Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
3 cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/2
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 26/2 của các công ty chứng khoán.

1. QCG: Áp lực tài chính của vẫn ở mức cao

 

CTCK MBS

CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) công bố kết quả kinh doanh năm 2015. Theo đó, Công ty đạt doanh thu 391 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 23,3 tỷ đồng, giảm 27,8% so với cùng kỳ.

Hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn đem lại doanh thu chính cho QCG với mức doanh thu đạt 245 tỷ đồng, trong khi doanh thu bán điện đạt 46 tỷ đồng và doanh thu bán hàng hóa đạt 93 tỷ đồng.

Trong năm 2015, hàng tồn kho vẫn chiếm tỷ lệ lớn vào khoảng 68% tổng tài sản của QCG, trị giá 5.444 tỷ đồng.

Cơ cấu hàng tồn kho phần lớn là chi phí đầu tư đang triển khai tại các dự án khu dân cư. Trong đó, khoản lớn nhất tại khu dân cư Phước Kiển trị giá 3.798 tỷ đồng. Theo quy hoạch, Khu dân cư Phước Kiển có tổng diện tích 90,6 ha. Hiện tại, QCG  đã thương lượng, đền bù khoảng 70,7 ha (chiếm 78% tổng diện tích dự án 90,65 ha).

Về hoạt động đầu tư thủy điện, QCG hiện vẫn đang đầu tư dự án thủy điện Iagrai 2 có tổng công suất là 7,5MW với chi phí đầu tư dở dang là 25,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nông trường cao su của Công ty cũng đang được đầu tư với chi phí đầu tư là 259 tỷ đồng.

Áp lực tài chính đối với QCG vẫn đứng ở mức cao với khoản vay ngắn hạn đứng ở mức 589 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn đến hạn trả là 498 tỷ đồng và vay dài hạn đứng ở mức 1.360 tỷ đồng. Chi phí lãi vay hạch toán trong năm 2015 là 12,1 tỷ đồng và chi phí lãi vay vốn hóa vào giá trị các dự án bất động sản là 178 tỷ đồng.

Chúng tôi đánh giá, nếu quá trình triển khai các dự án khu dẫn cư của QCG không được đẩy nhanh, giá vốn của các dự án sẽ gia tăng do chi phí lãi vay vốn hóa cao dẫn tới giảm hiệu quả kinh doanh của các dự án và tác động tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận của Công ty.

2. VCB: Giá mục tiêu là 45.500 đồng

CTCK BSC

VCB là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam cả về quy mô và hiệu quả hoạt động. Hoạt động cho vay, dịch vụ được kỳ vọng tăng trưởng cao. Chất lượng tài sản tốt, trích lập dự phòng rủi ro chặt chẽ và được kỳ vọng sẽ giảm trong thời gian tới. Chúng tôi ước tính, lợi nhuận sau thuế đạt 6.700 tỷ đồng (+27% so với năm 2015), tương đương với EPS 2016 là 2.208 đồng/CP. Ngày 24/02/2016, cổ phiếu VCB được giao dịch tại mức giá 42.300 đồng/CP, tương đương P/E FW và P/B lần lượt là 19,16x và 2,45x.

Kết thúc năm 2015, tổng tài sản của ngân hàng đạt 674.000 tỷ đồng (+17% so với năm 2014), đứng thứ 3 trong số các ngân hàng niêm yết. Vốn chủ sở hữu đạt 46.000 tỷ đồng, (+6%), trong đó vốn điều lệ là 27.000 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt 387.000 tỷ đồng, tăng 19%, tổng quy mô tín dụng đạt khoảng 633 tỷ đồng, tăng 18%. Huy động vốn tiền gửi của khách hàng đạt 498.000 tỷ đồng, tăng 18%.

Khả năng sinh lời của danh mục tín dụng tăng. NIM, hệ số đo lường khả năng sinh lời của danh mục tín dụng tăng nhanh từ mức 2,34% lên 2,57%. Hệ số này còn thấp hơn so với CTG và BID, tuy nhiên, điểm tích cực là NIM của VCB đang tăng trong khi NIM của CTG và BID đều giảm.

Điều này có thể là do (1) chất lượng danh mục cho vay thực chất hơn mang lại hiệu quả cao hơn từ đồng vốn giải ngân; (2) 2 khoản đầu tư trái phiếu chính phủ trị giá 1 tỷ USD/ khoản với lãi suất hấp dẫn 3-4,8%/năm trong khi lãi suất USD đầu vào chỉ từ 0-0,25%/năm; (3) tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn cao, đây là nguồn vốn có chi phí huy động thấp nhất trong hệ thống ngân hàng, 28% tiền gửi vào VCB là không kỳ hạn, cao hơn nhiều so với CTG (14%) và BID (18%). Kết quả, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 15.000 tỷ đồng, tăng 31% yoy.

Chúng tôi cho rằng, thu nhập lãi của VCB đạt 18.600 tỷ đồng (+20%) nhờ cho vay tăng 18% lên 457.000 tỷ đông, NIM tiếp tục được cải thiện.

3. HBC: Đẩy mạnh hợp tác với Vingroup để thực hiện một số dự án lớn tại TP. HCM và Phú Quốc

CTCK BSC

HBC - CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HSX)

Cập nhật KQKD 2015: Doanh thu thuần đạt 5.084 tỷ đồng (+45% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 91,1 tỷ đồng (+28% so với năm ngoái), EPS 1.200 đồng. Trong năm 2015, HBC có đầu tư lớn về máy móc thiết bị ( hơn 200 tỷ đồng) để mua cẩu thép, cốp pha dành cho những dự án kỹ thuật cao như Saigon Center, Estella Heights (giai đoạn 2)

Kế hoạch 2016: HBC đang trình HĐQT thông qua kế hoạch 2016 với doanh thu thuần đạt 6.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 180 tỷ đồng, EPS 2016 2.382 đồng, P/E FW 8.48x, cổ tức 10% -15% (tiền mặt hoặc cổ phiếu). Tăng trưởng chủ yếu đến từ các dự án lớn như Sài Gòn Centrer 3 (1.900 tỷ đồng), Estella Heights (917 tỷ đồng), mở rộng nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất T2 (600 tỷ đồng). Đáng chú ý, việc trích lập và hoàn nhập dự phòng phải thu trong năm 2016 dự báo sẽ bù trừ lẫn nhau và không tác động đến KQKD.

Đại diện HBC cho rằng, kế hoạch đặt ra cho năm 2016 là cẩn trọng trong bối cảnh NHNN đang thắt chặt cho vay BĐS khiến các khách hàng của HBC như Novaland,… có thể gặp khó khăn. Tổng giá trị các hợp đồng xây dựng (blacklog) tính đến tháng 2/2016 đạt 15.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó năm 2016, HBC cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với Vingroup để thực hiện một số dự án lớn tại TP. HCM và Phú Quốc. Hiện tại các dự án chưa đủ điều kiện để công bố thông tin, có thể sẽ công bố trong quý I này.

 

Công ty chứng khoán sống nhờ margin
Ngay sau khi thông tin Daiwa Securities Group có ý định tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) từ 10% lên 15% được công bố trên Tạp chí...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư