Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 23 tháng 01 năm 2025,
Các trường đại học ồ ạt mở thêm ngành mới
Mộc An - 16/01/2022 09:30
 
Nếu không có cơ chế giám sát và kiểm định tốt, rất nhiều trường sẽ mở ngành nghề mới mà không đủ chất lượng, dẫn đến nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, gây lãng phí.
Nhiều ngành học mới của các trường ĐH gắn với xu hướng nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhiều ngành học mới của các trường ĐH gắn với xu hướng nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nguồn CAND

Thông tin tuyển sinh 2022 của các trường đại học cho thấy, trong kỳ tuyển sinh này, nhiều ngành mới được mở.

Đại diện Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho biết, năm 2022, Trường dự kiến mở một số ngành mới, chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội như công nghệ điện tử và tin học (ngành thử nghiệm), kỹ thuật máy tính, quản lý tài nguyên và môi trường.

Trong kỳ tuyển sinh năm nay, Trường đại học Hoa Sen mở thêm một số ngành học hướng tới thị trường lao động ứng dụng công nghệ số như thương mại điện tử, Digital Marketing, phim, quan hệ công chúng, kinh tế thể thao, trí tuệ nhân tạo. Còn Trường đại học Nguyễn Tất Thành dự kiến tuyển sinh thêm 2 ngành mới là giáo dục mầm non và quản lý bệnh viện, nâng tổng số chương trình đào tạo của trường lên con số 50.

Trong khi đó, Trường đại học Công nghệ TP.HCM có thêm 9 ngành mới là kinh tế quốc tế, tài chính quốc tế, Digital Marketing, quản trị sự kiện, dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, quản lý tài nguyên và môi trường, chăn nuôi, nghệ thuật số và công nghệ điện ảnh, truyền hình.

Trường đại học Gia Định cho ra mắt chương trình đào tạo tài năng với 5 ngành học là quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin, Marketing và kinh doanh quốc tế. Trường cũng mở thêm 5 ngành mới là thương mại điện tử, quan hệ công chúng, bất động sản, quản trị nhà hàng và ăn uống, quản trị du lịch và lữ hành.

Thông tin từ Trường đại học Bách khoa TP.HCM, Trường sẽ mở thêm ngành kỹ thuật vật liệu chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, để phục vụ chiến lược phát triển ngành vật liệu hiện đại, tiên tiến, chuẩn mực quốc tế của đất nước...

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, việc ồ ạt mở thêm các ngành mới của các trường đại học là nhu cầu tất yếu của xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra lo ngại liệu chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất của các trường có đáp ứng khi ngành mới mọc ra như “nấm sau mưa”.

Theo ông Lê Văn Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, nếu các trường ồ ạt mở ngành mới, sau một thời gian, thị trường nhân lực sẽ bị bão hòa. Đây là điều cần phải tính đến, tính sớm, vì sẽ ảnh hưởng đến không chỉ nhà trường, mà cả người học, gây hậu quả lâu dài.

Còn theo PGS-TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, muốn đảm bảo chất lượng sau khi mở ngành, vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan trọng. “Ngoài việc căn cứ vào báo cáo của các trường, Bộ phải chủ động kiểm tra, kiểm soát các điều kiện mà trường đưa ra xem có đúng thực chất hay không”, ông Nhĩ để xuất.

Để việc mở ngành mới không chỉ nhằm tạo ra lợi thế tuyển sinh, mà thực sự đáp ứng yêu cầu xã hội, TS. Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục - đào tạo của Chính phủ cho rằng, công tác này cần phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải giám sát chặt chẽ những ngành mới ở các đơn vị đào tạo, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học.

Năm 2022, nhiều trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi riêng để tuyển sinh
Năm 2022, nhiều trường đại học cho biết sẽ mở rộng việc sử dụng kết quả của các kỳ thi riêng, giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư