Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
700 tỷ đồng làm đường tỉnh 918; 41.130 tỷ đồng xây dựng Nhiệt điện Quảng Trạch I
Hạnh Nguyên (tổng hợp) - 18/12/2021 11:12
 
Cần Thơ phê duyệt xây dựng đường tỉnh 918 (giai đoạn 2) vốn trên 700 tỷ đồng; Xây dựng Nhiệt điện Quảng Trạch I trị giá 41.130 tỷ đồng

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Cần Thơ phê duyệt xây dựng đường tỉnh 918 (giai đoạn 2) vốn trên 700 tỷ đồng

UBND TP. Cần Thơ vừa ban hành Quyết định số 3664/QĐ-UBND phê duyệt dự án đường Tỉnh 918 (giai đoạn 2), có chiều dài 6,27 km, với tổng mức đầu tư trên 700 tỷ đồng.

Dự án có điểm đầu kết nối với đường Võ Văn Kiệt tại nút giao với đường Huỳnh Phan Hộ, điểm cuối kết nối vào điểm cuối của dự án đường Tỉnh 918 giai đoạn 1, cách cầu Lộ Bức khoảng 160 m. Tổng chiều dài dự án 6,27 km, gồm 02 đoạn: Đoạn 1 điểm đầu tại vị trí nút giao thông Huỳnh Phan Hộ - Võ Văn Kiệt, điểm cuối giao với Quốc lộ 91B tại lý trình km8-177 dài 2,14 km; đoạn 2 điểm đầu tại vị trí của đoạn 1, điểm cuối kết nối vào đường Tỉnh 918 giai đoạn 1 dài 4,13 km.

Đây là công trình giao thông cấp II. Toàn tuyến được thiết kế cấp kỹ thuật đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, đoạn khó khăn triết giảm vận tốc thiết kế 60km/h (theo Tiêu chuẩn TCVN 4054:2005 đường ô tô - yêu cầu thiết kế).

Mặt cắt ngang đường (đoạn từ Võ Văn Kiệt đến Quốc lộ 91B) xây dựng 01 đơn nguyên (bên phải) theo quy hoạch, bề rộng mặt đường 7,0 m, bề rộng lề gia cố 2x2=4,0 m, bề rộng lề không gia cố 2x0,5=1,0m, bề rộng nền đường 12m. Mặt cắt ngang đường (đoạn từ Quốc lộ 91B đến cuối tuyền) xây dựng theo quy hoạch, bề rộng mặt đường 7m, bề rộng lề gia cố 2x2=4 m, bề rộng lề không gia cố 2x0,5=1 m, bề rộng nền đường 12 m.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư. Địa điểm xây dựng tại quận Bình Thủy và huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Diện tích đất sử dụng khoảng 15,689 ha. Diện tích đất giải phóng mặt bằng 156.893 m2.

Tổng mức đầu tư  của dự án hơn 700 tỷ đồng. Trong đó, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 223.183.025.983 đồng, chi phí xây dựng 413.423.110.579 đồng, chi phí quản lý dự án 5.501.909.923 đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 17.294.364.519 đồng, chi phí khác 8.032.036.796 đồng và chi phí dự phòng 32.690.811.125 đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác

Tiến độ thực hiện dự án năm 2021-2024.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển, phát triển kinh tế - xã hội của quận Bình Thủy, huyện Phong Điền. Hoàn thành một phần cơ sở hạ tầng giao thông khu vực bằng việc kết nối thông suốt giữa Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B, đường Tỉnh 923, đường Nguyễn Văn Cừ, Quốc lộ 61C, làm trợ lực vững chắc cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương hướng đến mục tiêu xây dựng TP. Cần Thơ trở thành thành phố hiện đại và văn minh, đây là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, góp phần phát triển các khu vực lân cận trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng Nai xin điều chỉnh Dự án thành phần giải phóng mặt bằng Sân bay Long Thành

UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất không triển khai dự án thành phần 3 và dự án thành phần 4 thuộc Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành.

.
Thi công hoàn thiện tuyến đường chính trong Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. (Ảnh: Công Phong/TTXVN).

 Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo số 15126/UBND – BC vừa được UBND tỉnh Đồng Nai gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, huyện Long Thành và sử dụng vốn tiết kiệm được khi triển khai để đầu tư tuyến giao thông kết nối.

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị không tiếp tục triển khai Dự án thành phần hệ thống hạ tầng kỹ thuật phân khu III khu dân cư, tái định cư tại xã Bình Sơn (Dự án thành phần 3) và Dự án thành phần các công trình xã hội khu dân cư, tái định cư tại xã Bình Sơn (Dự án thành phần 4). Lý do dẫn đến sự thay đổi này, theo UBND tỉnh Đồng Nai là do việc điều chỉnh Dự án thành phần hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An – Bình Sơn (Dự án thành phần 1) đã đủ để bố trí tái định cư cho các hộ dân của Dự án.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị bổ sung diện tích thu hồi đất các hạng mục gồm: tuyến thoát nước ngoài ranh Khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An và xã Bình Sơn (khoảng 2,35 ha) và tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không - Dự án thành phần 5 (khoảng 32,65 ha). 

Thay đổi thứ 3 là việc chủ đầu tư Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, huyện Long Thành xin điều chỉnh khoản 10, Điều 1 Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 6/11/2018 về việc phê duyệt dự án đầu tư Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành của Thủ tướng Chính phủ từ “thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án: Từ năm 2017 đến năm 2021” thành “thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án: Từ năm 2017 đến hết năm 2022”. 

Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, việc không triển khai thực hiện dự án thành phần 3 và dự án thành phần 4 như đã nêu trên cùng với việc tiết kiệm thông qua đấu thầu một số hạng mục công trình, dự kiến tổng số vốn tiết kiệm tại Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, huyện Long Thành là khoảng 4.136 tỷ đồng.

Với số tiền này, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận hỗ trợ cho tỉnh Đồng Nai để bổ sung thêm một phần vốn đầu tư 2 tuyến đường ĐT.773 và ĐT.770B kết nối vào cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo quy hoạch giao thông được duyệt thì cảng hàng không quốc tế Long Thành cần xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, trong đó có kết nối cổng phía đông Cảng hàng không quốc tế Long Thành với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên là 2 tuyến giao thông kết nối huyết mạch nêu trên.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, số vốn đầu tư 2 tuyến đường tương đối lớn (Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT.773, tổng mức đầu khoảng 4.311 tỷ đồng, trong đó chi phi bồi thường khoảng 1.762 tỷ đồng; Dự án đường ĐT.770B, từ ĐT.763 đến Quốc lộ 51, tổng mức đầu tư khoảng 8.043 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường khoảng 3.341 tỷ đồng). 

“Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức lập hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giao Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 38/2017/QH14 ngày 19/6/2017 về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành Dự án thành phần”, ông Cao Tiến Dũng cho biết.

Thông hầm đường bộ lớn nhất Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Hầm đường bộ Thung Thi là một trong những hạng mục phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao nhất tại Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Nghi thức bấm nút thông hầm đường bộ Thung Thi.
Nghi thức bấm nút thông hầm đường bộ Thung Thi.

Sáng nay (11/12), Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện nghi thức bấm nút thông ống còn lại tại hạng mục hầm Thung Thi (gói thầu 12-XL) thuộc Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45.

Dự lễ thông hầm - dấu mốc quan trọng của dự án này, có thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và cố vấn cấp cao của Tập đoàn Đèo Cả.

Toàn bộ gói thầu xây dựng hầm Thung Thi có chiều dài 6,6km gồm 6km đường, hai ống hầm dài 680m và các công trình trên tuyến có điểm đầu tại Km301+000 địa phận xã Hà Tiến, điểm cuối tại Km306+760 địa phận xã Hà Lĩnh (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) là hầm xuyên núi lớn nhất của dự án.

Việc Tập đoàn Đèo Cả vượt tiến độ đào thông hầm Thung Thi 3 tháng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực nhận được đánh giá rất cao của của lãnh đạo Trung ương, chủ đầu tư và tỉnh Thanh Hoá.

Hầm Thung Thi là một trong những hạng mục phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nhất của toàn tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45. Hầm được thi công theo phương pháp NATM, sau khi khoan mìn cho nổ đá, các kỹ sư làm vòm cho hầm kết hợp với bê tông phun... để tạo kết cấu tự chống đỡ. Đây là công trình vĩnh cửu với quy mô 6 làn xe, được bố trí đầy đủ hệ thống chiếu sáng và thông gió trong hầm. Hiện gói thầu đang tổ chức 8 mũi thi công, gồm 4 mũi đường, 2 mũi cầu và 2 mũi hầm. Để triển khai được đầy đủ các phần công việc, Ban điều hành Dự án đã triển khai 3 ca làm việc một ngày với nhiều máy móc, thiết bị chuyên dụng, hiện đại, để đảm bảo đúng tiến độ của gói thầu.

Với năng lực và kinh nghiệm đã thực hiện thành công hầm đường bộ Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông và hầm Hải Vân - Hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, Tập đoàn Đèo Cả khẳng định sẽ đưa gói thầu hầm Thung Thi hoàn thành đạt chất lượng, vượt tiến độ đã đề ra.

Song song với hầm Thung Thi, hiện nay Tập đoàn Đèo Cả cũng đang thi công các hầm đường bộ có quy mô lớn trên trục cao tốc Bắc Nam phía Đông như hầm Trường Vinh thuộc đoàn Nghi Sơn - Diễn Châu, hầm Núi Vung thuộc đoàn Cam Lâm Vĩnh Hảo…

Theo báo cáo của Ban điều hành, sau khi thông hầm, nhà thầu tiếp tục thi công phần tường và vòm ngược, vỏ hầm, nền, mặt đường hầm, cơ điện, phòng cháy chữa cháy để hoàn thành hầm Thung Thi vào đầu năm 2022.

Trước đó, vào chiều 10/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã kiểm tra hiện trường Dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) và Dự án Nghi Sơn-Diễn Châu (Nghệ An), là 2 trong số 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc dài 654 km đi qua địa bàn 13 tỉnh, thành phố.

Qua kiểm tra thực tế tại công trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận các bộ, ngành, địa phương, các nhà thầu, đơn vị thi công đã có nhiều nỗ lực và đạt những kết quả, chuyển biến tích cực trên công trường. Dù vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng việc thi công xây dựng đường cao tốc vẫn bảo đảm, đẩy nhanh tiến độ.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các đơn vị xây dựng khẩn trương dồn lực thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi vượt tiến độ, dự phòng cho việc khó thi công thực hiện dự án vào mùa mưa. Các địa phương tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà thầu trong quá trình thi công, giải quyết mọi khó khăn để 2 dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ.

Long An trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 4 dự án có vốn 3.955 tỷ đồng

Có 4 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Khu công nghiệp Thuận Đạo mở rộng với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.955 tỷ đồng.

Ngày 10/12, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An phối hợp với Công ty cổ phần Khu công nghiệp Đồng Tâm đã tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư nhà đầu tư thứ cấp trong KCN Thuận Đạo mở rộng.

Theo đó, có 4 Dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại KCN Thuận Đạo mở rộng (xã Long Định, huyện Cần Đước) gồm:

Nhà máy Sản xuất kinh doanh sản phẩm thép của Công ty cổ phần Sản phẩm thép Hòa Phát Long An có diện tích 146.943 m2, với tổng vốn đầu tư 2.980 tỷ đồng.

Nhà máy Sản xuất thép của Công ty cổ phần ASIASTEEL có diện tích 25.915 m2 với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng.

Nhà máy đầu tư sản xuất đồ dùng gia đình bằng gỗ của Công ty TNHH KODA SAIGON có diện tích 13.768 m2 với tổng vốn đầu tư 248 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất và gia công đồ dùng gia đình bằng gỗ của Công ty TNHH Quốc tế RYTHERN Việt Nam, diện tích 36.804 m2, có tổng vốn đầu tư của Hongkong là 227 tỷ đồng, tương đương 10 triệu USD.

Theo Ban Quản ký khu kinh tế Long An, từ 01/01/2021 - 29/11/2021, các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã thu hút đầu tư 84 dự án mới, trong đó có 35 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 49 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư cấp mới 257,18 triệu USD và 10.873,17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 62 dự án điều chỉnh vốn, gồm: 52 dự án FDI điều chỉnh với tổng vốn điều chỉnh tăng 152,93 triệu USD; 10 dự án ó vốn đầu tư trong nước điều chỉnh với tổng vốn điều chỉnh tăng 1.205,72 tỷ đồng.

Sơn La xin dừng đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo phương thức PPP

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu sẽ dừng triển khai theo hình thức PPP và được tách thành 3 dự án độc lập triển khai bằng vốn đầu tư công.

Đại diện nhà đầu tư nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại buổi Lễ
Đại diện nhà đầu tư nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại buổi Lễ

UBND tỉnh Sơn La vừa có tờ trình số 258/TTr – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc dừng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo hình thức PPP và chuyển hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Theo đó, UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Thủ tướng cho chủ trương dùng thực hiện Dự án theo hình thức PPP theo Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ và cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.   

Liên quan đến phương án đầu tư theo Luật Đầu tư công, UBND tỉnh Sơn La đề xuất tách Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu thành 3 dự án độc lập.

Trong đó, Dự án số 1 (từ Km0 đến Km19) sẽ thực hiện theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, do tỉnh Hòa Bình thực hiện; Dự án số 2 (từ Km19 đến Km53) thực hiện theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn hợp pháp khác do tỉnh Hòa Bình thực hiện; Dự án số 3 (từ Km53+00 đến cuối tuyến) sẽ thực hiện theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, do tỉnh Sơn La thực hiện. 

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu theo hình thức PPP được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 579/QĐ-TTg và giao cho UBND tỉnh Sơn La làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo phương án triển khai được Thủ tướng phê duyệt, Dự án có chiều dài 85 km, giai đoạn 1 xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe, rộng 17 m, tổng mức đầu tư 22.294 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng hỗn hợp BOT và BT, trong đó vốn nhà đầu tư BOT là 17.294 tỷ đồng; phần vốn 5.000 tỷ đồng còn lại được Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất tại Hòa Bình và Sơn La.

Tuy nhiên quá trình triển khai Dự án theo hình thức PPP gặp nhiều khó khăn do Dự án được phân kỳ thành các tiểu dự án (giải phóng mặt bằng theo từng địa phận hành chính, phân chia thành các đoạn tuyên xây dựng công trình) thực hiện trên địa bàn hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình. Nếu thực hiện theo hình thức PPP thu phí kín, trong quá trình thực hiện sẽ khó khăn trong việc tỉnh Sơn La thực hiện nội dung dự án trên địa giới tỉnh Hòa Bình, khó khăn về công tác quản lý nguồn thu, giải ngân thanh toán...theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công. 

Hiện Dự án đang được phân chia thành 3 đoạn, trong đó đoạn tuyến I từ Km1 đến Km19 (đầu tuyến) thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án; đoạn tuyến II từ Km19 đến Km53 (giữa tuyến) đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP bằng nguồn vốn của nhà đầu tư và vốn ngân sách nhà nước (trong đó chủ yếu là nguồn vốn Nhà đầu tư); đoạn tuyến III từ Km53 đến cuối tuyến đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Phương án này sẽ khó khăn trong thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện đoạn tuyến II, do đây là đoạn tuyến có nhiều công trình hầm, cầu, suất đầu tư lớn.

UBND tỉnh Sơn La khẳng định, do tách đoạn, phân kỳ đầu tư sẽ không thể thực hiện thu phí kín do đoạn đầu tuyến và đoạn cuối tuyến cũng như hạng mục giải phóng mặt bằng trên địa phương hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình đã được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, việc thu phí kín gặp khó khăn sẽ không đảm bảo tính khả thi phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn kéo dài. 

Bên cạnh đó, việc dùng thực hiện Dự án theo hình thức PPP theo chủ trương đã được phê duyệt tại Quyết định số 579/QĐ-TTg là cần thiết do pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP hiện hành không có quy định loại hợp đồng BOT kết hợp BT, không cho phép triển khai hợp đồng BT mới.

Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT về phương án triển khai thực hiện Dự án. Tại các buổi làm việc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT đã xác định việc đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT là khó khăn, do khả năng huy động vốn của Nhà đầu tư rất lớn, phương án thu phí và khả năng thu phí tính khả thi không cao.

Ý nghĩa đặc biệt từ một dự án tỷ USD đầu tư vào Việt Nam

Việc Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) vừa ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) về việc xây dựng một nhà máy mới ở tỉnh Bình Dương có ý nghĩa rất đặc biệt.

Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam
Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam

Ý nghĩa trước tiên là con số 1 tỷ USD mà LEGO cam kết đầu tư vào Dự án. Tại thời điểm nhiều nhà đầu tư còn e dè khi đưa ra quyết định do lo ngại các động của dịch bệnh Covid-19, thì việc một tập đoàn châu Âu quyết định đầu tư dự án quy mô lớn vào Việt Nam đã một lần nữa khẳng định tiềm năng và lợi thế hiếm có của điểm đến Việt Nam.

dự án tỷ USD vào Việt Nam, trên thực tế, không phải là ít. Từ đầu năm tới nay đã có 3 dự án đầu tư được cấp chứng nhận đăng ký mới hoặc điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn trên 6,5 tỷ USD. Song đây là lần đầu tiên, một tập đoàn của Đan Mạch quyết định rót vốn vào một dự án lớn như vậy tại Việt Nam. Thậm chí, nếu tính cả phần đầu tư của các đối tác từ châu Âu nói chung, thì dự án của LEGO cũng thuộc diện rất lớn. Bởi thế, đó cũng là tín hiệu tích cực cho xu hướng tăng tốc của vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam. 

Không chỉ đơn thuần là vốn đầu tư từ châu Âu, dự án của LEGO còn có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo ra bước ngoặt quan trọng về xu hướng đầu tư thế hệ mới, thời của kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

Trong cam kết của mình - như chia sẻ của ông Carsten Rasmussen, Giám đốc vận hành của LEGO - đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn.

Trước mắt, những tấm pin năng lượng mặt trời sẽ được đặt trên mái nhà máy và tiếp theo, một nhà máy năng lượng mặt trời sẽ được xây dựng kế bên, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng hàng năm của dự án. Các loại xe điện sẽ được vận hành trong khuôn viên nhà máy. 50.000 cây xanh cũng sẽ được LEGO và VSIP trồng ở Việt Nam để bù đắp cho những thảm thực vật bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy. Bên cạnh việc tạo 4.000 việc làm khi nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024, cùng với đó, tất nhiên sẽ là giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu…. Đây chính là dòng đầu tư thế hệ mới mà Việt Nam đang hướng tới.

Không chỉ LEGO, các nhà đầu tư, bao gồm cả trong và ngoài nước đã đến lúc phải coi trọng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong hoạt động đầu tư của mình. Dù thời gian qua, đã có những nhà đầu tư nước ngoài cam kết và đầu tư cho phát triển bền vững ở Việt Nam, song tỷ lệ này chưa lớn, vì vậy, cần phải xem đó là xu thế không thể đảo ngược, là trách nhiệm mà nhà đầu tư cần nghiêm túc thực thi.

Ở một góc độ khác, ý nghĩa quan trọng của cam kết đầu tư 1 tỷ USD của LEGO còn là ở vai trò kết nối của lãnh đạo Chính phủ trong các hoạt động “xúc tiến đầu tư” ở cấp cao.

Dự án này được bắt đầu từ cuộc gặp ngày 17/9/2021, khi Đại sứ Đan Mạch thông báo với Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh rằng, LEGO đang tìm kiếm một địa điểm đầu tư nhà máy mới tại Đông Nam Á và mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ. Và Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ngay lập tức đã khẳng định sẽ trực tiếp điện đàm với lãnh đạo LEGO để kết nối dự án này. Chỉ nửa tháng sau, giữa Phó thủ tướng và Giám đốc vận hành của LEGO - Carsten Rasmusssen đã có cuộc trao đổi cụ thể.

Đặc biệt, để thúc đẩy dự án, nhân sự kiện Hội nghị COP26 tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã gặp trực tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO. Tại cuộc gặp đó, Thủ tướng đề nghị LEGO phối hợp với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam lựa chọn địa điểm đầu tư sao cho phù hợp trên tinh thần hài hòa lợi ích của các bên và có hiệu quả cao. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn sớm được chứng kiến các sản phẩm của LEGO ra đời tại Việt Nam. Rất nhanh sau các cuộc gặp, sau những nỗ lực nói trên, dự án này đã bắt đầu được hiện thực hóa.

Gần đây, các chuyến công du nước ngoài của các nhà lãnh đạo đất nước luôn gắn liền với những hoạt động xúc tiến đầu tư. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt, thì đó thực sự là những hoạt động có ý nghĩa, rất có hiệu quả. Hẳn nhiên, khi mọi nỗ lực được thực hiện ngay từ cấp cao nhất, thì Việt Nam càng có thêm cơ hội thành công trong thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài.

Xây dựng Nhiệt điện Quảng Trạch I trị giá 41.130 tỷ đồng

Sáng nay, 13/12, EVN và tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ triển khai thi công xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I. Công trình sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2025.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Điện 2 được giao đại diện chủ đầu tư quản lý, điều hành dự án.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 về điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch VII điều chỉnh); Văn bản số 1828/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/10/2016 về việc EVN được giao làm chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Tổng mức đầu tư dự án là 41.130 tỷ đồng, với tổng diện tích khoảng 48,6 ha tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, khi đi vào vận hành nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện mỗi năm khoảng 8,4 tỷ kWh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao độ an toàn và ổn định cho hệ thống điện.

Gói thầu chính về thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp công trình Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sẽ được thực hiện bởi Liên danh nhà thầu gồm một số nhà thầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và Tổng công ty Xây dựng số 1.

Đây đều là các nhà thầu lớn, có uy tín, năng lực và kinh nghiệm trong nhiều dự án nhiệt điện lớn.

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sử dụng công nghệ hiện đại, thông số hơi trên siêu tới hạn (USC) - cao nhất trong các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam hiện nay. Dự kiến công trình được hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2025.

Về công tác bảo vệ môi trường, nhà máy sẽ được trang bị đồng bộ các hệ thống xử lý nước thải, khí thải và lọc bụi. Do vậy hàm lượng phát thải khí sau khi được xử lý tuân thủ hoàn toàn các quy chuẩn về môi trường Việt Nam hiện hành và tương đương với các tiêu chuẩn của ngân hàng Thế giới (WB) áp dụng. Các thông số về môi trường nhà máy khi vận hành được truyền về Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Bình để giám sát trực tuyến và hiển thị công khai tại khu vực cổng nhà máy 24/24h theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý môi trường.       

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung, góp phần đáng kể tăng nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh Quảng Bình và khu vực Bắc Trung Bộ, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo việc làm ổn định, lâu dài cho lao động địa phương, đặc biệt là lao động có trình độ cao.

Cũng nhân dịp tổ chức Lễ triển khai thi công xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trao tặng số tiền 1 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Bình để thực hiện công tác an sinh xã hội, phục vụ việc xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người nghèo và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Kon Tum: Đầu tư dự án cây dược liệu hơn 353 tỷ đồng

UBND tỉnh Kon Tum vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trồng cây dược liệu dưới tán rừng của Công ty TNHH MTV Thiện Chí Kon Tum.

Dự án sẽ được thực hiện tại Khoảnh 1, 2, 3 Tiểu khu 482, xã Măng Cành, huyện Kon Plông. Tổng mức đầu tư dự án là 353,5 tỷ đồng; diện tích đất dự kiến sử dụng 144,3 ha; sản phẩm cung cấp 107,88 tấn dược liệu đương quy/năm; 107,88 tấn dược liệu sâm dây/năm; quy mô kiến trúc khoảng 2,6 ha, bao gồm các hạng mục xây dựng: Nhà điều hành; nhà nghỉ công nhân; Nhà đóng gói sản phẩm; Nhà sơ chế lạnh; Nhà sơ chế sàng tuyển sản phẩm; Nhà thu dùng sản phẩm; Đường giao thông; Các hệ thống hạ tầng khác.

Một vườn cây đương quy dưới tán rừng tại Măng Đen, huyện Kon Plông.
Một vườn cây đương quy dưới tán rừng tại Măng Đen, huyện Kon Plông.

Dự án có thời gian xây dựng các công trình, trồng cây dược liệu dưới tán rừng từ Quý III/2022 đến tháng I/2023. Thời gian vận hành sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ từ Quý II/2023 trở đi.

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ cam kết; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai, rừng, môi trường, khoáng sản, lao động, nghĩa vụ tài chính và các quy định khác có liên quan; ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, khai thác sử dụng, nhà đầu tư không được làm suy giảm diện tích rừng, chất lượng, ảnh hưởng đến tái sinh rừng của rừng trong khu vực dự án (đặc biệt là các hạng mục đường giao thông nội bộ, nhà tạm, nhà lắp ghép, trồng xen dưới tán rừng,…).

Phối hợp với chính quyền huyện Kon Plông và các đơn vị có liên quan xây dựng phương án đền bù, tái định canh cho người dân trước khi triển khai dự án. Phối hợp, làm việc với Công ty TNHH Năng lượng gió LRVN để thống nhất phương án đầu tư xây dựng cho phù hợp theo quy định để đảm bảo an toàn khi Dự án Nhà máy điện gió Kon Plông và Dự án đầu tư trồng cây dược liệu dưới tán rừng khi đi vào vận hành, đồng thời đảm bảo khoảng cách an toàn công trình điện gió theo quy định.

Được biết, Công ty TNHH MTV Thiện Chí Kon Tum được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum lần đầu ngày 6/7/2010. doanh nghiệp có trụ sở chính tại Số nhà 12, Đường Bà Triệu, Phường Thắng Lợi, Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, có vốn điều lệ 160 tỷ đồng, do ông Nguyễn Văn Chiến (SN 1976, trú tại TP Kon Tum) làm giám đốc kiêm chủ tịch HĐTV,

Trong tổng mức đầu tư 353 tỷ đồng, vốn góp của Công ty Thiện Chí Kon Tum là 70,6 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư; vốn vay 282,9 tỷ đồng, chiếm 80% tổng vốn đầu tư toàn dự án.

Quảng Ngãi: 80 tỷ đồng khẩn cấp đầu tư khoảng 750m kè chắn sóng

80 tỷ đồng là số tiền mà tỉnh Quảng Ngãi sẽ bỏ ra khẩn cấp đầu tư khoảng 750m kè chắn sóng bảo vệ làng mạc, nhà dân.

Trước tình trạng biển xâm thực mạnh vào làng mạc và nhà dân, sáng 13/12, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra thực tế tại thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi).

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng đang diễn ra đều và trải dài khoảng 200m; triều cường xâm thực sâu vào đất liền, khoét vào tuyến đường ven biển, nhiều vị trí chỉ còn cách nhà dân 5m.

Thả đá hộc cỡ lớn tạm thời chắn sóng đánh sạt làng mạc, nhà dân
Thả đá hộc cỡ lớn tạm thời chắn sóng đánh sạt làng mạc, nhà dân

“Khoảng 40 nhà dân với 200 nhân khẩu đang nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ bị sóng bị biển cuốn mất nhà bất cứ lúc nào”- Sở NN&PTNT báo cáo. Để bảo vệ tạm thời nhà dân và làng mạc, UBND TP.Quảng Ngãi đã cho đổ đá hộc cỡ lớn tạo mái gia cố nhưng vẫn không phát huy hiệu quả bảo vệ khu dân cư. 

“Phải khẩn trương khắc phục tạm bởi dự báo ngày 20/12 sẽ có cơn bão trực tiếp đi vào Quảng Ngãi, nguy cơ sạt lở rất lớn. Khoảng từ tháng 6 đến tháng 8/2022 phải hoàn thành tuyến kè, đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão năm sau. Về lâu dài, giao UBND TP.Quảng Ngãi phối hợp các đơn vị liên quan lập hồ sơ đề xuất; giao Sở NN&PTNT và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện đầu tư khẩn cấp tuyến kè chắn sóng. Trước mắt đầu tư những đoạn sạt lở trực tiếp, sau đó kè toàn bộ bờ biển xã Nghĩa An để ổn định cuộc sống người dân”- ông Đặng Văn Minh chỉ đạo.

“Làm đến đâu chắc đến đó, không thể làm tạm bợ, lãng phí tiền bạc công sức rồi lại phải đầu tư tốn kém nhiều hơn. Ngoài ra phải đảm bảo thẩm mỹ cho tuyến kè bởi xã Nghĩa An nằm trong quy hoạch đô thị biển là “mặt tiền” của TP.Quảng Ngãi”.

Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư 750m kè chắn sóng khoảng 80 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trình Thủ tướng xin đầu tư một số Dự án do ảnh hưởng của bão lũ năm 2021, nếu Trung ương bố trí sẽ phân bổ để đầu tư đê kè xã Nghĩa An. Nếu không, tỉnh sẽ bỏ vốn từ ngân sách tỉnh đầu tư.

Đà Nẵng: Điều chỉnh giảm 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công trong kế hoạch năm 2021

Tiến độ giải ngân chưa đạt theo kế hoạch đề ra do dịch bệnh Covid-19, thiên tai, ngân sách hụt thu, Đà Nẵng dự kiến giảm 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2021.

Theo đánh giá và ghi nhận của các đơn vị liên quan, vướng mắc về mặt bằng chính là nguyên nhân chính bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19 và thiên tai làm chậm giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều công trình vướng mắc mặt bằng không chỉ 1, 2 năm mà có công trình đã 3, 4 năm nay. Do vậy, nhiều đơn vị, nhà thầu gặp khó khăn thi công thực địa.

Tại Đà Nẵng, các Dự án lớn đang vướng mặt bằng, như: đường trục 1 Tây Bắc (đoạn từ nút giao thông ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung bướu, đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến quốc lộ 1A và đoạn nối Nguyễn An Ninh từ nút giao quốc lộ 1A đến đường sắt); Tuyến ĐT601; Cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý; Tuyến Vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1): Tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan.

Nút giao thông Trần Thị Lý đang được đẩy nhanh tiến độ góp phần hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công của Đà Nẵng
Nút giao thông Trần Thị Lý đang được đẩy nhanh tiến độ góp phần hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công của Đà Nẵng

Để phục hồi và phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của Covid-19, Đà Nẵng xác định thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp chính, từ đó tạo tác động lan tỏa tới các ngành, nghề lĩnh vực liên quan cùng phục hồi, phát triển. Vì vậy, thời gian còn lại để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công là thách thức lớn.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cũng như có khối lượng để giải ngân, đối với dự án cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý từ đợt dịch tháng 7/2021 đến nay, đơn vị yêu cầu các nhà thầu tổ chức thi công 3 ca. Nhờ đó, khối lượng thi công đạt khá, phần hầm đến nay cơ bản bảo đảm tiến độ với 8 đốt hầm đang triển khai thi công hoàn thiện.

Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng đang quyết tâm phấn đấu đến hết niên khóa tài chính thanh toán vốn năm 2021, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% kế hoạch Trung ương giao; đồng thời đạt mức cao nhất so với kế hoạch do HĐND Thành phố giao.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị này đang đẩy mạnh tham mưu các biện pháp xử lý quyết liệt hơn, các chế tài mạnh hơn đối với các chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

“Trong đó, điều chuyển chủ đầu tư, cắt giảm kế hoạch vốn và chỉ đạo làm rõ trách nhiệm các cá nhân vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả giải ngân sẽ là căn cứ để xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao làm chủ dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố”- bà Trần Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Năm 2021, Đà Nẵng được giao 6.935,11 tỷ đồng vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương. Trên cơ sở đó, Đà Nẵng đã điều chỉnh nguồn vốn đầu tư trên địa bàn lên 9.699,322 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng Covid-19, thời tiết cực đoan, dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công sẽ điều chỉnh giảm 1.500 tỷ đồng, còn lại hơn 8.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/10, tổng giá trị giải ngân đạt 4.607,672 tỷ đồng, đạt 66,4% kế hoạch Trung ương giao và đạt 56% kế hoạch do HĐND Thành phố giao.

Kon Tum: Đề xuất dự án điện gió 150 MW tại huyện Kon Plông

Công ty cổ phần KOSY đề xuất khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy điện gió tại huyện Kon Plông, công suất dự kiến khoảng 150 MW.

UBND tỉnh Kon Tum vừa thống nhất cho phép Công ty cổ phần KOSY được khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển và nghiên cứu đầu tư Dự án Nhà máy điện gió trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Trước đó, Công ty cổ phần KOSY đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Kon Tum được khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy điện gió tại huyện Kon Plông, công suất dự kiến khoảng 150 MW trên địa bàn xã Hiếu và xã Pờ Ê, huyện Kon Plông.

Dự án được đề xuất với quy mô khoảng 150MW. (Ảnh minh hoạ)
Dự án được đề xuất với quy mô khoảng 150MW. (Ảnh minh hoạ)

Trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư và đề nghị của Sở Công thương, UBND tỉnh Kon Tum đã thống nhất chủ trương và cho phép Công ty cổ phần KOSY được khảo sát, đánh giá tiềm năng, nghiên cứu đầu tư dự án trên địa bàn huyện Kon Plông với diện tích khu vực khảo sát khoảng 1.350ha. Vị trí dự kiến lắp đặt cột đo gió có tọa độ: X= 1626880.731, Y= 603745.798 (VN2000 - 107030‘). 

Theo UBND tỉnh Kon Tum, các hoạt động nhà đầu tư chỉ được phép thực hiện trong khu vực cho phép khảo sát, nghiên cứu và chỉ sử dụng cho các hoạt động như chuẩn xác vị trí xây dựng cột đo gió, khảo sát địa chất, địa hình. Thời gian khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió và tổ chức đo gió của nhà đầu tư không quá 12 tháng kể từ khi được UBND tỉnh Kon Tum chấp thuận cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án.

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Công ty cổ phần KOSY trong quá trình khảo sát nghiên cứu loại bỏ diện tích ảnh hưởng đến đất canh tác lúa nước (nếu có), đất ở nông thôn, đất quốc phòng, đất chồng lấn với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được thống nhất chủ trương khảo sát, nghiên cứu dự án đầu tư, đất quy hoạch xây dựng các công trình khác; không làm ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện có và hoạt động sản xuất, đời sống của người dân tại khu vực. Đồng thời, không làm ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên hiện có và thực hiện nghiêm Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ, Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14.

“Sau khi có kết quả khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện gió, Công ty cổ phần KOSY gửi báo cáo về Sở Công Thương để phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh Kon Tum theo quy định. Quá thời hạn khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió và tổ chức đo gió nêu trên, nếu đơn vị không báo cáo kết quả khảo sát, thì chủ trương trên không còn hiệu lực và Công ty KOSY có trách nhiệm hoàn trả lại mặt bằng cho chủ sử dụng đất theo quy định”, UBND tỉnh Kon Tum cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Công thương, UBND huyện Kon Plông kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn Công ty Cổ phần KOSY trong quá trình triển khai thực hiện việc lắp đặt và đo gió trên địa bàn; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Quảng Ngãi: Gần 900 tỷ đồng dư nợ tạm ứng đầu tư xây dựng cơ bản

Gần 900 tỷ đồng dư nợ tạm ứng đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách của Quảng Ngãi đang "nằm" ở các chủ đầu tư được giao, các nhà thầu.

Sở tài chính tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến tháng 10/2021, tổng số dư nợ tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách tại Quảng Ngãi là hơn 869 tỷ đồng; trong đó, nợ tạm ứng quá hạn gần 178 tỷ đồng.

Một số đơn vị để tồn đọng nợ tạm ứng quá hạn như Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi (gần 47 tỷ đồng), UBND TP.Quảng Ngãi (hơn 40 tỷ đồng), Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Ngãi (gần 50 tỷ đồng).

Trong số các đơn vị đang nợ tạm ứng, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi nợ gần 47 tỷ đồng
Trong số các đơn vị đang nợ tạm ứng, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi nợ gần 47 tỷ đồng

Trong đó, có một số khoản tạm ứng quá hạn nhiều năm, đã phải chuyển hồ sơ đến Tòa án để ra phán quyết yêu cầu nhà thầu trả nợ, như Dự án đường Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung, huyện Tây Trà (nay là huyện Trà Bồng) nợ hơn 5 tỷ đồng; hồ chứa nước Lỗ Lá và Quốc lộ 1, phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ), mỗi dự án nợ 2 tỷ đồng; đường Ba Tơ - Ba Lế (Ba Tơ) nợ 3,5 tỷ đồng.

“Có nhiều dự án dư nợ tạm ứng quá hạn là do vướng mắc trong cơ chế, chính sách tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng”- Sở Tài chính Quảng Ngãi nhận định.

Nguyên nhân dẫn đến dư nợ tạm ứng được các đơn vị liên quan Quảng Ngãi chỉ ra là về chủ quan, hiện có nhiều chủ đầu tư, nhất là cấp huyện và các ban quản lý dự án của tỉnh cùng lúc triển khai nhiều dự án khác nhau. Trong khi tính chất, thời lượng xử lý các nguồn vốn phức tạp, nên chậm làm thủ tục thanh toán thu hồi tạm ứng.

Một số dự án giao cho nhà thầu thi công thiếu năng lực dẫn đến phải thay thế nhà thầu phụ, khiến cho việc thu hồi tạm ứng chưa kịp thời. Ngoài ra, một số chủ đầu tư thực hiện chưa đúng nguyên tắc tạm ứng vốn, dẫn đến nợ quá hạn, trong đó có cả tình trạng nhà thầu tạm ứng rồi sau đó chiếm dụng vốn.

Để hạn chế phát sinh mới nợ tạm ứng xây dựng cơ bản, tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu nhiều chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy định về bảo lãnh tạm ứng tại ngân hàng. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp cưỡng chế, thu hồi tiền, tài sản... theo đúng quy định hiện hành.

Tại các địa phương là chủ đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu vận động người dân chấp hành các quy định, quyết tâm đến ngày 31/12/2021 phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để có khối lượng hoàn tạm ứng. Sau mốc thời gian trên, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi tiền tạm ứng chưa thực hiện chi trả chuyển về tài khoản của chủ đầu tư, để Kho bạc Nhà nước tiến hành thu hồi lại khoản tạm ứng nộp vào ngân sách.

Xuất nhập khẩu đạt mốc kỷ lục, cùng vượt 30 tỷ USD trong tháng 11

Thương mại hàng hóa của Việt Nam đã phục hồi rất mạnh, đạt kỷ lục và cùng vượt 30 tỷ USD trong tháng 11/2021 - mốc chưa từng xác lập trước đó.

Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tháng 11/2021, xuất nhập khẩu phục hồi mạnh, đạt kỷ lục từ trước tới nay và cùng vượt 30 tỷ USD - mốc chưa từng xác lập trước đó.

Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 11 đạt 62,48 tỷ USD, tăng 13,6% so với tháng trước, tương ứng tăng 7,47 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 31,87 tỷ USD, tăng 10,4% so với tháng trước (tương ứng tăng 3 tỷ USD); nhập khẩu đạt 30,61 tỷ USD, tăng 17,1% (tương ứng tăng 4,47 tỷ USD).

Lũy kế đến hết tháng 11/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 602 tỷ USD, tăng 22,9% với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 112,25 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đã vượt ngưỡng 600 tỷ USD. Đây cũng là một kỷ lục mới của thương mại hàng hóa của Việt Nam.

Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3%, tương ứng tăng 46,76 tỷ USD và nhập khẩu đạt 300,27 tỷ USD, tăng 27,9%, tương ứng tăng 65,49 tỷ USD.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,26 tỷ USD. Như vậy là tính chung 11 tháng, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 1,46 tỷ USD.

Trị giá xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại trong 11 tháng/2020 và 11 tháng/2021
Trị giá xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại trong 11 tháng/2020 và 11 tháng/2021


Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng đạt 43,56 tỷ USD, tăng 15,3% so với tháng trước, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 11 tháng/2021 đạt 417,71 tỷ USD, tăng 25,3%, tương ứng tăng 84,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này đạt 23,09 tỷ USD, tăng 11,6% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 11 tháng/2021 lên 220,63 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 11/2021 đạt 20,47 tỷ USD, tăng 19,8% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 11 tháng/2021 đạt 197,08 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 11/2021 có mức thặng dư trị giá 2,62 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong 11 tháng/2021 lên mức thặng dư trị giá 23,55 tỷ USD.

Xét về thị trường, Tổng cục Hải quan cho biết, trong 11 tháng năm 2021, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 390,06 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,8%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.

Trong khi đó, trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ: 125,3 tỷ USD, tăng 24%; châu Âu: 66,14 tỷ USD, tăng 14,2%; châu Đại Dương: 12,82 tỷ USD, tăng 45,7% và châu Phi: 7,69 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nay, theo Tổng cục Hải quan, điện thoại các loại và linh kiện vẫn là mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất, với 51,94 tỷ USD sau 11 tháng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 13,58 tỷ USD, tăng 32%; sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 8,74 tỷ USD, tăng 5,6%; sang EU (27 nước) đạt 7,09 tỷ USD, giảm 13,3%... so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 45,51 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu hàng dệt may đạt 29,14 tỷ USD, tăng 8% tương ứng tăng 2,16 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã đạt 3,04 tỷ USD, tăng 15,2%, tương ứng tăng 401 triệu USD so với tháng trước và phục hồi mạnh trở về mức trị giá cao so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Đây là tháng thứ 3 tính từ đầu năm tới nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có trị giá trên 3 tỷ USD (tháng 6, tháng 7 và tháng 11).

Đề xuất chỉ đóng cửa Sân bay Điện Biên 6 tháng để phục vụ thi công mở rộng

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên có tổng mức đầu tư 1.547 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ là đầu mối giao thông quan trọng, giúp Điện Biên kết nối với cả nước.

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên có tổng mức đầu tư 1.547 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ là đầu mối giao thông quan trọng, giúp Điện Biên kết nối với cả nước.
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên có tổng mức đầu tư 1.547 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ là đầu mối giao thông quan trọng, giúp Điện Biên kết nối với cả nước.

UBND tỉnh Điện Biên vừa có công văn gửi Bộ GTVT về tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên.

Tại công văn này, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các Cục, Vụ trực thuộc ưu tiên tập trung nhân lực thực hiện công tác thẩm định, trong quá trình triển khai các thủ tục tiếp theo của các dự án xây dựng các công trình của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM), hệ thống cung ứng xăng dầu hàng không và các đơn vị liên quan khác. 

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng kiến nghị Bộ GTVT chủ trì chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt tổng tiến độ thực hiện Dự án, thống nhất thời gian đóng cửa cảng hàng không Điện Biên (với thời gian không quá 6 tháng) để phục vụ thi công và đảm bảo khai thác được ngay khi công trình do AVC đầu tư được xây dựng hoàn thành. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Điện Biên cũng đề xuất Cục Hàng không Việt Nam phối hợp và hướng dẫn ACV trong việc hoàn tất các thủ tục liên quan đến thời gian đóng cửa sân bay, chỉ đạo VATM triển khai nghiên cứu, phê duyệt phương thức bay mới, bảo đảm có thể khai thác được ngay khi hạ tầng sân bay được đầu tư xây dựng xong; đồng thời nghiên cứu quy hoạch mở các đường bay mới từ sân bay Điện Biên đến các trung tâm kinh tế trong cả nước để nâng cao hiệu quả khai thác sau khi dự án được đưa vào sử dụng. 

Theo ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, ngày 14/10/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1857/QĐ – UBND về việc giao đất cho Cảng vụ hàng không miền Bắc tại địa bàn các phường: Thanh Trường, Thanh Bình, Nam Thanh, Thành phố Điện Biên Phủ và xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên để quản lý theo quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Điện Biên với diện tích 149,58ha.

Ngày 29/10/2021, UBND tỉnh Điện Biên đã hoàn thành công tác bàn giao đất, mốc trên thực địa cho Cảng vụ hàng không miền Bắc. Phần diện tích chưa hoàn thành bàn giao vào ngày 29/10 (0,2%), đã hoàn thành toàn bộ công tác GPMB và sẽ bàn giao toàn bộ cho Cảng vụ hàng không miền Bắc và ACV ngay trong đợt công tác này. 

Đồng thời, tỉnh luôn chủ động phối hợp chặt chẽ ACV, VATMtrong việc hoàn tất các thủ tục đầu tư có liên quan đến quá thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn 2021-2030 và thực hiện hoàn trả hệ thống kết nối hạ tầng khu vực cảng hàng không Điện Biên đảm bảo theo yêu cầu tiến độ, đến nay đã đảm bảo đủ điều kiện bàn giao mặt bằng sạch để ACV tiến hành triển khai thi công.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có công văn yêu cầu ACV và VATM tập trung, khẩn trương triển khai Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên.

Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu ACV sớm báo cáo với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua và phê duyệt Dự án trước ngày 30/11/2021 làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo đảm bảo tiến độ.

Trên cơ sở quyết định phê duyệt, ACV báo cáo đề xuất Cục Hàng không Việt Nam thời gian đóng cửa Cảng hàng không Điện Biên; khẩn trương khởi công công trình trong tháng 1/2022 và hoàn thành dự án trước tháng 10/2023 theo như ACV đã báo cáo. Bộ GTVT cũng yêu cầu ACV xây dựng lại tiến độ thực hiện, báo cáo Bộ GTVT và UBND tỉnh Điện Biên để phốihợp, kiểm tra, đôn đốc.

Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam thẩm định, phê duyệt Hồ sơ bản vẽ tổng mặt bằng 1/500 trước ngày 30/11/2021; khẩn trương làm việc với UBND tỉnh Điện Biên để thống nhất thời gian đóng cửa Cảng hàng không Điện Biên đảm bảo phù hợp, đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án.

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên (tỉnh Điện Biên) do nhà đầu tư là ACV thực hiện. Mục tiêu của Dự án xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên công suất 500.000 hành khách/năm, bảo đảm khai thác máy bay Airbus A320, A321 và tương đương; tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung.

Dự án thực hiện xây dựng đường băng, đường lăn, sân đỗ đáp ứng khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; cải tạo nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 500.000 hành khách/năm; cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ.

Vốn đầu tư thực hiện 1.547 tỷ đồng, trong đó sử dụng vốn chủ sở hữu 100% của ACV. Tiến độ thực hiện dự án mở rộng sân bay Điện Biên 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư. Thời hạn hoạt động 50 năm.

Bitexco Energy hoàn tất sở hữu Talisman (Vietnam 15-2/01) tại Canada

Bitexco Energy Ltd đã hoàn tất thủ tục sở hữu Talisman (Vietnam 15-2/01) theo thỏa thuận mua bán với Công ty Repsol Exploración, S.A. (Công ty con thuộc Tập đoàn Repsol) hồi tháng 8/2021.

Bitexco Energy Ltd (công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Bitexco) cho biết đã nhận được các chấp thuận cần thiết của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam để hoàn tất thủ tục sở hữu Talisman (Vietnam 15-2/01) theo thỏa thuận mua bán với Công ty Repsol Exploración, S.A. (Công ty con thuộc tập đoàn Repsol) hồi tháng 8/2021.

Bitexco Energy hoàn tất sở hữu Talisman (Vietnam15-2/01)
Bitexco Energy hoàn tất sở hữu Talisman (Vietnam15-2/01)

Như vậy, Bitexco Energy Ltd chính thức sở hữu toàn bộ cổ phần của Repsol Exploración, S.A. tại Công ty Talisman Việt Nam (15-2/01) được thành lập tại Canada, qua đó nắm giữ 60% phần tham gia trong Hợp đồng dầu khí Lô 15-2/01, ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam và giữ 60% quyền điều hành trong Công ty Điều hành chung Thăng Long - TLJOC. 

Quảng Bình: Giải ngân đầu tư công 2021 khó về đích đúng hạn

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp giữa mùa cao điểm về thi công xây dựng khiến tình hình triển khai các dự án đầu tư công tại Quảng Bình trong năm 2021 bị ảnh hưởng.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa có buổi làm việc với các sở ban ngành và các chủ đầu tư trong tỉnh về tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Tính đến hết tháng 11/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Bình do Bộ tài chính công bố đạt 58,8%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng yêu cầu các sở ban ngành, địa phương rà soát, xử lý ngay những vướng mắc phát sinh của từng Dự án đầu tư công.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng yêu cầu các sở ban ngành, địa phương rà soát, xử lý ngay những vướng mắc phát sinh của từng dự án đầu tư công.

Theo báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, hiện nay, 8 Dự án khởi công mới năm 2021 nguồn ngân sách Trung ương do 8 huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư đã có bản hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và sẽ ký kết hợp đồng, trao thầu xây lắp trong tháng 12/2021 để thanh toán, giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2021.

Đối với, các dự án được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân, đến ngày 31/12/2021 đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và nghiệm thu dự án, dự kiến tỷ lệ giải ngân đạt 90 - 100%. Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân các dự án có thời gian thực hiện và giải ngân đến ngày 31/12/2022 tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 45 - 55% và đang triển khai thực hiện theo đúng tiến độ và đa số không có khó khăn, vướng mắc.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương cho biết, một số nguyên nhân giải ngân đầu tư công năm 2021 chậm là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, đặc biệt là vào mùa cao điểm xây dựng nhưng nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, khiến cho các đơn vị gặp khó khăn trong huy động nhân lực, máy móc, công trình phải tạm dừng thi công; giá vật liệu xây dựng tăng cao; vướng mắc do giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư chưa quyết liệt, chủ động triển khai…

Cũng tại cuộc họp, ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đẩy mạnh công tác thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy vậy, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công vào cuối năm 2021 phải đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Riêng đối với dự án vướng mắc dự kiến không giải ngân hết vốn, chủ đầu tư cần lên kế hoạch chi tiết số vốn dự kiến giải ngân từ nay đến hết năm 2021 và đề xuất kéo dài sang năm 2022, hoặc điều chuyển vốn sang các dự án khác để nâng cao tỷ lệ giải ngân, phát huy hiệu quả nguồn vốn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, khẩn trương rà soát, xử lý ngay những vướng mắc phát sinh của từng dự án.

Đối với các chủ đầu tư, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các chủ đầu tư phải cam kết và chịu trách nhiệm, nhất là trách nhiệm đối với người đứng đầu trước UBND tỉnh nếu không giải ngân hết số vốn bố trí kế hoạch năm 2021.

Đồng bằng sông Cửu Long phải liên kết thành thực thể kinh tế chung

Đó là thông điệp của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại Mekong Connect 2021 – Diễn đàn “Liên kết phát triển TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long 2021” vừa khai mạc.

Đây là lần đầu tiên (sau 5 lần diễn ra) Mekong Connect được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh – đầu tàu kinh tế của cả nước, đánh dấu bước phát triển mới trong việc mở rộng liên kết vùng của Diễn đàn kinh tế lớn nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Mekong Connect 2021 với chủ đề “Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ đồng chủ trì, được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sân khấu thực tế ảo nhằm đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19.

Trong phiên khai mạc, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, các diễn giả, chuyên gia đã trao đổi, thảo luận sâu về 02 chủ đề lớn là “phục hồi kinh tế” và “liên kết phát triển” trong bình thường mới giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL. Trong đó, tập trung vào phát triển chuỗi liên kết, vai trò khoa học công nghệ, khôi phục sản xuất thích ứng trạng thái bình thường mới hậu Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Là người đồng khởi xướng và tâm huyết với Mekong Connect, ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mang đến Diễn đàn thông điệp về tư duy liên kết, hợp tác, thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới, mong muốn, các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL cần tiếp tục phát huy tinh thần liên kết, tạo thành một thực thể kinh tế chung, thương hiệu chung cho vùng.

Đối với Mekong Connect, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng đây sẽ là “vựa ý tưởng” để tập hợp ý tưởng, sáng kiến cộng đồng. Qua đó, với trách nhiệm cao nhất, mỗi địa phương, Bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau đưa ra ý tưởng và cụ thể hóa những ý tưởng, sáng kiến phù hợp để áp dụng vào thực tế, bằng những mô hình, chính sách, hợp tác công tư, tạo động lực phát triển mới, một hình mẫu mới, giá trị mới cho vùng cho vùng ĐBSCL.

Ngay sau phiên khai mạc là Diễn đàn “Thành phố Hồ Chí Minh liên kết với các tỉnh đồng bằng, cùng phát triển bền vững – Đại diện chính quyền Thành phố, Liên minh Pro.VN và Viện Kinh tế Tuần hoàn; trực tuyến về “Kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp” của các doanh nhân Thái Lan, Philippines, Malaysia và các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Buổi trưa, diễn ra chương trình giao lưu trực tiếp với các gương mặt đạt giải cao tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.

Trong chiều nay, Diễn dàn sẽ có 04 phiên thảo luận với 04 chủ đề thiết thực trong mối quan tâm, cộng hưởng mang tính gắn kết, chia sẻ giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL, trong đó lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp sẽ đồng chủ trì phiên thảo luận chủ đề: Phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL .

Đề xuất đầu tư 4.770 tỷ đồng xây 26 km cao tốc Mỹ An - Vàm Cống

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 đang được Bộ GTVT đề xuất sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc.

Hướng tuyến cao tốc Mỹ An - Vàm Cống.
Hướng tuyến cao tốc Mỹ An - Vàm Cống.

Bộ GTVT vừa có tờ trình số 12805/TTr - GTVT  gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc.

Theo đó, Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, phát huy hiệu quả Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông; hoàn thiện, kết nối tuyến N2, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây.

Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 26,16 km, nằm trọn trong địa phận tỉnh Đồng Tháp, với điểm đầu kết nối với tuyến N2 tại thị trấn Mỹ An; điểm cuối tiếp giáp với điểm đầu của Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh.

Tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 4.770,75 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - EDCF dự kiến khoảng 3.677,22 tỷ đồng (tương đương 158,80 triệu USD) sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.

Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam dự kiến khoảng 1.093,53 tỷ đồng sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công), chi phí QLDA, chi phí tư vấn trong nước như: Chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư, thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác... theo các quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.

Thời gian thực hiện Dự án là 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực.

Trước đó, tại bước Đề xuất dự án, Bộ GTVT dự kiến quy mô đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe có tiêu chuẩn hình học phù hợp với quy mô phân kỳ đường cao tốc.

Tại bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sau khi rà soát các quy định, kinh nghiệm đầu tư, quản lý các Dự án kết nối Khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi), Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất đầu tư tuyến Mỹ An - Cao Lãnh theo tiêu chuẩn là đường cao tốc với quy mô 4 làn xe hạn chế (bề rộng nền đường 17m) trong giai đoạn 1 để đảm bảo hiệu quả đầu tư; đồng thời đảm bảo khả năng mở rộng với quy mô cao tốc 6 làn xe hoàn chỉnh theo quy hoạch trong giai đoạn tiếp theo, tận dụng tối đa kết cấu đã đầu tư.

Theo Bộ GTVT, việc khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc ngay trong giai đoạn 1 sẽ phân luồng các phương tiện lưu thông trên tuyến (chỉ cho phép xe cơ giới lưu thông) thay vì khai thác hỗn hợp theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng như bước Đề xuất dự án; nâng cao khả năng lưu hành, duy trì tốc độ khai thác và rút ngắn thời gian hành trình.

Cùng với việc khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc cần nghiên cứu bổ sung thêm một số hạng mục công trình như: đường gom dân sinh, cống chui/cầu vượt dân sinh, hàng rào dọc tuyến, nút giao liên thông, giải pháp xử lý đất yếu...

Do điều chỉnh về quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến tại bước nghiên cứu tiền khả thi tăng so với bước đề xuất dự án khoảng khoảng 246,21 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do mở rộng phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy hoạch (6 làn xe) dẫn tới tăng kinh phí; bổ sung các hạng mục đảm bảo khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc (cống chui, cầu vượt dân sinh, nút giao, hàng rào...).

Cần Thơ phê duyệt xây dựng đường tỉnh 918 (giai đoạn 2) vốn trên 700 tỷ đồng
UBND TP. Cần Thơ vừa ban hành Quyết định số 3664/QĐ-UBND phê duyệt dự án đường Tỉnh 918 (giai đoạn 2), có chiều dài 6,27 km, với tổng mức đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư