Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 11/6: Liên tiếp bệnh nhân có khối u khổng lồ phải phẫu thuật
D.Ngân - 11/06/2023 10:50
 
Các bác sĩ thuộc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ để lấy khối u nặng nửa kg trên đầu bệnh nhân và thêm 6 giờ để tái tạo thẩm mỹ vạt da lớn bị hoại tử, bảo vệ não bộ cho bệnh nhân.

Khối u lớn đe doạ tính mạng bệnh nhân

Thầy thuốc ưu tú, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, cuối tháng 5/2023, chị Phạm Thị Nguyên (38 tuổi, Bình Dương) trùm khăn kín đầu đến bệnh viện khám vì có khối u quá lớn.

Các bác sĩ đang chuẩn bị cho ca phẫu thuật lấy khối u khồng lồ trên đầu bệnh nhân.

Khi chị vừa cởi khăn đầu ra, nhìn hình thù khối u khổng lồ căng bóng, nhiều mạch máu, các bác sĩ có cảm giác khối u sắp vỡ. Hình thù khối u mọc ra trên đầu trông giống như một quả hồ lô.

Qua khám lâm sàng, bác sĩ Chu Tấn Sĩ nhận định người bệnh tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng khối u rất lớn (đường kính khoảng 12 cm). Trên bề mặt khối u có những vết của xuất huyết hoại tử nhiều lần. Kết quả chụp MRI cho thấy khối u còn ăn lan xuyên qua xương sọ xuống tới màng não, gây hủy xương sọ.

Để phẫu thuật ca bệnh, các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh và Đơn vị vi phẫu tạo hình thẩm mỹ đã hội chẩn và mổ phối hợp liên chuyên khoa. Bài toán đặt ra là sau khi mổ u sẽ “lấy gì để che lại” vùng xương sọ bị hủy và khuyết da? 

Nếu để vết thương hở, nguy cơ nhiễm trùng não và màng não và bệnh nhân tử vong nhanh hơn. Phương án được các bác sĩ đưa ra là phẫu thuật cắt trọn u, tạo hình hộp sọ đã bị hủy hoại và ghép da có cuống thẩm mỹ. 

Đầu tiên, các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh tiến hành cắt trọn khối u, phần da đầu ở phía dưới tổn thương bị khuyết rộng 15 x 15 cm. Phần u xâm lấn não cũng đồng thời được lấy hết bằng các thiết bị hiện đại và tái tạo xương sọ bằng miếng lưới titanium tinh xảo. 

Ca mổ kéo dài 120 phút. Sau đó, ekip mổ ghép vạt da vi phẫu tạo hình thẩm mỹ, lấy từ vạt da có cuống mạch ở đùi để đắp vào chỗ khuyết da và xương sọ, nối nhánh nuôi với bó mạch thái dương nông để lấy máu cung cấp cho vạt da, mất hơn 6 giờ.

TS.BS Chế Đình Nghĩa, Trưởng Đơn vị Vi phẫu tạo hình Thẩm Mỹ, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, việc ghép da này không giống như một ghép da thông thường (chỉ lấy da đắp lên vùng da đã khuyết là xong). 

Bác sĩ phải lấy cả da lẫn mạch máu nuôi da, với mạch máu khá nhỏ, đồng thời nối lại động, tĩnh mạch để bơm máu lên nuôi vạt da, dẫn lưu máu về giúp vạt da sống được, đủ khả năng che phủ khuyết hổng lớn của tổn thương.

Để thực hiện kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ có nhiều kinh nghiệm phẫu thuật vi phẫu tạo hình và trang thiết bị kỹ thuật cao như dụng cụ vi phẫu, kính hiển vi phẫu thuật để làm việc với những mạch máu nhỏ từ 1mm trở xuống. 

Trong 72 giờ đầu sau phẫu thuật, các bác sĩ phải theo dõi liên tục vùng da ghép có bị tắc mạch hay không. Cứ 15-20 phút, bác sĩ, điều dưỡng theo dõi mạch vùng da ghép có đập không, máu nuôi có ổn định không, da có được nuôi tốt không và sau đó tiếp tục theo dõi đến 7 ngày để đánh giá chắc chắn vùng da đã sống.

“Nếu vạt da đó bị khuyết, máu nuôi không đủ cấp, không thể sống được sẽ phải xử lý, ghép da tạo hình lại, tỉ lệ thành công thấp hơn, rủi ro cao hơn. Khi ghép lại diện tích da như vậy sẽ làm mất cả vùng cho lẫn nhận, để lại di chứng, hậu quả rất nặng nề cho người bệnh”, bác sĩ Chế Đình Nghĩa cho biết. 

Sau 4 ngày phẫu thuật, ghép da, người bệnh đã tỉnh táo, đi lại tiếp xúc tốt, vết mổ ổn định, khô, sạch cả vùng cho lẫn vùng nhận. Người bệnh sẽ tái khám để được hóa trị theo chỉ định, vì đây là loại u ác tính đã có kết quả giải phẫu bệnh trước đó.

Được biết thời gian gần đây, liên tiếp các trường hợp bệnh nhân đến khám trong tình trạng có khối u khổng lồ, nhưng không điều trị kịp thời để đến khi bệnh nặng, không thể chịu đựng được mới tới các cơ sở y tế.

Điều này vừa làm giảm chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, vừa khiến công tác điều trị của các chuyên gia y tế gặp nhiều khó khăn. Do vậy chuyên gia khuyến cáo khi có bất thường về các khối u người dân nên đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Thêm 3 trường hợp bị ngộ độc nấm

Ngày 11/6, UBND huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh cho biết đã xảy ra vụ ngộ độc khiến 3 người ở địa phương này phải nhập viện cấp cứu.

Vụ ngộ độc xảy ra tại ấp Tân Minh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên. Cụ thể, sáng ngày 10-6, gia đình ông Triệu Chí Linh gồm bốn người ăn sáng bằng món mì xào nấm.

Sau khi ăn xong, ba người trong gia đình bị ngộ độc phải đến Trung tâm Y tế huyện Tân Biên cấp cứu. Đến chiều cùng ngày, do trở nặng, ông Linh cùng với hai người con được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Tây Ninh điều trị.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc liên quan đến việc ăn phải nấm độc. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hết sức thận trọng khi tự ý hái nấm về ăn để tránh các vụ ngộ độc tương tự.

Hội chứng Marfan: Bất thường di truyền hiếm gặp và những điều cần biết

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Medlatec tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam H.M.T (34 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội sau xương ức, đau đến vã mồ hôi, khó thở, toàn thân tím tái, huyết áp tụt sâu.

Nhận định tình trạng nguy hiểm, bác sĩ lập tức tiến hành cấp cứu đảm bảo các dấu hiệu sinh tồn cho bệnh nhân bằng phương pháp thở oxy liều cao, đặt ống nội khí quản, thở máy, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm và dùng các thuốc vận mạch để đảm bảo tuần hoàn và hô hấp.

Đồng thời, ngay lập tức, ekip bác sĩ liên chuyên khoa tập trung để hội chẩn khẩn cấp, bệnh nhân được thực hiện đo điện tim, siêu âm cấp cứu ngay tại giường. Kết quả kết luận, anh T. mắc Hội chứng Marfan, có lóc tách động mạch chủ ngực Stanford A gây biến chứng phù phổi cấp, sốc tim.

Trên giường cấp cứu, có thời điểm huyết áp bệnh nhân tụt sâu, mạch khó bắt khiến cả ekip bác sĩ đều toát mồ hôi hột, gồng mình chiến đấu cùng bệnh nhân. Rất may mắn, bước đầu tình trạng nguy hiểm đã được kiểm soát, các chỉ số sinh tồn ổn định.

ThS.BS Phạm Duy Hưng, Chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Medlatec- bác sĩ trực tiếp thực hiện cấp cứu cho bệnh nhân cho biết, mặc dù bước đầu có thể đảm bảo sự sống. Tuy nhiên, tình trạng bệnh diễn biến cấp tính và rất nguy hiểm, bệnh nhân cần được phẫu thuật cấp cứu thay đoạn động mạch chủ bị lóc tách mới có hy vọng sống. 

Theo bác sĩ Hưng, các bác sĩ tại đây đã nhanh chóng kết nối với các bác sĩ tại Bệnh viện Tim Hà Nội để tiến hành phẫu thuật kịp thời. Đích thân ekip hồi sức cấp cứu của Medlatec túc trực trên xe cấp cứu trong quá trình chuyển viện cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt. Hơn 3 tháng sau cơn “thập tử nhất sinh”, anh T. cùng gia đình đột nhiên xuất hiện tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec gửi lời cảm ơn đến ekip bác sĩ cấp cứu.

ThS.BS Phạm Duy Hưng cho biết, anh T. và gia đình đều không hay biết bệnh tình trước đó, bởi hội chứng Marfan có tính chất phức tạp, tiến triển âm thầm và khó nhận biết.

Hội chứng Marfan là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết có vai trò hỗ trợ, kết nối các cơ quan và cấu trúc trong cơ thể. Do mô liên kết xuất hiện ở khắp cơ thể nên người mắc bệnh bị ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng của nhiều cơ quan, đặc biệt là tim, mắt, mạch máu, xương.

ThS.BS Phạm Duy Hưng cho biết thêm, ảnh hưởng của hội chứng Marfan lên cơ thể có thể nhẹ hoặc nặng, tăng lên theo độ tuổi của người bệnh.

Trong đó, hậu quả nặng nề thường gặp nhất là các biến chứng về tim mạch như bất thường van tim, tình trạng hẹp/ hở van tim, suy tim, phình động mạch chủ hoặc lóc tách động mạch chủ, có thể gây vỡ động mạch chủ dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, bệnh có thể gây biến chứng ở một số cơ quan khác như: Mắt: Bong võng mạc, đục thủy tinh thể, cận thị, tăng nhãn áp…

Xương: Xương sống bị gù vẹo, chân/ tay dài và không cân đối, bàn chân lớn và phẳng, cao hơn trung bình so với tuổi và gia đình, xương ức lồi ra hoặc lõm vào…

Hệ thống thần kinh: Những bất thường ở màng cứng của hệ thần kinh có thể gây ra những cơn đau bụng, đau hoặc tê yếu ở chân…

Da: Xuất hiện vết rạn da, tuy nhiên, không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Phổi: Mô liên kết bị tổn thương khiến các phế nang bị giãn hoặc sưng, làm tăng nguy cơ xẹp phổi. Đặc biệt, chứng rối loạn này còn có biểu hiện rối loạn hô hấp và gây ra tình trạng ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ.

Hiện nay, hội chứng Marfan vẫn chưa có cách chữa trị khỏi bệnh hoàn toàn, bệnh nhân mắc bệnh phải chịu “sống chung với lũ” cả đời. Các phương pháp điều trị chỉ tập trung vào việc giảm bớt tác động của bệnh lên các cơ quan trên cơ thể.

Vì vậy, ThS.BS Phạm Duy Hưng chỉ ra rằng, theo dõi thường xuyên, tuân thủ điều trị là chìa khóa duy nhất để có thể kiểm soát hội chứng Marfan.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp mắc bệnh được phát hiện sớm, theo dõi sát sao và điều trị thích hợp, bệnh có thể cải thiện rõ rệt, thậm chí có thể sinh hoạt gần như người bình thường. Trước đây, tuổi thọ trung bình của bệnh nhân mắc hội chứng Marfan là 45 tuổi, tử vong chủ yếu do biến chứng tim mạch. 

Tuy nhiên, hiện nay, nhờ sự tiến bộ của y học hiện đại cùng việc phát hiện sớm và điều trị thích hợp, tuổi thọ của người mắc bệnh lý này đã tăng lên đáng kể, có nhiều trường hợp sống trên 70 tuổi.

Bác sĩ khuyến cáo thêm, ngoài việc phải được theo dõi điều trị sát sao, người mắc hội chứng Marfan cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, không hút thuốc lá, không uống rượu bia, không quá gắng sức hoặc mang vác vật nặng để giảm gánh nặng cho tim và luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư