-
Chủ tịch UBND TP.HCM trăn trở khi Thành phố chưa thể đăng cai các sự kiện tầm cỡ -
Mục tiêu tăng trưởng 7% năm 2024 là khả thi -
Cà Mau tận dụng lợi thế, phát huy hiệu quả các nguồn lực -
Đảm bảo chất lượng, tiến độ thẩm định Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam -
Lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 3, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo phương thức PPP -
Chuẩn bị cho giai đoạn 2 dự án Khu công nghiệp Quảng Trị
Đề nghị tạm dừng các dự án trong khu vực Sân bay Nội Bài
Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND Tp Hà Nội đề nghị rà soát, tạm dừng các dự án nằm trong ranh giới nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đang được tiến hành điều chỉnh quy hoạch. |
Theo đó, để triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018, Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ Pháp cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để thực hiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu phương án mở rộng và lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện nay, Tư vấn ADPi của Pháp đã hoàn thành dự thảo Báo cáo cuối kỳ và đang được Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT xem xét, trước khi lấy ý kiến tham gia của UBND Tp Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay có một số dự án nằm trong ranh giới nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã được UBND Tp Hà Nội cấp phép đầu tư và các nhà đầu tư chuẩn bị khởi công như: Dự án xây dựng nhà ga hàng hóa ALS (nằm trong khu vực nghiên cứu dự kiến xây dựng nhà ga hành khách T3), Dự án khu khách sạn hàng không, dịch vụ thương mại (nằm trong khu vực nghiên cứu dự kiến xây dựng khu phụ trợ hàng không và đường lăn nối Bắc – Nam).
Để tránh lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng và thuận lợi trong công tác nghiên cứu lập quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đề nghị UBND Tp Hà Nội rà soát, chỉ đạo các nhà đầu tư tạm dừng các dự án nằm trong ranh giới nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho đến khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tính đến đầu tháng 8/2020, tư vấn ADPi (Pháp) đã cơ bản hoàn thành báo cáo cuối kỳ về quy hoạch cảng hàng không quan trọng bậc nhất cả nước này.
Cụ thể, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ được quy hoạch là sân bay dùng chung dân dụng - quân sự, đạt cấp 4F theo quy định của ICAO, có thể khai thác các loại tàu bay lớn nhất hiện tại như B777-X, B747-8, B777-300ER và A380. Đến năm 2030, sân bay Nội Bài có thể đạt công suất 63 triệu khách/năm và 2 triệu tấn hàng hóa/năm. Con số này sẽ tăng lên 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa vào năm 2050.
Đáng chú ý, giai đoạn đến năm 2030, Nội Bài sẽ có 3 đường cất/hạ cánh (CHC), trong đó giữ nguyên 2 đường CHC hiện hữu phía Bắc và xây mới 1 đường CHC mới phía Nam, cách đường CHC 1B hiện hữu là 2.200m.
Trong giai đoạn này, Nội Bài sẽ có 3 nhà ga hành khách, trong đó nhà ga T2 hiện hữu sẽ tiếp tục được mở rộng để đạt công suất chung giữa T1+T2 là 30 - 40 triệu khách/năm. Nhà ga T3 được xây mới ở phía Nam đạt công suất khoảng 30 triệu khách/năm.
Đến năm 2050, một trong hai sân bay lớn nhất cả nước này sẽ có 4 đường cất hạ cánh. Đường cất hạ cánh thứ 4 sẽ được xây mới ở phía Nam. Trong giai đoạn này, Nội Bài sẽ có 4 nhà ga hành khách. Cụ thể, sẽ tiếp tục xây mới nhà ga hành khách T4 công suất 25 triệu khách/năm tại vị trí nhà ga T1 hiện hữu và xây mới nhà ga T5 đạt công suất khoảng 25 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu.
Về quy hoạch sử dụng đất, nguyên tắc được tư vấn tuân thủ chặt chẽ là đảm bảo hạn chế mở rộng và điều chỉnh phạm vi quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội (diện tích khoảng 2.230 ha); đảm bảo đủ quỹ đất cho quốc phòng.
Chính phủ tiếp tục họp trực tuyến để thúc đầu tư công
Hôm 21/8, Chính phủ một lần nữa họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Xác định đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp tích cực để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, thêm một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương để “thúc” đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương để “thúc” đầu tư công, ngày 21/8. (Ảnh: Kỳ Thành) |
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tinh thần hội nghị “rất thẳng thắn, chân tình chứ không phải xuê xoa, dễ dãi, tinh thần là phải giải ngân hết số vốn còn lại ở các bộ, các ngành, địa phương mà nếu không làm việc đó thì cương quyết có chế tài kèm theo để xử lý vấn đề đến nơi đến chốn”.
Nhắc lại kết luận tại hội nghị tháng trước là quyết tâm giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng và hằng tháng sẽ họp để kiểm điểm công việc này, Thủ tướng nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là chủ trương quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ ngải ngân vốn đầu tư công.
“Nói trên giấy tờ thì dễ, cứ bàn mà không xúc tiến thì không được”. Ví dụ như khâu giải phóng mặt bằng là một ách tắc, nếu không vào cuộc tích cực, vận động nhân dân ủng hộ thì sẽ khó khăn, ông phân tích.
Chính phủ đã đề ra một số biện pháp cần thiết như phân bổ vốn nhanh, “vậy chúng ta đã phân bổ vốn hết chưa, vì sao chưa phân bổ hết”, nhất là đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới. Một số dự án công trình quan trọng được giải quyết đến đâu, Thủ tướng nêu ví dụ cụ thể về dự án đường cao tốc Bắc-Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ…, Thủ tướng đặt vấn đề.
Đánh giá cao tiến bộ trong công tác giải ngân so với cùng kỳ, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn có một số bộ, ngành, địa phương chậm trễ. Do đó, hội nghị hôm nay sẽ rà lại những việc đã nói, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc. "Không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được do sự chủ quan, việc tổ chức thực hiện kém", ông nhấn mạnh.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay sau Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc nhằm đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020, được Chính phủ tổ chức vào trung tuần tháng 7/2020, đã có 7 đoàn công tác tới tận các địa phương để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.
Nhờ sự nỗ lực này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực so với những tháng đầu năm, đặc biệt là khối địa phương.
Cụ thể, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm số vốn các năm trước kéo dài sang năm 2020).
Tuy nhiên, ước giải ngân đến 31/8/2020 là 221.768,74 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Vào cùng thời điểm của năm trước, tỷ lệ đạt được chỉ là 41,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, việc giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực hơn.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện đã có 5 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Trong đó, có thể kể đến Bộ Nội vụ, Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…
Bên cạnh đó, là Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Tây Ninh, Tiền Giang.
Tuy nhiên, vẫn có 29 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Trong đó, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
Thực tế này chính là một trong những vấn đề khiến Thủ tướng Chính phủ rất sốt ruột. Đó là cùng một thể chế, chính sách, nhưng có nơi giải ngân rất tốt, có địa phương lại giải ngân thấp. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do yếu tố chủ quan, do sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của các lãnh đạo địa phương.
Bên cạnh đó, tổng hợp báo cáo từ 7 đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2020 đến nay là công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù.
Một ví dụ cụ thể có thể nhắc đến, đó là tại dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, những vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án thành phần là rất lớn.
Công tác này thuộc trách nhiệm của các địa phương (dự án đi qua 13 tỉnh, hầu hết các địa phương đều có vướng mắc chưa xử lý như: hạng mục xây dựng tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật điện, nước, viễn thông...).
Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng có chuyển biến, ước đạt 47%
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và sự đôn đốc của các Đoàn công tác, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm đôn đốc đẩy mạnh giân ngân vốn đầu tư công năm 2020 sáng nay, 21/8.
Đây là hội nghị thứ ba trong năm 2020 về vấn đề đầu tư công - giải pháp tích cực được Chính phủ xác định là yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Ước giải ngân đến 31/8 đạt 47%
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới đến nền kinh tế nước ta là khá toàn diện, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nặng nề, suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế,…
Sau hội nghị giao ban ngày 16/7, Chính phủ đã tổ chức 07 Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn kiểm tra tại các bộ, địa phương nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công.
Tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 được Quốc hội thông qua tháng 11/2019, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN kế hoạch năm 2020 là 470.600 tỷ đồng, chia ra vốn trong nước: 410.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài: 60.000 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ vốn đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương chiếm 22,9% và vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1% tổng số.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến 31/8 là 221.768 tỷ đồng đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%), trong đó vốn NSTW đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác nêu trên, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực”.
Theo đó, có 5 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên có 29 bộ, cơ quan trung ương và 06 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
Về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải đến nay, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần 5.530/8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 61,6%. “Tiến độ thực hiện dự án và giải ngân cơ bản đáp ứng theo đúng kế hoạch đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Đi sâu phân tích về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho hay, trong 8 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân hơn 1.376 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay gần 2.514 tỷ đồng, đạt 13,82% kế hoạch được giao. “Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã giao của dự án đạt mức thấp, khó có khả năng hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất và giải ngân hết kế hoạch vốn NSTW”, ông Dũng nói.
Kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019
Phân tích các nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng hợp báo cáo từ các Đoàn công tác, khó khăn lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2020 đến nay là công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, cụ thể như vướng mắc chủ yếu của dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 ở công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án thành phần mà công tác này thuộc trách nhiệm của các địa phương (dự án đi qua 13 địa phương).
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020, “trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt”.
Ông đề nghị phải xác định rõ tồn tại, yếu kém trong các khâu từ chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư để kịp thời đôn đốc, xử lý những khó khăn, vướng mắc.
Các bộ ngành, địa phương phải phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2020.
Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để rút ngắn thời gian, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 đến hết ngày cuối cùng của năm 2020.
Vĩnh Long mời gọi 14 dự án đầu tư lĩnh vực đô thị - nhà ở
UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Quyết định số 2167/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục dự án mời gọi đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2020 – 2025.
Tỉnh Vĩnh Long mời gọi đầu tư 14 dự án lĩnh vực đô thị- nhà ở. |
Theo đó, có 58 dự án mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực với tổng vốn đầu tư ước khoảng 54.886 tỷ đồng. Trong số này, chỉ riêng lĩnh vực đô thị- nhà ở đã có 14 dự án với tổng số vốn đầu tư ước khoảng 35.817 tỷ đồng, chiếm trên 65% tổng số vốn mời gọi đầu tư.
Một số dự án có qui mô vốn lớn là: Khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh Vĩnh Long có quy mô 300 ha, vốn đầu tư ước khoảng 7.500 tỷ đồng; Khu đô thị sinh thái nông nghiệp An Bình, huyện Long Hồ quy mô 708 ha, vốn đầu tư ước khoảng 9.240 tỷ đồng; Khu đô thị mới Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh quy mô 500 ha, vốn đầu tư khoảng trên 8.000 tỷ đồng; Khu đô thị mới và tổ hợp dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng Tân Quới, huyện Bình Tân quy mô 330 ha, vốn đầu tư khoảng 5.315 tỷ đồng; Khu đô thị sinh thái, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí và du lịch Cồn Chim, phường Tân Ngãi, TP. Vĩnh Long quy mô 126 ha, vố đầu tư khoảng 3.150 tỷ đồng...
Về hình thức đầu tư, các dự án trên mời gọi 100% vốn của nhà đầu tư hoặc liên danh để thực hiện dự án.
Đồng Nai gỡ khó Dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai xác nhận vừa làm việc với Tổng công ty Tín Nghĩa và PV POWER để gỡ khó thực hiện dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.
PV POWER có kinh nghiệm đã làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 2. Dự án nhiệt điện rất thành công tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. |
Trong cuộc làm việc với Tổng công ty Tín Nghĩa và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV POWER), ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhất trí để PV POWER ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với nhà nước.
Tuy nhiên, Tổng công ty Tín Nghĩa phải phối hợp với các cơ quan hữu trách địa phương hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng sạch giao PV POWER triển khai dự án.
Đối với phí sử dụng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp ông Kèo, Tổng công ty Tín Nghĩa và PV POWER bàn bạc thoả thuận trên nguyên tắc, nhà đầu tư sử dụng hạ tầng kỹ thuật ở thời điểm nào thì thanh toán với chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN (Tổng công ty Tín Nghĩa) đến đó theo quy định.
Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 do PV POWER làm chủ đầu tư, có công suất 750MW với sản lượng điện 10,5 tỷ Kwh/năm, lớn nhất Việt Nam hiện nay. Dự kiến, khi di vào hoạt động, mỗi năm nhà máy này sẽ tạo doanh thu 22 ngàn tỷ đồng và nộp ngân sách 600 tỷ đồng, phí tài nguyên 100 tỷ đồng và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nhu cầu sử dụng đất của dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 khoảng 51 ha. Trong đó, đất xây dựng nhà máy là 33 ha, đất thuê làm mặt bằng thi công là 18 ha. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được khởi công vào quý 1/2021. Hiện nay khu vực đất mà PV POWER dự kiến thuê vẫn còn 7 ha chưa được đền bù giải phóng mặt bằng và hơn 6 ha đã phê duyệt phương án đền bù nhưng người dân chưa nhận tiền.
Tới nay, PV POWER và Tổng công ty Tín Nghĩa chưa thoả thuận được phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp (mức phí 5,1 USD/năm). Trong khi đó, Tổng công ty Tín nghĩa cũng chưa đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn thiện và không cung cấp được cơ sở pháp lý để xác định đơn giá nêu trên.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai giao trách nhiệm cho Ban Quản lý các khu công nghiệp theo dõi, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của nhà nước về thủ tục đầu tư, xây dựng để dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 được triển khai đúng tiến độ.
Đề xuất đưa vào quy hoạch tuyến cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi
UBND tỉnh Kon Tum vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung tuyến đường đoạn Bờ Y - Ngọc Hồi vào Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Cửa khẩu quốc tế Bờ Y - điểm khởi đầu của tuyến cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi. |
Tuyến cao tốc Bờ Y – Ngọc Hồi có điểm đầu tại nút giao giữa đường NT18 và đường Ngọc Hồi - Dốc Muối, cách Trạm kiểm soát liên hợp khoảng 1,3 km; điểm cuối: Giao với đường cao tốc Ngọc Hồi - Pleiku tại lý trình Km1495+320 (thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) thuộc Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh đã được phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng chiều dài của tuyến cao tốc này là khoảng 19 km, được xây dựng mới hoàn toàn theo quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 80-100Km/h, từ 4-6 làn xe, bề rộng mặt cắt ngang nền đường từ 22-29m, phạm vi quản lý hành lang an toàn đường bộ tính từ tim đường ra mỗi bên là 50m. Quy mô này là tương đương quy mô đường cao tốc Hồ Chí Minh đoạn Ngọc Hồi - Pleiku đã được duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg.
“Việc đưa vào quy hoạch là cơ sở triển khai đầu tư Dự án đường cao tốc đoạn từ Cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Ngọc Hồi, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương giữa Việt Nam - Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan thông qua cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Ngọc Hồi - Phu Cưa, Attapư”, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết.
Được biết, tại Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg thì tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, có điểm đầu từ Ngọc Hồi, Kon Tum đến Chơn Thành, Bình Phước có tổng chiều dài khoảng 494 km và được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc từ 4 - 6 làn xe, riêng đoạn đường cao tốc từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) chưa có trong quy hoạch được duyệt.
Thực hiện ý kiến Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum tại Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 5/8/2016 của Văn phòng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh đình Dung tại Công văn số 1787/VPCP-CN ngày 28/2/2017 về việc đầu tư tuyến đường cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Pleiku, UBND tỉnh Kon Tum đã bố trí kinh phí và chỉ đạo Sở GTVT nghiên cứu, lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Pleiku làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; đồng thời có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung đường cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi vào quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Tuy nhiên, đến nay đoạn đường này chưa được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam, nên việc lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Pleiku vẫn chưa triển khai thực hiện được.
CMC đề xuất đầu tư 12.000 tỷ xây dựng Tổ hợp Không gian sáng tạo tại Đà Nẵng
Tập đoàn Công nghệ CMC vừa đề xuất với lãnh đạo TP. Đà Nẵng đầu tư 12.000 tỷ xây dựng Tổ hợp Không gian Sáng tạo CMC.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ vừa có buổi làm việc trực tuyến với Tập đoàn Công nghệ CMC về đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp Không gian Sáng tạo CMC (CMC Creative Space) tại Đà Nẵng.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng đang thu hút được nhiều dự án của các nhà đầu tư. |
Tập đoàn CMC đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp Không gian Sáng tạo CMC (CMC Creative Space) với các phân khu chức năng như: khu nghiên cứu và phát triển; khu sản xuất phẩn mềm, công nghệ thông tin; trạm trung chuyển Internet; trung tâm dữ liệu; khu nhà ở cho chuyên gia, cán bộ nhân viên và dịch vụ liên quan với đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn cao cấp. Dự kiến, tổng mức đầu tư cho dự án này là 12.000 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn đầu tư.
Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, dự án này hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành cửa ngõ quốc tế về trung tâm kết nối và lưu trữ dữ liệu, nằm trong chiến lược đưa Việt Nam trở thành Digital Hub khu vực châu Á – Thái Bình Dương; tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động vào giai đoạn 1 và 10.000 lao động ở giai đoạn 2.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đánh giá rất cao đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp Không gian Sáng tạo CMC; thống nhất chủ trương cho phép Tập đoàn Công nghệ CMC là nhà đầu tư đề xuất dự án; đề nghị CMC nhanh chóng triển khai các thủ tục liên quan nhằm sớm trình hồ sơ đề xuất dự án. Ông Huỳnh Đức Thơ giao Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong công tác quy hoạch của dự án nhằm phù hợp với quy hoạch chung của thành phố, Sở Tài Nguyên và Môi trường có trách nhiệm tập trung thẩm định, tính toán, đề xuất mức giá đất để đưa ra đấu giá công khai theo quy định.
“Mục tiêu của dự án hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của thành phố là trở thành trung tâm công nghệ cao, công nghệ thông tin của cả nước và khu vực. Thành phố ủng hộ và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đề xuất dự án, đi vào nghiên cứu chi tiết”, ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định.
Đại diện Tập đoàn CMC cho biết, hiện CMC đang triển khai dự án đề xuất Việt Nam trở thành Digital Hub khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương hiện có 3 Digital Hub chính là Hồng Kong, Singapore và Nhật Bản; và Việt Nam được đánh giá hội đủ các điều kiện để trở thành Digital HUB tiếp theo của khu vực.
Tập đoàn CMC đang xúc tiến nhiều chương trình hành động như xây dựng Data Center trung lập với kết nối cao, quy mô lớn tại Khu chế xuất Tân Thuận quận 7 (đạt tiêu chuẩn Tier 3 IDC IIIA) và Khu công nghệ cao SHPT quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. CMC cũng chủ trì xây dựng trạm trung chuyển Internet tiểu vùng sông Mê Kong GMS-IX (Greater Mekong Subregion - Tnternet Exchange), đặt tại Data Center trung lập, đảm bảo hạ tẩng và dung lượng kết nối đủ lớn cho các nhà mạng viễn thông, Internet, nội dung số trong nước kết nối, hướng tới chính sách mở từng bước cho các nhà mạng trong khu vực, OTT kết nối vào.
Tập đoàn CMC đã đầu tư xây dựng tuyến cáp trục xuyên Việt CVCS (Cross Vietnam Cable System), có tổng chiểu dài hơn 2.500 km chạy từ Lạng Sơn, Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đến Tây Ninh, đi qua 19 tỉnh thành trên cả nước. Tuyến CVCS có tổng đầu tư hơn 500 tỷ đồng và là tuyến cáp Việt Nam duy nhất kết nối trực tiếp vào mạng lưới cáp đất liền Đông Nam Á - A Grid. Theo đó, Việt Nam đã chính thức nằm trong mạng lưới khu vực, kết nối qua các quốc gia Malaysia, Singapore, Campuchia và Thái Lan.
Kiên Giang bỏ quy chế phối hợp gây chồng chéo trong đầu tư công
Bãi bỏ các quy chế phối hợp giữa Chủ đầu tư và các BQL dự án của tỉnh sẽ giúp chủ đầu tư chủ động trong thực hiện dự án, góp phần giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư.
Theo biên bản cuộc họp và đề nghị của các chủ đầu tư công (các sở ngành) trong tỉnh, vào ngày 29/7 vừa qua, Sở Xây dựng Kiên Giang có Tờ trình đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang bãi bỏ các quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư công và các Ban quản lý dự án của tỉnh đã và đang áp dụng gần 2 năm qua.
Trước đó, sau khi thành lập 3 Ban quản lý dự án (theo nhóm lĩnh vực) trực thuộc UBND tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh ra Quyết định ban hành quy chế phối hợp này và trong quá trình thực hiện cũng được chỉnh sửa vài lần, nhưng các chủ đầu tư công vẫn kêu khó, đặc biệt là chậm trễ thủ tục đầu tư.
Thực hiện các Thông tư và Nghị định liên quan của Chính phủ hướng dẫn về quản lý dự án đầu tư theo Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và xem xét Tờ trình của Sở Xây dựng, vào ngày 6/8/2020 Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký Quyết định số 1821/QĐ-UBND về việc bãi bỏ các Quyết định ban hành các quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư công với các Ban quàn lý dự án của tỉnh.
Theo đó, chủ đầu tư được phép ký hợp đồng ủy thác toàn bộ hay một phần việc của mình cho Ban quản lý dự án thực hiện (sau khi xin ý kiến của người ký quyết định đầu tư), hoặc không ủy quyền mà tự thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định pháp luật.
Theo nhiều lãnh đạo sở, ngành ở tỉnh Kiên Giang, công việc ban đầu của khâu lập dự án như xin chủ trương, lập thủ tục kế hoạch đầu tư cho đến đấu thầu và lựa chọn nhà thầu thi công hay mua sắm, đơn vị chủ đầu tư đủ khả năng thực hiện và chủ động triển khai nhanh chóng. Còn phần việc tiếp theo là ký kết hợp đồng với nhà thầu, quản lý thi công, mua sắm và điều hành dự án đến khi nghiệm thu là của Ban quản lý dự án theo quy định pháp luật, không bị chồng chéo như vừa qua.
Cụ thể, theo Quy chế phối hợp vừa qua thì Ban quản lý dự án làm thủ tục đầu tư từ ban đầu cho đến kết thúc dự án, chủ đầu tư chỉ tham gia với tư thế bị động. Trong khi đó, các hồ sơ thủ tục ban đầu dự án của nhiều Sở ngành phải quay nhiều vòng giữa chủ đầu tư và Ban quản lý dự án thì mới được trình lên cấp trên phê duyệt. Trong khi tất cả hồ sơ của các sở ngành đều dồn vào "cửa" Ban quản lý dự án, dẫn đến quá tải và chậm trễ là không tránh khỏi.
Theo Quyết định mới này, các dự án đã và đang triển khai gói thầu thì vẫn tiếp tục thực hiện theo quy chế phối hợp cũ. Riêng các dự án mới, chưa đấu thầu thì phải thực hiện theo Quyết định mới này, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và giải ngân nhanh có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công ở tỉnh Kiên Giang.
Nỗ lực bù tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Đồng Nai đang nỗ lực bù tiến độ, sớm khởi công trình hạ tầng xã hội thuộc khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ người dân bị giải toả dự án sân bay Long Thành.
Trường học là hạng mục xây dựng hạ tầng xã hội được ưu tiên xây dựng tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. |
Trễ tiến độ vì không chọn được nhà thầu
Xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn là hạng mục quan trọng thuộc dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cuối tháng 4 vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã khởi công 5 gói thầu ưu tiên xây dựng hệ thống hạ tầng của khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn gồm tuyến thoát nước ngoài ranh khu tái định cư và 4 tuyến đường giao thông chính.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai (chủ đầu tư) cho biết: đối với 5 gói thầu ưu tiên, hiện nay các nhà thầu đang triển khai thi công trên toàn công trường và thường xuyên được kiểm soát về chất lượng, tiến độ.
“Khoảng nửa tháng qua, thời tiết ít mưa, tương đối thuận lợi nên các nhà thầu đã đẩy nhanh thi công để lấy lại tiến độ bị chậm trong thời gian trước đó. Dự kiến sẽ hoàn thành thi công các gói thầu này vào tháng 10/2020”, ông Tuấn nói.
Hiện tại, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cũng đã hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu15 gói thầu của 12 phân khu và các gói thầu hệ thống điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cấp nước của khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Các nhà thầu đã tổ chức triển khai thi công các gói thầu trên vào cuối tháng 7 vừa qua. Sau khi chuẩn bị mặt bằng định vị công trình các nhà thầu sẽ khẩn trương triển khai thi công. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành thi công các gói thầu trên đây vào tháng 12/2020.
Cùng với việc triển khai thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn hiện cũng đang được triển khai gấp rút. Bởi, theo như yêu cầu của UBND tỉnh, khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phải được xây dựng đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để đáp ứng tốt nhất các điều kiện cho người dân khi chuyển đến nơi ở mới.
Đánh giá của chủ đầu tư thì tiến độ thực hiện các gói thầu xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đang bị trễ hơn so với kế hoạch ban đầu.Theo kế hoạch, sẽ có 5 công trình thuộc hạng mục xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội tại khu tái định cư được ưu tiên triển khai sớm gồm: trung tâm văn hóa, trụ sở UBND xã, trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS.
Giữa tháng 7/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu khảo sát địa chất công trình và gói thầu giám sát khảo sát đối với các công trình này. Tuy nhiên, công tác lựa chọn nhà thầu lần đầu đã không thành công do không có nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai đang tổ chức đấu thầu lại và dự kiến sẽ hoàn thành đấu thầu trong tháng 8/2020.
“Do không chọn được nhà thầu trong lần đấu thầu đầu tiên nên kế hoạch triển khai các gói thầu cũng có sự thay đổi. Nên theo quy định pháp luật phải tiến hành lựa chọn nhà thầu lại. Dự kiến trong tháng 10/2020, sẽ khởi công xây dựng 5 công trình ưu tiên và hoàn thành xây dựng vào tháng 4/2020. So với kế hoạch ban đầu, thời gian khởi công có chậm hơn khoảng 1 tháng”, ông Tuấn cho biết.
Giải pháp phòng ngừa rủi ro
Theo cam kết của tỉnh Đồng Nai với Chính phủ, vào tháng 10/2020, địa phương sẽ bàn giao mặt bằng khu vực hơn 1,8 ngàn ha (khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng) để chủ đầu tư triển khai khởi công xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào năm 2021.
Vì vậy, để đảm bảo tiến độ đã cam kết, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành hữu trách và UBND huyện Long Thành phải căn cứ vào mốc thời gian đã cam kết bàn giao mặt bằng để xác định các công việc cụ thể cần thực hiện. Đặc biệt, đối với việc xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, chủ đầu tư phải có những giải pháp phòng ngừa rủi ro để đảm bảo tiến độ.
“Vừa rồi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh để “trôi” mất một tháng liên quan đến việc đấu thầu, nếu tiếp tục xảy ra tình trạng tương tự là không được. Đơn vị phải có giải pháp phòng ngừa những rủi ro như việc phải đấu thầu đi, đấu thầu lại những gói thầu tư vấn, khảo sát vừa rồi”, ông Vĩnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trần Văn Vĩnh, để tránh các rủi ro phát sinh trong quá trình đấu thầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cần đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực thực hiện cụ thể để lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, phải thường xuyên làm việc với các nhà thầu đang thi công để nắm bắt sớm các rủi ro có thể xảy ra, giải quyết sớm để đảm bảo tiến độ.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và huyện Long Thành sớm tổ chức niêm yết công khai sơ đồ vị trí, ô thửa tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn để người dân nắm bắt. Đối với các hộ dân trong khu vực 1,8 ngàn ha phải di dời trước thì phải xác định rõ sẽ bố trí người dân vào khu vực nào trong khu tái định cư, thời gian người dân có thể bắt đầu làm nhà, các khoản phí đóng góp là bao nhiêu để người dân nắm rõ.
-
Lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 3, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo phương thức PPP -
Chuẩn bị cho giai đoạn 2 dự án Khu công nghiệp Quảng Trị -
Long An xúc tiến đầu tư, thúc đẩy hợp tác với Hàn Quốc -
Hội đồng Thẩm định Nhà nước chính thức thẩm định Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam -
Quảng Nam kiến nghị đưa 11 thủy điện nhỏ vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII -
Nghệ An giao hơn 5.100 m2 đất cho Khu kinh tế Đông Nam -
TP.HCM bố trí 7.568 tỷ đồng giải phóng mặt bằng 2 đoạn đường Vành đai 2
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 15/10 -
2 “Phơi sáng” những khối tài sản “tối” liên quan Trương Mỹ Lan - Bài 1: Phi vụ thâu tóm 1.800 ha đất và “ẵm” 15.000 tỷ đồng trái phiếu -
3 Dân than khổ vì doanh nghiệp siết chặt mua bán vàng -
4 Bình Dương giao đất không qua đấu giá, nguy cơ thất thoát hơn 220 tỷ đồng -
5 EVN lỗ nặng vì mua cao, bán thấp
- SeABank ủng hộ 30 tỷ đồng xóa nhà tạm, nhà dột nát
- 100 doanh nghiệp tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận tại Đồng Nai
- Doanh nhân trẻ tạo dấu ấn trong sản xuất kinh doanh và hoạt động xã hội
- Nhật Bản: Điểm sáng cho nhân sự ngành ICT trong bối cảnh toàn cầu
- GELEX thăng hạng trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2024
- Lợi nhuận TCH tăng mạnh nhờ bàn giao gần 300 sản phẩm