Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc khởi sắc
Hải Yến - 12/12/2023 08:59
 
Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt 56 tỷ USD, tăng 6,2%, là điểm sáng xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực giảm.
Ảnh minh họa

Điểm sáng xuất khẩu

Xuất khẩu hàng hóa đã cải thiện trong những tháng gần đây, nhưng mức độ khởi sắc còn chậm. Hết 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cả nước vẫn hụt khoảng 20 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, tương ứng đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9%.

Trong khi xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực tăng trưởng âm, thì Trung Quốc là thị trường lớn duy nhất đạt mức tăng trưởng dương. Đặc biệt, sự tăng tốc càng thấy rõ trong nửa cuối năm, đưa xuất khẩu sang thị trường tỷ dân quay trở lại đà tăng từ tháng 7/2023 (6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này giảm 2,2% so với cùng kỳ).

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 155,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 56 tỷ USD, tăng 6,2%, là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực sụt giảm.

Với kết quả này, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi đó, nhập siêu với Trung Quốc đạt 43,65 tỷ USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu sang Trung Quốc khởi sắc, trở lại mức tăng trưởng dương kể từ tháng 7 và liên tục nhích lên với các đơn hàng lớn của nông sản, công nghiệp chế biến đã góp phần thu hẹp đà giảm xuất khẩu của cả nước nói chung.

Triển vọng xuất khẩu còn rất lớn

Với khoảng 1,4 tỷ dân, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cực kỳ lớn và đa dạng ở mọi phân khúc, khoảng cách địa lý gần, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu cực lớn của nhiều ngành sản xuất, nổi bật trong năm 2023 là nhóm ngành nông, lâm, thủy sản.

Trao đổi về xuất khẩu 11 tháng của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh dấu ấn mở rộng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dù xuất khẩu 11 tháng đạt 47,84 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Trung Quốc là thị trường dẫn đầu, đạt 11,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23,2%, tăng 18% so với cùng kỳ.

Có tốc độ tăng trưởng thần tốc là nhóm hàng rau quả, gạo, cao su. Trong tổng trị giá xuất khẩu rau quả 11 tháng đạt 5,32 tỷ USD, riêng Trung Quốc nhập tới 3,4 tỷ USD (sầu riêng khoảng 1,8 tỷ USD). Đây là con số kỷ lục về xuất khẩu từ trước tới nay.

“Thương mại Việt - Trung trong lĩnh vực nông sản còn nhiều tiềm năng mà hai bên chưa khai thác hết. Việt Nam đang xúc tiến thêm 4 sản phẩm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh, dưa hấu, nhằm tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản”, Thứ trưởng Tiến nhận định.

Hiện tại, nghị định thư về 4 sản phẩm trên đã trải qua quá trình điều tra, xem xét, đánh giá, dự kiến sớm đi đến ký kết. Khi đó, “hành trình” xuất khẩu các sản phẩm này được mở ra, nhờ việc quy hoạch vùng sản xuất, chế biến, đóng gói… theo đúng quy định trong các nghị định thư.

Tại Kỳ họp lần thứ 12, Ủy ban Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc, tổ chức cuối tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào khẳng định: “Sẵn sàng phối hợp với Việt Nam giải quyết các vấn đề hai bên quan tâm, Trung Quốc có nhu cầu lớn và hoan nghênh nông sản chất lượng cao của Việt Nam. Bộ Thương mại sẽ tiếp tục điều phối, thúc đẩy Hải quan Trung Quốc mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam”.

Đối với vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm bông, theo ông Đào, doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương đăng ký cơ sở sản xuất và đóng gói với Hải quan Trung Quốc; các cơ quan chủ quản hai nước cần sớm triển khai công tác kiểm tra, đánh giá doanh nghiệp, vùng trồng theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để tôm hùm bông có thể được xuất khẩu vào Trung Quốc.

Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc còn tăng, song theo các chuyên gia, thị trường tỷ dân đã nâng chuẩn, không còn dễ tính, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ để hàng xuất khẩu không bị “tuýt còi”. Mặt khác, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu rất tương đồng với Việt Nam, nên cũng tạo thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T cho hay, nhiều năm qua, doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ, EU, Canada, nhưng gần đây, doanh nghiệp này xuất nhiều hơn sang Trung Quốc, với sầu riêng, thanh long… Trung Quốc là thị trường sẽ được Tập đoàn Vina T&T tập trung đầu tư khai thác mạnh trong những năm tới. Để đi đường dài, nông sản xuất sang Trung Quốc phải đạt các tiêu chuẩn không khác gì các thị trường Mỹ, EU…

Xuất khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 322,5 tỷ USD, xuất siêu gần 26 tỷ USD
11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,50 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư