Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chất vấn tại Quốc hội: Nóng chuyện lời hứa của Bộ trưởng
Nguyên Đức - 17/11/2015 16:27
 
Các đại biểu Quốc hội đã ráo riết “truy” trách nhiệm của các Bộ trưởng trong xử lý hàng loạt vấn đề liên quan đến nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí là chuyện “hoành tráng hóa” công sở tập trung…

Quyết liệt truy trách nhiệm

Ngày thứ hai của phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII sôi nổi hơn hẳn ngày thứ nhất bởi cách truy trách nhiệm các Bộ trưởng của không chỉ các đại biểu Quốc hội, mà ngay cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Là vị Bộ trưởng trả lời chất vấn đầu tiên của ngày chất vấn thứ hai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có câu trả lời khá dài liên quan đến vấn đề nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thu - chi ngân sách nhà nước…, tuy nhiên, lại chưa “trúng” câu hỏi chất vấn của đại biểu.

Quá sốt ruột, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu hỏi của đại biểu là liệu có thu được 34.000 tỷ đồng nợ đọng thuế hay không, và yêu cầu Bộ trưởng trả lời là có thu được hay không.

“Chắc chắn là thu được, năm nay đã thu được 31.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn về nợ công
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn về nợ công

“Bộ trưởng chỉ cần trả lời dứt điểm có thu được không. Trả lời như thế là được rồi. Làm thế nào là việc của đồng chí, Quốc hội chỉ ghi nhận lời hứa thôi”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói và lại một lần nữa đặt câu hỏi với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về việc bao giờ thì cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế đạt được yêu cầu như Thủ tướng Chính phủ đưa ra là năm 2016 tương đương ASEAN 4.

“Năm 2016 sẽ tương đương ASEAN 14, như chỉ thị của Thủ tướng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Tương tự, khi các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về chuyện chức danh hàm không có quy định trong luật nhưng một số nơi vẫn làm và chưa thấy giải quyết thì đúng luật hay không, câu trả lời có phần thiên về giải thích dài dòng, thì Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa ngắt lời: “Đại biểu chỉ hỏi làm thế có đúng hay không, chứ nói cách làm thì lâu lắm”.

Phiên chất vấn tại Quốc hội đã được thực hiện trong không khí đổi mới và cởi mở như vậy và đã nhận được sự đánh giá cao của dư luận. “Các đồng chí đi thẳng vào câu hỏi mới giải đáp được vấn đề”, đó là câu nói khá thường trực của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi điều hành phiên chất vấn ngày hôm qua, khi các đại biểu muốn “truy đến cùng” lời hứa của các vị Bộ trưởng.

Liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trao đổi với Báo Đầu tư, ông Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, ông đánh giá cao nỗ lực của cá nhân của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng trong quản lý, điều hành lĩnh vực được giao phó.

“Dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội và cả báo chí đánh giá, nhận xét về Bộ trưởng Bùi Quang Vinh rất chính xác. Nếu bổ sung, tôi chỉ bổ sung thêm một từ, ông là vị bộ trưởng có tư duy hết sức đổi mới. Điều này được thể hiện rất rõ qua Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, mà ông là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong khâu soạn thảo. Kết quả của những chính sách này mang lại là số lượng doanh nghiệp thành lập mỗi năm một nhiều, thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất ấn tượng, thu hút và giải ngân vốn ODA đạt hiệu quả ngoài mong đợi”, ông Nhã nói.

Nóng các vấn đề của nền kinh tế

Không chỉ là các vấn đề liên quan đến nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các đại biểu Quốc hội đã truy trách nhiệm của các bộ trưởng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, đến giải quyết oan sai, khiếu nại của cử tri, đến sự phát triển của thị trường bất động sản, hay chuyện gần đây các địa phương có xu hướng “hoành tráng hóa” công sở tập trung…

Sau hai ngày chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là những người nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn

Và cũng giống như khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các vấn đề nóng của nền kinh tế lại tiếp tục được các đại biểu đặt ra.

“Nợ công tăng cao, đến gần ngưỡng cho nên chúng ta làm không đủ trả nợ, phải vay để trả nợ. Đây là vấn đề cử tri rất bức xúc”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bức xúc.

Trong khi đó, theo trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nợ công tăng cao là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng kinh tế chậm lại, trong khi các chỉ tiêu khác lại không được điều chỉnh. “Đúng là nợ công đã tăng cao trong giai đoạn vừa qua, bình quân tăng tới 20%/năm”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận song cũng cho rằng, soi chiếu với chiến lược nợ công của Việt Nam, thì có 5 chỉ tiêu đạt, như nợ công/GDP, nợ Chính phủ/GDP…, chỉ có một chỉ tiêu không đạt là bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, kế hoạch đặt ra là 4,5%, nhưng con số đạt được trong giai đoạn 2011 - 2015 lại lên tới 5,5%.

“Điểm tốt là trong quá trình vừa rối chúng ta đã cơ cấu lại nợ công. Nợ trong nước từ trên 39% vào năm 2011 đã tăng lên trên 57% trong năm nay, nợ nước ngoài đã giảm xuống còn 42%”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói và cho biết, việc cơ cấu lại nợ công vẫn đang tiếp tục được thực hiện do giai đoạn trước, có những khoản vay phải trả lãi suất tới 10,5%, có khoản lên tới 13%/năm. Giải pháp là phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế, cũng như đa dạng hóa thời hạn trái phiếu Chính phủ phát hành ở thị trường trong nước.

“Chúng tôi cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để kiểm soát nợ công, trong đó bao gồm quản lý chặt chẽ các khoản vay mới, kiên quyết nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, tăng cường kiểm tra kiểm soát vốn vay, quản lý chặt các khoản vay bảo lãnh Chính phủ… Nếu thực hiện tốt thì tới năm 2020, nợ công của Việt Nam sẽ ở mức 58,5% GDP. Đỉnh nợ công sẽ là năm 2017, bằng khoảng 64,3% GDP”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự kiến năm 2015, sẽ cổ phần hóa được 210 doanh nghiệp, đưa tổng số doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 - 2015 lên 489 doanh nghiệp trên tổng số 538 doanh nghiệp theo kế hoạch.  

Trên một khía cạnh khác, chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã hỏi Thủ tướng về trách nhiệm của Chính phủ trong chuẩn bị giải pháp hạn chế rủi ro khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời, thị trường ASEAN trở thành thị trường chung, hàng hóa, lao động các nước ASEAN tự do vào Việt Nam. “Chỉ còn hơn một tháng nữa thôi thì Việt Nam sẽ gia nhập cộng đồng AEC, tôi thấy từ người lao động cho đến doanh nghiệp chưa có tâm thế sẵn sàng và cũng chưa thấy Chính phủ công bố giải pháp gì cho vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nói và đề nghị Thủ tướng cho biết vì sao cho đến nay Chính phủ vẫn chưa có hoặc chưa công bố giải pháp gì cho vấn đề này.

“Ai là người chịu trách nhiệm về sự chậm trễ đó?”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi.

Nhiều câu hỏi vẫn chờ lời giải đáp

Có một câu nói, mà cũng là một câu hỏi nhức nhối được đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt ra khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, gây sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội. Đó là “có thể nói con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh đã chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ sâu, chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi, dẫn tới nhiều vấn nạn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Câu trả lời đã được Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra.

Nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát về an toàn vệ sinh thực phẩm và thực trạng ngành nông nghiệp
Nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát về an toàn vệ sinh thực phẩm và thực trạng ngành nông nghiệp

Song vấn đề là, đúng như đại biểu Trần Ngọc Vinh đã nói, qua thực tế cuộc sống hàng ngày và phản ánh của cử tri, thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm.

“Như thịt lợn thì chứa chất cấm, chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất chứa thuốc trừ sâu, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Nguyên nhân của vấn đề này là gì? Phải chăng do chính sách ta đưa ra chưa đủ dăn đe hay sự thiếu quyết tâm của Bộ. Trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và ngành phát triển nông thôn trước cử tri cả nước như thế nào, khi mỗi năm có hàng chục nghìn cái chết được dự báo trước, xuất phát từ thức ăn bị nhiễm độc”.

Đó thực sự là một câu hỏi day dứt không chỉ trên nghị trường Quốc hội mà hơn hết là trên thực tế. Bởi vậy, theo dõi các phiên chất vấn, cử tri cho rằng, vấn đề ở đây không phải là truy trách nhiệm, mà là làm sao giải quyết được các vấn đề này trên thực tế, để không phải hết kỳ này đến kỳ khác, vẫn là những câu hỏi chất vấn tương tự.

Ngày mai, 18/11, Thủ tướng Chính phủ dự kiến sẽ có 75 phút để phát biểu và trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Dư luận cả nước đang kỳ vọng vào phần trả lời chất vấn của người đứng đầu Chính phủ.

Ngoài câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy vừa kể trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhận được nhiều câu hỏi về trách nhiệm của Chính phủ trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; cũng như các vấn đề liên quan đến lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công nói chung.

Đại biểu Đinh Như Tiến (Quảng Trị) cũng đã đặt câu hỏi với Thủ tướng chính phủ về việc làm sao để xây dựng được Nhà nước kiến tạo phát triển, bởi theo kinh nghiệ của thế giới thì “Chính phủ tốt nhất là Chính phủ quản lý ít nhất”.

Đại biểu Quốc hội lo doanh nghiệp mải mê TPP, mù mờ AEC
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh) lo ngại chuyện chỉ còn một tháng nữa là Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập nhưng cộng đồng và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư