số rất sáng sủa về tương lai dự án. Cụ thể, Dự án sẽ có tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) lên tới 30%/năm; thời gian hoàn vốn cố định không chiết khấu (PP) là 4 năm 9 tháng, còn thời gian hoàn vốn cố định chiết khấu (DPP) là 5 năm 11 tháng. Về hiệu quả kinh doanh, dự kiến ngay năm 2018, Dự án sẽ có lợi nhuận gộp 728 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 95 tỷ đồng. Các con số tương ứng của năm 2019 là 1.771 tỷ đồng và 437 tỷ đồng; năm 2020 là 2.333 tỷ đồng và 953 tỷ đồng… Cho tới năm 2027, tương ứng sẽ là 2.333 tỷ đồng và 1.551 tỷ đồng.

Nếu chỉ xét trên khía cạnh kinh tế, thì đây quả là một kết quả đầu tư, kinh doanh đáng mơ ước. Ông Lê Phước Vũ khi nói với các cổ đông cũng dẫn chứng chuyện Hòa Phát cũng đã lãi tới 2.000 tỷ đồng trong quý vừa rồi, vậy thì chẳng can cớ gì mà không làm thép.

Các chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận đầu tư vào sản xuất thép đang có lãi. Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, ngay cả khi Formosa đi vào hoạt động giai đoạn I, cung cấp 7,5 triệu tấn, thì cùng với lượng thép sản xuất trong nước, đến năm 2020 vẫn thiếu hụt 15 triệu tấn và năm 2025 thiếu hụt 22 triệu tấn. Một thị trường có vẻ là màu mỡ cho Hoa Sen.

Song điều quan trọng, tất cả vẫn chỉ là những tính toán về mặt lý thuyết. Thị trường thép toàn cầu những năm gần đây có quá nhiều diễn biến bất thường, trong đó sự dư thừa thép từ thị trường Trung Quốc và nguy cơ tràn sang thị trường Việt Nam là hiện hữu, mà là với giá rẻ. Lúc ấy, Hoa Sen sẽ cạnh tranh ra sao? Sau năm 2020, Hoa Sen sẽ không dễ kiếm tiền đến thế. 

Có chuyên gia kinh tế đã nhắc tới chuyện sản xuất tôn - hiện là ngành kinh doanh đang mang lại lợi nhuận cho Hoa Sen  - và thép là rất khác nhau. Tôn là nhập nguyên liệu về để chế biến, thị trường khó khăn có thể ngừng nhập và ngừng sản xuất. Còn sản xuất thép lại khác, cả một siêu dự án nằm đó, dừng một ngày là thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể.

Hoa Sen có vẻ đã đúng khi cho rằng, Ninh Thuận là một địa điểm phù hợp để triển khai Khu liên hợp thép Hoa Sen - Ninh Thuận, bởi chính Lion Group khi xưa đã chọn nơi này để đầu tư dự án của mình. Nhưng chắc cũng không phải ngẫu nhiên mà E-United và JFE - hai tập đoàn hàng đầu thế giới về đầu tư, kinh doanh thép cũng đã phải từ bỏ Dự án Thép Guang Lian (Dung Quất) vì những vấn đề liên quan đến thị trường thép…

Hoa Sen đang là một tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và không thể phủ nhận tập đoàn này đã thành công lớn trong thời gian qua. Mới tháng 8 vừa qua, tập đoàn này đã kỷ niệm 15 năm thành lập, với những thành tựu đáng kể: gần 6.600 cán bộ nhân viên, sở hữu 8 nhà máy lớn, xuất khẩu tới 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tháng 2/2016, Hoa Sen là doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam xuất khẩu 20.000 tấn tôn thành phẩm đến Hoa Kỳ. Có thể nói, từ một doanh nghiệp nhỏ lẻ, Hoa Sen đã vươn lên trở thành tập đoàn hùng mạnh.

Hoa Sen đã đầu tư nhiều dự án lớn. Nhưng lần này rất khác. Họ dự định đầu tư tới 10,6 tỷ USD cho Hoa Sen - Cà Ná. Thậm chí, nếu tính thêm Dự án Khu công nghiệp Cà Ná, quy mô 1.500 ha, vốn đầu tư 400 triệu USD; Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen - Cà Ná, vốn đầu tư 800 triệu USD, thì con số còn lớn hơn nhiều. 

Chưa kể, Hoa Sen còn định đầu tư tại Ninh Thuận một dự án xi măng và một nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo cũng ở tỉnh này. Số vốn đầu tư chưa được công bố, nhưng chắc không phải là một con số nhỏ. Trong khi đó, cũng chỉ mới cuối tháng 8, Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương để Hoa Sen đầu tư Khu nghỉ dưỡng Mũi Sừng Trâu…

Một loạt dự án chứ không phải chỉ là một. Và nếu theo dõi, trung tuần tháng 5/2016, Hoa Sen đã khởi công Dự án Khu trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen - Yên Bái, vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Tháng 4/2016, Hoa Sen khánh thành Nhà máy Ống nhựa Hoa Sen - Bình Định, vốn đầu tư 367 tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 3/2015, Hoa Sen cũng đã khánh thành Nhà máy Ống thép Hoa Sen Bình Định với quy mô 433 tỷ đồng.

Tháng 1/2016, cũng tại Bình Định, Hoa Sen cũng đã động thổ Nhà máy Thép Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định với tổng vốn đầu tư dự toán 2.000 tỷ đồng. Và tháng 3/2016, khởi công xây dựng Nhà máy Hoa Sen Hà Nam, vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Một danh mục đầu tư đồ sộ khiến dư luận không khỏi giật mình. Vốn tự có không quá lớn, nghĩa là phần lớn nguồn tiền đầu tư phải đi vay. Rủi ro không phải là nhỏ, nhất là khi doanh nghiệp không chủ động và kiểm soát được dòng tiền.

Sẽ là rất tốt nếu nhà đầu tư có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để đầu tư nhiều dự án lớn, thu lại hiệu quả cao. Lúc ấy, Hoa Sen sẽ là một nhà đầu tư tài ba. Nhưng ngược lại, họ có thể sẽ chỉ là “nhà phiêu lưu” vĩ đại.

Đôi điều còn lại

Dù có không muốn nói tới chăng nữa, thì cũng không thể không nhắc tới vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng thiết bị tiên tiến hay lạc hậu, thậm chí cả chuyện chủ động nguồn điện, nước cho sản xuất thép. Ninh Thuận nhiều năm gần đây, khô hạn kéo dài.

Và một câu chuyện khác, liệu Việt Nam có cần phải thu hút đầu tư vào sản xuất thép nữa hay không? GS - TSKH. Nguyễn Mại, là một trong những người khá cương quyết trong việc cho rằng, không nên đầu tư thêm nữa các dự án thép. Bây giờ có thể đi tắt đón đầu, có tiền hoàn toàn có thể nhập các sản phẩm thép dư thừa của Trung Quốc, của Mỹ. “Nếu có đầu tư, chỉ nên đầu tư hợp kim cao cấp, công nghệ hiện đại”, GS - TSKH. Nguyễn Mại nói.

Tuy nhiên, khi chưa có thông điệp rõ ràng từ Chính phủ về việc có thu hút đầu tư thép nữa hay không, thì chỉ với riêng Dự án Khu liên hợp Thép Hoa Sen - Cà Ná cũng cần phải xem xét một cách cẩn trọng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư