Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Đà giảm xuất nhập khẩu đang chậm lại
Minh Nhung - 26/08/2023 09:28
 
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất nhập khẩu vài tháng gần đây có xu hướng tăng. Kỳ vọng tốc độ giảm của cả năm về xuất nhập khẩu sẽ chậm lại và xuất siêu đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Kết quả 7 tháng

Quy mô kim ngạch xuất khẩu có xu hướng cao lên trong mấy tháng gần đây (tháng 4 đạt 27,86 tỷ USD, tháng 5 đạt 28,04 tỷ USD, tháng 6 đạt 29,45 tỷ USD, tháng 7 đạt 30,07 tỷ USD). Nhờ vậy, so với cùng kỳ năm trước, tốc độ giảm đã có xu hướng chậm lại (4 tháng giảm 13%, 5 tháng giảm 12,2%, 6 tháng giảm 12%, 7 tháng giảm 10,3%).

Theo khu vực trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, theo nhóm hàng chủ yếu, theo địa bàn xuất khẩu, theo thị trường chủ yếu cũng có xu hướng tương tự.

Quy mô nhập khẩu cũng có xu hướng cao lên trong mấy tháng gần đây (tháng 4 đạt 25,21 tỷ USD, tháng 5 đạt 26,04 tỷ USD, tháng 6 đạt 26,36 tỷ USD, tháng 7 đạt 27 tỷ USD). Nhờ đó, so với cùng kỳ năm trước, tốc độ giảm nhập khẩu đã chậm lại (5 tháng giảm 18,4%, 6 tháng giảm 18,4%, 7 tháng giảm 17,4%).

Xu hướng trên cũng là xu hướng của 2 khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, của các nhóm hàng chủ yếu, của các thị trường chủ yếu.

Do xu hướng cao lên của xuất khẩu lớn hơn của nhập khẩu, nên xuất siêu tháng nào cũng đạt được với quy mô khá lớn và cũng cao lên qua các kỳ (quý I đạt 4,813 tỷ USD; 4 tháng đạt 7,556 tỷ USD; 5 tháng đạt 9,652 tỷ USD; 6 tháng đạt 12,844 tỷ USD; 7 tháng đạt 16,485 tỷ USD).

Trong 86 thị trường chủ yếu, Việt Nam ở vị thế xuất siêu với 55 thị trường, trong đó xuất siêu lớn (trên 100 triệu USD) với 34 thị trường, xuất siêu rất lớn (trên 1 tỷ USD) với 16 thị trường. Lớn nhất là Mỹ (45,04 tỷ USD), tiếp đến là Hà Lan (5,25 tỷ USD), Hồng Kông (3,92 tỷ USD), Anh (3,03 tỷ USD), Canada (2,89 tỷ USD), Đức (2,27 tỷ USD), Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (1,82 tỷ USD), Italy (1,78 tỷ USD), Philippines (1,65 tỷ USD), Tây Ban Nha (1,58 tỷ USD), Bỉ (1,55 tỷ USD), Áo (1,31 tỷ USD), Nhật Bản (1,22 tỷ USD), Mexico (1,03 tỷ USD), Ấn Độ (1,03 tỷ USD)...

Nhờ xuất siêu lớn, nên tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP khá cao (63,45%), cao hơn nhiều tỷ trọng của tích lũy tài sản (6,28%) và tiêu dùng cuối cùng (30,27%).

Kỳ vọng cả năm

Kỳ vọng về xuất khẩu cả năm 2023 được tính như sau. Nếu xuất khẩu bình quân 1 tháng trong 5 tháng cuối năm đạt bằng mức của tháng 7 (30,07 tỷ USD), thì 5 tháng còn lại sẽ đạt 150,35 tỷ USD. Cộng với 7 tháng đầu năm, thì cả năm 2023 sẽ đạt 345,77 tỷ USD. So với năm trước giảm 6,9% - thấp hơn tốc độ giảm 10,3% của 7 tháng.

Dự đoán về nhập khẩu cả năm 2023 được cập nhật theo số liệu mới nhất. Nếu nhập khẩu bình quân 1 tháng trong 5 tháng cuối năm đạt bằng với mức của tháng 7 (27 tỷ USD), thì 5 tháng cuối năm sẽ đạt 135 tỷ USD. Nếu cộng với 7 tháng đầu năm, thì cả năm 2023 đạt 313,94 tỷ USD và so với năm trước giảm 12,5% - thấp hơn tốc độ giảm 17,4% của 7 tháng.

Một điểm đáng lưu ý khi dự đoán cả năm 2023 là dự đoán về xuất siêu.

Nếu dự đoán về xuất khẩu, nhập khẩu như trên là đúng, thì mức xuất siêu dự đoán cho cả năm 2023 lên tới 31,8 tỷ USD. Mức xuất siêu này lớn nhất so với nhiều năm trước và năm 2023 sẽ là năm thứ 8 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.

Tuy nhiên, xuất siêu vừa mừng, vừa lo. Mừng vì đây là kết quả của quá trình đổi mới và mở cửa, hội nhập. Mừng vì mức xuất siêu rất lớn, liên tiếp trong nhiều năm. Mừng vì xuất siêu đã đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào tăng trưởng, lớn hơn tổng tỷ trọng 2 yếu tố của tổng cầu (tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng). Mừng vì vị thế lớn dần trong quan hệ với nước ngoài về kinh tế. Mừng vì có vị thế xuất siêu với nhiều nền kinh tế lớn, nền kinh tế phát triển. Mừng vì xuất siêu đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá…

Nhưng cũng có những nỗi lo đáng quan tâm về nhiều mặt.

Về nguyên nhân, thông thường, xuất siêu phải do xuất khẩu tăng, nhưng thực tế, xuất khẩu lại giảm sâu và nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu. Xuất siêu do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu lớn.

Về hệ quả, xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm, trong đó có những mặt hàng là đầu vào của sản xuất, tiêu dùng trong nước, trong đó có sản xuất hàng xuất khẩu trong tương lai, nhất là các mặt hàng than, xăng dầu, hóa chất, bông, xơ, sợi dệt, vải…

Xuất nhập khẩu của Singapore sụt giảm mạnh
Xuất nhập khẩu giữa Singapore với 13/15 đối tác lớn nhất (chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với thế giới) tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư