Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Vietcombank Leasing dẫn đầu thị phần cho thuê tài chính
Hà Tâm - 23/03/2018 09:21
 
Công ty Cho thuê tài chính Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank Leasing) đang dẫn đầu thị phần tại thị trường cho thuê tài chính Việt Nam được đánh giá còn khá nhỏ bé. Với nhiều yếu tố thuận lợi, dự báo kênh dẫn vốn trung và dài hạn tối ưu cho doanh nghiệp này sẽ có nhiều đột phá trong thời gian tới.

Tiềm năng chưa được khai phá

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Văn Uy, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho hay, cho thuê tài chính đã trở thành một kênh truyền dẫn vốn trung và dài hạn, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp.

“Dù vậy, quy mô thị trường cho thuê tài chính tại Việt Nam còn khá nhỏ bé, tổng dư nợ năm 2016 mới đạt 600 triệu USD, trong khi Trung Quốc đạt 540 tỷ USD, Nhật Bản đạt 50 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 17 tỷ USD, Thái Lan đạt 3 tỷ USD... Nói cách khác, cho thuê tài chính ở nước ta có dư địa phát triển rất lớn nhưng đang ở dạng tiềm năng”, ông Uy nói.

Hơn 20 năm thành lập, Vietcombank Leasing tự tin trở thành công ty cho thuê tài chính hàng đầu Việt Nam.
Hơn 20 năm thành lập, Vietcombank Leasing tự tin trở thành công ty cho thuê tài chính hàng đầu Việt Nam.

Được biết, hiện Nhật Bản có gần 240 công ty cho thuê tài chính, gần 97% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này. Tại Trung Quốc, số công ty cho thuê tài chính lên tới 3.200 công ty. Còn tại Việt Nam, số công ty tài chính còn ít ỏi, việc tiếp cận khách hàng còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa biết đến loại hình tín dụng này.

Ông Nguyễn Minh Sáu, Chủ tịch HĐTV Vietcombank Leasing chỉ ra một thực trạng: “Các doanh nghiệp ở Việt Nam khi có nhu cầu vốn để đầu tư thường nghĩ ngay đến việc vay ngân hàng, ít khi nghĩ đến thuê tài chính. Điều này một phần xuất phát từ thói quen, tâm lý truyền thống, một phần do số lượng các công ty cho thuê tài chính quá ít, lại chưa tiếp thị đến nơi, đến chốn”.

Dịch vụ cho thuê tài chính chưa phổ biến là thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tiếp cận vốn trung, dài hạn tới đây sẽ khó khăn hơn, khi Ngân hàng Nhà nước giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay, trung dài hạn.

Nhiều chuyên gia nhận xét, Việt Nam là thị trường lý tưởng và hết sức phù hợp để phát triển loại hình cho thuê tài chính. Do phần lớn các doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường không đủ điều kiện tiếp cận vốn trung và dài hạn từ ngân hàng, trong khi nhu cầu máy móc, thiết bị… lại rất lớn, nên thuê tài sản là giải pháp phù hợp và tiết kiệm nhất.

Ông Steve Bùi, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Delta E&C Việt Nam cho hay, việc sử dụng dịch vụ thuê tài chính khiến áp lực vốn của các doanh nghiệp giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, cho thuê tài chính đang mở ra một kênh tiếp cận vốn mới hiệu quả cho các doanh nghiệp.  

“Những doanh nghiệp không thể vay vốn ngân hàng có thể nhận vốn tài trợ thông qua thuê tài chính. Đây cũng là phương thức rút ngắn thời gian triển khai đầu tư, đáp ứng kịp thời các cơ hội kinh doanh. Đặc biệt, với doanh nghiệp ở giai đoạn khởi đầu, việc thuê tài chính dễ dàng hơn so với đi vay ngân hàng”, ông Thân cho hay.

Ông Nguyễn Minh Sáu, Chủ tịch HĐTV Vietcombank Leasing (bên trái) làm việc với khách hàng.
Ông Nguyễn Minh Sáu, Chủ tịch HĐTV Vietcombank Leasing (bên trái) làm việc với khách hàng.

Các công ty cho thuê tài chính phát triển góp phần làm đa dạng thị trường vốn, tạo ra kênh dẫn vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận, giảm sức ép vốn trung, dài hạn cho các nhà băng. 

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhận định, tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ tiếp tục khả quan từ nay đến năm 2020. Nhu cầu về máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải… cũng sẽ tăng mạnh. Vì vậy, thị trường cho thuê tài chính Việt Nam thời gian tới còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Vietcombank Leasing: Dẫn đầu thị phần

Ông Cao Văn Uy cho hay, trong số 11 công ty cho thuê tài chính ở Việt Nam, có 7 công ty cho thuê tài chính Việt Nam, 1 công ty liên doanh và 3 công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ có 5 công ty trong nước và 3 công ty nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, VietinBank Leasing có vốn điều lệ lớn nhất, tiếp theo là BIDV-SuMi TRUST và Vietcombank Leasing.

Vietcombank Leasing là một trong những công ty cho thuê tài chính ra đời sớm nhất, với 20 năm hoạt động. Sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt là những lợi thế để Công ty có thể đem đến cho khách hàng những giải pháp tài chính hữu hiệu nhất.

Tuy nhiên, xét về thị phần cho thuê, tổng dư nợ, số lượng khách hàng, số vốn huy động, hợp đồng tín dụng…, Vietcombank Leasing đang ở vị trí dẫn đầu và bỏ xa các công ty cho thuê tài chính khác. Theo ông Uy, trong số các công ty tài chính trên thị trường, Vietcombank Leasing là công ty cho thuê tài chính hoạt động an toàn và hiệu quả nhất.

Cụ thể, xét về dư nợ, Vietcombank Leasing đang chiếm trên 30% thị phần toàn ngành. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng dư nợ của công ty này lên tới 21,5%. Vốn huy động của Vietcombank Leasing cũng cao gấp đôi, gấp ba so với các đối thủ cạnh tranh khác, với tốc độ tăng trưởng gần 30%. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 tăng hơn 29% so với năm 2016, vượt 25,2% kế hoạch được giao. Nợ xấu chỉ hơn 1%, thấp nhất nhì hệ thống các công ty cho thuê tài chính và cũng thấp hơn nhiều một số ngân hàng thương mại khác.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, sở dĩ Vietcombank Leasing chiếm thị phần áp đảo một phần là nhờ dịch vụ hết sức đa dạng. Trong khi hầu hết các công ty cho thuê tài chính hiện nay mới chỉ có sản phẩm cho thuê tài chính, thì Vietcombank Leasing đã triển khai hầu hết các nghiệp vụ của một công ty cho thuê tài chính như: cho thuê tài sản, cho vay bổ sung vốn lưu động, cho thuê vận hành và cho thuê một phần trụ sở.

Nhờ các sản phẩm, dịch vụ đa dạng mà đến nay, Vietcombank Leasing đang dẫn đầu thị trường cho thuê tài chính cả về số lượng khách hàng lẫn số lượng hợp đồng hàng năm. Khách hàng thuê tài chính của Vietcombank Leasing không chỉ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn cả các doanh nghiệp lớn hàng đầu Việt Nam như: Giày Thái Bình, Tân Cảng, TKV, Tập đoàn Hoa Sen... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có quan hệ tín dụng khá lớn với Vietcombank Leasing như Alutec Vina, VS Industry VietNam, Visingpack, Siam Brothe… 

Xu hướng phát triển thị trường cho thuê tài chính

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2018-2020 bình quân 6,5%, cao hơn mức trung bình của khu vực và hơn gấp đôi trung bình toàn thế giới. Hằng năm, có trên 100.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Nhu cầu đầu tư máy móc thiết bị, tài sản trung, dài hạn là rất lớn.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp lý đối với hoạt động cho thuê tài chính đã và đang được hoàn thiện, tạo sân chơi bình đẳng giữa các công ty cho thuê tài chính và hệ thống các ngân hàng thương mại. Chính vì thế, thị trường cho thuê tài chính Việt Nam được coi là miếng bánh hấp dẫn mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang “nhòm ngó”.

Hiện nay, ngoài thương vụ BIDV Leasing bán 49% vốn cho Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) của Nhật Bản, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, một số nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực đàm phán mua cổ phần công ty cho thuê tài chính trong nước. Sắp tới, có thể sẽ có thêm nhiều liên doanh cho thuê tài chính nữa được thành lập, giúp thị trường này trở nên sôi động, chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh các công ty liên doanh, các công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài cũng đang trở lại mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Minh Sáu, Chủ tịch HĐTV Vietcombank Leasing cho rằng, là doanh nghiệp cho thuê tài chính trong nước chiếm thị phần lớn nhất, sau hơn 20 năm thành lập, Vietcombank Leasing đã bước qua giai đoạn ban đầu đầy thách thức, thông hiểu thị trường và sẵn sàng cạnh tranh, hội nhập.

“Sau 20 năm thành lập, chúng tôi đã trưởng thành và đang ở giai đoạn sung sức nhất. Vietcombank Leasing tự tin sẽ trở thành công ty cho thuê tài chính hàng đầu Việt Nam, đủ sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập, tiến tới áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong công tác quản trị, điều hành”.

Sự vươn lên mạnh mẽ của các công ty như Vietcombank Leasing đang giúp thị trường cho thuê tài chính từng bước phục hồi trở lại, số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này đang tăng lên từng ngày.

Cho thuê tài chính tìm lại thời hoàng kim
Tổng doanh số cho thuê tài chính trên toàn cầu lên tới hơn 1.000 tỷ USD, riêng tại Trung Quốc là khoảng 550 tỷ USD, trong khi 11 công ty cho thuê tài chính ở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư