Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Áp lực tăng lãi suất đè nặng lên cổ phiếu ngân hàng
Hà Tâm - 09/03/2022 08:50
 
Ngành ngân hàng lo ngại biên lợi nhuận đi xuống khi mặt bằng lãi suất tăng, cổ phiếu vua lao dốc.

Lãi suất tăng đe dọa lợi nhuận ngân hàng

Chiến tranh Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế leo thang đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, áp lực lạm phát tăng là rất lớn và ngành ngân hàng được xếp vào nhóm ngành có ảnh hưởng tiêu cực, bởi lạm phát tăng, kéo theo lãi suất huy động tăng, khiến “nồi cơm” lợi nhuận của ngân hàng nhỏ lại.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho hay, năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ vẫn giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay, trong khi mặt bằng lãi suất huy động đang nhích lên rõ rệt. Điều này sẽ làm giảm biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng.

“Hiện tại, các ngân hàng vẫn sống dựa khoảng 70% vào tín dụng, NIM giảm sẽ làm lợi nhuận ngân hàng không như kỳ vọng. Đây là lo lắng của nhà đầu tư, khiến cổ phiếu giảm”, vị lãnh đạo này nhận định.

Trong tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có phiên họp chính sách. Tuần sau, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ họp và chính thức công bố quyết định tăng lãi suất, cũng như lộ trình tăng lãi suất trong năm.

Giữa tháng 2 vừa qua, cổ phiếu ngân hàng đã lao dốc sau khi có tin đồn về việc Fed có thể họp khẩn về việc tăng lãi suất. Dù khả năng đó không xảy ra, song cổ phiếu ngân hàng vẫn trong giai đoạn tiêu cực. Tuần qua, cổ phiếu “vua” tiếp tục đi xuống, sau khi NHNN có văn bản yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo về tình hình hợp tác với thị trường Nga, tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với việc xử lý giao dịch cho khách hàng.

Hai năm qua, môi trường lãi suất thấp khiến tốc độ tăng trưởng huy động vốn khu vực dân cư của ngân hàng sụt giảm mạnh và thấp hơn tiền gửi doanh nghiệp. Lo ngại dòng tiền huy động tiếp tục sụt giảm nếu lạm phát tăng, nhiều ngân hàng đã phải nâng lãi suất huy động từ đầu năm nay.

Ngân hàng tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, trong khi không thể tăng mạnh lãi suất cho vay tương ứng, khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp.

Cổ tức giấy, “game” mua bán không còn hấp dẫn?

Thời điểm này năm ngoái, cổ phiếu ngân hàng “lên hương” nhờ thông tin tấp nập về chia cổ tức khủng. Năm nay, mùa Đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng sắp bắt đầu cùng những kế hoạch chia cổ tức cao ngất ngưởng.

Cụ thể, theo kế hoạch được VIB thông báo, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, ngân hàng này dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Cổ phiếu ngân hàng đang bị tác động bất lợi trong ngắn hạn. Song tôi cho rằng, khi tín dụng vẫn còn tăng trưởng tốt, NIM ngân hàng có thể giảm bớt so với trước đây, nhưng vẫn tăng trưởng dương. Về lâu dài, đây vẫn là tài sản có sự tăng trưởng, vẫn là tài sản tốt để nắm giữ.

- Ông Phạm Việt Duy, chuyên gia tư vấn đầu tư của Công ty VNDIRECT

Dù chưa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông năm nay, song một số ngân hàng cũng hé lộ kế hoạch chia cổ tức khủng, như MSB dự định chia cổ tức 30%, OCB dự kiến duy trì mức 20 - 25% cho cổ đông. SHB dự kiến chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 15%. Các ông lớn như BIDV, Vietcombank… có kế hoạch phát hành hàng tỷ cổ phiếu để tăng vốn năm 2022.

Ngoài thông tin tăng vốn, nhiều thông tin mua bán - sáp nhập (M&A) cũng đang hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, VPBank đang khẩn trương hoàn tất thương vụ bán 15% vốn cho đối tác nước ngoài, VietinBank đang khẩn trương thoái vốn khỏi công ty con. Một loạt ngân hàng khác cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài như Vietcombank, OCB, LienVietPostBank, Nam A Bank... Chưa kể, hàng loạt thương vụ bán bảo hiểm độc quyền trị giá hàng ngàn tỷ đồng đang được nhiều ngân hàng khẩn trương đàm phán.

Bất chấp các thông tin tích cực, cổ phiếu vua vẫn liên tục lao dốc. Thống kê dữ liệu của Fiintrade cho thấy, trong vòng một tháng qua, giá trị vốn hóa của ngành ngân hàng đã bốc hơi khoảng 107.000 tỷ đồng, tương đương 4,7 tỷ USD. Trong số các nhóm ngành trên thị trường, ngân hàng là ngành giảm điểm mạnh nhất trong tháng qua, giảm tới 5,17%.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu lạm phát tăng nhanh, nhiều ngành kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và ngân hàng nằm trong nhóm này.

Chưa kể, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cổ tức ngân hàng dù cao, nhưng cũng không còn hấp dẫn bởi nhà đầu tư đã “ngán” cổ phiếu giấy. Trong khi đó, các thương vụ M&A cũng không còn chứa đựng yếu tố bất ngờ.

Điểm tích cực là định giá cổ phiếu ngân hàng đang về vùng hấp dẫn. NIM của các ngân hàng năm nay có thể giảm, song vẫn ở mức cao; dự báo lợi nhuận toàn ngành năm nay vẫn tăng trưởng trên 20%, lạc quan so với rất nhiều ngành kinh tế khác.

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AzFin Việt Nam đánh giá, triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2022 là khá tốt, song không có nhiều sóng. Dù vậy, theo ông Phục, việc chia cổ tức cao bằng cổ phiếu, nới room vốn ngoại… sẽ giúp ngân hàng tăng mạnh vốn chủ sở hữu, tăng tỷ lệ an toàn vốn, giúp ngành ngân hàng phát triển bền vững hơn. Những vấn đề này sẽ góp phần giúp giá cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn.

Thực tế, khoảng một tháng gần đây, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng vẫn được khối ngoại mua ròng. Cổ phiếu của một số ngân hàng thường xuyên trong tình trạng gần hết room ngoại, được nhà đầu tư săn đón như VIB, VPB, TCB, OCB… Theo các công ty chứng khoán, năm 2022, cổ phiếu ngân hàng sẽ không có nhiều sóng, song sẽ có sự phân hóa. Theo đó, những cổ phiếu có câu chuyện riêng sẽ vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư.

Gay cấn đua tranh ngôi vương lợi nhuận ngân hàng
Các ngân hàng tư nhân trỗi dậy mạnh mẽ, trong khi khối ngân hàng thương mại quốc doanh đã qua giai đoạn bĩ cực nhất, khiến cuộc đua thứ hạng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư