Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Bỏ công chức, viên chức sẽ giải phóng sức ì của giáo viên trường công lập
Hoàng Thanh (Infonet) - 23/05/2017 16:45
 
"Hiện nay không ít giáo viên có tâm lý cố vào bằng được biên chế, cố bám lấy biên chế. Khi được vào biên chế thì họ coi như đã ổn định được nghề nghiệp và thu nhập, họ ngại thay đổi, ngại phấn đấu nên tạo ra sức ì lớn".
Thầy Nguyễn Hoài Bắc – Hiệu trưởng trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark

Tuy nhiên, khi thay vào đó là chế độ hợp đồng thì sẽ có những ưu và nhược điểm thế nào? Chế độ đãi ngộ với giáo viên ra sao? Đây vẫn là những câu hỏi chưa có hồi đáp.

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng thầy Nguyễn Hoài Bắc – Hiệu trưởng trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark.

Thưa thầy, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm bỏ công chức, viên chức đối với giáo viên, thay vào đó là chế độ hợp đồng. Xin thầy cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Đây là một chủ trương táo bạo và tôi rất ủng hộ! Nếu thực hiện được điều này sẽ kích thích và khơi dậy được nguồn lực rất lớn từ đội ngũ giáo viên đông đảo hiện nay và quan trọng là giải phóng được sức ì, tạo động lực cho giáo viên cống hiến.

Tuy nhiên, để thực hiện được việc bỏ biên chế phải đi kèm với việc thay đổi cơ chế quản lí giáo dục, chính sách phân bổ nguồn lực cũng như cơ chế tự chủ về tài chính của các nhà trường hiện nay mới phát huy hiệu quả.

Một vấn đề nữa chúng ta cũng cần tính toán đến, nếu chuyển sang chế độ hợp đồng thì quyền tự chủ của các trường ở phạm vi nào? Lãnh đạo cao nhất của cơ sở giáo dục có đủ thẩm quyền để giải quyết triệt để việc cải cách đó hay không hay vẫn chịu sự chi phối từ các cơ quan cao hơn?

Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark là trường ngoài công lập, chúng tôi tự chủ hoàn toàn về vấn đề tài chính, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động, tuân thủ luật giáo dục, chịu sự quản lí chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Toàn bộ nhân sự trong nhà trường chúng tôi đều phải chủ động từ khâu tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực cho giáo viên và đảm bảo thu nhập cũng như các chế độ bảo hiểm, phúc lợi và các quyền lợi khác cho họ không khác gì một viên chức ngành giáo dục. Có như vậy cơ chế hợp đồng mới phát huy hết hiệu quả của nó.

Quản lý hệ thống trường ngoài công lập, toàn bộ giáo viên trong trường sẽ theo chế độ ký hợp đồng. Điều này có thuận lợi và khó khăn gì cho nhà trường, thưa thầy?

Cái thuận lợi là chúng tôi được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước phụ huynh và xã hội về chất lượng đội ngũ của mình mà không phải chịu sự chi phối hay can thiệp nào. Chúng tôi hoạt động như một doanh nghiệp trong đó tính công khai, minh bạch luôn được đảm bảo. Đội ngũ giáo viên luôn được ghi nhận, đánh giá và trả lương theo đúng năng lực và đóng góp của họ cho nhà trường.

Hiện nay, nguồn nhân lực có chất lượng luôn khan hiếm và bị cạnh tranh rất gay gắt. Nhu cầu của xã hội hiện nay với đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ giỏi là rất lớn, đặc biệt là giáo viên tiểu học.

Để họ yên tâm công tác, nhà trường luôn luôn phải nỗ lực xây dựng môi trường làm việc, cơ chế chính sách về tiền lương, chế độ phúc lợi và các chế độ hỗ trợ làm việc khác thật tốt để giáo viên được cống hiến, được phát triển, được nâng cao năng lực, nâng tầm giá trị và đảm bảo cuộc sống của gia đình.

Nếu không làm được điều đó, những giáo viên có chuyên môn sẽ có những lựa chọn khác tạo ra sự xáo trộn thường xuyên, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ và sự ổn định của nhà trường. Việc không ngừng nâng cao chất lượng sống và môi trường làm việc để giữ chân giáo viên tôi nghĩ tốt cho học sinh và tốt cho cả xã hội.

Cái khó khăn lớn nhất là việc lựa chọn và tuyển dụng được những giáo viên giỏi. Bởi lẽ, hiện nay không ít giáo viên có tâm lý cố vào bằng được biên chế, cố bám lấy biên chế. Khi được vào biên chế thì họ coi như đã ổn định được nghề nghiệp và thu nhập, họ ngại thay đổi, ngại phấn đấu nên tạo ra sức ì lớn. Nhiều giáo viên vì vậy mà ngại thay đổi, ngại tham gia thử sức trong môi trường giáo dục ngoài công lập.

Vì thế, để chúng tôi tuyển dụng được những giáo viên giỏi, chúng tôi đã xây dựng một cơ chế chính sách cạnh tranh đủ mạnh, nhất là chính sách về tiền lương đủ hấp dẫn và có kênh truyền thông đủ rộng để những giáo viên giỏi tìm đến với trường.

Chúng tôi luôn cho rằng, nghề giáo là nghề cao quý. Trong công việc, họ cống hiến cả tâm, trí, lực, sự đam mê, nhiệt huyết, tình cảm và hiện nay là cả những áp lực xã hội. Vì thế, giáo viên phải sống khá giả bằng chính nghề nghiệp của mình.

Các trường ngoài công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính như chúng tôi hoạt động bằng học phí do cha mẹ học sinh đóng góp. Phụ huynh cho con vào trường ngoài công lập phải đóng mức học phí cao hơn khá nhiều so với trường công nên họ thường có những đòi hỏi cao hơn về chất lượng.

Yêu cầu của phụ huynh và xã hội là hoàn toàn chính đáng. Vì thế, giáo viên của chúng tôi phải nỗ lực hơn, làm việc căng thẳng hơn, trách nhiệm hơn, tận tụy hơn… Đó cũng là lí do làm chúng tôi khó khăn trong việc tuyển dụng.

Theo thầy, chủ trương bỏ biên chế ngành giáo dục có khả thi không?

Như nói ở trên, tôi rất ủng hộ chủ trương này nhưng đằng sau nó là một bài toán tổng thể. Chỉ khi nào giải quyết được bài toán tổng thể ấy thì chủ trương này mới khả thi và phát huy hiệu quả.

Hiện nay, một số địa phương đã thí điểm mô hình trường công lập chất lượng cao nhưng cơ chế vận hành và quản lí nhà trường vẫn theo cách cũ. Vì vậy chúng tôi chưa nhận thấy sự chuyển biến tích cực thật sự và bền vững ở những mô hình này.

Cho nên chúng tôi vẫn trông chờ ở giải pháp tổng thể hơn là những quyết sách đơn lẻ. Tôi hi vọng có một “khoán 10” trong giáo dục trong thời gian tới đây!

Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện này!


Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư