Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 3/10: Hà Nội xử phạt 39 cơ sở hành nghề y dược có sai phạm
Dương Ngân - 03/10/2023 09:10
 
Trong tháng 9/2023, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt nhiều cơ sở hành nghề y dược, với số tiền xử phạt là 770,5 triệu đồng.
TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Nhiều sai phạm trong hành nghề y, dược

Công ty CPTM PharmaTek USA, quầy 341, Trung tâm dược phẩm Hapulico, số 85 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân vừa bị xử phạt 50 triệu đồng do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt phân phối thuốc theo quy định của pháp luật.

Ba công ty quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định bị xử phạt mức 45 triệu đồng và buộc tháo gỡ, tháo dỡ nội dung quảng cáo trên internet. Đó là: Công ty TNHH dịch vụ y tế Gia Nguyễn, số 332 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng; Công ty TNHH Charlie International, số 480 Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa; Công ty TNHH thương mại và xây dựng IBM, khu Gò Mèo, Tây Sơn, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng.

Hộ kinh doanh Phòng khám nha khoa Time Smile, số 610 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng bị xử phạt 22,5 triệu đồng vì quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, đồng thời buộc tháo gỡ, tháo dỡ nội dung quảng cáo trên Internet.

Công ty cổ phần thương mại dịch vụ German - Link, số 132 Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân bị xử phạt 12 triệu đồng do kho bảo quản thực phẩm không có quy trình xuất nhập.

Quầy thuốc Vương Huyền, thửa đất số 142 -1 tờ bản đồ số 02 khu 3, thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh bị xử phạt 7,5 triệu đồng do không tuân thủ các quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc.

Công ty cổ phần Dược phẩm dược liệu Kinh Bắc, số 4 Nhà Vườn, khu đô thị Vĩnh Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai bị xử phạt 4 triệu đồng do niêm yết giá bán buôn không đầy đủ theo quy định.

Ba cơ sở bị xử phạt mức 2 triệu đồng do không báo cáo Sở Y tế Hà Nội trong trường hợp tạm dừng hoạt động từ 6 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động. Đó là Nhà thuốc tư nhân Sơn Hà, A4-TT2, Bắc Linh Đàm, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai; Nhà thuốc Thành Linh, số 40, ngõ Chùa Liên Phái, phố Bạch Mai, phường Cầu Diễn, quận Hai Bà Trưng; Quầy thuốc Hải Tuấn, thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Trước đó, nhiều cơ sở hành nghề y, dược cũng bị xử phạt do các lỗi vi phạm khác nhau.

Như vậy, tình chung trong tháng 9/2023, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt 39 cơ sở hành nghề y dược, với số tiền xử phạt là 770,5 triệu đồng.

Cảnh báo biến chứng sau phẫu thuật viêm xoang

Sau khi phẫu thuật mũi xoang tại một cơ sở y tế, người đàn ông bị biến chứng sốt cao, mũi chảy dịch và được chẩn đoán rò dịch não tủy - một biến chứng hiếm gặp.

Mới đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương vừa tiếp nhận một ca rò dịch não tủy qua đường mũi. Bệnh nhân là Nguyễn Văn T., 63 tuổi (Phương Khoan, Sông Lô, Vĩnh Phúc) nhập viện với tình trạng sốt, mũi chảy dịch trong suốt cùng các triệu chứng của viêm màng não.

Qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân sau khi được phẫu thuật xoang tại một cơ sở y tế khác, ông xuất hiện những biểu hiện bất thường như sốt cao, đầu đau dữ dội, mũi nhiễm trùng và chảy nước liên tục.

Bệnh nhân được các bác sĩ tại đây chẩn đoán bị viêm màng não. Sau đó, người nhà đã chuyển người bệnh tới Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.

Theo bác sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, phẫu thuật nội soi mũi xoang được thực hiện rất phổ biến hiện nay do ưu điểm vượt trội về hiệu quả và an toàn, song vẫn có thể xảy ra rủi ro.

Các biến chứng có thể gặp bao gồm: Rò dịch não tủy, thủng nền sọ, viêm màng não, tổn thương não,chảy nước mắt, nhìn đôi, mất thị lực…

Bệnh nhân T. đã bị rò dịch não tủy sau khi phẫu thuật mũi xoang. Đây là trường hợp hiếm gặp và cần phẫu thuật vá ngay lỗ rò để ngăn sự thông thương giữa mũi và sọ não.

Sau khi hội chẩn và được sự đồng ý của gia đình, kíp mổ đã tiến hành phẫu thuật nội soi vá lại nền sọ cho người bệnh bằng vật liệu tự thân và keo sinh học, sử dụng hệ thống mổ định vị không gian ba chiều-là hệ thống mổ hiện đại nhất hiện nay.

Đây là trường hợp lỗ rò có kích thước khá lớn, dịch não tủy chảy ra nhiều, vấn đề quan trọng nhất là phải bịt kín đường rò, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm.

Bác sĩ Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, lỗ rò dịch não tủy gây nên sự thông thương giữa khoang dịch não tuỷ và hốc mũi là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây nên viêm màng não, một bệnh lý nhiễm trùng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Ngoài nguyên nhân bẩm sinh thì rò dịch não tủy có thể xảy ra sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật.

Đối với trường hợp do bẩm sinh, dấu hiệu thường xuất hiện tự phát như: chảy dịch mũi, ngạt mũi hoặc viêm màng não.

Các trường hợp còn lại xuất hiện các dấu hiệu thứ phát như: sốt, buồn nôn, rét run, chảy mũi trong, các triệu chứng thần kinh như lơ mơ, thay đổi về hành vi, tâm lý và tiền căn viêm màng não tái đi tái lại…

Bác sĩ Thắng khuyến cáo nếu gặp những dấu hiệu nêu trên, đặc biệt khi tình trạng viêm màng não tái phát nhiều lần, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên sâu, uy tín với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.

Theo các bác sĩ, rò dịch não tủy là tình trạng dịch não tủy thoát ra ngoài sọ qua tai, thành sau họng hoặc qua mũi. Rò dịch não tủy qua đường mũi nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng.

Dịch não tủy là một chất lỏng tồn tại trong các não thất và tủy sống, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ não, lấy các nguồn dinh dưỡng cần thiết từ máu cung cấp cho não và loại bỏ các chất thải từ các tế bào não.

Rò dịch não tủy là tình trạng xảy ra khi dịch não tủy bị rò rỉ qua lỗ thủng ở màng cứng hoặc hộp sọ và chảy ra ngoài qua tai, thành sau họng hoặc qua hốc mũi. Nguyên nhân của lỗ rò hoặc vết rách có thể do chấn thương đầu và phẫu thuật não hoặc xoang.

Khuyến cáo bỏ thói quen ăn đồ tái, sống

Ngày 30/9/2023, một bệnh nhân nữ 40 tuổi, quê tại Yên Bái đã đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương khám bệnh với các biểu hiện đau bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, suy nhược.

Sau khi được bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm sán dây trưởng thành và được chỉ định tẩy xổ sán theo quy trình của Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.

Bệnh sán dây là bệnh truyền nhiễm đã được biết từ lâu, là bệnh lây truyền từ động vật ( lợn, trâu, bò) sang con người. Ở Việt Nam gặp 3 loài sán dây chủ yếu là sán dây lợn, sán dây bò, sán dây châu Á.

Con người nhiễm bệnh chủ yếu khi ăn phải trứng sán hoặc ấu trùng sán dây trong thịt lợn, thịt bò, thịt gạo chưa được nấu chín. Sán dây trưởng thành đều ký sinh tại ruột, thường tồn tại rất nhiều năm, người bệnh có thể không có triệu chứng lâm sàng gì đặc biệt hoặc triệu chứng tiêu hóa mơ hồ, không đặc hiệu.

Đa số các bệnh nhân nhiễm sán dây trưởng thành không có triệu chứng lâm sàng gì đặc biệt.

Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 2-3 tháng, người bệnh không có các triệu chứng bất thường gì. Khi sán trưởng thành ký sinh và hút chất dinh dưỡng tại ruột người, các triệu chứng như buồn nôn, nôn, chán ăn, ăn không ngon miệng, đầy bụng, khó tiêu, đau bụng vùng thượng vị…

Triệu chứng toàn thân thường không có sốt, đôi khi người bệnh có lo lắng, nhức đầu, sụt cân hoặc nổi mề đay. Rất hiếm khi các đốt sán di chuyển đến các vị trí khác như ruột thừa, ống mật chủ, ống tụy,… tuy nhiên về lý thuyết khi lạc chỗ ký sinh trùng có thể gây tắc nghẽn cơ học.

Để phòng chống bệnh sán dây theo các bác sĩ, cần tuyên truyền giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân.

Thực hiện an toàn thực phẩm: sử dụng nguồn thực phẩm thịt lợn, thịt bò, thịt trâu có nguồn gốc rõ ràng, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, không sử dụng thịt lợn gạo, không ăn các loại thịt tái, thịt lợn, thịt trâu, bò chưa được nấu chín.

Hạn chế các tập quán không đảm bảo vệ sinh như sử dụng phân tươi để bón cây trồng, nuôi lợn thả rông, nhà xí chưa đảm bảo.

Người bệnh nhiễm sán dây cần được phát hiện và đến các cơ sở y tế chuyên khoa ký sinh trùng điều trị sớm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư