Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Việt Nam có nhiều không gian huy động nguồn lực từ tư nhân
Thanh Tùng - 11/04/2018 10:12
 
Trong bối cảnh tăng trưởng nhanh và cần nhiều vốn đầu tư phát triển, Việt Nam cần có nhiều chính sách tốt hơn để huy động vốn trong dân và từ khu vực tư nhân vào nền kinh tế. Ông Joaquim Levy, Tổng giám đốc điều hành, kiêm Giám đốc Tài chính của Ngân hàng Thế giới trao đổi về vấn đề này.

Đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam, vậy điều gì làm ông ấn tượng nhất? Ông đánh giá thế nào về nền kinh tế Việt Nam?

Tôi rất ấn tượng bởi tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam, cũng như những nỗ lực cải cách kinh tế của Chính phủ.

Đáng chú ý, Việt Nam đã cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 của Nhóm Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tiếp tục tăng hạng về môi trường kinh doanh khi xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 14 bậc so với năm 2017, với số điểm 67,93 trên thang 100. Trước đó, trong Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2017, Việt Nam đứng vị trí 82/190, với số điểm 63,83 trên thang 100, tăng 9 bậc so với năm 2016.

.
Ông Joaquim Levy, Tổng giám đốc điều hành, kiêm Giám đốc Tài chính của Ngân hàng Thế giới.

Triển vọng kinh tế của Việt Nam là rất tốt và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ khoảng 6% hoặc cao hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, con số tăng trưởng không quan trọng bằng chất lượng tăng trưởng. Việt Nam cần cải thiện chất lượng tăng trưởng. Cụ thể, Việt Nam cần tạo ra các chính sách tốt hơn cho khu vực tư nhân, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam rất cần vốn để phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam đang đối mặt với vấn đề nợ công. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể huy động thêm vốn đầu tư phát triển?

Việt Nam có nhiều không gian huy động thêm nguồn lực từ khu vực tư nhân, bao gồm cả tiền tiết kiệm trong dân, để đẩy mạnh đầu tư và tăng trưởng. Điều quan trọng là Việt Nam phải giảm thiểu được các rào cản đối với khu vực tư nhân, phải có một thị trường tài chính hấp dẫn để các nhà đầu tư tư nhân có đủ niềm tin khi đầu tư và cũng để cho người dân có thể dùng tiền tiết kiệm của mình để đầu tư và tạo ra tài sản mới.

Ngoài ra, minh bạch cũng là một yếu tố quan trọng. Các doanh nghiệp nhà nước phải có chế độ kế toán thật minh bạch và rõ ràng, để người dân và nhà đầu tư tư nhân có thể tin tưởng. Các bạn cũng sẽ cần các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, có thể đánh giá doanh nghiệp và biết được công ty nào hoạt động hiệu quả để rót vốn.

Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực đẩy mạnh cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước. Nếu điều này được thực hiện tốt, thì những doanh nghiệp này sẽ có thêm nhiều nguồn lực để phát triển và người dân sẽ thấy rằng, họ có nơi an toàn để đầu tư, mà không ảnh hưởng đến nguồn lực của Chính phủ. Điều này sẽ có lợi cho tất cả các bên.

Việc giám sát tốt khu vực ngân hàng cũng quan trọng không kém. Đội ngũ chuyên gia của chúng tôi đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề trên một cách có hệ thống, cũng như chia sẻ các bài học trên thế giới.

Theo ông, việc giải phóng các nguồn lực sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong dài hạn?

Giải phóng những nguồn lực quan trọng cho phát triển có thể giúp Chính phủ tập trung vào vấn đề quan trọng cho tăng trưởng dài hạn - đó là vốn, con người. Việt Nam đang có hệ thống giáo dục phổ thông khá tốt và giờ đây các bạn có lẽ đang muốn cải cách giáo dục đại học theo hướng hiệu quả hơn. Cần đầu tư nhiều hơn vào các trường đại học, để đảm bảo rằng, các bạn sẽ có một lực lượng lao động tốt cho tăng trưởng tương lai.

Muốn khu vực tư nhân phát triển và muốn đổi mới, thì các bạn cần phải đảm bảo rằng, lực lượng lao động phải có kỹ năng tốt hơn. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng. Các bạn có thể hưởng sự chăm sóc y tế tốt hơn ở mọi nơi và có được nhiều lợi ích về sức khỏe trong dài hạn nếu các nguồn lực luôn sẵn có.

Hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là một trong những ưu tiên của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Tôi cho rằng, Việt Nam cần phải nhận thức rõ về các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Khi tôi gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông có đề nghị chúng tôi giúp Việt Nam giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi đã cam kết dành 28% nguồn hỗ trợ của mình cho các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu và có thể sẽ tăng tỷ lệ này lên 30%.

Tại Việt Nam, chúng tôi có khoảng 2,3 tỷ USD vốn IDA (nguồn vốn vay ưu đãi dành cho các nước nghèo và kém phát triển của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới) đã dành cho Việt Nam. 1/3 khoản tiền này có thể dành cho việc giải quyết những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Cảnh báo về yếu tố chu kỳ của nền kinh tế
Có thể vẫn còn quá sớm, nhất là khi kinh tế Việt Nam đang hồi phục khá mạnh mẽ, với tăng trưởng GDP quý I/2018 lên tới 7,38%, nhưng không phải là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư