Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 18 tháng 10 năm 2024,
Bối cảnh thuận lợi, Nhiệt điện Hải Phòng vẫn gặp khó
Duy Bắc - 21/07/2023 12:45
 
Dù nhiệt điện được tăng cường để bù đắp sự thiếu hụt sản lượng từ các nhà máy thủy điện, nhưng kết quả kinh doanh nửa đầu năm của Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng vẫn suy giảm mạnh.

Nhiệt điện được tăng cường

Không còn là lo ngại, hiện tượng EI Nino đã quay lại trong năm 2023 khiến nhiệt độ tăng cao. Tại Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc, thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2023, hàng loạt nhà máy thủy điện ghi nhận lượng nước tại các hồ thủy điện suy giảm, một số nơi giảm về mực nước chết, dẫn tới giảm sản lượng điện.

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, 11 nhà máy thủy điện đã phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước các hồ thủy điện không đảm bảo như Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Huội Quảng, Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Tuyên Quang, Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện Hủa Na, Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Trị An, Thủy điện Đại Ninh, Thủy điện Pleikrong.

Tình trạng thiếu nước tại các nhà máy thủy điện và việc cắt giảm điện đã giảm bớt trong tháng 7, nhưng có thể tiếp tục diễn ra khi mùa nắng nóng vẫn kéo dài tại miền Bắc.

Với việc nguồn phát điện từ các nhà máy thủy điện suy giảm, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, đây là cơ hội cho các nhà máy nhiệt điện, bao gồm nhiệt điện khí và nhiệt điện than, có thể tăng công suất để bù đắp thiếu hụt điện do sản lượng các nhà máy thủy điện suy giảm mạnh. Điều này cũng là cơ sở để kỳ vọng nhóm doanh nghiệp nhiệt điện có thể có bức tranh kinh doanh tươi sáng hơn trong thời gian tới.

Nhiệt điện Hải Phòng kinh doanh lao dốc

Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp nhiệt điện có dấu hiệu bật tăng mạnh. Trong đó, từ ngày 3/1 đến 28/6, giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND) đã bật tăng 27,8%, từ 12.600 đồng lên 16.100 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần trở lại đây, giá cổ phiếu HND có dấu hiệu đảo chiều và giảm về 15.400 đồng/cổ phiếu (ngày 14/7).

Nhiệt điện Hải Phòng hiện sở hữu 4 tổ máy, trong đó tổ máy 1&2 phát điện năm 2011, tổ máy 3&4 phát điện năm 2014 với tổng công suất 1.200 MW. Ước tính tổ máy 1& 2 bắt đầu giảm khấu hao từ cuối năm 2021 và Công ty sẽ hết nợ vay từ năm 2024, giúp Công ty cải thiện biên lợi nhuận ròng. Cuối năm 2018, tổng dư nợ vay của Công ty là 7.252 tỷ đồng, chiếm 52,7% tổng nguồn vốn, nhưng vào cuối quý I/2023 chỉ còn 1.172,4 tỷ đồng, chiếm 13,9% tổng nguồn vốn.

Dù được kỳ vọng về việc tăng cường huy động nguồn nhiệt điện, cũng như giảm áp lực chi phí tài chính do giảm dư nợ vay, giảm chi phí khấu hao sau nhiều năm vận hành, nhưng bức tranh tài chính 6 tháng đầu năm của Nhiệt điện Hải Phòng không được như kỳ vọng.

Cụ thể, trong quý I/2023, Công ty ghi nhận doanh thu 2.571,2 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022 và lợi nhuận sau thuế 10,7 tỷ đồng, giảm 96,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 12,6% về chỉ còn 1,8%. Lý giải về kết quả kinh doanh lao dốc, Công ty cho rằng, chủ yếu do giá than tăng cao hơn so với cùng kỳ dẫn đến chi phí nhiên liệu tăng.

Tới quý II/2023, bức tranh tài chính của Nhiệt điện Hải phòng vẫn không có nhiều thay đổi. Công ty ghi nhận doanh thu đạt 3.366,5 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 180,9 tỷ đồng, giảm 35,3% so với cùng kỳ và biên lợi nhuận gộp tiếp tục suy giảm mạnh từ 13,8% về chỉ còn 6,8%.

Thực tế, trong quý II/2023, sản lượng điện của Nhiệt điện Hải Phòng đã cao hơn 239,7 triệu kWh, đồng thời giá thị trường cao hơn so với cùng kỳ năm 2022, nhưng biên lợi nhuận gộp vẫn suy giảm mạnh. Lý giải cho việc này, Công ty cho rằng, do giá than tiếp tục duy trì mức cao.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, mặc dù sản lượng điện được tăng cường, nhưng lợi nhuận sau thuế của Nhiệt điện Hải Phòng chỉ ghi nhận 191,1 tỷ đồng, giảm 64,5% so với cùng kỳ (giảm 346,8 tỷ đồng). Như vậy, so với kế hoạch lãi trước thuế năm 2023 là 565,67 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành được 35,6% sau nửa năm (lãi 201,2 tỷ đồng).

Quay trở lại với diễn biến chi phí nguyên liệu đầu vào là than của Nhiệt điện Hải Phòng (chiếm trọng số giá vốn của Công ty), giá than đã hạ nhiệt trong 6 tháng đầu năm và so với vùng đỉnh. Cụ thể, từ ngày 2/1/2023 đến 14/7/2023, giá than thế giới đã giảm 66,2%, từ 389,6 USD/tấn về 131,65 USD/tấn và nếu nhìn từ đỉnh ngày 12/9/2022 (439 USD/tấn), đã giảm hơn 70%.

Có thể thấy, dù giá than đã lao dốc và giảm mạnh so với đỉnh cuối năm 2022, nhưng bức tranh tài chính của Nhiệt điện Hải Phòng chưa được như kỳ vọng trong bối sản lượng điện được tăng cường và giá bán được điều chỉnh tăng.

Thực tế, sau cơn sốt từ giữa năm 2020 đến gần cuối năm 2022, giá than thế giới bắt đầu bước vào chu kỳ điều chỉnh và giảm mạnh, hiện giao dịch gần với vùng trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hóa, nguyên nhân giá than lao dốc là dữ liệu kinh tế gây thất vọng của Trung Quốc (nền kinh tế lớn thứ hai thế giới), với việc kinh tế tăng trưởng chậm, giá tiêu dùng vẫn trì trệ trong tháng 6/2023, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Nhiệt điện Hải Phòng: Sau 6 quý có lãi đã quay trở lại lỗ trong quý IV/2022
CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND - UPCoM) ghi nhận doanh thu 2.238,15 tỷ đồng và lỗ 7,55 tỷ đồng trong quý IV/2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư