Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Bóc sở hữu chéo: Tiền khủng từ đâu rót vào ngân hàng?
Minh Huệ - 23/09/2014 09:15
 
Một khi làm rõ được tình trạng sở hữu của các cổ đông lớn, yêu cầu các cổ đông lớn thoái vốn về đúng mức quy định…, thì sở hữu chéo sẽ không còn là vấn đề đáng ngại.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thoái vốn làm gia tăng sở hữu chéo?
Sáp nhập Southern Bank, cú thoát xác tuyệt đỉnh của ông Trầm Bê?
Nhà băng thất bại tăng vốn và sự im lặng dễ hiểu của NHNN
2014: Tập trung kiểm toán sở hữu chéo ngân hàng
Thủ tướng: Nguy cơ ngân hàng đổ vỡ vẫn còn
Ngân hàng thay máu: Có bằng tiền tươi thóc thật?

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố văn bản trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, trả lời nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội, cử tri đặt ra cho ngành ngân hàng, trong đó nổi cộm là vấn đề sở hữu chéo.

  Bóc sở hữu chéo: Tiền khủng từ đâu rót vào ngân hàng?  
  Làm rõ được tình trạng sở hữu của các cổ đông lớn, nguồn tiền từ đâu... thì sở hữu chéo sẽ không còn đáng ngại  

Tại Kỳ họp thứ bảy, đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng) đã chất vấn Thống đốc NHNN: “Qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến phản ánh, vấn đề sở hữu chéo và sở hữu có tính lũng đoạn trong hoạt động ngân hàng ngày càng nóng hơn, nhất là khi tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Lý do là, không ít nợ xấu ở một số ngân hàng thuộc về chính các ‘ông chủ’ ngân hàng, hay nói cách khác chủ nợ và con nợ được tích hợp trong một chủ thể. Các ông chủ này có đủ quyền lực để biến nợ xấu ngắn hạn thành nợ xấu trung, dài hạn. Phản ánh trên có đúng thực tế không? Nếu đúng thì việc kiểm tra, xử lý vấn đề trên như thế nào?”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Nghĩa, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo có ở hầu hết các hệ thống tài chính, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trên thế giới với quy mô và mức độ phức tạp khác nhau, gây ra nhiều tác động tiêu cực, như làm gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất…, nên cần biện pháp quản lý, kiểm soát.

Tại Việt Nam, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD là vấn đề có tính lịch sử, phát sinh từ trước khi có Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Tính đến cuối năm 2013, quy mô sở hữu chéo trực tiếp chưa lớn, nhưng khá phức tạp, gây nên một số tác động tiêu cực đến hoạt động quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của một số TCTD và đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng cũng như toàn hệ thống nói chung, gây cản trở nhất định đối với quá trình cơ cấu lại hệ thống.

“Quan điểm xử lý sở hữu chéo là thận trọng, có lộ trình để giữ ổn định từng TCTD và hệ thống các TCTD; giải pháp xử lý phải toàn diện bao gồm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hạn chế sở hữu chéo và quy định an toàn hoạt động ngân hàng; xử lý đồng bộ, toàn diện, nhưng có tính đến đặc điểm của từng TCTD cụ thể”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.

Trong các nhóm giải pháp nhằm hạn chế sở hữu chéo, đầu tư chéo, vi phạm sở hữu cổ phần, bên cạnh công tác thanh tra, giám sát, việc làm rõ nguồn tiền của các cổ đông tham gia tái cơ cấu ngân hàng rất được chú trọng, nhằm tránh tính trạng mang tiền của ngân hàng này đi vòng để “tái cơ cấu” ngân hàng khác.

Để giải quyết được điểm mấu chốt này, NHNN cho biết sẽ triển khai cơ chế giám sát chặt chẽ các cổ đông, việc chấp hành giới hạn sở hữu cổ phần và quan hệ tín dụng của cổ đông, người có liên quan với tổ chức tín dụng; định kỳ xem xét, đánh giá thực trạng cơ cấu sở hữu vốn điều lệ và mức độ ảnh hưởng cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn và người có liên quan của các cổ đông lớn đối với quản trị, điều hành và hoạt động của TCTD.

Bên cạnh đó, trong hoạt động tái cơ cấu, NHNN sẽ chú ý đặc biệt các cổ đông, nhóm cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần, vốn góp từ các cổ đông cũ tại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Các cổ đông này phải chứng minh có đủ năng lực tài chính, không sử dụng vốn vay, vốn huy động từ chính TCTD đó hoặc các tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, NHNN thông qua các công cụ theo dõi, giám sát và phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành thêm các biện pháp xác minh nguồn tiền hợp pháp của cổ đông mới.

Khi cho phép một số nhà đầu tư có năng lực tài chính tham gia làm cổ đông để giúp TCTD yếu kém tự chấn chỉnh, củng cố tiềm lực, NHNN cho biết đã tiến hành thận trọng. Theo đó, để được NHNN xem xét, phê duyệt, việc mua lại cổ phần, tham gia góp vốn của các nhà đầu tư mới phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về giới hạn sở hữu cổ phần và phải sử dụng nguồn vốn tự có, không sử dụng vốn đi vay, vốn ủy thác.

Có thể nói, việc làm rõ nguồn tiền của các cổ đông cá nhân hay tổ chức khi tham gia mua cổ phần của các ngân hàng hay tham gia quá trình tái cơ cấu ngân hàng có ý nghĩa quyết định đối với việc dòng tiền tái cơ cấu, dòng tiền mới đổ vào ngân hàng có “sạch” và phát huy được hiệu quả hay không.

Như TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế từng thừa nhận, sở hữu chéo là hệ quả tất yếu của quá trình tái cơ cấu, bởi phải có ông chủ mới tham gia thì ngân hàng mới có thể có nguồn vốn mới để tái cơ cấu. Tuy nhiên, bản chất sở hữu chéo sẽ không đáng ngại, nếu như nó minh bạch.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù từ nay đến năm 2015, Việt Nam khó có thể bóc tách hết sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, song nếu làm rõ tình trạng sở hữu của các cổ đông lớn, yêu cầu các cổ đông lớn thoái vốn về đúng mức quy định, loại bỏ các cổ đông không có năng lực tài chính…, thì sở hữu chéo không còn là vấn đề đáng ngại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư