Ngành gỗ Việt Nam hào hứng với CPTPP
Thuế suất giảm, giá thành cạnh tranh là một trong những lợi thuế để ngành gỗ Việt Nam tăng trưởng mạnh sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Những con số ấn tượng

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng của ngành nông lâm thủy sản đạt 2,94%, xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra (tốc độ tăng trưởng 2,84 %, xuất khẩu đạt 32 - 33 tỷ USD) và thặng dư đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD.

Riêng gỗ và sản phẩm gỗ, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2017 đạt trên 7,66 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu nhóm hàng này lên tới 2,18 tỷ USD, tăng 16%. Như vậy, ngành gỗ Việt Nam đã xuất siêu 5,48 tỷ USD trong năm 2017, tăng 7,8% so với năm 2016.

Ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực
Ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính giúp cho ngành gỗ có mức tăng trưởng khả quan là nhờ nhóm sản phẩm đồ gỗ tăng cao hơn so với nhóm gỗ nguyên liệu. Cụ thể, trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm gỗ đạt 5,71 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2016 và chiếm 74,5 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm gỗ và sản phẩm gỗ.

Với đà tăng trưởng bình quân 10 % mỗi năm, năm 2018, ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, tăng trưởng 17% so với năm 2017.

Kỳ vọng tăng trưởng

Trước sự phục hồi của nền kinh tế, nhất là sự tăng trưởng của thị trường bất động sản, cộng thêm với những hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2018 sẽ tăng trưởng tốt.

Đặc biệt, việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được 11 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam ký kết ngày 8/3/2018, được kỳ vọng sẽ giúp những ngành như dệt may, da giày, thủy sản và đồ gỗ được hưởng lợi.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lý Vĩnh Hùng, Giám đốc Công ty Gỗ nội thất Lyprodan cho biết, doanh thu xuất khẩu của Công ty sang thị trường trong khối CPTPP chỉ chiếm khoảng 10% trong toàn bộ giá trị xuất khẩu hàng năm. Rào cản lớn nhất chính hiện nay là thuế nhập khẩu sản phẩm gỗ ở các thị trường này vẫn còn cao, trên dưới 12%. Tuy nhiên, với việc Hiệp định CPTPP được ký kết, doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu xuất khẩu vào khối này trong tương lai sẽ tăng 2 - 3 lần.

“Khi CPTPP có hiệu lực, không những thuế xuất khẩu vào các thị trường này giảm, mà nguyên liệu nhập từ các thị trường đó cũng có giá thấp hơn hiện nay do hưởng ưu đãi thuế. Vì vậy, hiệp định này mang lại lợi ích lớn cho những doanh nghiệp đồ gỗ”, ông Hùng nói.

Để tận dụng cơ hội từ Hiệp định CPTPP, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đã chủ động tham gia các hội chợ đồ gỗ lớn trên thế giới, tiếp cận bạn hàng đến từ các nước trong khối CPTPP, thay đổi mẫu mã, kích thước sản phẩm linh hoạt, định mức giá phù hợp cho riêng từng thị trường để đẩy nhanh xuất khẩu khi có cơ hội.

Có thể nói, CPTPP như một cánh cửa mở ra cơ hội đưa đồ gỗ Việt đến10 nước trong CPTPP, nhất là các thị trường khó tính như Nhật Bản, Canada, hay các thị trường mới như Chile, Peru… Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, doanh nghiệp đồ gỗ Việt phải phải mở rộng sản xuất cả về lượng lẫn chất.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Việt Nam, điểm yếu của các doanh nghiệp trong ngành gỗ ở Việt Nam hiện nay là năng suất còn thấp so với nhiều nước sản xuất về đồ gỗ. Như vậy, muốn tận dụng được cơ hội từ CPTPP để tăng trưởng mạnh hơn nữa, các doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới… Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể đáp ứng được yêu cầu từ các đơn hàng mới từ các thị trường khó tính.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản