Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Bức tranh tài chính của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài
Nguyễn Lê - 07/10/2023 15:40
 
Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2022 vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội.
.
Đến ngày 1/12/2022, có 43 dự án đầu tư ra nước ngoài có lỗ lũy kế - Ảnh minh họa. 

Năm 2022, có 94 dự án phát sinh doanh thu với tổng doanh thu là 9.688,55 triệu USD, tăng 24,43% so với năm 2021.

Trong đó 67 dự án có lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 569,55 triệu USD (giảm 240,65 triệu USD, tương ứng 29,70% so với năm 2021).

Những con số trên được thể hiện tại báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2022 vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, theo báo cáo của các đơn vị, tính đến ngày 31/12/2022, có 30 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo hình thức trực tiếp đầu tư và đầu tư thông qua các công ty con cấp 1, cấp 2. Trong đó 10 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc Phòng, 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây Dựng.

Các Bộ Công thương, Y tế: mỗi Bộ có 1 doanh nghiệp; UBND TP Hà Nội, TP.HCM mỗi thành phố có 2 doanh nghiệp; UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Đắk Lắk, An Giang: mỗi tỉnh có 1 doanh nghiệp.

Năm 2022, số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện là 61,55 triệu USD tại 14 dự án, chủ yếu tại các dự án của các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); các dự án của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel).

Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và các công ty con đến ngày 31/12/2022 là 6.622,92 triệu USD  (bằng 55,44% số vốn đầu tư đăng ký). Trong đó, PVN có số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện lớn nhất (4.026,93 triệu USD, chiếm 60,80% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài); tiếp theo là Viettel (1.471,90 triệu USD, chiếm 22,22%).

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đứng thứ ba (772,6 triệu USD, chiếm 11,67%). Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của 3 doanh nghiệp này chiếm 94,69% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Báo cáo nêu, các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài tiếp tục duy trì chủ yếu trong các lĩnh vực: dầu khí; viễn thông; trồng, chế biến mủ cao su và các lĩnh vực khác (khai thác khoáng sản; nông nghiệp; xây lắp, thương mại, vận tải hàng không…). Trong đó, lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực viễn thông và lĩnh vực trồng, chế biến mủ cao su với 3 tập đoàn có số đầu tư lớn là các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài lớn nhất. Số vốn đầu tư ra nước ngoài của 3 lĩnh vực này chiếm 96,41% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài.

Năm 2022, số tiền thu hồi là 427,43 triệu USD (trong đó lợi nhuận chuyển về nước là 235,75 triệu USD); chủ yếu là từ các dự án của PVN: 288,75 triệu USD (lợi nhuận chuyển về nước: 121,64 triệu USD, thu hồi khác: 107,12 triệu USD), Viettel: 97,06 triệu USD (lợi nhuận chuyển về nước là 53,18 triệu USD, thu hồi gốc và lãi cho vay từ cho vay cổ đông: 43,88 triệu USD).

Tổng công ty Hàng không Việt Nam 37 triệu USD (thu hồi từ chuyển nhượng vốn: 37 triệu USD), Tổng công ty Hợp tác kinh tế/Quân khu 4: 19,77 triệu USD (là lợi nhuận chuyển về nước), VRG: 27,39 triệu USD (lợi nhuận chuyển về nước là 25,83 triệu USD, thu hồi gốc và lãi cho vay từ cho vay cổ đông: 1,46 triệu USD, thu hồi khác: 0,01 triệu USD), Tập đoàn Điện lực Việt Nam: 5 triệu USD (là lợi nhuận chuyển về nước).

Lũy kế đến ngày 31/12/2022, có 72 dự án đầu tư ra nước ngoài của 16 doanh nghiệp đã phát sinh các khoản thu hồi, với tổng số tiền lũy kế là 4.086,41 triệu USD (trong đó lợi nhuận chuyển về nước là 1.990,69 triệu USD, thu gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông: 883,54 triệu USD, thu hồi khác: 1.212,17 triệu USD), bằng 61,70% tổng số vốn đã đầu tư ra nước ngoài.

PVN có số tiền thu hồi lớn nhất là 2.905,23 triệu USD (chiếm 71,09% tổng số tiền đã thu hồi của khối doanh nghiệp có vốn nhà nước, bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là 1.184,47 triệu USD, thu gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông: 549,12 triệu USD, thu hồi khác: 1.171,63 triệu USD).

Đứng thứ hai là Viettel với 950,43 triệu USD (chiếm 23,26% tổng số tiền đã thu hồi của khối doanh nghiệp có vốn nhà nước, bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là 654,38 triệu USD, thu gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông: 296 triệu USD); số tiền đã thu hồi của 2 doanh nghiệp này chiếm 94,35% tổng số tiền đã thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài của các DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Vẫn theo báo cáo, năm 2022, có 94 dự án phát sinh doanh thu với tổng doanh thu là 9.688,55 triệu USD, tăng 24,43% so với năm 2021. Trong đó 67 dự án có lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 569,55 triệu USD (giảm 240,65 triệu USD, tương ứng 29,70% so với năm 2021). Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 254,74 triệu USD (giảm 30,09 triệu USD, tương ứng giảm 10,56% so với năm 2021).

Chính phủ cho biết, có 29 dự án bị lỗ (giảm 1 dự án so với năm 2021) với tổng số lỗ là 263,40 triệu USD (số lỗ giảm 72,12 triệu USD, giảm 21,50% so với năm 2021).

Đến ngày 31/12/2022, có 43 dự án có lỗ lũy kế (năm 2021 có 44 dự án), với tổng số lỗ lũy kế là 1.441,06 triệu USD (tăng 105,96 triệu USD, tương đương 7,94% so với năm 2021).

Nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài hơn 320 triệu USD
Canada là thị trường nhận được nhiều vốn đầu tư từ doanh nghiệp Việt Nam nhất trong 6 tháng đầu năm 2023, với hơn 150 triệu USD.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư