Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Vốn từ Thái Lan sẽ chảy vào doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Vũ Anh - 03/04/2018 14:26
 
Hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng. Đây là dư địa để các ngân hàng Thái Lan khai thác.

Nhà băng Thái nhòm ngó thị trường tín dụng Việt

Ông Pattanapong Tansomboon, Phó chủ tịch Ngân hàng Kasikorn Bank Thái Lan, xuất hiện tại Hội thảo: “Nâng cao năng lực toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với ngân hàng này tổ chức mới đây với tâm trạng đầy hứng khởi. Ông nhìn thấy thị trường tín dụng Việt Nam sẽ là mảnh đất màu mỡ cho KasikornBank.

“Với 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, khi đầu tư vào thị trường non trẻ với nhiều tiềm năng như Việt Nam, KasikornBank sẵn lòng phục vụ, chia sẻ kinh nghiệm lâu đời trong việc hỗ trợ vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Pattanapong Tansomboon nói.

.
Hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng.

Dưới chiến lược là ngân hàng chung của cả Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cộng 3, Kasikorn đã kết nối doanh nghiệp khắp khu vực Đông Nam Á, thông qua việc xây dựng các ngân hàng địa phương, chi nhánh và văn phòng đại diện, bao gồm cả hợp tác với các ngân hàng hàng đầu ở 66 chi nhánh tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và trong khu vực Đông Nam Á. Vậy nên, ngân hàng này không chỉ củng cố vấn đề tài chính của chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp, mà còn làm trung gian kết nối các đối tác thương mại với nhau.

Trong trường hợp KasikornBank được cấp giấy phép cho doanh nghiệp SME vay vốn ở Việt Nam, ông Pattanapong Tansomboon kỳ vọng đến năm 2020 sẽ tiếp cận được với 1 triệu doanh nghiệp SME ở Việt Nam.

Cùng với KasikornBank, từ năm 2015 đến nay, các ngân hàng lớn của Thái Lan như Bangkok, Siam... đã gia tăng hiện diện tại Việt Nam khi hai nước phấn đấu đưa kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 20 tỷ USD vào năm 2020.

Giới phân tích cho rằng, các nhà băng Thái Lan vào Việt Nam nhằm phục vụ làn sóng doanh nghiệp Thái đang tràn vào Việt Nam nhiều hơn. Hiện doanh nghiệp Thái chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực béo bở như bán lẻ, thực phẩm, nông nghiệp và công nghiệp tại thị trường nội địa. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn của Thái Lan sẽ có chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam vững chắc, sau đó sẽ “mai mối” doanh nghiệp SME đến sau.

Chẳng hạn, BJC sẽ hỗ trợ doanh nghiệp  SME khai thác thị trường tiêu dùng, SCG sẽ hỗ trợ SME tìm cơ hội cung cấp vật liệu xây dựng. Trong khi đó, Bangkok Bank,  KasikornBank đóng vai trò nhà tư vấn và giúp SME có được vốn.

Đặc biệt, kể từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, các ngân hàng Thái không muốn mất miếng bánh ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Trong khi đó, khả năng tài chính của ngân hàng trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu của 97% doanh nghiệp SME. Hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp SME tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng trong nước. Còn lại, họ phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro.

Ngân hàng nội “chê” doanh nghiệp SME

Trong khi ngân hàng ngoại sẵn sàng nhảy vào lĩnh vực cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp SME của Việt Nam, thì các ngân hàng nội lại thờ ơ với việc này. Việc khai thông tín dụng cho doanh nghiệp SME đã được đem ra mổ xẻ ở Việt Nam nhiều năm qua, nhưng vẫn bị tắc.

Theo các chuyên gia, nhiều ngân hàng còn quá thận trọng trong cấp tín dụng cho SME. Họ đưa ra trình tự thủ tục, điều kiện tín dụng “siết chặt”, quá sức đối với các doanh nghiệp, hoặc chưa chú trọng nhóm khách hàng này. Còn từ phía các doanh nghiệp, thông tin tài chính chưa minh bạch, chia sẻ thông tin với ngân hàng còn hạn chế, các phương án vay vốn kinh doanh rủi ro, kinh nghiệm quản trị điều hành hạn chế...

Để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, mở rộng quy mô vốn vay của các doanh nghiệp SME, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đối với cả hai phía. Trước hết, cần có cơ chế chia sẻ thông tin của các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan thuế, đăng ký doanh nghiệp, thông tin tín dụng ngân hàng... qua đó, giúp các ngân hàng và doanh nghiệp SME chia sẻ, minh bạch thông tin; phục vụ việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp SME tốt hơn.

Nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp SME là một trong những giải pháp đề ra tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 12/6/2017, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018). Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, hệ thống bảo lãnh tín dụng, ngân hàng Thái Lan có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng sẽ gợi mở các giải pháp chính sách để có cơ chế chia sẻ thông tin doanh nghiệp hiệu quả hơn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng tốt hơn trong thời gian tới.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ cấp bảo lãnh tín dụng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư