Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Băn khoăn về mức giá dịch vụ khám chữa bệnh yêu cầu
D.Ngân - 30/08/2023 08:11
 
Theo lãnh đạo một số cơ sở y tế, giá dịch vụ y tế được xây dựng hiện nay chưa bao phủ được hết các loại hình dịch vụ kỹ thuật, dẫn tới khó cho cơ sở y tế khi phải thực hiện tính đúng, tính đủ.

Dù Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp đã có hiệu lực 13 ngày, nhưng lãnh đạo nhiều bệnh viện vẫn tỏ ra lúng túng, băn khoăn về phương pháp định giá tối đa (giá trần), giá tối thiểu (giá sàn).

Ảnh minh hoạ.

Đại diện lãnh đạo một số bệnh viện bày tỏ, hiện theo Thông tư 13, mức giá trần chưa phù hợp thực tế, nhiều dịch vụ có mức chênh lệch giữa giá trần - sàn gần 50 triệu đồng.

Với Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, hiện giá dịch vụ y tế theo yêu cầu không điều chỉnh mạnh về giá vì hầu hết giá đang mức dưới giá trần.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường, Thông tư 13 có vướng mắc phải sớm tháo gỡ là cần xây dựng định mức kỹ thuật cho từng dịch vụ.

"Hiện Bộ Y tế mới đang xây dựng hoàn thiện định mức kỹ thuật dịch vụ nên chúng tôi vẫn đang phải chờ", ông Thường nói.

Tại một cơ sở bệnh viện hạng I của Hà Nội, lãnh đạo đơn vị này cũng bày tỏ băn khoăn vì với khu vực được đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc đắt tiền có chi phí khấu hao khá lớn, nếu tính đủ chi phí thì vượt giá tối đa của Bộ Y tế đưa ra trong Thông tư 13.

Do đó, việc thu trong khung giá dẫn đến thu không đủ chi phí kết cấu trong giá dịch vụ, dẫn đến khó khăn trong vấn đề tự chủ.

Với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, GS.Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc cho hay, hiện khung giá để tính chi phí dịch vụ theo yêu cầu của Thông tư 13 còn có vướng mắc, do không bao phủ các loại hình dịch vụ kỹ thuật.

Chẳng hạn, cùng là mổ đẻ, nhưng nếu mổ đẻ trên sản phụ có tử cung bình thường sẽ khác với sản phụ có tử cung có nhiều bệnh lý kèm theo (mẹ có bệnh nền, rau cài răng lược, sẹo tử cung…), phải xử lý phức tạp hơn. Do đó, giá dịch vụ mổ đẻ cần phải xây dựng khác nhau chứ không chỉ quy định một mức giá chung như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc quy định khung giá sinh thiết phôi (trong thụ tinh ống nghiệm) trên đầu người chưa chuẩn về mặt y học.

Thông tư 13 quy định giá theo đầu người, giá hơn 10,2 triệu đồng/người. Có người chỉ sinh thiết một phôi, có người có nhiều phôi, thậm chí lên tới 15-20 phôi thì giá này không đủ chi phí. Thực tế giá phải chi trả theo số phôi, không thể tính trên bệnh nhân.

Hiện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội công bố hơn 1.800 giá dịch vụ y tế. GS. Nguyễn Duy Ánh bày tỏ mong muốn, nếu đã xây dựng khung giá dịch vụ kỹ thuật thì phải tính đúng, tính đủ cho người bệnh và phải tính đến người thực hiện kỹ thuật theo yêu cầu.

Nếu không tính đến cả 2 vấn đề này thì việc thực hiện nó sẽ không kéo dài được. Điều này dẫn tới, người bệnh phải chờ đợi lâu để được cung cấp dịch vụ hoặc người bệnh sẽ không thích làm các kỹ thuật này ở bệnh viện công nữa. Hoặc nếu tiếp tục ở bệnh viện công, sẽ dễ dẫn tới việc người bệnh nhờ vả, xin bác sĩ giúp đỡ riêng.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cứ vào khung giá theo Thông tư 13, giá dịch vụ y tế ở ngành sản phụ khoa hầu hết đều giảm.

Trong đó, chủ yếu giảm giá dịch vụ kỹ thuật, trong khi người bệnh có nhiều nhu cầu chăm sóc cao hơn (như chăm sóc bên ngoài, đưa đón sản phụ, chăm sóc đặc biệt… thì lại không nằm trong quy định của Thông tư 13).

Do đó, các bệnh viện sản khi làm dịch vụ phải nghĩ tới cung cấp dịch vụ chăm sóc cao hơn để phục vụ, chăm sóc người bệnh tốt hơn, bổ sung vào phần thu của bệnh viện.

Với quy định giá của Bộ Y tế hiện nay, thực hiện áp dụng dịch vụ yêu cầu với bệnh viện phụ sản khó. Một ca mổ khó, yêu cầu mổ vào "giờ đẹp" từ 2-5 giờ sáng, mà trong giá đó chỉ chi trả được 500.000 nghìn đồng cho bác sĩ cao tay sẽ không bác sĩ nào có chuyên môn cao làm được. Trong khi đó, chi phí trước đây cho ê-kíp thầy thuốc là với ca khó là 2 triệu, ca thường là 1,5 triệu đồng.

"Như thế thiệt hại cho người bệnh vì không được yêu cầu theo đúng ý mình, và cũng là khó khăn cho chúng tôi giữ chất xám trong bệnh viện”, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói.

Như vậy, theo đại diện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Thông tư 13 chưa bao phủ hết những đặc tính của một ca phẫu thuật mà mới chỉ đưa ra giá của một kỹ thuật, chưa bao trùm các hoạt động chăm sóc đặc biệt mà người bệnh mong muốn.

Theo khung giá mới, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong thanh toán bảo hiểm thương mại. Thực tế, bảo hiểm thương mại không thanh toán dịch vụ chăm sóc mà chỉ thanh toán dịch vụ kinh tế kỹ thuật.

Các sản phụ nằm điều trị tại bệnh viện tư, sau khi xuất viện chỉ cần có hóa đơn ghi tổng số tiền, bảo hiểm thương mại sẽ thanh toán. Nhưng với bệnh viện công không làm được như vậy.

"Chúng tôi chỉ được ghi giá dịch vụ kỹ thuật y tế. Chẳng hạn, nếu một người sinh mổ, chúng tôi chỉ có thể ghi giá là 7,6 triệu. Như vậy, người bệnh phải bỏ tiền ngoài thanh toán tiền chăm sóc. Đó là khó khăn khi các bệnh viện công khi áp dụng bảo hiểm thương mại cho dịch vụ của mình", Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói.

Dù còn nhiều băn khoăn như vậy nhưng sau khi có Thông tư 13 quy định giá trần, sàn khám chữa bệnh dịch vụ, qua khảo sát của phóng viên tại một số cơ sở y tế, giá một số dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu đã giảm mạnh.

Chẳng hạn, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bảng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu được niêm yết công khai trên trang website cho thấy, hầu hết trong số 1.478 các dịch vụ khám chữa bệnh yêu cầu của bệnh viện bằng hoặc thấp hơn giá tối đa mà Bộ Y tế quy định, nhưng giảm mạnh so với giá áp dụng trước đây.

Theo đó, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu áp giá chung từ ngày 15/8 là 500.000 đồng (gồm khám theo yêu cầu 1, khám theo yêu cầu 4 và khám chuyên gia) theo kịch trần của Thông tư 13, không còn chia ra các mức khám bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư như trước.

Cũng tại bệnh viện này, giá tiêm, truyền tĩnh mạch giảm từ 100.000 đồng xuống 46.000 đồng; giá siêu âm giảm từ 300.000 đồng xuống 196.000 đồng; siêu âm tim giảm từ 500.000 đồng xuống 380.000 đồng; siêu âm đầu dò âm đạo, trực tràng giảm từ 500.000 xuống 287.000 đồng...; chụp XQ số hóa giảm từ 300.000 đồng xuống 227.000 đồng...

Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ kỹ thuật khác cũng được điều chỉnh giảm sâu như điều trị thoát vị đĩa đệm qua da dưới hướng dẫn của cắt lớp hoặc cộng hưởng từ từ 13 triệu đồng xuống còn gần 2,4 triệu đồng/lượt; chụp cắt lớp vi tính trên ổ bụng tầng thường quy giảm từ 5,6 triệu đồng xuống còn gần 2,4 triệu đồng/lượt…

Các dịch vụ phẫu thuật bắc cầu thiếu máu mạn tính chi từ 43 triệu đồng giảm còn gần 13 triệu đồng; phẫu thuật nối tắt tĩnh mạch chủ - động mạch phổi điều trị bệnh tim bẩm sinh phức tạp từ 61 triệu đồng xuống còn hơn 37 triệu đồng/lượt;

Kỹ thuật phẫu thuật thay động mạch chủ giảm từ 74 triệu đồng xuống 35,2 triệu đồng; phẫu thuật thay vết thương sọ não hở từ 14 triệu đồng còn gần 8,5 triệu đồng; phẫu thuật cắt cụt chi từ 13 triệu đồng còn 6 triệu đồng...

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trước kia, mức khám giáo sư, phó giáo sư là 150.000 đồng; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 120.000 đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 70.000 đồng.

Hiện tại, mức khám giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ cao cấp là 400.000 đồng; khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 350.000 đồng, còn thạc sĩ, bác sĩ khám là 300.000 đồng.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, từ ngày 15/8, giá sinh mổ (phẫu thuật lấy thai lần đầu) dịch vụ giảm từ 16 triệu đồng còn hơn 6,7 triệu đồng; còn với đẻ thường, giá dịch vụ giảm từ 14 triệu đồng xuống còn hơn 4,3 triệu đồng.

Tại Bệnh viện E, theo Giám đốc Bệnh viện, TS.Nguyễn Công Hựu, hiện tại, bệnh viện này chỉ có mức khám 300.000 đồng, không phân biệt bác sĩ hay thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư.

Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội), hiện vẫn áp dụng mức giá khám theo yêu cầu như trước, là 389.000 đồng trong giờ hành chính, nếu khám ngoài giờ thì thêm 50.000 đồng.

Giá dịch vụ khám chữa bệnh cao, chất lượng sao cho xứng?
Nhiều người lo lắng rằng, chỉ người giàu mới đủ chi phí khám chữa bệnh dịch vụ, còn người nghèo buộc phải lựa chọn mức thấp hơn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư