Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bầu Đức có quay lưng người trồng mía Việt Nam?
Duy Quang - 24/11/2013 10:05
 
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và các thành viên Ban chấp hành đều thống nhất ý kiến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang quay lưng với lợi ích người trồng mía Việt Nam tại cuộc họp Ban chấp hành VSSA mở rộng bàn về việc Tập đoàn này và Công ty cổ phần đường Biên Hòa hợp tác nhập khẩu đường về Việt Nam.
Người trồng mía Việt Nam đang rất khó khăn trước việc thừa nguyên liệu mía. Ảnh minh hoạ: Nguồn internet.

Theo VSSA, vừa qua, Hiệp hội nhận được thông tin Bộ Công thương có công văn số 9842/BCT-XNK ngày 30/10 lấy ý kiến các Bộ NN & PTNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Ngoại giao trước khi trình Thủ tướng Chính phủ việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào về Việt Nam tinh luyện rồi xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường cửa khẩu Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

“Vì lợi ích của người trồng mía và ngành mía đường Việt Nam, VSSA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận việc nhập khẩu này cũng như không cho phép xuất khẩu đường có nguồn gốc không phải từ mía do người dân Việt Nam trồng bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc qua cửa khẩu Bản Vược”, ông Nguyễn Thành Long cho biết.

Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép Hoàng Anh Gia Lai NK đường nguyên liệu để bán cho Công ty CP đường Biên Hoà sản xuất XK thì phải nhập chính ngạch và xuất cũng chính ngạch có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Hải quan", ông Nguyễn Thành Long đề xuất.

Lý do VSSA đưa ra trước hết là do Việt Nam đang thừa đường và xuất khẩu tiểu ngạch qua cửa khẩu Bản Vược là lối thoát duy nhất hiện nay.

Số liệu cho thấy đường từ mía do nông dân Việt Nam trồng trong nước đã cung cấp thừa so với nhu cầu tiêu dùng trong nước. Niên vụ 2012-2013 lượng dư thừa lên đến 400.000 tấn do đó nếu chấp nhận đề nghị nhập khẩu của Hoàng Anh Gia Lai vô tình để đường nước ngoài chiếm luôn thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nêu trên.

Nguyên nhân thứ 2 theo VSSA là đường của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào hiện có giá thành rẻ nhất thế giới, các cường quốc đường như Thái Lan hay Brazil cũng không rẻ bằng.

Do chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Lào có nhiều ưu đãi đặc biệt đối với dự án mía đường của Hoàng Anh Gia Lai, nhờ đó giá mía nguyên liệu chỉ vào khoảng 296 đồng/kg, từ đó dẫn đến đường do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào có giá thành chỉ 4.320 đồng/kg. Trong khi các nhà máy đường trong nước phải mua mía cho nông dân đảm bảo cuộc sống (950 - 1.150 đồng/kg) nên giá thành đường đã lên đến 14.000 đồng/kg .

Vì vậy việc chấp thuận chủ trương nhập khẩu đường của Hoàng Anh Gia Lai sẽ khuyến khích các nhà máy đường buông lỏng tiêu thụ mía và chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài về chế biến gia công tái xuất, nông dân trồng mía Việt Nam sẽ phải lao đao với việc chuyển đổi cây trồng khác, một bộ phận nông dân sẽ mất ổn định trong sản xuất và đời sống. Chính phủ sẽ phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu đường do diện tích mía giảm, thiếu hụt đường.

“Đường do Hoàng Anh Gia Lai đầu tư sản xuất tại Lào có giá thành và chất lượng đủ điều kiện để xuất đi châu Âu theo ưu đãi thuế quan nhập khẩu EBA của Cộng đồng chung châu Âu dành cho Lào kể từ tháng 3/2011, Hoàng Anh Gia Lai tại Lào nên khai thác kênh tiêu thụ này tốt hơn là chuyển đường về Việt Nam”, ông Nguyễn Thành Long khuyến nghị.

Một lý do nữa VSSA không tán thành đề xuất của Hoàng Anh Gia Lai là việc chấp thuận sẽ tạo tiền lệ cho đường nhập khẩu nước ngoài không riêng của Hoàng Anh Gia Lai từ Lào vào Việt Nam qua đường cửa khẩu phụ. Sau đó các DN xuất khẩu sẽ lập thủ tục hoàn thuế GTGT, nguy cơ gian lận thuế là rất lớn.

Ngoài ra, theo thỏa thuận với các nước láng giềng trong chính sách biên mậu thì tại khu kinh tế cửa khẩu chỉ cho phép mua bán trao đổi hàng hóa do nhân dân 2 nước sản xuất ra. Nếu cho nhập khẩu đường của Lào rồi tái xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược là Việt Nam đã vi phạm nguồn gốc hàng hóa, phía Trung quốc có đủ cơ sở để phạt hoặc đóng biên đối với mặt hàng đường, có khi ảnh hưởng đến loại hàng hóa khác hoặc vấn đề khác lớn hơn, bất lợi cho Việt Nam.

Đường xuất khẩu chậm vì bị Trung Quốc ép giá
Ông Đỗ Thành Liêm, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường, Tổng giám đốc Công ty CP đường Khánh Hòa cho biết, lượng đường xuất khẩu mới đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư