Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Bộ Y tế nỗ lực để nhập khẩu vaccine Covid-19 ngay trong quý I
Kỳ Thành - 02/02/2021 21:29
 
Khó khăn hiện nay là EU đang hạn chế xuất khẩu trong khi Bộ Y tế đang đàm phán để Việt Nam có vaccine nhanh nhất, do đó Bộ Y tế cũng đang đàm phán thêm với các đối tác.

Phấn đấu có đủ vaccine để tiêm cho cộng đồng

Trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (2/2), Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ký quy tắc với Công ty AstraZeneca của Anh và dự kiến công ty này sẽ cung cấp 30 triệu liều vaccine cho Việt Nam trong năm 2021.

“Bộ Y tế đang đàm phán với đối tác để làm sao trong quý I chúng ta bắt đầu có ”, ông Thuấn khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (Ảnh: VGP)
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (Ảnh: VGP)

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, do lượng vaccine trong giai đoạn đầu chưa đủ để cung cấp rộng rãi nên sẽ có nhóm đối tượng ưu tiên sử dụng là các cán bộ y tế có liên quan trực tiếp đến công tác phòng chống dịch, các đối tượng lớn tuổi, bệnh nền có nguy cơ cao sẽ tử vong nếu mắc bệnh Covid-19 và một số đối tượng khác như cán bộ ngoại giao.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là EU đang hạn chế xuất khẩu trong khi Bộ Y tế đang đàm phán để Việt Nam có vaccine nhanh nhất. Ngoài vaccine AstraZeneca, Bộ Y tế cũng đang đàm phán thêm với Pfizer, Moderna và các vaccine của Nga, Trung Quốc...

Đối với vaccine trong nước, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Việt Nam đang thử nghiệm giai đoạn 1, 2 vaccine Nanocovax của Công ty NANOGEN và chuẩn bị bắt đầu thử nghiệm vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế.

Đến cuối 2021, đầu 2022, chúng ta sẽ có vaccine trong nước. Cùng với vaccine ngoại nhập, chúng ta sẽ hoàn thiện vaccine trong nước khâu thử nghiệm, sản xuất. “Chúng tôi cho rằng chúng ta có thể có đủ vaccine để tiêm cho cộng đồng”, ông nói.

Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nếu tới đây Việt Nam tự sản xuất được vaccine tốt hơn, rẻ hơn thì phải ưu tiên cho sản xuất vaccine trong nước, nhưng trong lúc trong nước chưa sản xuất được thì phải ưu tiên nhập khẩu.

Hà Nội cần thay đổi chiến lược, nâng các biện pháp phòng dịch

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, tính tới sáng 2/2, toàn thế giới ghi nhận 103.875.974 ca mắc Covid-19. Tại Việt Nam, tới sáng nay, ghi nhận 1.851 ca. Trong buổi sáng, thêm 1 ca ở Hải Dương, tới 12h trưa thêm 6 ca nữa cũng ở Hải Dương.

Trong số những ca bệnh ở Hải Dương, bệnh nhân 1660 được Bộ Y tế chỉ đạo phân tích, qua đó khẳng định bệnh nhân 1660 đã mắc chủng mới lây lan nhanh. Điều đó gây ra quan ngại rằng dịch bệnh lần này dễ lây lan và nhanh hơn các lần trước, lây qua không khí, không riêng gì tiếp xúc gần.

Bộ Y tế sau khi phát hiện được hai ổ dịch đã chỉ đạo quyết liệt cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, tập trung khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm rộng, không để dịch bệnh lây lan quá rộng.

Để nhanh chóng kiểm soát hiệu quả, dập dịch triệt để, không để bùng phát trên diện rộng, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai triệt để Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/1 về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo 22/TB-VPCP, thực hiện các biện pháp chống dịch cần thiết theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và một số tỉnh hiện đang có ca bệnh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế triển khai các biện pháp truy vết tích cực, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng, chú trọng thực hiện phong toả nhiều lớp, truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời.

Các tỉnh, thành phố đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh, đặc biệt Hà Nội, cần thay đổi chiến lược, nâng các biện pháp đáp ứng cao hơn một mức so với đợt dịch trước. Trong đó, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị 15 phù hợp với từng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Xác định trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó truy ra F2, coi F2 gần như F1. Thực hiện truy vết đồng thời phải khoanh vùng ngay, khoanh vùng rộng và lấy mẫu toàn bộ người dân tại các khu vực lây nhiễm cộng đồng. Tiến hành khoanh vùng hẹp hoặc nới lỏng khi tất cả các trường hợp đều âm tính; khuyến cáo mạnh, yêu cầu người dân toàn thành phố bắt buộc đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi giải trí, tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu.

Các địa phương chủ động xây dựng phương án chống dịch, tổ chức diễn tập, tập huấn về công tác phòng, chống dịch; sẵn sàng phương tiện, thuốc, vật tư chống dịch, không để bị động, bất ngờ khi có ca bệnh trên địa bàn.

Các khu cách ly tập trung tăng cường thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn phòng, chống lây nhiễm trong khu cách ly, xử lý chất thải y tế theo đúng quy định.

Các ban, bộ, ngành, cơ quan, UBND các cấp đảm bảo nguồn lực, tạo điều kiện hoạt động cho các đơn vị làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Chỉ đạo các đơn vị chức năng ở cơ sở đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng để phát hiện sớm, áp dụng biện pháp phòng, chống dịch kịp thời..

Đối với người dân, Bộ Y tế khuyến cáo một lần nữa thực hiện tốt Thông điệp 5K, vận động người thân khai báo kịp thời, đồng thời cài đặt Bluezone và khuyến khích, động viên người thân không nhập cảnh trái phép.

Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine AstraZenenca ngừa COVID-19
Ngày 1/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký Quyết định số 983/QĐ-BYT về việc phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư