Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 17 tháng 06 năm 2024,
Khánh thành 2 cây cầu 358 tỷ đồng; 2.938 tỷ đồng làm hạ tầng KCN Phụng Hiệp
Hạnh Nguyên (tổng hợp ) - 25/05/2024 14:02
 
Cần Thơ: Khánh thành cầu Tây Đô và cầu Cờ Đỏ, tổng mức đầu tư 358 tỷ đồng; Đầu tư 2.938 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phụng Hiệp…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 610/QĐ – BGTVT phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, vị trí, chức năng của Cảng hàng không Liên Khương trong mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc là cảng hàng không quốc tế; tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Cảng hàng không Liên Khương hiện hữu.
Cảng hàng không Liên Khương hiện hữu.

Trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương là sân bay cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II; công suất 5 triệu hành khách/năm và 20.000 tấn hàng hóa/năm.

Loại tàu bay khai thác tại Cảng hàng không Liên Khương là code C như A320/A321, code E như B747/B787/A350 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh là CAT II đầu 09 và giản đơn đầu 27. Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp II; công suất 7 triệu hành khách/năm và 30.000 tấn hàng hóa/năm.

Loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321, code E như B747/B787/A350 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT II đầu 09 và giản đơn đầu 27.

Đối với hệ thống đường cất hạ cánh, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch giữ nguyên cấu hình đường cất hạ cánh hiện hữu với kích thước 3.250 m x 45 m, lề vật liệu rộng 7,5 m.

Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Tây (đầu 09) thêm 350 m lên thành 3.600 m x 45 m, kích thước lề vật liệu theo quy định.

Đối với sân đỗ máy bay, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ mở rộng sân đỗ tàu bay đáp ứng 21 vị trí đỗ và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tiếp tục mở rộng sân đỗ tàu bay đáp ứng 27 vị trí đỗ và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.

Đối với nhà ga hành khách, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương giữ nguyên nhà ga hành khách T1 công suất 2 triệu hành khách/năm, quy hoạch mới nhà ga hành khách T2 công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở rộng nhà ga hành khách T2 để tổng công suất toàn Cảng đạt khoảng 7 triệu hành khách/năm; dự trữ đất phát triển khi có nhu cầu.

Đối với nhà ga hàng hóa, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch nhà ga hàng hóa và sân đỗ trên khu đất phía Đông khu hàng không dân dụng, diện tích khoảng 23.300 m2 , đáp ứng công suất khoảng 20.000 tấn hàng hóa/năm. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ cải tạo, mở rộng tại vị trí hiện hữu khi có nhu cầu để đáp ứng công suất khoảng 30.000 tấn hàng hóa/năm.

Nhu cầu sử dụng đất cho thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Cảng hàng không Liên Khương là khoảng 340,84 ha, trong đó diện tích đất do hàng không dân dụng quản lý là 176,21 ha; diện tích đất dùng chung do dân dụng quản lý là 153,90 ha; diện tích đất quân sự quản lý là 10,73 ha.

Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu Báo cáo thẩm định số để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch theo quy định; chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan liên quan tổ chức công bố, quản lý và thực hiện quy hoạch.

UBND tỉnh Lâm Đồng cập nhật nội dung Quy hoạch vào các quy hoạch của địa phương; bố trí và bảo vệ quỹ đất phù hợp theo Quy hoạch được duyệt. Đối  với diện tích đất dự kiến quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 để dự phòng cho mục tiêu dài hạn, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng quản lý theo thẩm quyền, thuận lợi cho việc mở rộng cảng hàng không khi có nhu cầu.

Hải Phòng khởi công cụm công nghiệp Tiên Cường II diện tích hơn 50 ha

Sáng 18/5, tại huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng đã khởi công Cụm công nghiệp Tiên Cường II có quy mô diện tích hơn 50 ha, tổng vốn đầu tư 698 tỷ đồng.

Cụm công nghiệp Tiên Cường II do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tiến Phát làm chủ đầu tư.

Ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng phát biểu. Ảnh: Quỳnh Nga

Cụm công nghiệp có vị trí phía Bắc giáp xã Đại Thắng và tuyến Quốc lộ 10; phía Nam tiếp giáp trục đường liên thôn xã Đại Công đã được chủ đầu tư mở rộng thành tuyến đường 21 m; phía Đông giáp khu dân cư, chạy dọc theo tuyến đường trục xã và phía Tây giáp khu dân cư xã Tiên Cường và chạy dọc theo tuyến huyện lộ 25.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Dũng Tiến, Chủ tịch HĐQT Tiến Phát cho biết: “Lễ khởi công Cụm công nghiệp Tiên Cường II là sự khởi đầu trên hành trình tiếp tục gắn kết, đồng hành giữa huyện Tiên Lãng với Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Tiến Phát. Những nhà máy hiện đại, bề thế sẽ được hình thành tạo nên lên một Cụm công nghiệp tiện nghi, tiên tiến và đồng bộ. Nơi đây sẽ là nơi thu hút nguồn nhân lực dồi dào, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương và đóng góp vào sự phát triển  kinh tế - xã hội huyện Tiên Lãng nói riêng và Hải Phòng nói chung”.

“Chúng tôi cam kết sẽ xây dựng CCN Tiên Cường II là một cụm công nghiệp xanh - đẹp - hiện đại, đúng tiến độ cam kết với thành phố. Là một điểm sáng về thu hút đầu tư, vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế huyện nhà vừa là nơi tạo ra một diện mạo cảnh quan mới góp phần vào phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Tiên Cường và huyện Tiên Lãng”, ông Nguyễn Dũng Tiến nhấn mạnh.

Cụm công nghiệp được xây dựng nhằm mục tiêu thu hút các ngành nghề như: công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện tử, điện lạnh, viễn thông, công nghệ thông tin và công nghệ cao; công nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp sản xuất thiết bị điện; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp nhẹ (thực phẩm; may mặc; giày dép; văn phòng phẩm; chế biến nông sản …).

Tại lễ khởi công, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết, kinh tế - xã hội thành phố tiếp trong thời gian qua luôn có sự tăng trưởng. Năm 2023, Hải Phòng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục, đứng thứ 2 cả nước. Thu nội địa đạt chỉ tiêu HĐND Thành phố giao và vượt cao so với chỉ tiêu Trung ương giao. Điều này minh chứng rõ nét sự đóng góp của các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để 9 năm liền GDRP Hải Phòng giữ ở 2 con số.

Đánh giá cao việc triển khai nhanh chóng Cụm công nghiệp Tiên Cường II tại huyện Tiên Lãng, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng cho rằng, điều này thể hiện sự tập trung cao của nhà đầu tư, sự vào cuộc của các cấp, ngành của thành phố, đặc biệt là huyện Tiên Lãng trong công tác giải phóng mặt bằng.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tiên Lãng, xác định việc Dự án sớm đưa vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, chính quyền địa phương thời gian qua, chính quyền địa phương đã đồng hành cùng chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án. Việc giải phóng mặt bằng sự án nhận được sự ủng hộ cao của người dân địa phương.

Theo chủ đầu tư, mặc dù Cụm công nghiệp Tiên Cường II còn đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các tiện ích liên quan nhưng đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các khách hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ lễ khởi công dự án, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Tiến phát đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Clapton Whale và Công ty TNHH HongKong Kinyee Technology với diện tích sử dụng gần 10 ha.

Nhằm đáp ứng nhu cầu được bàn giao đất sớm của nhà đầu tư thứ cấp, hiện chủ đầu tư đang tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng CCN, bao gồm: hoàn thiện thủ tục và thi công xây dựng các hạng mục hạ tầng giao thông; hệ thống thu thoát nước mưa, nước thải; hệ thống trạm bơm, cấp nước sinh hoạt, CN PCCC; cấp điện; điện chiếu sáng và xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung riêng của cụm.

Với lợi thế là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối những tỉnh lộ, quốc lộ huyết mạch chạy qua hệ thống giao thông thủy liên thông ra cửa sông Văn Úc rồi đổ ra biển. Hiện nay, Hải Phòng đang tập trung phát triển hàng loạt kết cấu hạ tầng tại địa phương với các dự án giao thông lớn mang tầm nhìn chiến lược như Cầu vượt sông Văn Úc; xây tuyến đường ven biển chạy qua địa bàn; làm mới và mở rộng Tỉnh lộ 354 từ cầu Khuể đến cầu Minh Đức; mở rộng Quốc lộ 10; làm đường nối từ cầu Đăng, cầu Hàn đến ngã ba Đoàn Lập; quy hoạch sân bay mới ngay tại Tiên Lãng...

Huyện Tiên Lãng đang khẩn trương phối hợp cùng các nhà đầu tư đưa vào khai thác Khu công nghiệp Tiên Thanh, tổng diện tích 86 ha (giai đoạn I). Địa phương cũng đã hoàn tất giải phóng mặt bằng đối với các dự án Cụm công nghiệp Đại Thắng (13,36 ha). UBND Thành phố có quyết định thành lập Cụm công nghiệp Quang Phục (50 ha).

Việc Cụm công nghiệp Tiên Cường II được khởi công và sắp tới đi vào hoạt động cho thấy huyện Tiên Lãng đang đi đúng hướng, xác định công nghiệp là động lực chính tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương. Cùng với mọi nguồn lực hiện thực hóa đưa huyện Tiên Lãng trở thành trung tâm công nghiệp phía Nam của Thành phố Hải Phòng.

Cần Thơ: Khánh thành cầu Tây Đô và cầu Cờ Đỏ, tổng mức đầu tư 358 tỷ đồng

Sáng 19/5, Sở Giao thông - Vận tải TP. Cần Thơ tổ chức lễ khánh thành công trình cầu Cờ Đỏ và cầu Tây Đô. Đây là hai Dự án giao thông trọng điểm của TP. Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025.

Cầu Cờ Đỏ nằm trên Đường tỉnh 919, qua thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, có tổng chiều dài tuyến là 369 m, trong đó phần cầu dài 83,1 m, thuộc công trình giao thông cấp III. Cầu có thiết kế gồm 2 đơn nguyên, mặt cắt ngang cầu gồm 6 làn xe, rộng 31 m. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 133 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố, khởi công hồi tháng 2/2022.

Đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành, đưa cầu Cờ Đỏ vào sử dụng.

Còn cầu Tây Đô có điểm đầu giao với Đường tỉnh 923 ở thị trấn Phong Điền, điểm cuối nối vào Đường tỉnh 926, xã Nhơn Ái (huyện Phong Điền), có chiều dài toàn tuyến khoảng 700 m, trong đó phần cầu có chiều dài hơn 140 m, với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 40 km/h. Phần cầu có 2 đơn nguyên với 5 nhịp, mặt cắt ngang rộng 22,5 m. Cầu được thiết kế với kiến trúc vòm thép kết hợp dây văng tạo cảnh quan bằng hệ thống chiếu sáng nghệ thuật.

Công trình có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 225 tỷ đồng, khởi công đầu năm 2022. Cầu gồm hai đơn nguyên, đơn nguyên 1 đã hoàn thành và thông xe đầu năm 2023.

Cả 2 công trình cầu Cờ Đỏ và cầu Tây Đô đều do Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, 2 công trình cầu này hoàn thành góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường bộ, kết nối các tuyến Đường tỉnh 919, 922 và 926. Đồng thời, giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian lưu thông khi qua cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cờ Đỏ, huyện Phong Điền nói riêng và cả TP. Cần Thơ.

Đề xuất đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng làm đường ống chuyển nước từ Đồng Nai về TP.HCM

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa có văn bản số 4800/SKHĐT-DNKTTT&TN gửi Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho ý kiến về việc đầu tư Dự án xây dựng tuyến ống nước thô D2400 từ Trạm bơm Hóa An (Đồng Nai) về Nhà máy nước Thủ Đức, TP.HCM.

Sau khi thẩm định Dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự án xây dựng tuyến ống nước thô D2400 từ Hóa An về Thủ Đức sử dụng vốn hỗn hợp bao gồm vốn Nhà nước ngoài đầu tư công (vốn kinh doanh) của Sawaco và vốn vay thương mại.

Nhà máy nước Thủ Đức -nơi sẽ xử lý nước sau khi được chuyển từ trạm bơm Hóa An (Đồng Nai) về TP.HCM. Ảnh: Lê Quân

Dự án có tổng mức đầu tư là 3.095 tỷ đồng, trong đó vốn vay thương mại là 2.159 tỷ đồng, bởi vì Dự án có tổng mức đầu tư không quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính năm 2023 do Sawaco cung cấp (vốn chủ sở hữu là 7.222 tỷ đồng) nhưng vượt quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Đầu tư công năm 2019.

Ngoài ra, căn cứ quy định tại Điều 23, 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Hội đồng thành viên Sawaco phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu là UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt, trình tự, thủ tục đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trước đó vào cuối tháng 3/2024, Sawaco đã có văn bản số 1848/TCT-KHĐT gửi UBND TP.HCM đề xuất đầu tư Dự án xây dựng tuyến ống nước thô D2400 từ Trạm bơm Hóa An về Nhà máy nước Thủ Đức với chiều dài 10,7 km.

Giải thích về sự cần thiết phải chi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư đường ống dẫn nước, Sawaco cho biết hiện nay, việc đưa nước thô từ trạm Hóa An (Đồng Nai) về Thủ Đức (TP.HCM) thông qua 2 đườn ống D1800 và D2400. Trong đó đường ống D1800 hoạt động từ năm 1966, được cải tạo sửa chữa năm 2012 hiện đang hoạt động với công suất 300.000 m3/ngày.

Còn tuyến ống D2400 được vận hành từ năm 2002, hiện đang hoạt động với công suất hơn 1 triệu m3/ngày. Với hiện trạng 2 đường ống đang vận hành thì chỉ chuyển tải được 1,3 triệu m3/ngày và dự kiến nâng lên 1,6 triệu m3/ngày khi xây dựng nhà máy nước Thủ Đức 4 là không đảm bảo an toàn cấp nước vì tuyến ống D1800 không đảm bảo chuyển tải đuọc 70% lưu lượng hệ thống khi tuyến D2400 cần dừng hoạt động để bảo trì.

Vì vậy, cần đầu tư thêm đường ống dẫn nước thô D2400 từ trạm Hóa An về Thủ Đức ngay từ bây giờ trước khi triển khai xây dựng các nhà máy nước Thủ Đức 4 và 5 để đảm bảo cấp nước cho người dân.

Đề xuất đầu tư công 37.653 tỷ đồng xây 143 km cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku quy mô 4 làn xe kết nối các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung được đề xuất đầu tư bằng hình thức đầu tư công.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo đó, Chủ tịch UBND 2 tỉnh: Gia Lai, Bình Định đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku theo hình thức đầu tư công với quy mô đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe, bề rộng nền đường là 24,75 m, chiều dài 143,2 km, tổng mức đầu tư dự kiến 37.653 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện Dự án là chuẩn bị đầu tư năm 2024-2025, triển khai xây dựng cơ bản hoàn thành trước năm 2030.

Lãnh đạo 2 tỉnh đề nghị giao Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án; UBND mỗi tỉnh tự thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo địa giới hành chính.

Hai địa phương cho biết là hướng tuyến đề xuất Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku về cơ bản đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, Gia Lai thống nhất chủ trương.

Cụ thể, Dự án có điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 19B, Đường tỉnh 639 và đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài thuộc thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại nút giao đường Hồ Chí Minh (QL14), thuộc TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Chiều dài toàn tuyến khoảng 143,2 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 57,6km; đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85,6 km.

Trước đó, tại Thông báo số 173/TB-VPCP ngày 15/6/2022 và Thông báo số 59/TB-VPCP ngày 28/2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Định, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một số đối tác khác nghiên cứu phương án đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, trong đó ưu tiên phương án đầu tư theo phương thức BOT hoặc PPP.

Thực hiện chỉ đạo nói trên, UBND các tỉnh Gia Lai, Bình Định đã làm việc với SCIC về các phương án đầu tư của Dự án.

Qua tính toán, nghiên cứu phương án đầu tư Dự án theo quy định tại Luật PPP; kết quả nghiên cứu, tính toán sơ bộ phương án tài chính Dự án cho thấy, với kịch bản mức vốn hỗ trợ của nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư theo quy định của Luật PPP, Dự án không đảm bảo hiệu quả về tài chính theo quy định. Trường hợp để Dự án hiệu quả về tài chính và thời gian thu hồi vốn với các kịch bản khoảng 25 năm, 18 năm và 10 năm, mức vốn của nhà nước cần tham gia hỗ trợ chiếm tỷ lệ từ 76% đến 88% tổng mức đầu tư, vì vậy việc đầu tư theo hình thức PPP không hiệu quả, khó khả thi.

Hiện nay, để kết nối Bình Định với Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung và các nước bạn chỉ thông qua Quốc lộ 19. Trong bối cảnh tuyến đường Quốc lộ 19 vẫn còn nhiều điểm khó khăn về yếu tố hình học, thời gian hành trình từ Bình Định đến TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai hiện tại khoảng 3,5 giờ - 4 giờ.

Vì vậy, việc đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo quy hoạch đã được phê duyệt  là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao tính cơ động vùng miền, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, phục vụ tốt cho chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Bình Định, Gia Lai nói riêng, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung nói chung.

Công trình còn giúp kết nối hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung với khu vực ngã ba Việt Nam - Lào - Campuchia và các nước Thái Lan, Myanmar, rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển còn khoảng 1,5 giờ - 2  giờ, cũng là tuyến đường cao tốc ngang trục Đông - Tây kết nối tuyến cao tốc trục Bắc - Nam đang hình thành.

Gia hạn thời gian xây dựng Dự án PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Bộ GTVT vừa có công văn gửi các Cục: Đường cao tốc Việt Nam; Quản lý đầu tư xây dựng; Ban quản lý Dự án 6; Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) liên quan đến thời gian xây dựng Dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.

Một đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Một đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.

Theo đó, Bộ GTVT chấp thuận gia hạn thời gian hoàn thành để thông xe đưa vào khai thác tuyến chính từ nút giao Quốc lộ 46B đến cuối tuyến (khoảng 19,3 km) trước ngày 30/6/2024 và hoàn thành toàn bộ khối lượng còn lại của Dự án trước ngày 30/9/2024.

Ban quản lý dự án 6 được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoàn thiện các thủ tục liên quan đến điều chỉnh thời gian xây dựng công trình dự án.

Cục Đường cao tốc Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Bộ GTVT giao, thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan ký kết hợp đồng được ủy quyền, phối hợp với các bên liên quan ký kết Phụ lục Hợp đồng BOT điều chỉnh thời gian xây dựng công trình dự án; đồng thời, chủ trì hoàn tất các thủ tục đầu tư dự án liên quan đến việc điều chỉnh thời gian xây dựng công trình dự án.

Bộ GTVT yêu cầu việc hoàn tất các thủ tục, ký kết Phụ lục Hợp đồng BOT điều chỉnh thời gian xây dựng công trình dự án phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Hợp đồng BOT và phụ lục Hợp đồng BOT đã ký kết, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, vào ngày 28/4/2024, doanh nghiệp dự án đã đưa vào khai thác đoạn từ Km430+000 (thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đến nút giao Quốc lộ 46B (đi TP Vinh, Nghệ An) tổng chiều dài khoảng 30 km.

Với khối lượng thi công còn lại gồm phần móng và mặt đường của đoạn từ nút giao Quốc lộ 46B đến cuối tuyến Km479+300, hệ thống đường gom dọc tuyến, doanh nghiệp dự án đã chỉ đạo các nhà thầu xây dựng lập lại tiến độ thi công chi tiết. Theo tính toán của doanh nghiệp dự án thì thời gian cần thiết để hoàn thành toàn bộ khối lượng tuyến chính của dự án dự kiến đến 2/9/2024 và hoàn thành toàn bộ dự án đảm bảo đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác dự kiến đến 31/12/2024.

Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt được đầu tư theo phương thức PPP có tổng chiều dài 49,3 km, trong giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế là đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100-120 km/h, riêng hầm Thần Vũ vận tốc thiết kế 80km/h; giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m.

Tổng mức đầu tư toàn Dự án là 11.157,82 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 5.090,08 tỷ đồng; nguồn vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 6.067,73 tỷ đồng. Nhà đầu tư được lựa chọn là liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2; doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng. Dự án này được khởi công từ tháng 5/2021 nhưng liên tục gặp khó khăn do vướng mặt bằng và tài chính.

Đấu thầu rộng rãi chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam vừa ký quyết định phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và vận hành Trạm dừng nghỉ Km478+200 thuộc Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Phối cảnh một trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.
Phối cảnh một trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.

Theo đó, có 4 liên danh nhà đầu tư đạt kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm gồm: Liên danh Trạm dừng nghỉ Hải Hà (Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư 36, Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam, Công ty cổ phần Thương mại I - Hà Tĩnh, Công ty cổ phần Du lịch Hà Tĩnh); Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam; Liên danh T&T - 19-5 - Trung Phương (Công ty cổ phần Đầu tư du lịch T&T, doanh nghiệp tư nhân Trung Phương, Công ty cổ phần 19-5 Thanh Hoá); Liên danh Petrolimex (Tập đoàn xăng dầu Việt Nam; Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế).

Trên cơ sở kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam phê duyệt áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 01/2023/TT-BGTVT ngày 7/3/2023 của Bộ GTVT đối với Dự án Đầu tư xây dựng và vận hành Trạm dừng nghỉ Km478+200 thuộc Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

“Kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm tại Điều 1 không phải là cơ sở để thay thế việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư trong bước Đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu”, Cục Đường cao tốc Việt Nam nêu rõ.

Ninh Thuận: Thêm nhà đầu tư quan tâm đến Dự án LNG Cà Ná

Theo thông tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty BP Gas & Power Investments Limited (Anh) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh này để báo cáo, giới thiệu về năng lực, kinh nghiệm và quan tâm đề xuất tham gia Dự án Điện khí LNG Cà Ná.

Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty BP Gas & Power Investments Limited  (bên phải).
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty BP Gas & Power Investments Limited (bên phải) trong buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Nam.

Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty BP Gas & Power Investments Limited ngoài giới thiệu về lĩnh vực hoạt động kinh doanh, năng lực, kinh nghiệm, thế mạnh, định hướng phát triển của  doanh nghiệp. Đại diện hai doanh nghiệp mong muốn tỉnh hỗ trợ, cung cấp hồ sơ liên quan về Dự án, suất đầu tư để chuẩn bị và gửi hồ sơ đăng ký tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để có cơ hội tham gia thực hiện Dự án LNG Cà Ná theo quy định.

Thông tin tại buổi làm việc, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Dự án Điện khí LNG Cà Ná đang được tỉnh hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trong tháng 7/2024 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế rộng rãi, công khai.

Đồng thời, Dự án hiện cũng đang được nhiều đơn vị quan tâm. Do vậy, tỉnh mong muốn có nhiều nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu thầu Dự án LNG Cà Ná để lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất thực hiện dự án đem lại hiệu quả cao. Tỉnh cũng cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia dự án theo quy định; quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch…

Trước đó vào ngày 20/3/2024, trong buổi làm việc với Bộ Công thương, đại diện Tập đoàn Novatek (Nga) cho biết, hiện nay Tập đoàn rất quan tâm đến dự án nhà máy điện khí (LNG) tại Việt Nam, bao gồm tham gia dự án Cà Ná.

Dự án Điện khí LNG Cà Nà là 1 trong 9 dự án năng lượng, năng lượng tái tạo đang được UBND tỉnh Ninh Thuận ưu tiên kêu gọi đầu tư. Dự án được thực hiện tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam với diện tích 270,2 ha. Trong đó, diện tích đất là 37,9 ha; diện tích mặt nước 232,3 ha. Dự án nhằm xây dựng nhà máy điện khí LNG với công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư 51.793 tỷ đồng.

UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Dự án nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023) và Quy hoạch điện VIII.

Cùng với đó, Dự án nằm trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đã có Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Thuận Nam (được phê duyệt ngày 5/7/2022), phù hợp Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu vực tổ hợp điện khí LNG của tỉnh Ninh Thuận (ngày 24/10/2020).

Về hiện trạng đất thực hiện dự án, đất đang làm muối, đất và tài sản trên đất phục vụ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, đất rừng phòng hộ.

Quảng Nam công bố 233 dự án thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Danh mục Dự án thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Nam năm 2024 - 2025. Theo đó, tổng số dự án mà tỉnh Quảng Nam ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn này là 233 dự án, trong đó có nhiều dự án khá lớn về quy mô sử dụng đất. 

Quảng Nam phấn đấu đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành khu kinh tế động lực của vùng và quốc gia.
Quảng Nam phấn đấu đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành khu kinh tế động lực của vùng và quốc gia.

Có thể kể đến như Dự án đầu tư, khai thác cảng hàng không Chu Lai (835,5 ha) tại Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành với mục tiêu đầu tư mới 1 đường cất hạ cánh mới phía Đông kích thước 3.048m x 45m, hệ thống đường lăn (đường lăn song song, đường lăn nối), sân đỗ tàu bay (32 - 40 vị trí đỗ), nhà ga hành khách đáp ứng 10 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa đáp ứng 1,5 triệu hành khách/năm. 

Dự án Tuyến luồng Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn gắn với Khu phi thuế quan Tam Hòa (dự kiến khoảng 797,45 ha) tại huyện Núi Thành, với mục tiêu đầu tư nạo vét tuyến luồng Cửa Lở phục vụ cho tàu 5 vạn tấn; đầu tư xây dựng bến cảng phục vụ cho tàu 5 vạn tấn tại Khu bến Tam Hòa; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu phi thuế quan Tam Hòa; góp phần phát triển logistics trong khu vực thông qua việc tăng kích cỡ và trọng tải đội tàu đến cảng tiệm cận với các cảng biển chính trong nhóm, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh hàng hóa các doanh nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai, tăng hấp dẫn các nhà đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế phí khoảng 14.140 tỷ đồng/năm 2030, khoảng 24.140 tỷ đồng/năm 2040, khoảng 41.240 tỷ đồng/năm 2050; là nhân tố quan trọng góp phần trong việc phát triển Trung tâm logistics container tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

Dự án Trung tâm logistics, vận tải đa phương thức gắn với cảng biển Quảng Nam - Cảng hàng không quốc tế Chu Lai (173 ha), với mục tiêu hình thành Trung tâm logistics, vận tải đa phương thức gắn với cảng biển Quảng Nam - Cảng hàng không quốc tế Chu Lai.

Tỉnh Quảng Nam dành quỹ đất lớn để thu hút đầu tư các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào loạt dự án hạ tầng khu công nghiệp, như Dự án đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nam Thăng Bình tại huyện Thăng Bình (655 ha), với mục tiêu đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp theo loại hình Khu công nghiệp sinh thái; định hướng thu hút ngành nghề đầu tư vào Khu công nghiệp theo quy định của Khu công nghiệp sinh thái, nhóm ngành nghề mang tính chất cộng sinh - giảm thiểu phát thải, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ - kỹ thuật, giá trị gia tăng cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội...;

Dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp đô thị dịch vụ Điện Tiến (400 ha) tại xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, với mục tiêu xây dựng khu công nghiệp đô thị dịch vụ Điện Tiến với hệ thống hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp, đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với định hướng phát triển cụm công nghiệp của thị xã nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung...

Riêng lĩnh vực hạ tầng cụm công nghiệp - sản xuất công nghiệp, tỉnh Quảng Nam thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư 43 dự án, như: Dự án đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Tài Đa (phần mở rộng, 50 ha) tại xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng, phát triển ngành công nghiệp địa phương; giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, tiêu thụ nguồn nguyên liệu, tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế xã hội;

Dự án Kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Sông Trà tại thôn Trà Huỳnh, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức (50 ha) với mục tiêu hình thành hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đồng bộ, khai thác quỹ đất với các điều kiện hạ tầng kỹ thuật phù hợp, tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội;

Dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thái Sơn tại xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn (37,1 ha), với mục tiêu xây dựng cụm công nghiệp Thái Sơn, xã Điện Tiến với hệ thống hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp, đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với định hướng phát triển cụm công nghiệp của thị xã nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu Kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh; các sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các dự án đã công bố. 

TP.HCM giải ngân được 416 tỷ đồng dự án đường Vành đai 3

Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) TP.HCM vừa có thông tin về tình hình xây dưng dự án đường Vành đai 3 đoạn qua Thành phố đến buổi họp báo thường kỳ TP.HCM, ngày 23/4.

Máy móc thi công một đoạn Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Theo đó, đối với 14 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Thành phần 1 - Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (bao gồm cầu kênh Thầy Thuốc), Ban Giao thông cho biết ngoài 4 gói thầu phục vụ vận hành, khai thác dự kiến sẽ triển khai trong quý IV/2024.

Tất cả 10 gói thầu xây lắp chính của dự án Thành phần 1 đang đồng loạt triển khai theo kế hoạch đề ra. Sản lượng bình quân của 10 gói thầu xây lắp đến nay đạt khoảng 14% tổng khối lượng thi công.

Đến nay, đã giải ngân 400 tỷ đồng/4.900 tỷ đồng kế hoạch vốn đề xuất năm 2024, đạt tỷ lệ 8,2%. Ban Giao thông sẽ cùng với các nhà thầu thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công để đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân trên 95% vào cuối năm 2024.

Thông tin thêm về tình hình giải quyết khó khăn về nguồn cát san lấp cho dự án, Ban Giao thông Thành phố cho biết hiện Ban đã cùng nhà thầu đang tiếp tục làm việc với Sở Tài Nguyên và Môi trường các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Tiền Giang để đẩy nhanh thủ tục cấp phép các mỏ cát để các nhà thầu tiếp cận mua thương mại phục vụ tiến độ Dự án.

Kết quả cụ thể đến nay có 28/44 mỏ có kết quả đạt yêu cầu về chất lượng với tổng trữ lượng 37 triệu m3 (đủ cung cấp cho Dự án Vành đai TP.HCM).

Hiện Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đang hỗ trợ TP.HCM và 3 địa phương nêu trên đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất các thủ tục liên quan để trước 30/6 có đủ nguồn cát đến công trường dự án Vành đai 3 TP.HCM, đảm bảo bắt đầu công tác gia tải, xử lý nền đất yếu theo tiến độ đã đề ra.

Ngoài ra, trong tháng 5 và tháng 6/2024, Ban Giao thông tiếp tục yêu cầu các Nhà thầu phải chủ động tìm kiếm các nguồn vật liệu (từ các mỏ thương mại trong nước và nguồn cát Campuchia) để đưa về công trường phục vụ thi công đúng theo tiến độ đề ra.

Đối với Dự án thành phần 2 - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM, Ban Giao thông cho biết kế hoạch vốn năm 2024 đăng ký là 110 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân được 16/110 tỷ đồng (đạt 14,5%).

Theo Ban Giao thông, đến nay đã thu hồi mặt bằng đạt 405,471 ha/410,439 ha, đạt 98,8%. Khối lượng 1,2% còn lại thuộc 3 địa phương: Bình Chánh, Củ Chi và TP. Thủ Đức. Cụ thể: Bình chánh còn 2 trường hợp, Củ chi còn 2 trường hợp, TP. Thủ Đức còn 45 trường hợp.

Hiện UBND Thành phố đã có chỉ đạo và 3 địa phương trên đã có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm 1,2% khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng còn lại, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước 30/6.

Đầu tư 2.938 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phụng Hiệp

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 445/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phụng Hiệp, thành phố Hà Nội.

Theo Quyết định, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phụng Hiệp có tổng vốn đầu tư 2.938 tỷ đồng; quy mô sử dụng đất của dự án là 174,88 ha.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Khu công nghiệp Phụng Hiệp ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển mới của Thủ đô. Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Địa điểm thực hiện dự án tại các xã Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên, Thắng Lợi và Dũng Tiến, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.  

Thời hạn hoạt động của dự án: 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan. Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.  

UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, giám sát, đảm bảo dự án triển khai phù hợp với vị trí quy hoạch phát triển khu công nghiệp Phụng Hiệp đã được phê duyệt. Không được chuyển phần diện tích quy hoạch phát triển khu công nghiệp Phụng Hiệp còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sang mục đích khác khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. 

Tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Phụng Hiệp theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó không tính phần diện tích đất quy hoạch tuyến đường trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên và phần diện tích đất của tuyến kênh Phụng Hiệp trong khu vực thực hiện Dự án vào cơ cấu sử dụng đất của Dự án; có giải pháp xây dựng, kết nối giao thông phù hợp với quy hoạch tuyến đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên và đường tỉnh 429, đảm bảo Dự án không chồng lấn các quy hoạch khác và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo lưu thông, không ùn tắc tại các điểm kết nối; xem xét bố trí quỹ đất công nghiệp trong khu công nghiệp Phụng Hiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh thuê lại đất.

UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và các cơ quan có liên quan rà soát, đảm bảo khu vực thực hiện dự án không có công trình di sản văn hóa vật thể hoặc ảnh hưởng đến sản phẩm di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội; phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.  

Công ty TNHH Hòa Phú Invest (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án; chỉ được thực hiện dự án sau khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển mới của Thủ đô và định hướng phát triển các ngành công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng.

Công bố 2 bộ tiêu chí về thẩm định và đánh giá hiệu quả dự án FDI

Để nâng cao chất lượng thu hút và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài tại địa phương, Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) vừa phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Hà Nội công bố 2 bộ tiêu chí về thẩm định Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh và về giám sát, đánh giá hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh.

Hai bộ tiêu chí về thẩm định và giám sát, đánh giá dự án FDI đã chính thức được công bố.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch ISC, cho biết, Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, đã đặt ra yêu cầu “chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu”.

Theo đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các điều khoản quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn dự án FDI, nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương chủ động xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, các tiêu chí quy định về lựa chọn dự án FDI còn phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên khi áp dụng vào thực tế, có thể dẫn đến sai sót, lọt lưới các dự án không mong muốn.

Tương tự như vậy, các báo cáo về FDI hiện nay chủ yếu đánh giá FDI dựa trên các chỉ tiêu kết quả thu hút và sử dụng FDI cũng như đóng góp của khu vực FDI cho nền kinh tế. Chưa có bộ tiêu chí đầy đủ đánh giá hiệu quả FDI thống nhất ở các cấp, các ngành, các địa phương làm căn cứ cho việc giám sát, đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng FDI trên phạm vi quốc gia cũng như trong từng địa phương.

Đề cập sâu hơn về các bộ tiêu chí này, ông Ngô Công Thành, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên ISC, cho biết, hai bộ tiêu chí này sẽ giúp thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng cấp tỉnh dễ dàng hơn trong việc rà soát, xử lý, lựa chọn dự án đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định và trả lời nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo ông Thành, bộ tiêu chí được thiết kế dưới dạng cẩm nang tra cứu để người sử dụng dễ dàng tìm được các quy định của pháp luật liên quan đến dự án đầu tư, do đó, sẽ rút ngắn được thời gian xem xét ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án, đảm bảo thời hạn 35 ngày theo quy định.

Trong 2 bộ tiêu chí này, bộ tiêu chí thẩm định có 10 tiêu chí. Trong đó, 8 tiêu chí mang tính chất sàng lọc dự án, chỉ ra các quy định pháp luật liên quan đến thẩm định dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm: hồ sơ và tư cách pháp lý của nhà đầu tư, lĩnh vực đầu tư, phù hợp với quy hoạch, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, bảo đảm năng lực tài chính, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả sử dụng lao động, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Hai tiêu chí còn lại chỉ ra các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án FDI chất lượng cao, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn và ưu đãi đầu tư theo ngành nghề, địa bàn khuyến khích đầu tư.

Trong khi đó, bộ tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả FDI, bao gồm 36 tiêu chí, phân thành nhiều nhóm tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn, tiêu chí về thu hút vốn FDI, tiêu chí về sử dụng FDI, tiêu chí về hiệu quả kinh tế của khu vực FDI, hay tiêu chí về hiệu quả xã hội…

“Bộ tiêu chí mà chúng tôi công bố không mang tính chất văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản chỉ đạo điều hành, mà chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động hợp tác đầu tư với nước ngoài của các địa phương”, ông Ngô Công Thành cũng giải thích rõ như vậy và cho biết, bộ tiêu chí này sẽ giúp việc ra quyết định của địa phương dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn; từ đó thúc đẩy môi trường đầu tư - kinh doanh, gia tăng dòng vốn FDI.

Cùng với đó, theo ông Thành, bộ tiêu chí này cũng là tài liệu có giá trị trong việc hỗ trợ các cơ quan chức năng cấp tỉnh khi thực thi nhiệm vụ, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.

“Do đó, hai bộ tiêu chí này cần được phổ biến rộng rãi tới các tỉnh, thành phố trong cả nước”, ông Ngô Công Thành nhấn mạnh.

Cục Đường cao tốc nhận thêm nhiệm vụ đầu tư trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 634/QĐ - BGTVT về việc ủy quyền, giao nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Dự án đầu tư kinh doanh trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông do bộ này quản lý.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Bộ GTVT uỷ quyền, giao nhiệm vụ cho Cục Đường cao tốc Việt Nam, các ban quản lý dự án căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và đấu thầu, tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh trạm dừng nghỉ do Bộ GTVT quản lý thuộc mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến Bắc - Nam phía Đông tại Quyết định số 938/QĐ-BGTVT ngày 31/7/2023 về việc phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Cụ thể, Cục Đường cao tốc Việt Nam được thực hiện một số nhiệm vụ của người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền liên quan đến các dự án đầu tư kinh doanh trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm: tổ chức thẩm định, phê duyệt thông tin dự án và công bố dự án đầu tư kinh doanh; phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư; ký kết và quản lý hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án; quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu; đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà đầu tư; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu, thực hiện hợp đồng; Cục Đường cao tốc Việt Nam được thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng; các nhiệm vụ khác của người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Bộ GTVT ủy quyền, giao nhiệm vụ cho các ban Quản lý dự án thực hiện nhiệm vụ của bên mời thầu và một số nhiệm vụ khác như: tổ chức lập hồ sơ đề xuất dự án và bảng theo dõi tiến độ thực hiện các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư; thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu; phê duyệt hồ sơ mời thầu; rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án đầu tư đối với các trạm dừng nghỉ thuộc dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý chưa xác định hình thức, phương thức đầu tư.

Được biết, Ban quản lý dự án được ủy quyền, giao nhiệm vụ trong quản lý, thực hiện dự án đầu tư kinh doanh trạm dừng nghỉ tại quyết định này là Ban quản lý dự án được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc (đối với dự án đầu tư công) hoặc Ban quản lý dự án được ủy quyền, giao nhiệm vụ trong quản lý đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc (đối với dự án đầu tư theo hình thức/phương thức khác).

Theo Quyết định số 938/QĐ-BGTVT, mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 36 trạm dừng nghỉ, trong đó có 24 trạm thuộc thẩm quyền Bộ GTVT quản lý.

Bộ GTVT cho biết, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/02/2024 về đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ, việc sớm đầu tư hoàn thành các trạm dừng nghỉ để đưa vào khai thác đồng bộ cùng thời gian hoàn thành các dự án thành phần trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là hết sức cần thiết và cấp bách.

“Do vậy, cần có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, trong đó cần xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT trong công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, ký kết và tổ chức triển khai hợp đồng dự án”, lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam thông tin.

Đề xuất đưa khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản ra khỏi quy hoạch để phục vụ cao tốc

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao Sở Công thương rà soát các nội dung khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tái định cư phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc.

Theo báo cáo của UBND TP. Bảo Lộc, để tạo quỹ đất tái định cư phục vụ cho công tác bồi thường, tái định cư các dự án trên địa bàn thành phố, đặc biệt là Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đi qua tỉnh Lâm Đồng trong đó có TP. Bảo Lộc. 

UBND TP. Bảo Lộc đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Bảo Lộc lập Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tái định cư tại phường Lộc Phát, diện tích khoảng 23 ha và đã được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị Quyết số 215/NQ-HĐND ngày 27/10/2023.

Tuy nhiên, khu vực lập Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tái định cư tại phường Lộc Phát (còn có tên gọi khu vực đồi Thắng Lợi) nằm trong danh mục dự án khai thác quặng bauxit thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo UBND TP. Bảo Lộc, qua rà soát khu vực mỏ bô xít cũ và quy hoạch thăm dò khoáng sản, kết quả cho thấy, tổng diện tích thuộc quy hoạch thăm dò khoáng sản theo Quyết định số 866/QĐ-TTg là 14,27 ha.

Trong đó, diện tích đã khai thác quặng bauxit 3,28 ha, diện tích chưa khai thác 10,99 ha (trữ lượng còn lại chưa khai thác ước khoảng 363.000 tấn); tổng diện tích thuộc quy hoạch vùng khai thác khoáng sản theo Quyết định số 866/QĐ-TTg 5,16 ha. Trong đó đã khai thác 1,26 ha, diện tích chưa khai thác 3,9 ha (trữ lượng còn lại chưa khai thác ước khoảng 151.000 tấn)

Theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ thì khu vực đồi Thắng Lợi, cung cấp cho nhà máy Alumin Lâm Đồng, được phép ưu tiên khai thác trước các khu vực quy hoạch phát triển đô thị, các dự án cấp bách phát triển hạ tầng giao thông phát triển kinh tế xã hội.

Nhưng hiện nay, khu vực mỏ bauxit đồi Thắng Lợi đã đóng cửa mỏ theo Quyết định số 1203/QĐ-BTNMT ngày 28/5/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Do nhu cầu cấp thiết thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tái định cư tại phường Lộc Phát phục vụ cho Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đoạn qua TP. Bảo Lộc, UBND TP. Bảo Lộc đề nghị UBND tỉnh xem xét trình Chính phủ điều chỉnh diện tích trên ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản theo Quyết định 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để UBND thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tái định cư tại phường Lộc Phát phục vụ Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương theo đúng tiến độ đề ra.

Nam Định: Phê duyệt lập Đồ án Quy hoạch chung xây dựng 2 khu công nghiệp

Theo Quyết định số 1090/QĐ-UBND, UBND tỉnh Nam Định giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì tổ chức lập Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Hải Long với quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 1.320 ha, quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 1.100 ha nhằm mục tiêu hình thành khu công nghiệp đa ngành, có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường.

Phạm vi lập quy hoạch thuộc địa bàn 4 xã: Bạch Long, Giao Long, Giao Châu, Giao Nhân (huyện Giao Thủy). Ranh giới nghiên cứu, lập quy hoạch cụ thể là: Phía Bắc giáp khu dân cư hiện hữu và Quốc lộ 37B; phía Nam giáp biển Đông; phía Đông giáp đất nông nghiệp, khu dân cư hiện hữu và đường tỉnh lộ 488; phía Tây giáp đất nông nghiệp, khu dân cư hiện hữu.

Quyết định số 1090 cũng xác định Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Hải Long cần giải quyết 6 vấn đề chính gồm: Xác định mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai, chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; mô hình phát triển, định hướng phát triển không gian các khu chức năng; hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường; xác định danh mục các quy hoạch, chương trình, Dự án ưu tiên đầu tư theo các giai đoạn và nguồn lực thực hiện; đề xuất giải pháp kết nối hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn, hạn chế mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh trong đó đặc biệt lưu ý về an toàn giao thông do Khu công nghiệp Hải Long quy hoạch nằm hai bên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định đi qua địa phận huyện Giao Thuỷ.

Dự kiến mức vốn đầu tư để lập Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Hải Long là trên 4,6 tỷ đồng, lấy từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. UBND tỉnh Nam Định cũng xác định phải lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực hoạt động phù hợp theo quy định của pháp luật; thời gian tổ chức lập Đồ án trong năm 2024-2025 nhưng không quá 12 tháng.

Đối với Khu công nghiệp Nam Hồng, UBND tỉnh Nam Định  giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì tổ chức lập Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Nam Hồng quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 200 ha với tính chất là khu công nghiệp đa ngành, có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường; quy mô lao động dự kiến trong khu vực quy hoạch khoảng 20.000 người.

Phạm vi lập quy hoạch thuộc địa bàn 3 xã: Nam Hồng, Nam Lợi, Nam Thanh (Nam Trực). Ranh giới nghiên cứu, lập quy hoạch cụ thể là: Phía Bắc giáp khu dân cư hiện hữu; phía Nam giáp khu dân cư hiện hữu; phía Tây giáp mương thủy lợi, đường trục xã và tuyến đường Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đang xây dựng; phía Đông giáp Quốc lộ 21.

Quyết định số 1093 cũng xác định Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Nam Hồng cần giải quyết 7 vấn đề chính gồm: Xác định chức năng sử dụng cho từng khu đất; nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan cho toàn khu vực lập quy hoạch; chỉ tiêu về lao động, sử dụng đất, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đối với từng lô đất; bố trí các công trình hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng; bố trí mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn phát triển của toàn Khu công nghiệp; đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường; đề xuất giải pháp kết nối hạ tầng kỹ thuật của KCN đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn, hạn chế mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh; trong đó đặc biệt lưu ý về an toàn giao thông do Khu công nghiệp Nam Hồng quy hoạch nằm hai bên tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển.

Dự kiến mức vốn đầu tư để lập Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Nam Hồng là trên 2,4 tỷ đồng, lấy từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. UBND tỉnh cũng xác định phải lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực hoạt động phù hợp theo quy định của pháp luật; thời gian tổ chức lập Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Nam Hồng trong năm 2024 - 2025 nhưng không quá 9 tháng.

Đà Nẵng đề xuất hủy dự toán đối với 656,111 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2023

Ngày 24/5, tại kỳ họp thứ 17 (kỳ họp chuyên đề) HĐND Thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, UBND Thành phố Đà Nẵng trình bày Tờ trình đề nghị HĐND thành phố thống nhất hủy dự toán đối với 656,111 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2023 do không thể giải ngân.

Sáng 24-5 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức Kỳ họp thứ 17 (Kỳ họp chuyên đề) để xem xét, cho ý kiến một số nội dung theo thẩm quyền
Sáng 24/5, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức kỳ họp thứ 17 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, cho ý kiến một số nội dung theo thẩm quyền. Ảnh: Ngô Huyền

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, năm 2023, thành phố có 266 công trình, Dự án xây dựng cơ bản, khai thác quỹ đất và các dự án chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, công trình dân sinh, vốn phân cấp được bố trí vốn thực hiện đã không thể giải ngân 656,111 tỷ đồng kế hoạch vốn dự toán năm 2023 do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như: Dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu (82,861 tỷ đồng); Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) 19,506 tỷ đồng; Dự án đầu tư cải tạo và bổ sung trang thiết bị Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng 14,960 tỷ đồng.

Cụ thể, trong nhóm đề xuất hủy dự toán, có 188 dự án xây dựng cơ bản quy mô 515,026 tỷ đồng; 78 dự án khai thác quỹ đất quy mô 92,020 tỷ đồng; các dự án chuẩn bị đầu tư quy mô 18,746 tỷ đồng; các dự án nhiệm vụ lập quy hoạch quy mô 11,968 tỷ đồng; các công trình dân sinh của các quận 18,351 tỷ đồng.

Theo UBND Thành phố Đà Nẵng, năm 2023, Đà Nẵng có 83 công trình, dự án xây dựng cơ bản, khai thác quỹ đất và các dự án chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, công trình dân sinh, vốn phân cấp được bố trí kế hoạch vốn dự toán giao năm 2023 không thể giải ngân hết kế hoạch hết kế hoạch được giao 692,224 tỷ đồng do các khó khăn, vướng mắc trong năm về thủ tục, quy trình, công tác giải phóng mặt bằng, gồm 70 dự án xây dựng cơ bản quy mô 487,421 tỷ đồng; 13 dự án khai thác quỹ đất quy mô 69,081 tỷ đồng; các dự án lập nhiệm vụ quy hoạch quy mô 14,321 tỷ đồng; các dự án chuẩn bị đầu tư 1,7 tỷ đồng; các công trình dân sinh của các quận 62,710 tỷ đồng; các công trình thuộc vốn phân cấp và nông thôn mới của huyện Hòa Vang 56,991 tỷ đồng.

Đối với kế hoạch vốn hủy dự toán 656,111 tỷ đồng say khi trừ 585,701 tỷ đồng hụt thu tiền sử dụng đất của ngân sách thành phố còn 70,410 tỷ đồng, UBND Thành phố đề nghị cho phép bổ sung vào nguồn kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 -2025 điều chỉnh, bổ sung sẽ trình HĐND thành phố tại kỳ họp giữa năm 2024 theo quy định.

UBND thành phố đề nghị HĐND thành phố thống nhất cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với 83 công trình, dự án xây dựng cơ bản, khai thác quỹ đất và các dự án chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, công trình dân sinh, vốn phân cấp được bố trí kế hoạch vốn dự toán giao năm 2023, không thể giải ngân hết kế hoạch được giao 691,224 tỷ đồng nêu trên.

UBND Thành phố cũng đề xuất HĐND điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn năm 2023, trong đó giảm dự toán nguồn tiền sử dụng đất, tăng bằng nguồn ngân sách tập trung và nguồn khác còn dư để phù hợp với thực tế nguồn thu ngân sách đáp ứng cho đầu tư công.

Đà Nẵng kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý chất thải đa năng 164 tỷ đồng

Ngày 24/5, ông Nguyễn Hữu Nhật, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã đăng tải hồ sơ mời doanh nghiệp quan tâm đối với dự án Nhà máy xử lý chất thải đa năng.

Thành phố Đà Nẵng kêu gọi đầu tư Nhà máy xử lý chất thái đa năng.

Nhà máy xử lý chất thái đa năng, tại khu vực bãi rác Khánh Sơn (phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu) có tổng diện tích xây dựng là 24.726 m2; tổng công suất xử lý chất thải từ 136 tấn/ngày đến 461,4 tấn/ngày.

Dự án có tổng vốn đầu tư là hơn 164,4 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ chi phí thực hiện dự án là hơn 162 tỷ đồng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là hơn 1,9 tỷ đồng…

Theo Quyết định phê duyệt thông tin dự án đầu tư kinh doanh dự án Nhà máy xử lý chất thái đa năng, tại khu vực bãi rác Khánh Sơn của UBND TP.Đà Nẵng, dự án nhằm tái chế tận thu và xử lý chất thải nguy hại.

Đồng thời đảm bảo thu gom, phân loại, vận chuyển, lưu trữ, xử lý, tái chế, tiêu hủy chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố. Thúc đẩy phát triển các hoạt động và sử dụng các công nghệ hiện đại để làm sạch, tái sử dụng, tái chế tận thu, tận thu năng lượng xử lý chất thải. Xây dựng nhà máy xử lý, tái chế chất thải nguy hại bằng công nghệ tiên tiến…

Theo Quyết định của TP.Đà Nẵng, vốn chủ sở hữu đảm bảo tối thiểu 20% tổng chi phí thực hiện của dự án, tương đương hơn 32,8 tỷ đồng. Vốn huy động hợp pháp khác tối đa 80% tổng chi phí thực hiện dự án, tương đương hơn 131,5 tỷ đồng.

Dự án thực hiện thủ tục mời quan tâm áp dụng đối với dự án cần xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo yêu cầu.

Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu thì tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư. Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu thì chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư…

Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư từ quý II/2024…

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng được TP.Đà Nẵng giao nhiệm vụ thực hiện đăng tải thông tin dự án. Đồng thời làm bên mời thầu đối với việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý chất thải đa năng.

Cần Thơ: Khánh thành cầu Tây Đô và cầu Cờ Đỏ, tổng mức đầu tư 358 tỷ đồng
Cầu Cờ Đỏ và cầu Tây Đô là hai dự án giao thông trọng điểm của TP. Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư