Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên cần sự chung tay của doanh nghiệp
PV - 25/02/2021 20:35
 
Ngày càng nhiều doanh nghiệp tham các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) như phong trào một triệu cây xanh cho Việt Nam, giờ trái đất, chống rác thải nhựa, bảo vệ động vật hoang dã…
Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do USAID tài trợ
Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do USAID tài trợ

Nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ động vật hoang dã

Có thể thấy, đây là cách doanh nghiệp hiện đại thể hiện trách nhiệm xã hội của mình với cộng đồng, đồng thời xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trong bối cảnh thiên nhiên đang bị tàn phá, gây ra những hậu quả đáng kể lên đời sống của con người, sự chung tay góp sức của các cá nhân trong cộng đồng cũng như doanh nghiệp là rất quan trọng. Trong đó, các hoạt động hướng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên như bảo vệ động vật hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng là một điển hình.

Có một thực tế vẫn âm thầm diễn ra trong cộng đồng doanh nhân hiện nay, đó là thói quen xem trang sức, đồ trang trí làm từ ngà voi là vật giúp phô trương quyền lực, cầu tài lộc trong kinh doanh, sừng tê giác hay thịt tê tê thể hiện được đẳng cấp của người thành đạt.

Nhiều người cho rằng, kinh doanh vốn là chuyện rủi ro nên ngoài nỗ lực lao động, suy nghĩ những chiến lược hiệu quả, đôi khi cậy dựa vào điều gì đó khiến họ an tâm, vì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Tuy nhiên, việc niềm tin bị đẩy đi xa và nhu cầu tiêu dùng này gián tiếp tác động tiêu cực lên hệ sinh thái tự nhiên lại gây nhiều tranh cãi.

Cho rằng những nhu cầu này xuất phát từ hiệu ứng đám đông, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom chia sẻ: “Chuyện một bộ phận người chiêu đãi nhau bằng những bữa ăn xa xỉ từ các loài động vật quý hiếm, thực ra chẳng phải vì nó ngon, mà do họ muốn sự khác biệt. Người ta vẫn săn ngà voi để cầu may dù không có khoa học nào chứng minh những tác dụng này là thật”.

Thực tế, đẳng cấp của một doanh nhân không chỉ thể hiện trong hoạt động kinh doanh, mà ngay cả trong nhận thức, tư duy về cộng đồng, xã hội. Trong đó, nhìn nhận đúng đắn về việc bảo vệ sự sống cho động vật hoang dã chính là cách một doanh nhân hiện đại thể hiện được văn hoá kinh doanh bền vững.

Xây dựng cộng đồng doanh nghiệp dám nói “không”

Tuy thay đổi nhận thức của mỗi người là câu chuyện không phải một sớm một chiều, nhưng cộng đồng doanh nghiệp hiện nay đã có nhiều người tâm huyết với vấn đề môi trường và công tác bảo tồn thiên nhiên. Các lãnh đạo này đã lan tỏa được thông điệp ý nghĩa này đến nhân viên để tạo thành văn hóa chung của doanh nghiệp. Như vậy, càng nhiều doanh nghiệp cùng đồng lòng thì có thể thay đổi nhận thức của toàn xã hội.

“Ở FPT, chúng tôi đã ký cam kết là không tiêu thụ bất cứ thứ gì từ động vật hoang dã. Là người đứng đầu, trách nhiệm của tôi là làm gương tuân thủ cam kết đó. Trong những lần được mời sử dụng sản phẩm làm từ động vật hoang dã, tôi luôn nói không. Tôi duy trì thói quen đó đến bây giờ”, Chủ tịch FPT Telecom chia sẻ cách doanh nghiệp của ông ứng xử với thiên nhiên.

Ông cũng gửi lời nhắn nhủ đến các doanh nhân khác: “Lời từ chối có vẻ là một hành động "yếu ớt" trước việc sử dụng động vật hoang dã, nhưng khi nó được lặp lại nhiều lần với thái độ cương quyết, lời từ chối sẽ phần nào tác động lên hành động của người khác. Khi bạn chưa có đủ sức mạnh để thay đổi cục diện, hãy bắt đầu bằng cách nói không”.

Cam kết “3 không”: không mua, không sử dụng, không biếu tặng các sản phẩm từ động vật hoang dã cũng là một phần trong nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã của các tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới.

Đơn cử, chiến dịch thay đổi hành vi xã hội trước vấn nạn khai thác, tiêu thụ trái phép các sản phẩm từ ngà voi, tê tê, thuộc khuôn khổ Dự án Phòng chống buôn bán trái pháp luật động, thực vật hoang dã (USAID Saving Species), do USAID phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhằm mục tiêu cứu loài voi và tê tê đang trên bờ vực tuyệt chủng. Chiến dịch cũng góp phần hỗ trợ việc thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.

Các doanh nghiệp, doanh nhân chung tay cùng các tổ chức tuyên truyền đến người thân, bạn bè, đối tác, nhân viên mạnh dạn nói “không” với việc tiêu dùng các sản phẩm từ voi, tê tê. Hành động ý nghĩa này giúp bồi đắp thêm những giá trị nội tại của một doanh nghiệp theo định hướng phát triển bền vững - giá trị đạo đức, thông qua việc ứng xử với môi trường tự nhiên.

Nhiều tiểu thương tại chợ hoa Tết như ngồi trên đống lửa vì Covid-19 bùng phát
Dù chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến Tết nguyên đán Tân Sửu, nhưng trái ngược với cảnh chợ hoa Tết mọi năm tại Hải Phòng, lượng người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư