Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bù đắp khoảng trống trên thị trường trái phiếu
Trần Mạnh - 07/10/2024 09:35
 
Thị trường trái phiếu Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm mạnh thanh khoản nếu không có cơ chế kịp thời thu hút nhà đầu tư “cá mập”, bởi nhà đầu tư cá nhân sắp bị loại khỏi cuộc chơi trái phiếu riêng lẻ.

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, trong đó có Luật Chứng khoán được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp diễn ra vào tháng 10 tới, có một điểm điều chỉnh đáng chú ý là sẽ loại nhà đầu tư cá nhân, chỉ cho cho phép nhà đầu tư tổ chức mua bán trái phiếu riêng lẻ.

Quy định chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức (công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, ngân hàng…) tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ là cần thiết, bởi đây là nhóm nhà đầu tư đủ nguồn lực, nhân lực và có khả năng, kỹ năng phân tích từng mã trái phiếu, cũng như quản trị rủi ro.

Tại Việt Nam, hầu hết trái phiếu được phát hành và giao dịch trên thị trường thứ cấp đều là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Nhưng nắm giữ trái phiếu riêng lẻ chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, còn nhà đầu tư tổ chức (công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ đầu tư) chỉ nắm khoảng 8% trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. 

Dư địa mở rộng nhà đầu tư tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Hiện cả nước có hơn 100 quỹ nội địa (nắm giữ khoảng 74.000 tỷ đồng), các công ty bảo hiểm (sở hữu danh mục đầu tư hơn 900.000 tỷ đồng) đều chưa đầu tư đáng kể vào trái phiếu doanh nghiệp.

Hàng loạt quỹ đầu tư nước ngoài quản lý hàng trăm tỷ USD tài sản chưa đầu tư vào địa hạt này. Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý 1,2 triệu tỷ đồng cũng chưa được phép đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Trong nhóm nhà đầu tư tổ chức, ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán là bên mua tích cực nhất, nhưng giá trị nắm giữ còn nhỏ so với quy mô thị trường. 

Để khuyến khích các “cá mập” tham gia thị trường này, trước hết cần thay đổi cơ chế.

Thứ nhất, đẩy nhanh thị trường xếp hạng tín nhiệm. Chỉ khi trái phiếu được xếp hạng, nhà đầu tư tổ chức mới có căn cứ tham gia thị trường. Nhiều quỹ ngoại đang muốn tham gia đầu tư trái phiếu tại Việt Nam, song lại bế tắc do đa phần trái phiếu chưa được xếp hạng.

Thứ hai, cần cơ chế mở hơn với hoạt động đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, doanh nghiệp bảo hiểm không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành. Song thực tế, nhiều trái phiếu doanh nghiệp được phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ, nhưng là những doanh nghiệp có mức độ rủi ro thấp và có xếp hạng tín nhiệm ở mức cao. Điều đó có nghĩa, việc ngăn công ty bảo hiểm đầu tư vào trái phiếu xếp hạng tín nhiệm thấp, rủi ro cao sẽ hiệu quả hơn là ngăn công ty bảo hiểm đầu tư vào trái phiếu phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ. 

Thứ ba, với nhóm các quỹ đầu tư (bao gồm quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp), cần rà soát các chính sách hiện hành nhằm giúp các quỹ này phát triển, từ đó thu hút sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp thông qua các đơn vị quản lý quỹ chuyên nghiệp được cấp phép và quản lý bởi đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp. Đó có thể là các giải pháp ưu đãi về thuế, về cơ chế tái cấp vốn…

Thứ tư, cho phép Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và một số đơn vị quản lý vốn nhà nước (như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC) đầu tư vào trái phiếu. Sự tham gia của các định chế này sẽ góp phần cải thiện niềm tin của công chúng vào kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và đây cũng là thông lệ của các thị trường trong khu vực.

Cuối cùng, ngoài các biện pháp khuyến khích nhà đầu tư tổ chức, cần có thêm giải pháp tuyên truyền để nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp hiểu biết sâu hơn về trái phiếu doanh nghiệp, tiếp tục đầu tư vào thị trường này thông qua các quỹ.

Đương nhiên, bên cạnh cơ chế khuyến khích nhà đầu tư, điểm mấu chốt nhất có thể khiến trái phiếu doanh nghiệp trở nên hấp dẫn là chất lượng nhà phát hành phải được nâng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phát hành cần công khai, minh bạch hơn để tạo uy tín với nhà đầu tư.  

Khi khuyến khích được nhà đầu tư tổ chức tham gia nhiều hơn và “nắn” nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ qua các quỹ, thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát triển chuyên nghiệp, bền vững hơn. Khi đó, thị trường sẽ nâng tầm vị thế, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn không thể thiếu với doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu phát triển bất đối xứng, nhà đầu tư gánh rủi ro
Tuần này, Tòa án Nhân dân TP.HCM sẽ đưa vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2 ra xét xử. Ngoài sai phạm của doanh nghiệp phát hành, vụ án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư