Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ
Dương Ngân - 05/05/2024 12:21
 
Nhiều trường hợp mắc đột quỵ trong lứa tuổi thanh, thiếu niên đang báo động về tình trạng trẻ hóa của căn bệnh này.
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám bệnh nhân đột quỵ
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám bệnh nhân đột quỵ.

Nhiều trường hợp nặng vì nhập viện muộn

Chuyển đến Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) trong tình trạng liệt nửa người, nói khó, anh N.V.T. (36 tuổi, ở Bắc Ninh) được chẩn đoán nhồi máu não do tắc động mạch cảnh trong. Dù được các bác sĩ can thiệp, nhưng bệnh nhân tiến triển rất chậm.

Theo bác sỹ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, T. mắc bệnh lý hiếm gặp của mạch máu não, vốn thường xuất hiện ở người 30 - 50 tuổi. Nếu bệnh nhân đi tầm soát đột quỵ sớm sẽ không dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Tương tự là trường hợp chị T.T.L. (40 tuổi) được chuyển từ tuyến dưới với tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Vốn có bệnh tăng huyết áp, nhưng chị L. chủ quan bỏ thuốc không dùng.

Bệnh nhân đột ngột đau đầu và chuyển hôn mê nhanh khi đang làm việc ca đêm. Qua cấp cứu, chị L. được chẩn đoán chảy máu đồi thị phải - cuống não với thể tích máu tụ 60 ml, rất nặng, nên phải chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Liên quan trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi 8 tuổi mắc đột quỵ. Theo lời kể của mẹ bệnh nhân, cháu N.T.A. (trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) hoàn toàn khỏe mạnh, đi học và sinh hoạt bình thường. Khoảng 18h ngày 28/3, sau khi tắm, cháu có biểu hiện không thể tự mặc quần áo và xuất hiện co giật.

Đột quỵ là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ hai, là nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng thứ ba trên thế giới. Nhiều người sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng phải chịu các di chứng nặng nề, tàn phế, thậm chí mất khả năng lao động.

Ngay lập tức, cháu được sơ cứu ban đầu tại Trung tâm Y tế huyện trước khi chuyển thẳng đến Bệnh viện Nhi Trung ương và cháu được chẩn đoán là nhồi máu não nhân bèo trái không rõ nguyên nhân - liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải.

Nói về trẻ hóa đột quỵ, TS. Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, trước đây, cứ 6 người trên thế giới sẽ có một người bị đột quỵ, nhưng hiện nay cứ 4 người thì có một người bị đột quỵ, tuổi thường gặp là 50-60. Đột quỵ ở người trẻ chiếm khoảng 10%.

Còn theo GS-TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), đột quỵ xảy ra không chọn thời gian, không chọn giờ, không chọn không gian. Di chứng của đột quỵ để lại rất nặng nề.

Nhiều sai lầm trong điều trị

Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai, nếu không được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”, hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong là 10 - 20%. Những người sống sót phải chịu cảnh tàn phế chiếm gần 30% và chỉ khoảng 30% người bị đột quỵ có thể sống bình thường.

Ngoài sơ cứu không đúng cách, một vấn đề rất cần lưu ý là việc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế quá chậm, dẫn đến mất cơ hội sống.

Bác sĩ Tôn cho hay, tình trạng bệnh nhân đột quỵ nhập viện trễ vẫn còn rất phổ biến do nhiều nguyên nhân khách quan như giao thông không thuận lợi, ở xa trung tâm cấp cứu đột quỵ.

Theo giới chuyên môn, tuy có trọng lượng nhỏ, nhưng não người lại tiêu thụ ô xy nhiều nhất. Não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể, song lại cần đến 20-25% lượng máu nuôi toàn bộ cơ thể. Vì vậy, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức tại các cơ sở y tế có khoa cấp cứu đột quỵ để hạn chế tối đa tổn thương về não.

“Thời gian vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là trong tầm 3-4 giờ đầu sau khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên và được cấp cứu bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch; hoặc trong 24 giờ đầu với phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (tùy thuộc vùng não tổn thương) đối với các bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não.

Giới chuyên môn cảnh báo, sai lầm phổ biến trong sơ cứu đột quỵ là để người bệnh nằm ở nhà nghỉ ngơi, chờ đợi cơ thể tự hồi phục, thay vì đưa ngay tới bệnh viện.

Nhiều trường hợp người nhà cho bệnh nhân uống nước đường, nước chanh hoặc thuốc Đông y... Đây là việc làm nguy hiểm, bởi bệnh nhân đột quỵ thường bị khó thở, rối loạn nuốt. Ăn uống trong lúc này có thể gây sặc, nghẹn, suy hô hấp nặng hơn.

Thông thường, khi thấy ai lăn ra bất tỉnh, nhiều người cứ tưởng họ bị trúng gió và dùng những biện pháp dân gian, thay vì tức tốc chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Các phương pháp dân gian chữa đột quỵ như chích máu 10 đầu ngón tay, nằm dốc ngược đầu, đứng một chân... đều không được khoa học chứng minh là có hiệu quả. Việc chần chừ đưa người bệnh đi viện sẽ làm mất thời gian cấp cứu tốt nhất. Hiện vẫn còn những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như cạo gió, cúng bái; uống thuốc theo truyền miệng; vận chuyển người bệnh bằng xe 2 bánh, chờ cho người bệnh khỏe lại…

"Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc”, đại diện Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.

Trong khi đó, đột quỵ hoàn toàn có thể dự phòng sớm, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ như bị tiểu đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, các bệnh lý van tim, loạn nhịp, bệnh lý về máu, thận, phổi. Người dân chỉ cần thay đổi lối sống cũng có thể giảm khả năng bị đột quỵ.

Còn theo bác sỹ Duy Tôn, để phòng đột quỵ, mỗi người nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh. Bên cạnh đó, cần tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường…

Đặc biệt lưu ý, khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…), cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh để lại di chứng đáng tiếc.

Hiệp hội Tim mạch và Đột quỵ não Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến nghị chế độ ăn uống để phòng đột quỵ, như ăn nhiều rau và trái cây; chọn thực phẩm nguyên hạt, nhiều chất xơ; giảm thịt trong bữa ăn sao cho ít nhất 50% khẩu phần ăn là trái cây và rau quả; 25% là ngũ cốc giàu chất xơ; ăn cá ít nhất 2 lần/tuần và chọn cá giàu omega 3 như cá hồi hoặc cá ngừ.

Đồng thời, hạn chế cholesterol, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa; chọn thịt nạc, thịt gia cầm và không sử dụng chất béo bão hóa hoặc chất béo chuyển hóa khi chế biến; tránh đồ uống và thực phẩm có thêm đường; chọn lựa, chuẩn bị thực phẩm với gia vị cùng hỗn hợp gia vị hạn chế muối.

Cần lưu ý việc hạn chế rượu, bia tối đa vì nó có thể tương tác bất lợi với một số thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng để ngăn ngừa tái phát đột quỵ não (ví dụ warfarin). Lạm dụng rượu, bia sẽ gây tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ đột quỵ não tái phát.

Cách kiểm soát nhịp tim, tránh đột quỵ khi chạy bộ
Người chạy bộ nên sử dụng thiết bị đo nhịp tim, kiểm soát hơi thở, tốc độ chạy, tầm soát sức khỏe khi tham gia chạy đường dài.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư