Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 05 năm 2024,
Việt Nam nhập 71,3 tỷ USD sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện
Thế Hoàng - 18/11/2023 12:19
 
Đơn hàng xuất khẩu cải thiện hơn trong những tháng gần đây, kéo hoạt động nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sôi động, 10 tháng 2023 đạt gần 71,3 tỷ USD tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu máy tính, linh kiện điện tử 10 tháng đạt 71,3 tỷ USD.
Nhập khẩu máy tính, linh kiện điện tử 10 tháng đạt 71,3 tỷ USD.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 10 tháng 2023 giảm vài chục tỷ USD so với cùng kỳ, nhưng riêng nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn tăng nhẹ 1,2%, với 71,3 tỷ USD, là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, theo Tổng cục Hải quan.

Hết tháng 10, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 266,87 tỷ USD, giảm 12,2% (tương ứng giảm 37 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, 10 tháng năm 2023, có 3 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên. Ngoài máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu với trị giá nhập khẩu lớn nhất, còn có máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 33,92 tỷ USD giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ 3 là nhập khẩu vải các loại với kim ngạch 10,71 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ.

Như vậy, chi ngoại tệ để nhập khẩu 3 nhóm hàng lớn nhất đã lên tới 116 tỷ USD, chiếm  43,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong 10 tháng qua.

Các thị trường nhập khẩu chủ yếu của các nhóm hàng trên đều từ khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ngoài 3 nhóm hàng nhập khẩu hơn chục tỷ USD, hết tháng 10 còn có 38 nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên như: chất dẻo nguyên liệu; sản phẩm từ chất dẻo; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày…

Nhờ sức mua thị trường khá hơn, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện trong những tháng gần đây cải thiện nhanh, đưa nhóm hàng này trở lại mức tăng trưởng gần 1% sau 10 tháng, với kim ngạch đạt 47 tỷ USD, trong khi chỉ 1 tháng trước đó vẫn suy giảm gần 2% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu cải thiện nên hoạt động nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sôi động trở lại để đáp ứng cho hoạt động sản xuất phục vụ các đơn hàng đã ký với đối tác.

Dù vậy, về tổng thể, do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 10 tiếp tục xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 10 tháng năm 2023 là 24,61 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 9,56 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,99 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,6 tỷ USD. 

Do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên phụ liệu của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt 89,7 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 43,1 tỷ USD, giảm 18,6%; thị trường ASEAN ước đạt 33,46 tỷ USD, giảm 14,9%; Nhật Bản ước đạt 17,56 tỷ USD, giảm 11,1%; thị trường EU ước đạt 15,6 tỷ USD, giảm 2,6%; Hoa Kỳ ước đạt 11,47 tỷ USD, giảm 6,9%.


Xuất nhập khẩu khó chinh phục mốc 700 tỷ USD
Mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu trên 700 tỷ USD trong năm 2023 là một thách thức cực lớn, bởi trong 2 tháng cuối năm, mỗi tháng cần đạt 71 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư