Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho hàng nghìn người
D.Ngân - 21/11/2023 09:14
 
Năm 2015 dưới sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã thành lập Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá đặt tại Khoa Khám bệnh.

Do nhu cầu bệnh nhân đến tư vấn cai nghiện thuốc lá ngày một đông nên Bệnh viện đã thành lập thêm 1 Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá đặt tại Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện vào năm 2019.

 Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã thành lập Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá đặt tại Khoa Khám bệnh.

Đến thời điểm hiện tại Bệnh viện đã cai nghiện thuốc lá thành công cho hàng nghìn bệnh nhân nghiện thuốc lá trong và ngoài nước.

Bệnh nhân khi đến Bệnh viện cai nghiện thuốc lá sẽ được các bác sĩ tư vấn điều trị bằng hai phương pháp: Dùng thuốc và không dùng thuốc.

Phương pháp không dùng thuốc: Nhĩ châm kết hợp phương pháp dưỡng sinh luyện thở Nguyễn Văn Hưởng. Đây là phương pháp tác động vào vùng loa tai hai bên nhằm đạt được tác dụng phòng và chữa bệnh.

Cơ chế của nhĩ châm cai thuốc lá chính là điều hòa lại khí huyết, cân bằng âm dương để có thể cắt sự phụ thuộc vào thuốc lá cũng như giải quyết các triệu chứng khó chịu do thuốc lá gây ra.

Còn phương pháp dưỡng sinh luyện thở Nguyễn Văn Hưởng để hỗ trợ luyện thở cho những người hút thuốc lá gặp chứng bệnh viêm phổi tắc nghẽn.

Phương pháp dùng thuốc: Bệnh nhân được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng viên ngậm BTL/trà nhúng BTL nhằm hỗ trợ quá trình điều trị và làm giảm hội chứng cai cho bệnh nhân.

Bên cạnh hội chứng cai nghiện thuốc lá gồm kích thích, bồn chồn, khó chịu, cáu gắt, mất ngủ, khó tập trung còn có các triệu chứng khác được ghi nhận xuất hiện sau khi bỏ thuốc lá như ho, khô miệng, đau rát họng, đau đầu, buồn nôn.

Hiện nay, 2 phương pháp cai nghiện thuốc lá được triển khai tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đạt hiệu quả rất cao, số lượng bệnh nhân đến cai thuốc lá tại bệnh viện ngày một gia tăng.

Tuy nhiên, thành công cai thuốc lá phụ thuộc rất lớn vào ý chí vào sự quyết tâm cai thuốc của bản thân người hút thuốc lá. Hãy từ bỏ thuốc lá ngay ngày hôm nay vì sức khỏe của bạn và những người thân yêu.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) khá cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà đó là hệ quả của việc lạm dụng thuốc lá.

Các dấu hiệu bệnh COPD ban đầu có thể cảm thấy khó thở, đặc biệt là trong các hoạt động thể chất; thở khò khè; tức ngực; ho có đờm kéo dài; nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên; thiếu năng lượng. Sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc chân. Sốt nhẹ và cảm giác ớn lạnh.

Những người mắc bệnh cũng có khả năng trải qua các đợt cấp trong đó các biểu hiện trên có thể trở nên tồi tệ hơn so với sự thay đổi thông thường hàng ngày và kéo dài ít nhất vài ngày.

Trong những trường hợp nặng có thể phải nhập viện, điều trị kháng sinh, thở máy, corticoid… chức năng hô hấp giảm sút, thời gian sống còn bị rút ngắn lại.

Có 2 yếu tố có thể là nguyên nhân bệnh COPD như tình trạng thiếu hụt, khuyết tật về gen như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin.

Các yếu tố do ô nhiễm môi trường gồm: Khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp… Hút thuốc lá chiếm hơn 90% các trường hợp mắc bệnh. Khoảng 20-30% số người hút trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của COPD.

Bệnh COPD đợt cấp do tiếp xúc bụi nghề nghiệp xảy ra ở khoảng 10% các trường hợp. Thợ mỏ, công nhân xây dựng, thợ dệt, công nhân làm việc tại các xưởng luyện kim, nông dân là những người thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố kích thích phế quản dẫn tới nguy cơ cao mắc bệnh.

Các yếu tố gây bệnh bao gồm: Khí độc, xi măng, các sản phẩm than đá, bụi silic và các chất kích thích sử dụng trong nông nghiệp.

Các yếu tố khác như nhiễm độc không khí không phải là nguyên nhân trực tiếp, tuy nhiên cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bệnh bao gồm như chứa yếu tố làm bệnh nặng lên về lâu dài và tăng nguy cơ tử vong ở những người suy hô hấp nặng.

Chuyên gia khuyến cáo, nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, bệnh COPD có thể gây ra một số biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người bệnh, thậm chí nguy hiểm tính mạng như tràn khí màng phổi, tâm phế mạn.

Khoảng 30% bệnh nhân chết vì suy hô hấp cấp và mạn tính, sau đó là suy tim (13%). Các nguyên nhân gây tử vong tiếp theo bao gồm nhiễm trùng hô hấp, nhồi máu phổi, rối loạn nhịp tim, ung thư phổi.

COPD là bệnh có khả năng gây tàn phế cao như tàn phế hô hấp (tình trạng khó thở và đau cơ sẽ làm giảm khả năng vận động), tàn phế về mặt xã hội (người bệnh sẽ có cảm giác như bị tách biệt khỏi xã hội, hoạt động thường ngày phải phụ thuộc người khác).

Để phòng tránh những tác hại của COPD, bác sĩ Vũ Văn Thời, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng, không hút thuốc là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa và thay đổi diễn tiến ở tất cả các giai đoạn của bệnh kể cả ở mức độ chưa có triệu chứng hay mức độ rất nặng.

Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như: Khí, hóa chất, khói độc hại, bụi. Nếu công việc buộc phải làm việc trong môi trường khói bụi thì cần có bảo hộ lao động để bảo vệ đường hô hấp đúng tiêu chuẩn.

Ngoài ra, tiêm phòng cũng là biện pháp được các chuyên gia khuyến khích sử dụng. Người lớn tuổi là đối tượng cần chú ý tiêm phòng để tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là tiêm vắc-xin phòng cúm và phế cầu.

Viêm phổi do phế cầu khuẩn không chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ mà còn là nguyên nhân gây tử vong nhanh ở người cao tuổi, đặc biệt người có bệnh lý mạn tính ở phổi.

Bên cạnh đó, mỗi người cần tập thể dục đều đặn hàng ngày, tập các bài tập phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp.

Hệ lụy của thuốc lá điện tử với thế hệ trẻ
Nhiều trường học thừa nhận, thuốc lá điện tử đang là vấn nạn học đường, bởi tỷ lệ học sinh sử dụng ngày càng tăng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư