Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Nắng nóng, làm sao để phòng ngộ độc thực phẩm?
D.Ngân - 28/04/2024 13:58
 
Thời tiết nắng nóng khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao, người dân cần chú ý khâu chế biến và sử dụng thực phẩm để tránh rước họa vào người.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa nắng

Ngộ độc thực phẩm gây ra nhiều biến chứng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Cụ thể, có thể gây rối loạn thần kinh khiến người bệnh nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, có thể nói ngọng, bị tê liệt cơ, gặp tình trạng co giật, đau đầu, chóng mặt; rối loạn tim mạch làm người bệnh có thể tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở, đau ngực.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, ngộ độc khiến sức đề kháng suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người lớn tuổi hoặc những người đang điều trị bệnh phải sử dụng các thuốc gây ức chế miễn dịch (đối với các bệnh lý về khớp, ung thư, dị ứng), người bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh lý dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố…

TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có 3 nhóm nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm, gồm thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật và các độc tố của vi sinh vật.

Trong nhóm này phổ biến nhất vẫn là vi sinh vật gây bệnh qua đường tiêu hóa như Ecoli, Salmonella, lị… Đây cũng là nhóm nguyên nhân gây ngộ độc nhiều nhất ở nước ta, do việc chế biến, sử dụng thực phẩm mất vệ sinh.

Nguy cơ thứ hai là do thực phẩm bị nhiễm các hóa chất do nuôi trồng, bảo quản, chế biến (ví như hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, phụ gia thực phẩm…) hoặc do yếu tố chủ đích - chủ động cho hóa chất vào thực phẩm để đầu độc nhau như cho asen- thạch tín, xyanua, thuốc diệt chuột.

Ngoài ra, bản thân thực phẩm có độc (chất độc tự nhiên), ví dụ cá nóc, nấm. Ngộ độc cũng thường xảy ra khi ăn thực phẩm chưa được nấu chín như rau quả sống, sushi, nem chua.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm bằng cách nào?

Các bác sĩ cũng khuyên mọi người lưu ý khi dùng thực phẩm bảo quản trong hộp, chai, lọ đóng kín như dưa cải muối chua; thịt, cá đóng hộp vì có nguy cơ xảy ra ngộ độc do vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum.

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cũng như các biến chứng nguy hiểm, theo chuyên gia, người bệnh cần chọn lựa thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ vệ sinh trong khi chế biến và ăn uống hợp vệ sinh bằng nguyên tắc ăn chín, uống sôi.

Đặc biệt, trong các chuyến du lịch, cần chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không ôi thiu, kém chất lượng; chọn các nhà hàng uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm.

TS.Trung Nguyên cho rằng, hầu hết ngộ độc thực phẩm nhẹ đều có thể nhanh chóng ổn định hoặc được giải quyết ngay tại tuyến y tế cơ sở, nhưng cũng có những trường hợp ngộ độc thực phẩm rất nặng nề. Nếu có tình trạng nặng hoặc rầm rộ hoặc dai dẳng, liên tục không đỡ, cần đến cơ sở y tế để thăm khám ngay.

Khi không may bị ngộ độc, theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyên, điều đầu tiên là phải xác định ngay xem có nguy cơ cao rủi ro hay không biểu hiện qua triệu chứng rầm rộ, dai dẳng (đau liên tục không hết, không đỡ); mức độ đau, nôn, mệt mỏi, đi ngoài, biểu hiện thần kinh, đau ngực, lơ mơ, chếnh choáng…; Hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch, trẻ em, người có thể trạng yếu, người có bệnh nền…

Khi bệnh nhân đau bụng, nôn, tiêu chảy… cách xử lý tại nhà dễ nhất là bù nước bằng oresol, uống nước canh cho muối, nước gạo cho thêm muối, uống theo nhu cầu.

Đồng thời, theo dõi nhiệt độ xem có sốt không. Trong trường hợp uống bù nước không đủ, uống xong lại nôn liên tục, cần đến ngay cơ sở y tế.

Đối với ngộ độc có nhiều người mắc, hoặc ngộ độc đơn lẻ nhưng nặng, có thể do yếu tố hóa chất, độc tố tự nhiên, cần báo cơ quan y tế dự phòng hoặc cơ quan an toàn thực phẩm địa phương để có phương án xử lý kịp thời.

Cùng đó, gia đình, người chứng kiến cần giữ lại các mẫu thực phẩm nghi ngờ nhiễm độc để các bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân ngộ độc, có cách xử trí kịp thời; Giữ lại chất nôn, chất thải để phục vụ nhu cầu kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

Để phòng chống ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị, ngành y tế và cơ quan chức năng các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.

Chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.

Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).

Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng.

Cảnh báo về ngộ độc thực phẩm trong mùa hè
Từ đầu năm đến nay, có gần 660 người bị ngộ độc, là hồi chuông cảnh báo về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong dịp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư