Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Băn khoăn luật hóa bảo hiểm vi mô
Nguyễn Lê - 02/09/2021 09:42
 
Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các ý kiến đều nhất trí sửa luật, song còn băn khoăn ở những quy định cụ thể, trong đó có bảo hiểm vi mô.
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ.

Một dự luật rất khó

Trình bày Tờ trình Dự án Luật được hoàn thiện ngày 26/8, Thứ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2021, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và thống nhất với nội dung cơ bản của Dự án Luật. Việc sửa đổi nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về phát triển thị trường bảo hiểm, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế; nâng cao năng lực quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm.

Tuy nhiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, đọc những mục tiêu sửa luật được nêu tại Tờ trình thấy không đúng mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, không tạo ra động lực cho doanh nghiệp, mà nặng về quản lý, thậm chí có thể tạo ra lo sợ, e dè cho doanh nghiệp.

Ông Hiếu băn khoăn nhiều ở việc dự thảo luật trao quyền thẳng cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định một số điều kiện kinh doanh, trong khi đó, các điều kiện kinh doanh phải được quy định từ nghị định trở lên. “Dự thảo giao Bộ Tài chính quy định danh mục sản phẩm bảo hiểm, vậy nếu có sản phẩm mới thì phải sửa quy định của luật, Bộ không họp thì thị trường không được chấp nhận sản phẩm mới hay sao?”, ông Hiếu đặt vấn đề.

Một điểm mới của lần sửa đổi này là quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Theo đó, Dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để đảm bảo có bước chuyển phù hợp với thị trường và cơ quan quản lý, Dự thảo Luật quy định lộ trình thực hiện các quy định về quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro là 5 năm. Đây là điểm rất quan trọng để thay đổi phương thức quản trị, vậy mà 5 năm nữa mới thực hiện thì thụt lùi so với thế giới đến mức nào, chuyên gia Đỗ Văn Sinh đặt vấn đề.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là luật đầu tay của Quốc hội nhiệm kỳ mới, nhưng là dự án luật rất khó. Bảo hiểm là ngành kinh tế đặc biệt, cần cung cấp đầy đủ tài liệu cho đại biểu Quốc hội, làm rõ nguyên nhân hạn chế của thị trường bảo hiểm hiện nay, nếu sửa luật thì mục tiêu đóng góp vào GDP 5 năm tới là bao nhiêu...

Nhiều ý kiến lo ngại về quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Nhiều chuyên gia đọc các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm còn chưa hiểu hết, chứ chưa nói đến người dân bình thường, vậy luật này cần quy định thế nào để bảo đảm quyền lợi cho dân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tiếp tục nêu cái khó của lần sửa đổi này.

Băn khoăn về bảo hiểm vi mô

Một vấn đề còn nhiều lo ngại trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật là quy định về bảo hiểm vi mô.

Theo dự luật sửa đổi, các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô gồm doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp phép thành lập và hoạt động để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình.

Dự thảo giao quyền Chính phủ quy định về điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động, tổ chức hoạt động, quản trị rủi ro, hoạt động nghiệp vụ, chế độ tài chính và quản lý nhà nước đối với các tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

Cho biết là hết sức băn khoăn với quy định ở phần này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nhận xét, quy định về mặt pháp lý của các tổ chức tương hỗ tại Dự thảo Luật còn hết sức khái quát, lỏng lẻo, không cụ thể về ngăn ngừa rủi ro. Trong khi đó, đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, đối tượng tham gia rất đông, nếu có rủi ro thì tác động lớn đến xã hội.

Ông Hiển cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm của Bộ Tư pháp đề nghị làm rõ yêu cầu lợi nhuận/phi lợi nhuận của bảo hiểm vi mô và cung cấp đánh giá tính hiệu quả của việc thí điểm thời gian qua, đồng thời đánh giá kỹ tác động kinh tế - chi phí lợi ích của loại hình bảo hiểm này.

“Cần luật hóa đầy đủ hơn, xác định rõ vai trò các tổ chức tham gia, góp phần tạo nên lưới đỡ an sinh ở vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số”, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành góp ý.

Nếu là hoạt động phong trào thì tốt, còn là lĩnh vực kinh doanh thì phải đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, khi mà năm 2020, người tham gia chỉ được chi trả hơn 2 tỷ đồng. Mà hiện có trên 200.000 người tham gia bảo hiểm thì chi phí xã hội này thế nào, cần đánh giá rất kỹ, chuyên gia kinh tế Đỗ Văn Sinh nêu quan điểm.

Thay đổi lớn trong quản lý nhà nước

Giữa tháng 8/2021, làm việc với Thường trực cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các quy định trong Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) phải bảo đảm minh bạch, bình đẳng giữa các chủ thể.

Báo cáo tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, các quy định tại chương Hợp đồng bảo hiểm đã được hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch hơn về thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Quy định tại Dự thảo Luật cũng đã mở rộng điều kiện cấp phép cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, mở rộng nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam, giảm một số thủ tục phải được chấp thuận, bỏ thủ tục phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm. Cơ quan soạn thảo khẳng định, đây là những thay đổi lớn về phía quản lý nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động và phát triển.
Phát triển bảo hiểm vi mô qua tổ chức chính trị - xã hội: "Hơi mạo hiểm"
Bản chất, bảo hiểm vi mô có tính chất thương mại, nhưng tờ trình của Chính phủ xác định là bảo hiểm không vì mục tiêu lợi nhuận.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư