Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Cà Mau tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Huy Tự - 30/04/2021 11:25
 
Tỉnh Cà Mau tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Du lịch là một trong những ngành được Cà Mau chú trọng phát triển. Trong ảnh: Du khách tham quan vùng Đất Mũi
Du lịch là một trong những ngành được Cà Mau chú trọng phát triển. Trong ảnh: Du khách tham quan vùng Đất Mũi

Phát triển trong trạng thái “bình thường mới”

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã được HĐND tỉnh Cà Mau khóa IX, kỳ họp thứ 15 thông qua tại Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 với mục tiêu xuyên suốt: “Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chú trọng phát triển kinh tế biển; chủ động và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến năm 2021” là chương trình quy mô cấp tỉnh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, với hàng loạt hoạt động, chuỗi sự kiện diễn ra trong suốt cả năm.

Theo đó, Chương trình sẽ có các hoạt động trọng tâm gồm: Cuộc thi chạy Marathon với chủ đề “Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại” Cà Mau 2021 tại huyện Ngọc Hiển; Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc tại huyện Trần Văn Thời; ngày Hội cua Năm Căn gắn với văn hoá ẩm thực Cà Mau diễn ra trong tháng 9, tại thị trấn Năm Căn, Khu du lịch Mũi Cà Mau, huyện Ngọc Hiển và Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Ðúng ngày Quốc khánh 2/9, lần đầu tiên tại Khu du lịch Mũi Cà Mau sẽ tổ chức Lễ thượng cờ - Thống nhất non sông, kết nối với 4 điểm: cột cờ Hà Nội, cột cờ Ðất Mũi Cà Mau, cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) và cột cờ Hiền Lương (Quảng Trị).

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thành và vượt mức các mục tiêu đề ra: tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng khoảng 6,5 - 7%; thu ngân sách 5.478,7 tỷ đồng; chi ngân sách 10.610,1 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 19.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 1,1 tỷ USD; giải quyết việc làm cho 39.300 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất 0,3%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,5%; tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 26,2%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 80%...      

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, ngay từ cuối năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2361/QĐ-UBND, giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đến các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố để tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 5/1/2021 thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 18/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2021.

Từ đầu năm 2021, Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và các địa phương trong nước, gây ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống Covid-19. Theo dõi sát tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, tình huống, chuẩn bị phương án và các biện pháp phù hợp để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả với các cấp độ của dịch, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Các sở, ban, ngành và địa phương đề cao tinh thần, trách nhiệm, nêu cao quyết tâm, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, công việc được giao, đặc biệt là những nhiệm vụ tại Kế hoạch số 01/KH-UBND của UBND tỉnh, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ và vận dụng vào điều kiện thực tế của địa phương.

Trong quý I vừa qua, kinh tế - xã hội của Cà Mau đã có nhiều khởi sắc. Với mũi nhọn kinh tế là ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản, quý I tổng sản lượng thủy sản của Cà Mau ước đạt 150.500 tấn, tăng 2,7% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng tôm ước đạt 52.500 tấn, tăng 7,3% so cùng kỳ. Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến là 158.019,3 ha, tăng 9,4% so cùng kỳ. Riêng việc nuôi cua đặc sản tuy có ảnh hưởng dịch bệnh nhưng đã có tín hiệu hồi phục mạnh sau khi có khuyến cáo tích cực và hiệu quả của ngành chức năng đối với vùng nuôi.

Mặc dù chịu tác động của dịch bệnh và hạ tầng chưa đồng bộ, nhưng việc chuẩn bị hàng hoá của tỉnh đã đảm bảo cung - cầu cho thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 19.789 tỷ đồng, bằng 28,6% kế hoạch, tăng 6,6% so với cùng kỳ, xuất khẩu quý I/2021 tăng so với cùng kỳ do tận dụng những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… nên kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang một số thị trường châu Âu tăng 154,8%, Canada tăng 14,7%, Thụy Sỹ tăng 568,6%, Australia tăng 40,9%...

Đến ngày 17/3/2021, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2021  của Cà Mau đạt 228,3 tỷ đồng, bằng 7,6% kế hoạch vốn đã giao (3.001,6 tỷ đồng). Cũng trong quý I, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tăng so cùng kỳ. Theo đó, lũy kế từ đầu năm đến ngày 23/3/2021, Sở kế hoạch và Đầu tư Cà Mau cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 108 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 500,2 tỷ đồng (tăng 4% về số lượng doanh nghiệp và tăng 61% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ).

Số dự án đầu tư mới tuy ít hơn, nhưng tổng vốn đầu tư cao hơn so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến ngày 21/3/2021, Cà Mau thu hút 3 dự án mới, với tổng vốn 2.009,8 tỷ đồng (trong đó, có 1 dự án đầu tư mới thuộc khu công nghiệp với tổng vốn 12 tỷ đồng).

Hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, thời gian tới, Cà Mau tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khác, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển ngành với quy hoạch tổng thể.

Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao. Tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng các mặt hàng chủ lực của tỉnh.

Hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư, hợp tác, liên kết sản xuất. Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và tận dụng ưu đãi, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu; kết nối, mở rộng thị trường, đối tác qua các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử lớn và các mạng phân phối nước ngoài. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường nội địa.

Cà Mau cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh thu hút, mời gọi đầu tư vào các dự án động lực như cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, đầu tư hạ tầng khu phi thuế quan Khu kinh tế Năm Căn, đầu tư hạ tầng Trung tâm Tài chính - Thương mại Khu kinh tế Năm Căn, dự án Khu du lịch Mũi Cà Mau và ưu tiên xúc tiến đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng yêu cầu nhập khẩu vào thị trường EU theo Hiệp định EVFTA. Cùng với đó, Cà Mau đã và đang quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Khánh An, Hòa Trung và Khu kinh tế Năm Căn, đồng thời đang trình Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập Khu công nghiệp Sông Đốc…

Đầu năm nay, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau ra mắt Sàn thương mại điện tử và không gian khởi nghiệp tỉnh Cà Mau, trọng tâm là chuyển đổi số nhằm giúp chính quyền thay đổi cách tiếp cận và kết nối giữa Nhà nước với người dân, doanh nghiệp, rút ngắn thời gian, giảm chi phí, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, của khách hàng với sản phẩm, dịch vụ hiện có. Thực chất, đây chính là thay đổi mô hình hoạt động, qua đó tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có giá trị khác biệt cao, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số ở Cà Mau sẽ chiếm 10% GRDP; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Tháng 3 vừa qua, tỉnh đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến du lịch Cà Mau 2021, trong đó có Tọa đàm Giải pháp kết nối, kích cầu thúc đẩy du lịch Cà Mau. Lãnh đạo tỉnh cho biết, bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, Cà Mau ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông để tăng khả năng tiếp cận tài nguyên du lịch của vùng Đất Mũi. Trong tháng 4, tỉnh tổ chức Lễ hội Tri ân Quốc tổ tại Ðền Hùng (huyện Thới Bình); tổ chức Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ với chủ đề Sắc màu phương Nam, tại trung tâm TP. Cà Mau; tổ chức sự kiện Hương rừng U Minh - khám phá U Minh huyền ảo tại huyện U Minh…

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh quyết tâm đổi mới, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; phát triển kinh tế biển, hướng biển; huy động nguồn lực để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và xanh; nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch, bảo tồn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường; đưa khoa học, kỹ thuật, công nghệ để gia tăng năng suất và chuỗi giá trị; tái cơ cấu nông nghiệp để lấy dân sinh và dân an làm nền tảng phát triển bền vững…

Thực hiện quyết tâm này, chính quyền tỉnh sẽ lấy cải cách hành chính và chất lượng quản lý điều hành làm trung tâm; tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển y tế, giáo dục, dạy nghề. Chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời đẩy mạnh kết nối với Trung ương, huy động các nhà đầu tư lớn để tạo đột phá hạ tầng, gia tăng ngân sách tạo nguồn lực mới cho địa phương trong đầu tư phát triển.

LOTTE Mart Global chung tay cải thiện nguồn nước tỉnh Cà Mau
Mới đây, LOTTE Mart Global đã ký kết hợp tác với Save the Children nhằm tiếp tục triển khai dự án "Cải thiện nguồn nước tại tỉnh Cà Mau".
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư