Xây dựng đường giao thông từ phế liệu nhựa đầu tiên tại Việt Nam
Nguyễn Trang - 17/04/2019 14:32
 
Đoạn đường giao thông thử nghiệm đầu tiên tại Tổ hợp công nghiệp DEEP C Hải Phòng dài 1 km dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9/2019.

Sáng 17/4, tại Hội thảo “Thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam",  Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam và Công ty TNHH DEEP C đã ký thỏa thuận Hợp tác về việc xây dựng đường giao thông từ nhựa tái chế đầu tiên tại Tổ hợp công nghiệp DEEP C ở thành phố Hải Phòng. Dự án được thực hiện với mục đích tái chế bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi hoặc chôn lấp thành nguyên vật liệu xây dựng đường giao thông chắc chắn bền vững hơn.

Cụ thể, đoạn đường giao thông thử nghiệm đầu tiên dài 1 km dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9 năm 2019, sẽ chuyển hóa gần 4 tấn bao bì nhựa dẻo - tương đương với khoảng 1 triệu bao bì nhựa - được cung cấp bởi khách hàng của Dow tại các khu vực lân cận. Sau khi hoàn thành, con đường mới này sẽ được Đại học Hàng hải Việt Nam đánh giá kết quả thử nghiệm trước khi mở rộng dự án trên toàn khu công nghiệp.

“Dow cam kết mạnh mẽ trong việc chấm dứt chất thải nhựa, trong đó có việc tìm ra các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm biến rác thải nhựa thành những sản phẩm mới”, ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng giám đốc công ty Dow Việt Nam khẳng định và cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng hơn 90 km đường giao thông từ rác thải nhựa tại Ấn Độ, Indonexia, Thái Lan, Hoa Kỳ và đây cũng là nền tảng để chúng tôi triển khai áp dụng dự án này tại Việt Nam”.

1
Lễ ký thỏa thuận hợp tác dự án làm đường giao thông từ phế liệu nhưa

Rác thải được sử dụng trong dự án này chủ yếu là bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng, chẳng hạn như mạng nhựa polyethylen. Sau khi làm sạch, sấy khô và nghiền nhỏ, nhựa được trộn với nhựa đường ở nhiệt độ 150 – 180 độ C. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn, hòa với nhựa đường, giúp nâng cao độ bền cho con đường. Đường giao thông được làm từ nhựa tái chế còn có khả năng giảm khí thải nhà kính bằng cách thay thế một phần chất nhựa bitum cần có trong nhựa đường. Những con đường được tạo ra từ rác thải nhựa là minh chứng cho thấy rác thải nhựa có khả năng trở thành môt nguồn tài nguyên tái tạo có giá trị, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn nhựa.

Tại Hội thảo, kinh tế tuần hoàn được các chuyên gia giải thích là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất yà vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức như sửa chữa, tái sử dụng, tái chế và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ hoặc cho thuê.

“Nền kinh tế tuần hoàn được biết đến là một giải pháp cho sự thịnh vượng lâu dại, bền vững và thân thiện với môi trường”, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VCCI – VBCSD) cho biết,  

Ông Phạm Hoàng Hải, Điều phối viên Ban Thư ký VBCSD đưa ra những con số biết nói về lợi ích và cơ hội mang lại từ việc áp dụng triệt để tư duy tuần hoàn trong hoạt động thiết kế, sản xuất và tái chế hàng hóa, nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ USD cho doanh nghiệp, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới, giúp doanh nghiệp giảm thiểu bớt các rủi ro đến từ việc khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên.

Ông Andrew Thomas Mangan, Giám đốc điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Hoa Kỳ (US BCSD) cho biết trong năm 2015, Việt Nam phát sinh khoảng 27 triệu tấn chất thải. Con số này vẫn tăng lên hàng năm. Hiện nay, 70% bãi xử lý chất thải ở Việt Nam không được xếp là bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Mặt khác, muốn biến chất thải thành nguyên vật liệu giá trị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kiểm soát, xây dựng cơ sở dữ liệu, phân phối cho nguyên liệu thứ cấp. Nhà đầu tư lại khó tiếp cận nguồn nguyên liệu cũng như khó đánh giá, kiểm soát thông tin về nguồn nguyên liệu tại Việt Nam.

Do đó, ông Andrew Thomas Mangan cũng đánh giá rất cao VBCSD/VCCI trong việc thực hiện Dự án Thị trường nguyên vật liệu thứ cấp - nơi các nhà sản xuất có thể mua, bán và trao đổi các thiết bị, nguyên vật liệu phù hợp với nhu cầu sử dụng, qua đó giúp tận dụng tối đa các nguồn nguyên liêu vẫn còn giá trị sử dụng, giảm thiểu tác động môi trường tiêu cực và thúc đẩy tăng trưởng kính tế Việt Nam một cách bền vững hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản