Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 11 - 15/9: Khả năng xuất hiện “2 đỉnh”, nhà đầu tư cẩn trọng
Trương Thạch - 10/09/2023 08:35
 
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, dù chinh phục được mốc 1.240 điểm, nhưng phiên giao dịch cuối tuần đã có lực phân phối khá lớn. Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cảnh báo rủi ro cho việc tạo 2 đỉnh của thị trường

VN-Index chinh phục thành công mốc 1.240 điểm

Tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, VN-Index tiếp tục đà tăng điểm với thanh khoản tăng mạnh trở lại. Chỉ trong 4 phiên giao dịch, thanh khoản thị trường đã tăng mạnh trở lại. Tính riêng hình thức giao dịch khớp lệnh, trung bình giá trị giao dịch mỗi phiên trong tuần qua đạt trên 22.000 tỷ đồng. 

Đã có hơn 3,98 tỷ cổ phiếu sang tay theo hình thức khớp lệnh (tăng 2.1% so với tuần trước). VN-Index chinh phục thành công mốc 1.240 điểm vào phiên giao dịch ngày 6/9. Mặc dù đã có rung lắc khi gặp cản lớn với lực bán chốt lời ở nhiều cổ phiếu, nhưng VN-Index vẫn giữ điểm để đóng cửa ở mốc 1.241,48 đánh dấu một tuần tăng điểm ấn tượng.

Nguồn: FiinPro
Nguồn: FiinPro

Trong tuần phục hồi thanh khoản của thị trường, khối ngoại đã có lực bán mạnh mẽ khi giá trị bán ròng trong tuần qua lên tới 1.305 tỷ đồng. Top các cổ phiếu bị khối ngoại bán nhiều nhất là HPG, SSI, STB, VIC và KCB.

Nguồn: FiinPro
Nguồn: FiinPro

Ngược lại với khối ngoại, tự doanh đã có một tuần “gom hàng” mạnh mẽ khi giá trị mua ròng đạt hơn 555 tỷ đồng. Top các cổ phiếu được tự doanh mua nhiều nhất là STB, HPG, VHM, MWG và VPB,

Trung Quốc cấm xuất khẩu Urea, doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi

Trong ngày giao dịch cuối tuần với lực bán chốt lời mạnh, VN-Index đã có rung lắc đáng kể. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu phân đạm đã có một ngày giao dịch ấn tượng khi các cổ phiếu DCM, DPM hay DDV đã “trần cứng” từ đầu phiên. Sở dĩ cổ phiếu nhóm phân đạm trở thành “hàng hot” là vì cuối tuần qua, một số nhà sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới từ đầu tháng này theo yêu cầu của Chính phủ và hạn chế này chỉ áp dụng đối với phân ure. 

Lệnh cấm xuất khẩu này từ Trung Quốc nguyên nhân xuất phát từ việc “quốc gia tỷ dân” đang lo ngại trước diễn biến thị trường lương thực toàn cầu khi Ấn Độ và UAE đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo thế giới tăng cao. Trước đó giá lúa mì cũng liên tục lập đỉnh do đứt gãy nguồn cung từ Nga và Ukraine.

Giá phân Ure Trung Quốc và Trung Đông - Nguồn: Wichart
Giá phân Ure Trung Quốc và Trung Đông - Nguồn: Wichart


Việc thiếu hụt nguồn cung đối với phân ure đã xảy ra từ hơn 1 tháng trước khi các nhà máy lớn ở khắp nơi trên thế giới như châu Phi, Đông Nam Á đều gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật, bảo dưỡng. Điều đó đã khiến giá phân ure tăng mạnh trong hơn 1 tháng qua. Tại Trung Quốc, giá phân ure từ mốc 2.210 CNY/tấn đã đạt mốc 2.683 CNY/tấn tại phiên giao dịch ngày 7/8/2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh khi nguồn cung bị thắt chặt.

Nguyên nhân là việc thiếu hụt nguồn cung thế giới sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất urea tại Việt Nam (DCM, DPM)  tiến ra thị trường thế giới để hưởng lợi về giá. Bởi Việt Nam trong nhiều năm qua là quốc gia thừa nguồn cung về urea, Việt Nam cũng được cho là không chịu áp lực trước khủng hoảng lương thực khi mà nguồn cung gạo ở Việt Nam vẫn rất dồi dào. Ngoài ra, Việt Nam còn chuẩn bị bước vào vụ lúa đông - xuân, nên nhu cầu tiêu thụ ure của thị trường trong nước cũng sẽ được đẩy mạnh vào các tháng cuối năm 2023 và đầu 2024. Đây là những điều kiện, thông tin hỗ trợ tích cực cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân đạm trong những tháng cuối năm 2023.

 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5.33% 

Ngày 07/09/2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 29/08/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng), lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng mà đến từ việc nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế bị chững lại do sức cầu của nền kinh tế đã yếu đi từ đầu năm.

Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cũng khẳng định, việc tiếp tục hạ lãi suất để nới lỏng thanh khoản hệ thống lúc này không quan trọng bằng việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp để cải thiện tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm 2023.

 PMI Việt Nam lần đầu trên 50 sau 6 tháng

Sáng 5/9, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 8/2023. Trong đó có 3 điểm nhấn nổi bật: Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại; việc làm tiếp tục giảm nhẹ và chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tăng.

Theo khảo sát, các công ty đã gia tăng hoạt động mua hàng. Trong khi sản lượng và đơn đặt hàng có dấu hiệu khả quan, việc làm tiếp tục giảm nhẹ khi các công ty đã ngần ngại tuyển thêm nhân viên trong bối cảnh nhu cầu còn yếu. Không chỉ vậy, báo cáo cho biết, tình trạng giá cả tăng trở lại cũng được ghi nhận vào giữa quý III. Chi phí đầu vào tăng lần đầu trong vòng 4 tháng trở lại đây, trong khi giá bán hàng có dấu hiệu tăng lần đầu kể từ tháng 3. 

Đánh giá về ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 8, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Chỉ số PMI mới nhất của ngành Sản xuất Việt Nam đã vẽ một bức tranh tươi sáng hơn về sức khỏe của ngành này so với những tháng gần đây, với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại. Tuy nhiên, sự cải thiện nói chung vẫn còn yếu khi lực cầu vẫn còn mỏng manh. Do đó, còn quá sớm để nói rằng ngành sản xuất đã ở trạng thái phục hồi trọn vẹn".

VN-Index chưa xác định tín hiệu rõ ràng, nhà đầu tư nên cẩn trọng

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, mặc dù đã chinh phục được mốc 1240 điểm ở tuần qua tuy nhiên ngay sau đó vào phiên giao dịch cuối tuần đã có lực phân phối khá lớn. Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap điều này cảnh báo rủi ro cho việc tạo 2 đỉnh của thị trường và các nhà đầu tư cần hết sức lưu ý. Khi các cổ phiếu “trụ” như VIC và VHM vẫn chưa có dấu hiệu tạo đáy thì thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ngắn hạn. Tuần qua, khi cổ phiếu “họ V” liên tục giảm mạnh thì các cổ phiếu trụ khác như HPG, VNM được dòng lại được kéo bởi dòng tiền lớn. Điều đó giúp thị trường vẫn “trụ vững” ở mức đỉnh cũ. 

Chart VN-Index Nguồn: Fireant.vn
Chart VN-Index Nguồn: Fireant.vn


Trong tuần giao dịch tới, chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi dòng tiền từ các cổ phiếu trụ như VNM, HPG, VHM hay VIC. Nếu lực đỡ ở những cổ phiếu này vẫn lớn thì sẽ củng cố cho vùng cân bằng mới của VN-Index quanh khu vực 1.240 điểm, tuy nhiên nếu lực bán mạnh và thị trường giảm điểm với khối lượng lớn ở những phiên giao dịch đầu tuần thì có thể VN-Index sẽ tạo mô hình 2 đỉnh và sẽ có một đợt điều chỉnh giảm điểm khá sâu.

Tín hiệu hiện tại là chưa rõ ràng, cần thêm vài phiên giao dịch để kiểm định sức mạnh giữa bên mua và bên bán, chính vì vậy, chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, nhà đầu tư cần duy trì một tỷ trọng tiền và “hàng” ở mức an toàn để tránh bị bán giải chấp khi thị trường giảm điểm mạnh, cũng như có sẵn lực mua để “gom” hàng khi thị trường giảm điểm.

Trung Quốc cấm xuất khẩu phân Ure, cổ phiếu phân đạm “bốc đầu”
Tâm điểm đáng chú ý của thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu phân bón và hóa chất. Một trong những động lực chính hỗ trợ nhóm cổ phiếu này...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư