Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
10 cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/8
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/8 của các công ty chứng khoán.

1. CEO: Cổ phiếu khá hấp dẫn

CTCK MB (MBS)

Kết quả kinh doanh dự kiến 6 tháng đầu năm 2015 của CTCP Tập đoàn C.E.O (mã CEO)  dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt khoảng hơn 100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 84 tỷ đồng, tương ứng khoảng 50% kế hoạch năm. Lợi nhuận Công ty mẹ dự kiến đạt khoảng 60 tỷ đồng.

Dự án River Silk City - Phủ Lý - Hà Nam, phân kỳ 1 kinh doanh được khoảng 67% kế hoạch. Đây là Dự án có quy mô 126ha gồm 3.000 lô đất nền biệt thự liền kề. Phân kỳ 1 của Dự án với quy mô khoảng 4,7ha, gồm 194 căn, trong đó bao gồm 16 căn biệt thự và 178 căn liên kề và nhà phố thương mại, đã hoàn thành xong phần hạ tầng. CEO hiện đã mở bán đất nền phân kỳ này vào đầu năm 2015, tiến độ bán hàng tương đối khả quan. Giá bán tại dự án này dao động trong khoảng từ 6-17 triệu đồng.

Dự án Sunny Garden City kế hoạch bàn giao khoảng 40 căn trong năm 2015 với giá bán dự kiến 16-20 triệu/m2. Công tác pháp lý và cơ sở hạ tầng của Dự án khá tốt, đặc biệt người mua nhà có thể nhận sổ đỏ ngay sau khi bàn giao.

Dự án Novotel Phú Quốc đã hoàn thành phần thô, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2015. Năm 2016 được coi là năm du lịch của khu vực Tây Nam Bộ, trong đó Phú Quốc được coi là trọng điểm của khu vực này. Với quy mô hiện tại khoảng 2.000 phòng, thấp hơn rất nhiều so với các địa điểm du lịch khác (Nha Trang, Đà Nẵng), tỷ lệ lấp đầy tại Phú Quốc tương đối lớn

Nhận định: Với việc ghi nhận kết quả kinh doanh và tiến độ thực hiện các dự án được thực hiện theo đúng lộ trình và kế hoạch ban đầu, chúng tôi cho rằng khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015 của Công ty là tương đối khả quan, tương ứng khoảng 167 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, EPS khoảng 2.434 đồng. Tại mức giá hiện tại 13.800 đồng/cổ phiếu, P/E forward 5,7 lần, thấp hơn mức bình quân ngành 22,7 lần, chúng tôi cho rằng cổ phiếu CEO vẫn đang được giao dịch ở mức khá hấp dẫn.

2. VNS: Khuyến nghị nắm giữ

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Ánh Dương Việt Nam (VNS - HSX) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 năm 2015. Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.068,3 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hợp nhất đạt 86,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 18,2% và 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp quý II/2015 giảm nhẹ xuống 16,1% so với mức 17,0% trong quý II/2014.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.084,5 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 53,6% kế hoạch cả năm 2015. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 159,6 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 60,0% kế hoạch năm. Lợi nhuận ròng đạt 159,0 tỷ đồng. EPS đạt 2.333 đồng.

Kết quả trên khá sát với dự phóng được chúng tôi đưa ra trong báo cáo cập nhật VNS, phát hành ngày 16 tháng 7 năm 2015. Cụ thể, lợi nhuận thuần hợp nhất đạt 51,5% và lợi nhuận ròng đạt 54,3% kế hoạch năm 2015. Do đó, chúng tôi duy trì mức dự phóng cả năm đối với VNS với giá mục tiêu là 35.800 đồng/cổ phiếu. Phân tích kỹ thuật của chúng tôi cho thấy giá cổ phiếu của VNS đang nằm trong xu hướng giảm giá. Vì vậy, chúng tôi giữ nguyên khuyên nghị NẮM GIỮ trong dài hạn.

3. GMD: Khuyến nghị mua dài hạn

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Gemadept (GMD - HSX) vừa công bố báo cáo tài chính chưa soát xét giữa niên độ năm 2015. Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.726 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 53,9% kế hoạch cả năm do HĐQT đưa ra. Kết quả này đến từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng khai thác cảng với mức tăng doanh thu đạt 84,5% so với cùng kỳ năm trước do cảng Nam Hải Đình Vũ hoạt động hết công suất cũng như tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua toàn khu vực ở mức cao. Biên lợi nhuận gộp hợp nhất cũng tăng từ 18,4% trong 6 tháng đầu năm 2014 lên 26,7% trong 6 tháng đầu năm 2015.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận trước thuế đạt 248 tỷ đồng, giảm 60,1% so với cùng kỳ năm trước và tương đương với 75,2% kế hoạch năm do không có lợi nhuận bất thường từ việc thanh lý tài sản. Lợi nhuận ròng đạt 204 tỷ đồng, giảm 59,2% so với cùng kỳ năm trước. EPS đạt 1.757 đồng.

Dựa theo báo cáo cập nhật của chúng tôi phát hành ngày 22 tháng 1 năm 2015, doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015 tương ứng 54,7% dự phóng cả năm, và lợi nhuận ròng tương đương 63,1%.

Chúng tôi sẽ cập nhật kết quả và định hướng kinh doanh của công ty trong báo cáo cập nhật sắp tới. Trong khi đó, chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị MUA dài hạn với mức giá mục tiêu là 38.200 đồng/cổ phiếu.

4. VIC: Khuyến nghị mua dài hạn

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2015. Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 6.031 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do mảng bất động sản chỉ đạt 3.445 tỷ đồng so với 6.303 tỷ đồng của quý II/2014 khi công ty chỉ ghi nhận doanh thu từ việc bàn giao các căn hộ còn lại của hai dự án Vinhomes Times City và Vinhomes Royal City. Tuy nhiên, tiến độ bán và thu tiền các dự án căn hộ, biệt thự của VIC tiến triển rất tốt, cụ thể là khoản tiền ứng trước của khách hàng đạt 19.420 tỷ đồng, tăng mạnh 147% so với mức 7.847 tỷ đồng của quý 2/2014. Điều này giúp cho dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong quý II/2015 của VIC cải thiện đáng kể. Các mảng kinh doanh khác của công ty như siêu thị, khách sạn, trường học vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh; đặc biệt mảng siêu thị đạt 796 tỷ đồng, tăng 3.216% và chiếm 13% tổng doanh thu của VIC.

Tuy vậy, lợi nhuận ròng của VIC đạt 289 tỷ đồng, giảm mạnh 66% so với 858 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do chi phí bán hàng và quản lý tăng mạnh 127% do công ty phát triển thêm một số lĩnh vực kinh doanh mới như siêu thị VinMart, điện máy VinPro. Bên cạnh đó, công ty ghi nhận chi phí phạt hợp đồng khi lấy lại một số căn hộ Royal City đang cho thuê để bán ra thị trường. Điều này làm cho công ty bị lỗ 165 tỷ đồng nhưng việc bán các căn hộ này sẽ đem lại nhiều lơi nhuận hơn so với việc cho thuê.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, VIC đạt doanh thu thuần là 12.425 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ và hoàn thành 41,4% kế hoạch năm 2015. Lợi nhuận ròng đạt 692 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ và hoàn thành 23% kế hoạch của năm.

Trong quý II/2015, VIC cũng bắt đầu đầu tư một số dự án lớn như dự án Phước Kiển-Cần Giờ (821 ha), Vinhomes Riverside 2 (96 ha) và dự án Vũ Yên (872 ha). Một số trung tâm thương mại mới cũng bắt đầu được khởi công xây dựng như Vincom Bắc Ninh, Vincom Hà Tĩnh và Vincom Cần Thơ 2. Chúng tôi cho rằng với quỹ đất ngày càng mở rộng, VIC sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng trong tương lai. Theo đó, chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị MUA dài hạn đối với mã cổ phiếu VIC.

5. TCL: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Trong 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của TCL lần lượt đạt 421,03 tỷ đồng (+4,9% so với cùng kỳ năm ngoái) và 47,72 tỷ đồng (+1% so với cùng kỳ năm ngoái). Kết quả kinh doanh trong đầu năm 2015 cho thấy hầu như không tăng trưởng, do TCL trong năm đã giao lại một phần trên bãi Cát Lái cho Tân Cảng Sài Gòn, và trả lại depot 9 cho tổng công ty. Depot Tân Cảng Mỹ Thủy chỉ vừa đủ bù cho phần thiếu hụt này.

Theo thông tin từ TCL, trong năm nhiều khả năng công ty Tân Cảng 128 (công ty con của TCL) sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ, và TCL sẽ không có ý định mua thêm. Do đó, phần vồn của TCL trong TC 128 sẽ giảm xuống khoảng 30% - 40%. TC128 không còn là công ty con của TCL sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2015, lợi nhuận sau thuế 12 tháng gần nhất của TCL đạt 108,64 tỷ đồng. EPS trailing đạt 5.187 đồng/CP, tương ứng với P/E khoảng 5,8x (mức khá thấp so với trung bình ngành). Tuy nhiên, do triển vọng trong năm 2015 chưa rõ ràng, do đó khuyến nghị THEO DÕI cổ phiếu TCL trong hiện tại.

6. VNF: Khuyến nghị mua trung hạn

CTCK FPT (FPTS)

Kết quả kinh doanh của toàn VNF tiếp tục khả quan trong quý II/2015 và 6 tháng đầu năm 2015, chủ yếu là nhờ đóng góp cả doanh thu và lợi nhuận của công ty con Vector Aviation, khi hai hãng hàng không lớn là Etihah và Jet Airways đã chính thứ mở đường bay trực tiếp (online) bằng máy bay chở hàng hóa (freighter) ở khu vực phía đi đến các hub và tỏa đi EU. Ngoài ra, các hãng hàng không mà Vector đã làm đại lý (GSA) trong mấy năm qua cũng duy trì mức tăng trưởng sản lượng hàng hóa ổn định trước nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam ngày càng tăng cao.

Riêng công ty Vinafreight mẹ hoạt động trong mảng forwarding cũng cải thiện lợi nhuận gộp trong quý II/2015 (tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái) và 6 tháng đầu 2015 (tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái) do biên lợi nhuận gộp được cải thiện trong bối cảnh (từ 8% quý II/2014 lên 9,2% trong quý II/2015 và từ 7,7% trong 6 tháng đầu 2014 lên 8,8% trong 6 tháng đầu 2015) trong tình cảnh giá cước vận chuyển đường biển và đường hàng không đầu vào đều giảm so với cùng kỳ khi giá xăng dầu giảm xuống mức thấp.

Nhận định: Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm tích cực về hoạt động kinh doanh của toàn Vinafreight trong năm 2015 (như nhận định hồi đầu năm. Đặc trưng mùa vụ của ngành thường tập trung mạnh vào quý IV hàng năm, nên kết quả kinh doanh của VNF trong 6 tháng cuối năm dự kiến sẽ còn khả quan hơn 6 tháng đầu năm khi sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển đều sẽ cải thiện mạnh từ đây đến cuối năm. Vì vậy, chúng tôi điều chỉnh dự báo kết quả lợi nhuận của VNF tăng lên so với mức dự báo thận trọng hồi đầu năm, với doanh thu thuần đạt 2.180 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 71,9 tỷ đồng, tương ứng EPS 2015 đạt 9.703 đồng. Với mức P/E thận trọng là 8 lần, giá mục tiêu của cổ phiếu VNF đến cuối 2015 là 77.600 đồng. Khuyến nghị: Giữ khuyến nghị MUA đầu tư trung hạn VNF trong năm 2015

7. KDH: Khuyến nghị mua trung và dài hạn

CTCK FPT (FPTS)

Đóng góp cho doanh thu 6 tháng đầu 2015 của KDH hoàn toàn từ hoạt động kinh doanh BĐS với biên lợi nhuận gộp 31,63%. Đây là mức biên lợi nhuận gộp tương đối phổ biến với loại sản phẩm là nhà liền đất mà KDH đang kinh doanh chính.

Sau 6 tháng đầu 2015, chi phí lãi vay vẫn ở mức thấp khi chỉ chiếm 2,70% doanh thu thuần. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt đạt 21,22 tỷ đồng (+574% so với cùng kỳ năm ngoái) & 22,40 tỷ đồng (+39% so với cùng kỳ năm ngoái). Tôi đánh giá việc 2 loại chi phí này tăng mạnh là phù hợp đối với quy mô của các dự án đang mở bán của KDH và trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh hơn.

SLCPLH bình quân cho kỳ kế toán 6 tháng 2015 tăng gấp 2,26x cùng kỳ 2014 nhưng EPS 6 tháng đầu năm 2015 vẫn tăng nhẹ 11% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tích cực. Chúng tôi tin rằng KDH sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2015,theo đó EPS ước tính 2015 đạt 1.587 đồng (chưa trừ các khoản trích quỹ).

Đến hết 30/06/2015, giá trị hàng tồn kho đạt 2.512 tỷ đồng (tăng thêm gần 500 tỷ đồng so với cuối 2014), chiếm tỷ trọng 59% trên tổng tài sản.

Trong đó, các dự án chiếm tỷ trọng cao nhất như Song Lập (756 tỷ đồng), Trí Minh - Mega Village (365 tỷ đồng), Nhà Phố Phú Hữu (342 tỷ đồng), Khang Điền Long Trường (240 tỷ đồng). Đặc biệt, hàng tồn kho từ 2015 này của KDH có thêm dự án Tháp Mười Phước Long B (6 tháng đầu năm 2015: 131 tỷ đồng; 2014: 0 tỷ đồng). Dự án có quy mô 3,1ha, tọa lạc tại P.Phước Long B, Q.9, và tính đến cuối 2014 thì dự án này đã có quyết định giao đất và đã được duyệt 1/500.

KDH định hướng cơ cấu vốn dùng nhiều nợ (30% vốn chủ sở hữu & 70% nợ) khi đầu tư các dự án, trong khi công ty đang đẩy mạnh đầu tư nhiều dự án tiếp nối sau Mega Residence I như Mega Ruby, Mega Village, Mega Garden… nên việc số dư nợ vay gia tăng mạnh là điều dễ hiểu. Xin lưu ý rằng, một khi dòng tiền thu về từ các dự án không đồng điệu với tiền chi ra trả lãi vay sẽ là một gánh nặng lớn lên KQKD của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì rủi ro này là rất thấp vì tiến độ bán hàng ở các dự án của KDH vẫn khá tốt và công ty dường như đã vốn hóa phần lớn lãi vay vào giá thành sản phẩm.

Dòng tiền từ HĐKD âm gần 749 tỷ đồng do khoản phải thu và hàng tồn kho tăng mạnh. Dòng tiền từ hoạt động tài chính thặng dư hơn 1.026 tỷ đồng nhờ đợt phát hành riêng lẻ & ESOP mang lại gần 850 tỷ đồng và hơn 362 tỷ đồng vay ngắn & dài hạn.

KDH có quỹ đất ở những vị trí thuận lợi kinh doanh tại Q.9 với giá trị gia tăng cao, đồng bộ. BVPS sau 6 tháng đầu năm 2015 là 19.747 đồng/CP, tôi tin rằng giá trị này sẽ còn cao hơn nếu đánh giá lại tài sản của công ty theo giá trị thị trường.

Ở mức giá đóng cửa ngày 14/08/2015 là 21.400 đồng/CP, CP KDH đang giao dịch ở P/E trailing 16,45x, P/B trailing 1,08x, P/E forward 2015 13,48x (giả định hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2015). Khuyến nghị: MUA cho mục tiêu đầu tư trung - dài hạn.

8. HAH: Khuyến nghị mua

CTCK FPT (FPTS)

Trong 6 tháng đầu năm 2015, kết quả kinh doanh của HAH tăng trưởng mạnh nhờ vào hàng hóa thông qua cảng tăng và đưa vào khai thác tuyến vận tải tàu nội địa. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 246,83 tỷ đồng (+55% so với cùng kỳ năm ngoái) và 71,26 tỷ đồng (+30% so với cùng kỳ năm ngoái).

Tuyến vận tải biển nội địa do được hỗ trợ từ nguồn hàng hóa nên tàu luôn trong tình trạng đầy hàng. Biên lợi nhuận gộp của mảng tàu trong 2 tháng đầu năm đến 16%, trong khi các hãng tàu khác còn gặp nhiều khó khăn.

Trong kỳ, HAH đã điều chỉnh kế hoạch hoạt động kinh doanh, kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 500 tỷ đồng và 140 tỷ đồng.

Nhận định: Trong năm 2015, dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự báo lần lượt đạt 532,12 tỷ đồng (+23,55% so với năm ngoái) và 141,74 tỷ đồng (+7,73% so với năm ngoái), tương ứng mức EPS forward 2015 đạt 6.179 đồng/CP. Với mức P/E là 8, mức giá hợp lý cho cổ phiếu HAH là 49.432 đồng/CP, cao hơn 29,4% so với hiện tại.

Khuyến nghị: Giữ nguyên khuyến nghị MUA cổ phiếu HAH cho mục tiêu đầu tư năm 2015.

9. HNG: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) cho biết, quý II/2015 đạt 1.566 tỷ đồng doanh thu thuần (+188% so với cùng kỳ năm ngoái) và 481,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (+113% so với cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015 HNG đạt 2.072 tỷ đồng doanh thu thuần (+63% so với cùng kỳ năm ngoái) và 587,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (+4,3% so với cùng kỳ năm ngoái) tương ứng với mức EPS đạt 1.051 đồng/CP.

Nhận định: Chúng tôi dự phóng FY2015, HNG sẽ đạt 4.871 tỷ đồng doanh thu thuần (+120% so với năm ngoái) và 1.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+90% so với năm ngoái), tương ứng EPS(2015) ở mức 2.040 đồng/CP. Dựa trên cơ sở sau:

(1) HNG tiêu thụ 78 nghìn con bò thịt cho cả năm 2015;

(2) HNG tiêu thụ 50 nghìn tấn đường tại Việt Nam và 10 nghìn tấn đường tại Lào;

(3) HNG tiếp tục ghi nhận 120 tỷ đồng lãi từ dự án sân bay tại Lào trong 2H2015;

(4) Sản lượng cao su tiêu thụ là 9.705 tấn cho cả năm 2015;

(5) HNG sẽ khai thác sữa trên đàn bò hiện có đến 1H2015 là 5.382 con cho cả năm 2015. Với dự phóng này, hiện tại HNG đang được giao dịch ở mức P/E là 13,7 lần.

Giai đoạn 2015-2016 là giai đoạn đầu tư nên với mức giá hiện tại thì HNG chưa thực sự hấp dẫn cho nhà đầu tư trong năm 2015 mà nằm ở các năm tiếp theo. Do đó chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với HNG.

10. TMS: Khuyến nghị thêm

CTCK FPT (FPTS)

Trong 6 tháng đầu năm 2015, kết quả kinh doanh của TMS tiếp tục nhịp tăng trưởng mạnh. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 234,1 tỷ đồng (+3% so với cùng kỳ năm ngoái) và 79,87 tỷ đồng (+33,9% so với cùng kỳ năm ngoái). Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty và từ các công ty liên doanh liên kết đồng loạt tăng trưởng mạnh.

Khai thác trung tâm phân phối Transimex đã bắt đầu từ năm 2013, tổng sản lượng hàng hóa xuất nhập trong năm 2014 đạt 62.987 tấn. Kế hoạch công ty đề ra cho năm 2015 với tổng sản lượng hàng hóa xuất nhập đạt 105.321 tấn, tăng 67,21% so với thực hiện năm 2014.

Năm 2014, Transimex bắt đầu xây dựng “Kho ngoại quan và dịch vụ hậu cần Khu công nghệ cao” tại quận 9 với diện tích 10 ha. Mục đích của dự án là phát triển dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng cho các mặt hàng thiết bị, linh kiện điện tử từ dòng vốn FDI vào Việt Nam. Cả hai hoạt động khai thác Trung tâm phân phối và Kho ngoại quan cho thấy định hướng rõ ràng từ công ty, đang phát triển hoạt động cung cấp 3PL. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015, và bắt đầu tạo doanh thu khoảng 77 tỷ đồng trong năm 2016.

Transimex đồng thời sở hữu phần vốn góp liên doanh tại CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An, khai thác cảng tải khu vực Hải Phòng và tuyến vận tải biển nội địa. Các công ty liên doanh khác của TMS như Nippon Express và Vinafreight cũng phát triển hiệu quả, đóng góp hơn 50% lợi nhuận sau thuế hàng năm của TMS. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận từ liên doanh liên kết tăng trưởng 29,4%, đóng góp 57% vào lợi nhuận sau thuế.

Logistics Việt Nam có định hướng phát triển đúng đắn. Công ty đang nhanh chóng mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ logistics trọn gói bao gồm khai thác cảng, vận tải và điều phối logistics.

Chúng tôi vẫn giữ nguyên khuyến nghị ban đầu trong báo cáo ngành với doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự phóng năm 2015 lần lượt đạt 517,45 tỷ đồng (+16,97% so với năm ngoái) và 164,13 tỷ đồng (+18,85% so với năm ngoái). EPS forward 2015 đạt 6.900 đồng, tương ứng với mức giá hợp lý của TMS là 69.000 đồng/CP. Khuyến nghị: THÊM cổ phiếu TMS cho mục tiêu 2015.

Chứng khoán tăng nhờ yếu tố ngoại
Việc công bố Dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP với quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài khiến thị trường tăng mạnh, chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư