Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
BHXH đối với lao động nước ngoài: Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế toàn cầu
V.A - 25/03/2019 17:38
 
Qua gần 4 tháng triển khai chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với lao động nước ngoài tại Việt Nam, đã ghi nhận những kết quả tích cực, dù còn một số khó khăn về thủ tục, ngôn ngữ. Ông Đinh Duy Hùng, Phó ban Thu (BHXH Việt Nam) chia sẻ với Báo Đầu tư về vấn đề này.
.
Ông Đinh Duy Hùng, Phó ban Thu (BHXH Việt Nam).

Thưa ông, hiện có bao nhiêu doanh nghiệp và lao động nước ngoài thuộc diện tham gia BHXH? Tổng số tiền doanh nghiệp đóng BHXH, bảo hiểm y tế cho lao động nước ngoài từ khi Nghị định 143/2018/NĐ-CP có hiệu lực đến thời điểm hiện tại là bao nhiêu?

Theo thống kê mới nhất của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 28/2/2019, cả nước có 8.730 người sử dụng lao động và 51.521 lao động nước ngoài đang thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam. Tổng số tiền bảo hiểm thu được từ những đối tượng này là 100,792 tỷ đồng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ước tính, tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam là trên 80.000 người, trong đó, có khoảng 90% được cấp phép lao động. Như vậy, sau gần 4 tháng kể từ ngày triển khai Nghị định 143/2018/NĐ-CP, khoảng 64% lao động thuộc đối tượng này đã tham gia BHXH bắt buộc, đó là kết quả khả quan đối với việc triển khai một chính sách mới.

Việc triển khai chính sách BHXH bắt buộc cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam còn gặp những khó khăn gì?

BHXH bắt buộc cho lao động nước ngoài là một chính sách rất mới tại Việt Nam và việc triển khai chính sách này còn gặp những khó khăn đáng kể.

Cụ thể, việc không có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 143/2018/NĐ-CP đã khiến cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài gặp không ít vướng mắc.

Thời gian vừa qua, chúng tôi đã nhìn thấy những khó khăn liên quan đến việc xác định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Hiện tại, các cơ quan BHXH địa phương đang phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời cập nhật số lượng lao động nước ngoài thuộc diện tham gia chính sách này cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp đang sử dụng lao động nước ngoài thực hiện Nghị định.

Thêm vào đó, rào cản ngôn ngữ tiếp tục là vật cản trong quá trình triển khai một chính sách mới như BHXH bắt buộc cho lao động nước ngoài. Các giấy tờ tuỳ thân của lao động nước ngoài đều được viết bằng ngôn ngữ nước ngoài, việc này gây nhiều trở ngại khi thực hiện giao dịch BHXH cho cả lao động nước ngoài và cơ quan chức năng trong nước.

Cuối cùng là khả năng đóng song trùng. Người lao động nước ngoài tại Việt Nam có thể tham gia BHXH bắt buộc ở nước sở tại và ngược lại. Về vấn đề này, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về BHXH để tránh tình trạng đóng song trùng BHXH của lao động nước ngoài tại Việt Nam và lao động Việt Nam đang làm việc ở các nước khác.

Theo ông, chính sách BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài tại Việt Nam có tác động như thế nào đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam?

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đang là xu hướng, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài đều tăng lên đáng kể trong những năm vừa qua. Thống kê gần đây nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, số lượng lao động nước ngoài tại Việt Nam đã tăng từ 63.557 người (năm 2011) lên 83.046 người (năm 2016). Ở chiều ngược lại, số lượng lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài trong năm 2018 là hơn 140.000 người, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017.

Hiện tại, Việt Nam và Hàn Quốc đã trải qua 4 vòng đàm phán ký kết hiệp định song phương về BHXH. Đức đã đồng ý nội dung đàm phán với Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn đang nghiên cứu về vấn đề này trước khi đàm phán với Việt Nam, còn Đài Loan vẫn đang nghiên cứu trước khi quyết định có ký kết hay không.

Như vậy, cùng với sự gia tăng về số lượng lao động nước ngoài tại Việt Nam và lao động Việt Nam tại nước ngoài cũng như nỗ lực của Chính phủ trong việc triển khai các hiệp định song phương và đa phương về BNXH, có thể thấy, việc triển khai chính sách BHXH bắt buộc cho lao động nước ngoài là phù hợp với xu hướng chung của quốc tế. Thực tế, trước Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã triển khai chính sách này.

Nghị định 143/2018/NĐ-CP đã góp phần tạo sự bình đẳng cho cả lao động nước ngoài và lao động Việt Nam, có nghĩa là, lao động nước ngoài được hưởng mọi quyền lợi như lao động Việt Nam khi làm việc tại đất nước này. Nhờ vào sự bình đẳng đó, người lao động nước ngoài có thể yên tâm làm việc tại Việt Nam. Đây là một yếu tố tích cực, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút lao động có tay nghề cao đến Việt Nam làm việc.

Lao động nước ngoài có giấy phép và hợp đồng lao động trên 1 năm phải tham gia BHXH bắt buộc

Nghị định 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam được ban hành ngày 15/10/2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/12/2018.

Cụ thể , các lao động nước ngoài có giấy phép và hợp đồng lao động trên một năm đều thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam. Từ ngày 1/12/2018 đến ngày 31/12/2021, hàng tháng, người sử dụng lao động đóng toàn bộ bằng 3,5% tiền lương tháng đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản và quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Từ ngày 1/1/2022 trở đi, mức đóng tăng đến 25,5% vào các quỹ trên và thêm quỹ hưu trí, tử tuất. Trong đó, người sử dụng lao động đóng bằng 17,5% và người lao động đóng 8%.

Kéo giảm tỷ lệ nợ đọng phí bảo hiểm xã hội
Trong năm 2019, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư