Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
4 cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/4
 
Đầu tư CK trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/4 của các công ty chứng khoán.

1. VNM: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Sữa Việt Nam (VNM) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý I/2016 với tổng doanh thu tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 10.369 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 38%, đạt 2.626 tỷ đồng. Kết quả doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt hoàn thành 22% và 23% dự phóng năm 2016 của chúng tôi.

Như đã đề cập trong báo cáo mới nhất của VNM cũng như trong báo cáo Triển vọng thị trường quý II/2016, biên lợi nhuận gộp của công ty sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao (41,6% cho năm 2016 theo dự phóng của chúng tôi so với mức 40,6% của năm 2015) nhờ tình hình giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục ở mức thấp. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ kết quả kinh doanh của công ty, giúp VNM đạt mức EPS năm 2016 là 7.050 đồng/cổ phiếu theo dự phóng của chúng tôi, tăng 37% so với năm trước.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với VNM và giá mục tiêu 1 năm là 152.000 đồng/cổ phiếu. Phiên giao dịch cuối tuần (22/4), giá cổ phiếu VNM tăng 2,2% và đóng cửa ở mức 140.000 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch ở mức P/E năm 2016 là 19,9 lần và P/E năm 2017 là 18,8 lần dựa trên dự phóng của chúng tôi.

Cần lưu ý rằng công ty sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên vào ngày 21/5/2016 và việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp lần này.

2. PGI: Khuyến nghị mua vào

CTCK BIDV (BSC)

Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PGI - sàn HOSE) cho biết, năm 2015, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2.231,2 tỷ đồng, tăng 5,1%; lợi nhuận trước thuế 115 tỷ đồng, tăng 4,4%, trong đó lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm gốc đạt 14,98 tỷ đồng, tăng 9,7% và lợi nhuận từ hoạt động đầu tư đạt 99,99 tỷ đồng, tăng 3,62%. Công ty có mức chi bồi thường bảo hiểm giữ lại là 50,4%, giảm so với mức 51,1% của 2014, và có tỷ lệ kết hợp ở mức 99,15%, tương đương với năm 2014.

Năm 2016, Công ty đặt kế hoạch 2.343 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc, tăng trưởng 5%, lợi nhuận trước thuế ở mức 120 tỷ đồng, tăn 4,4%, trong đó lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm kế hoạch tăng 33,6% lên mức 20 tỷ đồng, nhờ kiểm soát tỷ lệ bồi thường về mức 45,8%. Tỷ lệ kết hợp theo đó được giảm về 98,9%.

Lợi nhuận hoạt động đầu tư được kế hoạch giữ nguyên ở mức 100 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến tối thiểu 10%. Áp dụng mức trích quỹ khen thưởng phúc lợi của 2015, kế hoạch đề ra tương ứng với EPS kế hoạch 2016 là 1.178 đồng/CP.

Về hoạt động kinh doanh, Công ty tiếp tục theo đuổi chính sách tăng trưởng bền vững và chú trọng quản lý rủi ro, thể hiện ở tỷ lệ bồi thường được kiểm soát tốt và ghi nhận mức tăng tương đối trong lãi từ nghiệp vụ bảo hiểm.

Công ty tiếp tục áp dụng mức trích lập dự phòng dao động lớn 3% phí bảo hiểm giữ lại trong 2016, cao hơn mức trích lập 1% của các công ty bảo hiểm khác. Đây là biện pháp kế toán cẩn trọng làm giảm lợi nhuận của công ty nhưng nâng cao các chỉ số an toàn tài chính của doanh nghiệp. Ước tính ảnh hưởng lên lợi nhuận của doanh nghiệp là khoảng 30 tỷ đồng.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA cho cổ phiếu PGI với mức giá mục tiêu 12 tháng là 16.000 đồng/CP. Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho PJICO đạt lần lượt 2.376 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5% và 102 tỷ đồng, tăng trưởng 10,22%, tương ứng với EPS 2016 ước đạt 1.264 đồng/CP.

3. TDH: Giá cổ phiếu sẽ diễn biến tích cực hơn trong năm nay

CTCK Bảo Việt (BVSC)
Đánh giá về CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (mã TDH), chúng tôi cho rằng hoạt động của Công ty trong năm 2015 có những thay đổi thật sự đáng lưu ý. Đầu tiên, chúng tôi cho rằng Ban lãnh đạo của TDH có những động thái cho thấy sự chủ động và quyết liệt hơn sau một thời gian dài điều hành thận trọng và chưa hiệu quả.

Theo đó, các khoản đầu tư tài chính không hiệu quả (Tài chính dệt may, Khách sạn Đà Lạt...) được chuyển nhượng thành công để mang lại dòng tiền 377 tỷ đồng cho TDH. Với nguồn tiền dồi dào, công ty triển khai lại dự án TDH Phước Long, khu dân cư Bình Chiều 2 (4ha) và góp vốn vào công ty FDC trong nửa sau 2015.

Ngoài ra, sau nhiều lần trì hoãn, TDH đã thực hiện xong việc phát hành tăng vốn từ 419 lên 617 tỷ đồng với số tiền dự kiến thu được là 247 tỷ đồng. Như vậy, những hạn chế của TDH trong thời gian qua bao gồm (1) Sự thiếu quyết liệt của ban điều hành (2) Danh mục đầu tư dàn trải, chiếm dụng nguồn vốn (3) Thiếu hụt nguồn vốn để kinh doanh... đã ít nhiều giải quyết trong năm 2015.

BVSC cho rằng kết quả kinh doanh dù tăng trưởng mạnh nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn khi các dự án mới bắt đầu triển khai nhiều trong năm 2016. Với kế hoạch dự kiến, EPS ước tính 1.280 đồng, tương đương P/E là 10,8 lần. Đáng chú ý là chỉ số P/B đang rất hấp dẫn khi đang giao dịch chỉ ở mức 0,6 lần, trong khi chất lượng tài sản khá tốt và nhiều dự án đã bắt đầu đưa vào triển khai sẽ có khả năng tạo dòng tiền tích cực trong tương lai. Trên cơ sở đó, chúng tôi kỳ vọng giá cổ phiếu TDH sẽ diễn biến tích cực hơn trong năm 2016.

4. TTF: PE cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Gỗ Trường Thành (mã TTF) đặt mục tiêu tăng trưởng cao về mặt lợi nhuận trong năm 2016. Tổng doanh thu đạt 2.797 tỷ đồng, tương đương với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế đạt 323 tỷ đồng, tăng trưởng 58%. Trong đó, biến số quan trọng nhất là biên lợi nhuận gộp dự kiến có thể đạt trên 23% tăng đáng kể so với mức 12,5% hiện tại.

Để giải thích kỳ vọng này, TTF đưa ra một số lý do chính như sau: (1) doanh thu dự án cho Vingroup có thể đạt 900 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng doanh thu năm 2016; (2) không còn ghi nhận các khoản dự phòng giảm giá tồn kho; (3) tái cơ cấu kênh bán hàng và chuyển sang bán lẻ nhiều hơn. EPS kế hoạch đạt 1.508 đồng/CP tương ứng với P/E forward 19 lần tính trên vốn mới sau phát hành.

Trong quý I, doanh thu ước đạt 604,2 tỷ đồng, hoàn thành 21,6% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế ước đạt 57,9 tỷ đồng, hoàn thành 18% kế hoạch. Biên lợi nhuận gộp ước đạt 23,2% và đang bám rất sát với kỳ vọng.

TTF đang có sự chuyển mình mạnh mẽ sau khi tái cơ cấu thành công và dần lấy lại vị thế và hình ảnh của một trong những công ty sản xuất đồ gỗ hàng đầu Việt Nam. Việc Vingroup trở thành cổ đông nắm quyền chi phối mang ý nghĩa chiến lược và có thể mở ra một giai đoạn phát triển mới của TTF: (1) khối lượng công việc dồi dào từ các dự án bất động sản của Vingroup tại thị trường nội địa; (2) đẩy mạnh doanh thu bán lẻ thông qua các hệ thống trung tâm thương mại của Vingroup; (3) tận dụng nguồn lực tài chính mạnh của công ty mẹ để phát triển và giành lại thị phần xuất khẩu đã mất trong giai đoạn khủng hoảng.

Tuy nhiên, BVSC cũng muốn nhấn mạnh rằng TTF đang được giao dịch ở mức P/E cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề và rủi ro pha loãng cho các nhà đầu tư ở mức giá hiện tại là rất đáng kể.

Thủ tướng làm việc với Bộ Tài chính: Đẩy nhanh cổ phần hóa nhưng không để thất thoát
Việc tăng trưởng quý I/2016 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là một trong những ưu tư của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, được Thủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư