Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Bình Thuận: Đầu tư hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển
Ngọc Tuấn - 18/04/2015 08:37
 
Sau 40 năm kể từ ngày giải phóng, hệ thống giao thông tỉnh Bình Thuận có những thay đổi mạnh mẽ, mang tới diện mạo mới, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Phóng viên Báo Đầu tư đã phỏng vấn ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Thuận về những thành tựu mà Bình Thuận đạt được trong lĩnh vực giao thông.
Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Thuận
Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Thuận

Nhìn lại chặng đường 40 năm kể từ ngày giải phóng Bình Thuận, hệ thống hạ tầng giao thông được coi là một điểm sáng lớn. Ông có chia sẻ gì về đánh giá này?

Do xác định giao thông - vận tải là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng, huyết mạch cho nền kinh tế, cần phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển, nên chúng tôi đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn hẹp, tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau như vốn Trung ương hỗ trợ, vốn tài trợ nước ngoài... tập trung cho các dự án giao thông. Nhờ vậy, nhiều công trình giao thông được xây dựng và đưa vào sử dụng có ý nghĩa chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

 

40 năm qua, trong mỗi bước tiến của địa phương đều có vai trò rất lớn của những con đường, cây cầu, bến cảng.

Như vậy, Bình Thuận đã giải bài toán giao thông “đối nội”rất tốt, cho dù tỉnh có địa hình bán sa mạc và diện tích tự nhiên lớn? 

Đúng vậy. So với thời điểm mới giải phóng, hệ thống đường giao thông của Bình Thuận nay đã tốt hơn rất nhiều. Có thể kể đến tuyến đường trục ven biển ĐT.719 (từ La Gi đến Phan Thiết), tuyến ven biển ĐT.716 (từ Phan Thiết đến Bình Thạnh) bao gồm nhiều tuyến đường như ĐT.706B, Phan Thiết - Hàm Tiến - Mũi Né, Mũi Né - Suối Nước, Suối Nước - Hoà Thắng, Hoà Thắng - Hoà Phú...

Các tuyến đường này giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển du lịch và khai thác quỹ đất ven biển của tỉnh Bình Thuận thời gian qua.

Hiện tại, mạng lưới đường tỉnh lộ của Bình Thuận có chiều dài gần 650 km. Hệ thống đường huyện, đường đô thị, đường đến các trung tâm xã, thôn, xóm cơ bản đã được liên thông, đã có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Tổng chiều dài hệ thống đạt gần 4.200 km, trong đó hơn 1.300 km đã được trải nhựa, bê tông hoá.

Chúng tôi cũng đã thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, mang lại kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2011-2014, chúng tôi đã đầu tư xây dựng gần 470 km đường bê tông xi măng với tổng kinh phí gần 450 tỷ đồng.

Tính liên kết giữa Bình Thuận và các tỉnh trong không gian kinh tế vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ đã được cải thiện ra sao, thưa ông?

Đến nay, tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh với chiều dài hơn 180 km đã được nâng cấp cơ bản hoàn thành tạo nên “trục dọc xương sống” đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông đường bộ địa phương. Bên cạnh đó, đã hình thành, nâng cấp thêm 3 tuyến Quốc lộ là Quốc lộ 28, Quốc lộ 28B và Quốc lộ 55 với tổng chiều dài gần 250 km tạo ra trục giao thông đối ngoại, giúp kết nối Bình Thuận với các tỉnh lân cận.

Hệ thống cảng cũng được hình thành tạo điều kiện tốt cho giao lưu kinh tế. Hiện cảng Phú Quý làm hàng tổng hợp cho tàu trọng tải 1.000 tấn, đảm bảo sự giao lưu giữa huyện Đảo Phú Quý với đất liền. Chúng tôi cũng vừa khai thác, vừa xây dựng cảng Phan Thiết có thể tiếp nhận tàu 1.000 tấn bằng hình thức xã hội hoá. Đặc biệt, tỉnh đang triển khai xây cảng chuyên dùng cho Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, có thể tiếp nhận tàu chở hàng rời chuyên dùng từ 30.000 đến 200.000 tấn.

Ngày 16/4/2015, Bình Thuận vừa khởi công xây dựng cảng tổng hợp Vĩnh Tân có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 tấn.

Ông nhìn nhận thế nào về bức tranh giao thông trong tương lai của Bình Thuận?

Trong giai đoạn tiếp theo, Bình Thuận sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng tạo bước chuyển biến quan trọng, đột phá trong giao thông - vận tải vì mục tiêu phát triển bền vững và hướng tới con người.

Đó là chất lượng bền vững của các công trình giao thông, hiện đại, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn giao thông, văn minh, tiện nghi của dịch vụ vận tải. Mục tiêu của chúng tôi trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là xây dựng các dự án giao thông lớn như sân bay Phan Thiết, tiếp tục nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh, hình thành tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Nha Trang, hình thành cảng tổng hợp Vĩnh Tân, cảng vận tải Phan Thiết, đầu tư tàu biển trung, cao tốc chạy tuyến Phan Thiết - Phú Quý...

Song song đó, Bình Thuận sẽ mở mang, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và phát triển mạng vận tải công cộng, nâng cấp toàn bộ hệ thống đường tỉnh theo tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ, hợp lý...

Bình Thuận - “đất lành chim đậu”
Đó là cảm nhận của ông Phan Văn Quý, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương khi nói về Bình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư