Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Giao thông nêu giải pháp tạo niềm tin cho nhà đầu tư PPP
Anh Minh - 07/06/2023 23:08
 
Việc tạo lòng tin cho nhà đầu tư và giải quyết hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp - nhà nước - nhân dân được coi là chìa khóa để gọi vốn tư nhân vào hạ tầng giao thông.
Dự án BOT cầu Thái Hà, một trong những công trình BOT đang gặp khó khăn về
Dự án BOT cầu Thái Hà, một trong những công trình BOT đang gặp khó khăn về phương án tài chính.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng về giải pháp thúc đẩy thu hút nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông – một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội đặt vấn đề trong phiên chất vấn vào chiều ngày 6/7.

Cụ thể, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng, hiện nay có một số dự án chúng ta đã phê duyệt chủ trương theo hình thức PPP, tuy nhiên, sau đó thì lại chuyển qua hình thức đầu tư công.

“Dự án chưa triển khai thực hiện mà phải điều chỉnh chủ trương đầu tư làm thời gian chuẩn bị dự án kéo dài và có thể ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai dự án về sau. Bộ trưởng có những giải pháp nào để khắc phục trong thời gian tới?”, đại biểu Trần Anh Tuấn nêu vấn đề.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, trong thời gian vừa qua, đúng là chúng ta đã từng lập dự án, lập chủ trương đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP nhưng sau đó phải chuyển sang đầu tư công. Quả thật đây cũng là một vấn đề mà ngành GTVT cũng rất trăn trở.

“Từ khi chúng ta ban hành Luật PPP thì đến giờ phút này chúng ta cũng chưa kêu gọi được nhiều các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận và cho biết là cũng chính vì vấn đề này cho nên Bộ GTVT đang nghiên cứu và sắp tới cũng sẽ phải đề xuất cấp có thẩm quyển xem xét, ban hành một số giải pháp để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư PPP.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng của chúng ta chỉ tính riêng trong giai đoạn 2021-2025 cần tới 462.000 tỷ đồng nhưng đến giờ phút này chúng ta mới bố trí được 66% và rất cần những nguồn vốn xã hội hóa để tham gia vào kết cấu hạ tầng giao thông.

Như vậy, nguồn lực xã hội hóa là hình thức huy động quan trọng để thực hiện thành công chiến lược, quy hoạch ngành GTVT. Nguồn lực trong xã hội rất dồi dào, song để huy động vốn tư nhân vào đầu tư kết cấu hạ tầng cần có một hệ thống các giải pháp để tạo lòng tin cho nhà đầu tư và giải quyết hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp - nhà nước và nhân dân.

Tư lệnh ngành GTVT cho rằng, việc cần làm đầu tiên chính là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về huy động nguồn lực xã hội hóa thông qua hình thức hợp tác đối tác công tư PPP, đảm bảo hài hòa lợi ích; phải linh hoạt về tỷ lệ tham gia huy động vốn của doanh nghiệp; chính sách khi thay đổi phải có điều khoản chuyển tiếp và không hồi tố. Bên cạnh đó, phải đảm bảo các yếu tố theo thông lệ quốc tế mới có thể thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài như bảo lãnh doanh thu; bảo lãnh quyền mua ngoại tệ khi có nhu cầu...

“Tại sao chúng ta thấy thiếu vắng các nhà đầu tư nước ngoài, bởi vì có rất nhiều những vấn đề hoàn toàn chính đáng và theo thông lệ quốc tế, ví dụ khi đầu tư vào người ta đem ngoại tệ vào thì người ta phải chuyển đổi sang Việt Nam đồng để đầu tư, vậy khi có doanh thu người ta muốn chuyển đổi ngược lại sang ngoại tệ thì mình phải đáp ứng. Hay vấn đề nữa liên quan đến việc các nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu là mình phải bảo lãnh doanh thu hàng tháng, hàng năm thì mới làm còn không thì thôi”, Bộ trưởng Thắng nêu vấn đề.

Dẫn ví dụ về hạn chế trong cơ chế chia sẻ rủi ro tại các dự án PPP, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện chúng ta đang quy định rằng nếu doanh thu mà tăng lên trên 125% thì nhà đầu tư phải chia sẻ lợi ích với nhà nước; khi doanh thu giảm xuống dưới 75% thì Nhà nước phải bù.

“Tuy nhiên nhưng bù như thế nào, bù ở đâu, nguồn nào thì hiện chưa rõ. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp ký hợp đồng thì trong hợp đồng đã quy định rất rõ là thời điểm nào người ta được tăng phí. Nhưng suốt từ năm 2019 đến nay, do những vấn đề liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô thì chúng ta cũng không thực hiện việc cho các doanh nghiệp tăng phí theo hợp đồng dẫn đến doanh thu không đảm bảo, doanh thu không đảm bảo thì lại dẫn đến hệ lụy với ngân hàng, nợ quá hạn…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phân tích.

Bên cạnh đó, các dự án PPP giao thông là có thời gian hoàn vốn kéo dài từ 15 – 20 năm, thậm chí đến 35 năm nhưng quy định của ngân hàng chỉ cho vay tối đa 10 đến 12 năm thôi.

Trước đây khi kinh tế tốt, sức khỏe doanh nghiệp tốt thì doanh nghiệp lấy các nguồn doanh thu để bù vào, nhưng trong trường hợp kinh tế khó khăn thì đây là gánh nặng rất lớn cho nhà đầu tư trong việc duy trì dòng tiền trả lãi và nợ vay.

“Chính vì thế vừa rồi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có một phương án mà tôi cho là rất hay, đó là nguồn vốn nhà nước hỗ trợ vào, thay vì 20 đến 25 năm thì giảm xuống khoảng 10 - 15 năm, như vậy mới có tính khả thi. Nguồn vốn của doanh nghiệp bớt đi, nguồn vốn ngân hàng vào cũng bớt đi thì rủi ro bớt đi”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.

Một giải pháp quan trọng khác, theo người đứng đầu ngành GTVT là việc cần thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng, thay vì trông chờ nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm đến, thì Nhà nước chủ động mời gọi.

“Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030 để các Nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước tiếp cận, nghiên cứu và sẽ phối hợp với các địa phương sớm tổ chức Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư giai đoạn đến năm 2030”, Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin.

Tư lệnh giao thông lên tiếng về việc nâng đời 5 cao tốc 2 làn xe
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định đang khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn vốn để ưu tiên đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư